Home / Chia Sẻ / CHỦ CHĂN & CON CHIÊN

CHỦ CHĂN & CON CHIÊN

CHỦ CHĂN & CON CHIÊNViệt ngữ rất độc đáo: Chủ Chăn và Con Chiên. Bốn mẫu tự C đơn giản mà phức tạp. Chủ chăn là mục tử. Mục tử là người chăn đàn súc vật, nếu nhỏ tuổi thì gọi là mục đồng. Ở Do Thái, mục tử chăn chiên và cừu; ở Việt Nam, mục tử chăn trâu, bò, dê,… Chúa Giêsu dùng hình ảnh cụ thể để ai cũng có thể hiểu khi Ngài đề cập mục tử tâm linh.

Không thể tách rời mối liên quan đàn chiên và chủ chiên. Chắc chắn rằng mục tử phải có đàn súc vật – chiên, dê, trâu, bò, ngựa,… nếu không thì không là mục tử. Tương tự, đàn súc vật phải có người chăn, nếu không thì chúng phá phách, tranh chấp hoặc lạc nhau. Chủ chiên phải làm cho đàn chiên sống bình yên, không thể bỏ bê, mặc kệ, bất cần, vô trách nhiệm,… Nếu vậy, đó chỉ là kẻ chăn thuê mà thôi.

Là tín nhân, ai cũng biết gương sáng mục tử là Thánh Gioan M. Vianney. Ngài quá đặc biệt về mọi phương diện, khỏi phải bàn. Còn có nhiều gương sáng mục tử khác mà ít người biết, chẳng hạn Thánh Phêrô Tarentaise (1102-1175, lễ ngày 8 tháng 5). Ngài là viện trưởng dòng Xitô, được bổ nhiệm làm TGM GP Tarentaise năm 1142, thay thế giám mục bị cách chức vì thoái hóa. Ngài nhiệt tâm làm nhiệm vụ, cải cách giáo phận, thay thế các giáo sĩ buông thả, và đến với dân nghèo. Ngài thường xuyên đến các vùng sơn cước trong giáo phận. Hiếm có người dám thẳng thắn và nhiệt huyết như vậy.

Sau khoảng 10 năm làm giám mục, ngài “biến mất” một năm và sống ẩn dật tại một tu viện ở Thụy Sĩ. Ngài bị phát hiện và lại phải trở về làm giám mục. Ngài rất quan tâm người nghèo. Giáo hoàng đã phái ngài đi giải hòa với vua nước Pháp và nước Anh nhưng không thành công, rồi ngài qua đời trên đường trở về tòa giám mục.

Tín hữu được gọi là con chiên, không gọi là con cừu. Con chiên là con còn nhỏ, con cừu là con đã lớn. Danh từ “con chiên” là danh từ nhà đạo, không hiểu theo nghĩa đen mà theo nghĩa bóng, và có ý nói là “ngoan đạo,” đôi khi cũng hiểu theo nghĩa tiêu cực là “vâng lời mù quáng.” Anh ngữ có danh từ SHEEPLE /SHēpəl/ được sử dụng từ năm 1945. Chữ Sheeple được ghép bởi chữ Sheep (chiên, cừu) và People (người), ý nói người nhút nhát, nhẹ dạ cả tin, dễ bị dụ, bị lừa.

Chủ PHẢI biết tính vật nuôi, dù vật nuôi biết chủ mà KHÔNG hiểu ý chủ. Đó là nói về vật nuôi, còn về nghĩa bóng cũng tương tự, dù có khác một chút. Mục tử và đàn chiên đều là con người, mà con người thì rất phức tạp và đa dạng. Người Việt so sánh: “Rau nào sâu nấy” hoặc “thầy nào trò nấy.” Dù ít hay nhiều cũng có ảnh hưởng lẫn nhau với mức độ nhất định.

Môi trường sống mỗi nơi mỗi khác, người ta phải thích nghi để hài hòa cuộc sống: “Ở đâu âu đấy.” Sự ảnh hưởng là sự tác động thay đổi bởi người khác đối với cách suy nghĩ, hành động, lối sống, phong cách,… thậm chí cả tính khí. Sự ảnh hưởng là một dạng áp lực – có thể tốt hoặc xấu. Áp lực đồng đẳng là động thái của chúng ta thay đổi bởi bạn bè. Người ta ảnh hưởng nhiều thứ: Văn hóa, xã hội, chính trị, tôn giáo, môi trường, kiến thức,… Sự ảnh hưởng có thể do ý thức hoặc vô thức, thậm chí nó có thể dần dần hình thành tính cách của một con người.

Thánh TS Thomas Aquino xác định: “Đức tin cần có cả trí tuệ và ý chí.” Tin như vậy mới là sáng suốt, không mù quáng, và cũng có nghĩa là chịu ảnh hưởng một cách đúng đắn chứ không hùa theo hoặc miễn cưỡng. Thần học gia kiêm triết gia Albert Schweitzer nói: “Gương mẫu không phải là điều chính yếu gây ảnh hưởng lên người khác, mà nó là điều duy nhất.” Còn thần học gia kiêm triết gia William James nói: “Chính thái độ của chúng ta khi bắt đầu một việc khó khăn sẽ ảnh hưởng kết quả thành công nhiều hơn bất cứ điều gì khác.”

Ai cũng có quyền tự chọn của mỗi người, và tất nhiên có hệ lụy tất yếu – tốt hoặc xấu. Thiên Chúa không ép buộc ai, nhưng “ai ĐÃ CÓ thì ĐƯỢC CHO THÊM và sẽ CÓ DƯ THỪA; còn ai KHÔNG CÓ thì ngay CÁI ĐANG CÓ cũng sẽ BỊ LẤY ĐI.” (Mt 25:29) Cuộc sống thật đáng sợ với lòng ghen tức: Giàu có thì bị ngó, nghèo khó thì bị khinh, thông minh thì bị đì, ngu si thì bị triệt. Chỉ có người giỏi mới công nhận tài năng của người khác. Chúa Giêsu đã có những lúc phải bỏ đi nơi khác vì người ta không chấp nhận Ngài và tìm cách hại Ngài. Mệt mỏi thật!

Khi người ta không thích mình thì cứ tránh xa kẻo họ “ngứa mắt,” chứ họ chẳng có gì mà phải sợ. Không thèm cãi với người thích cãi không phải là thua, mà là chứng tỏ mình không hèn như họ. Đó cũng là cách tránh dịp tội cho cả đôi bên. Họ đáng khinh và đáng trách, nhưng đó là quyền tự chọn của họ. Cuộc sống có chuỗi hệ lụy: “Gieo hành vi thì gặt thói quen, gieo thói quen thì gặt tính cách, gieo tính cách thì gặt số phận.” (Tiểu thuyết gia William Makepeace Thackeray)

Chúa Giêsu là Mục Tử Nhân Lành, Chủ Chiên đích thực, (Ga 10:11) và cũng là Cửa Chuồng Chiên. (Ga 10:7-9) Ngài luôn quan tâm đàn chiên. Chúa Giêsu là Người Chăn Chiên đích thực nên nặng “mùi chiên.” Nghề gì có mùi đó. Mùi hôi tanh có giá trị hơn mùi thơm tho. Việt ngữ nói là “mồ hôi” thật chí lý. Chính cái mùi khó ngửi đó chứng tỏ công lao vất vả của cha mẹ vì con cái, các mối quan hệ khác cũng vậy. Mấy bà bán cá “vương” mùi tanh, mấy người chăn heo có mùi heo. Sự ảnh hưởng rất tự nhiên, không thể không có.

“Mùi chiên” có nghĩa bóng. Tại Việt Nam, đa số chiên là dân nghèo, tại sao chủ chiên không có “mùi nghèo” của chiên? Chủ chiên có “mùi” của chiên béo thì chủ chiên đó có “lạ” gì và đáng quý hay không? Chúa Giêsu xác định: “Chiên của tôi thì NGHE tiếng tôi, tôi BIẾT chúng và chúng THEO tôi. Tôi ban cho chúng sự sống đời đời, không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi. Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha. Tôi và Chúa Cha là một.” (Ga 10:27-30) Ba động từ rất rõ ràng: Nghe, Biết, Theo.

“Mùi chiên” phải là mùi thật, mùi tự nhiên, không thể là mùi nhân tạo. Người ta có thể chế biến đủ loại hương liệu để tạo mùi giả, “mùi chiên” cũng vậy thôi. Chiên cũng đa dạng, lắm kiểu, nhiều loại: mập – ốm, cao – thấp, trắng – đen, sang – hèn, giàu – nghèo,… Chiên hay chủ cũng đều có vấn đề riêng.

Có những con chiên “ốm yếu” hoặc “ghẻ lở” thì “hôi hám” lắm, không dám đi bên những con chiên “béo tốt” hoặc “mượt mà” bộ lông trắng thơm tho. Giữa bầy chiên “đẹp” vẫn có con chiên “xấu” lạc loài chứ chẳng đi lạc đâu xa!

Ngày xưa tông đồ Giuđa Iscariot đã dùng biểu tượng yêu thương là “nụ hôn” để nộp Thầy Giêsu, ngày nay cũng có những người dùng “nụ hôn” hoặc những kiểu tương tự để “qua mặt” tất cả. Câu nói của cố TT Nguyễn Văn Thiệu vẫn đúng trong mọi trường hợp: “Đừng NGHE mà phải NHÌN cho rõ!” Chính Chúa Giêsu cũng đã nói rồi: “Anh em phải cẩn thận, phải coi chừng men Pharisêu, men Sađốc, và men Hêrôđê.” (Mt 16:6; Mc 16:15) Những kẻ chăn thuê lẻo mép khéo nịnh bợ lắm, đừng nhẹ dạ cả tin kẻo “chết” không kịp ngáp!

Lạy Chúa, xin cho chúng con kết hợp với Ngài và nên một tinh thần với Ngài. (x. 1 Cr 6:7) Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …