Home / Chia Sẻ / CHỮ HIẾU TRONG KINH THÁNH

CHỮ HIẾU TRONG KINH THÁNH

 

Nhân Lễ kính Thánh Gia năm nay (2013), một lần nữa, chúng ta được suy niệm Lời Chúa về chủ đề gia đình. Một chủ đề gần gũi,  thân thiết, quan trọng nhất đối với việc xây dựng xã hội. Vì nếu muốn xây dựng một xã hội tốt, thì phải xây dựng con người tốt. Vì vậy, sứ mạng của Giáo Hội Công Gíao cũng không nhỏ trong việc giáo dục người tín hữu bằng giáo huấn của Lời Chúa, tức Kinh Thánh. Từ đó, Giáo Hội mở ra một chủ đề: Tân Phúc Âm Hóa: có nghĩa là làm mới lại việc loan báo Tin Mừng bằng Phúc Âm, một khí cụ hữu hiệu để xây dựng một giáo hội tốt đẹp theo đường lối Phúc Âm, để từ đó xây dựng một xã hội lành mạnh, thánh thiện. Muốn vậy, trước tiên phải xây dựng “mỗi gia đình” đạo đức, vì như người ta biết: Gia đình là tế bào của xã hội, tế bào lành mạnh, thì thân thể mới lành mạnh được. Dù thuận hay nghịch thì đây là chân lý không thể phủ nhận.

Vậy Kinh Thánh là gì? Thưa, đó là dòng chảy lịch sử bắt nguồn từ Thiên Chúa, và sự hiện hữu của Ngài trong dòng lịch sử đó.

Từ khởi nguyên, Thiên Chúa đã tạo dựng gia đình, tức tạo dựng loài người. Nhưng Thiên Chúa không tạo dựng loài người như những quần thể, mà Thiên Chúa tạo dựng nên loài người bằng những cá thể độc lập, để từ đó trách nhiệm làm người của từng cá thể góp phần làm nên xã hội nhân loại. Vì vậy, theo đó, xã hội loài người cần có hướng dẫn, có định hướng, tức giáo dục.

Nhưng giáo dục phải có nguyên lý, mà nguyên lý không gì khác hơn là Thiên Chúa, bắt nguồn từ Thiên Chúa. Vì con người không thể được giáo dục bởi con người, mà phải được giáo dục bởi Thiên Chúa, Đấng là nguyên lý. Vì một vị thầy không phải tự người đó làm thầy được, mà phải trải qua quá trình hấp thụ từ những điều tốt đẹp, từ những tinh hoa nhân bản. Vì tất cả những tri thức của nhân loại không phải bắt nguồn từ nhân loại, tất cả những luận điệu, những chủ trương, những chủ nghĩa, những học thuyết không tuyệt đối là những biện pháp giáo dục hoàn toàn đúng.

Từ những chủ nghĩa khác nhau, có sự đối lập, dẫn đến những xung đột trong xã hội, cũng vì người ta không biết đón nhận Thiên Chúa. Từ nguyên lý gia đình và xã hội, người ta nghĩ ra những học thuyết đối lập như chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa xã hội v.v… Người ta cũng sao chép những ý tưởng của Tin Mừng, Phúc Âm và cắt xén, bào dũa, gọt đẽo, để cho ra đời những chủ nghĩa bất hợp lý, què quặt, làm cho xã hội loài người phải khốn đốn. Nhưng trên hết và trong hết chính là Lời giáo huấn của Thiên Chúa về chữ “HIẾU”, vâng, chỉ có chữ hiếu thật sự mới xây dựng được chủ nghĩa con người. Vì con người không thể chỉ được giáo dục theo bản năng phàm tính đơn thuần mà thôi, mà còn phải được giáo dục theo Thiên tính nữa. Điều đó có nghĩa là con người phải được xây dựng, giáo dục theo Kinh Thánh, là Lời của Thiên Chúa phán dạy qua thời gian và Phúc Âm là Chính LỜI của Thiên Chúa đã trở nên phàm nhân.

Nên chi, việc mời gọi nên thánh qua môi trường gia đình thật là cần thiết, việc phổ biến chương trình Tân Phúc Âm Hóa cho gia đình năm 2014 của Giáo Hội là một nhu cầu cấp bách, là sự soi sáng của Thánh Thần, Đấng thúc đẩy mọi công cuộc nên Thánh. Nhưng, cốt lõi của việc Tân Phúc Âm Hóa gia đình là gì ? Nếu như không phải là chữ “HIẾU”, vâng chữ hiếu rất quan trọng trong đời sống gia đình, vì có một gia đình biết xây dựng chữ hiếu, thì mới có một xã hội lành mạnh. Nhưng xây dựng chữ “HIẾU” như thế nào, nếu như không căn cứ vào Kinh Thánh?

Kính thưa quý vị, khởi đầu chương trình về đề tài gia đình, chúng ta được bắt đầu bởi Lễ Kính Thánh Gia 2013, khởi đi từ bài đọc I của Lễ Thánh Gia (Hc 3, 3-7. 14-17a) Sách Huấn Ca ngày xưa được gọi là Huấn Đạo. Có thể nói là cuốn sách trong Kinh Thánh Cựu Ước nói về nhân bản là rường cột của gia đình. Trong đó đề cao vai trò chữ “HIẾU” là bổn phận con cái trong gia đình. Thiên Chúa suy tôn người cha trong con cái, quyền lợi người mẹ, Ngài củng cố trên đàn con. (Hc 3, 3). Điều đó có nghĩa là: sự kính trọng cha mẹ là điều mà Thiên Chúa hoạch định cho con cái phải thực thi. Bổn phận, trọng trách và phần thưởng làm cha mẹ chính là ở nơi hiếu thuận (chữ HIẾU) của con cái. Thiên Chúa đề cao vai trò gia trưởng của gia đình, đó là cha me. Vì vậy, có thể nói Thiên Chúa trao cho cha mẹ tất cả những gì mà con cái cần có, kể cả giá trị vật chất và tinh thần. Như vậy, chúng ta thấy thật cần thiết biết bao khi phải thực thi chữ Hiếu đối với cha mẹ. Nếu ngược lại, chúng ta thấy hậu quả của gia đình sẽ bị xáo trộn, và con cái sẽ lãnh lấy hậu quả.

Nếu được như vậy, thì người làm con, hay nói cách khác, con cái phải được giáo dục bởi Kinh Thánh, thì họ mới biết được đường lối của Thiên Chúa. Còn nếu như con cái không hiểu được sự giáo huấn ấy, thì họ cũng đối xử với cha mẹ bằng một chữ “Hiếu” khác. Mặc nhiên như đã nói, có nhiều cách để thực thi chữ Hiếu đối với cha mẹ, nhưng cách tốt nhất là thực thi chữ “HIẾU “ trong Kinh Thánh, vì đây là đường lối từ Thiên Chúa, nên chi, đối với những người là Kitô hữu, thì phải thực thi. Nhưng vấn đề quan trọng là gì? Làm thế nào để Lời Chúa trong Kinh Thánh, nhất là Cựu Ước được bén rễ trong tâm thức của người tín hữu trẻ. Vì thường Lời Chúa trong các bài đọc và Phúc Âm chỉ được nói cho qua, mười lăm phút giảng Phúc Âm trong một tuần lễ, thì không đủ để Lời Kinh Thánh bén rễ và nẩy mầm trong tâm hồn con cái được. Như vậy, thì Lời Chúa vô hình trung sẽ không trở nên có hiệu quả cho con người. Mong Thay!

29/12/2013

P.Trần Đình Phan Tiến

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …