Hôm nay là lần thứ năm, Phụng vụ Lời Chúa hướng chúng ta về một đề tài duy nhất, đó là: Bánh hằng sống. Thánh Gioan ghi lại diễn từ “Bánh hằng sống” như một cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và người Do Thái. Thực ra, đây là một khảo luận, một bài giáo lý về Bí tích Thánh thể được sử dụng thời Giáo Hội sơ khai. Thánh Gioan và cộng đoàn tín hữu thời bấy giờ đã tổng hợp các lời giảng dạy của Chúa Giêsu về đề tài Bánh hằng sống để chứng minh sự hiện diện của Người trong Bí tích này. Đây cũng là giải thích của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi với những người Do Thái về Bí tích Thánh Thể.
Bài Tin Mừng hôm nay là phần kết thúc của diễn từ về Bánh hằng sống. Xem ra đây không phải là một cái kết tích cực. Bởi lẽ, khi nghe Chúa Giêsu khẳng định bánh Người sẽ ban là Thịt của Người, thì ngay một số môn đệ cũng cho điều đó là khó nghe và khó tin. Kết quả là một số trong họ đã bỏ Chúa.
Tuy vậy, cái kết của câu chuyện không hoàn toàn bi quan bế tắc. Chúa đặt câu hỏi với các môn đệ: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?” Ai trong chúng ta nghe câu hỏi này mà không thấy nặng trĩu trong lòng. May mắn thay, Phêrô đã trả lời “Thưa Thày, bỏ Thày thì chúng con biết đến với ai? Thày mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng Thày là Đấng Thánh của Thiên Chúa.” Lời nói của Phêrô là một lời tuyên xưng Đức tin. Đó cũng là lời thề hứa trung thành. Trong Phúc âm, Phêrô thường xuất hiện và phát ngôn vào thời điểm tế nhị khó khăn. Đó là lúc Chúa Giêsu đặt câu hỏi với các môn đệ về bản thân Người (x Mt 16, 13-20). Sau này, trong bầu khí nặng nề buồn thảm của bữa tiệc ly, Phêrô khẳng khái tuyên bố: “Lạy Chúa, dầu có phải vào tù hay phải chết với Chúa đi nữa, con cũng sẵn sàng!” (Lc 22,34). Lời phát ngôn của ông cũng là lời nói đại diện cho những môn đệ trung thành, đồng thời diễn tả niềm xác tín.
Tin là chọn lựa. Đức tin không phải là hùa theo đám đông một cách mù quáng. Đức tin cũng không phải là một thứ mốt thời trang. Đức tin là gặp gỡ Chúa và kết quả của cuộc gặp gỡ ấy là chọn lựa Ngài, đồng thời trung thành với sự chọn lựa ấy.
Dân Do Thái đã trải qua bốn mươi năm hành trình sa mạc và đã định cư ở đất hứa. Thế hệ định cư là những người không được chứng kiến những phép lạ Thiên Chúa đã làm khi dẫn đưa dân ra khỏi Ai Cập. Những người này bị cám dỗ theo những thói tục và thần linh của dân bản địa. Tại Sikhem, ông Giôsuê, người kế vị ông Môisen để đưa dân Israen vào Đất hứa, đã triệu tập và kêu gọi một cuộc thanh tẩy toàn dân, để dứt bỏ quá khứ, bước sang một trang sử mới. Vị thủ lãnh mời gọi dân hãy chọn lựa Chúa và sống theo giới luật Ngài đã truyền ban cho các bậc tổ tiên. Lời tuyên xưng của dân chúng thật mạnh mẽ quyết liệt, thể hiện sự gắn bó trung thành với Đấng đã cứu họ khỏi Ai Cập và dẫn đưa họ vào Đất hứa.
Đức tin đi đôi với lòng trung thành. Không phải vô cớ mà Phụng vụ cho chúng ta nghe thư của Thánh Phaolô Tông đồ gửi giáo dân Êphêsô, đoạn nói về bổn phận vợ chồng trong gia đình. Thánh nhân đã kết thúc bằng câu: “Mầu nhiệm này thật là cao cả. Tôi muốn nói về Đức Kitô và Giáo Hội.” Ngay từ thời Giáo Hội sơ khai, hình ảnh hôn nhân đã được dùng để so sánh với mối liên kết giữa Chúa Giêsu và Giáo Hội của Người. Không có Chúa Giêsu, Giáo Hội sẽ chỉ còn như một tổ chức xã hội. Chúa Giêsu là đầu của Giáo Hội. Người yêu thương Giáo Hội và đổ máu vì Giáo Hội. Lòng trung thành cần thiết và làm nên vẻ đẹp của cuộc sống vợ chồng thế nào, thì lòng trung thành của người tín hữu với Chúa cũng làm nên vẻ đẹp của Giáo Hội như vậy. Thánh Phêrô đã có lúc băn khoăn về việc đi theo Chúa Giêsu, nên ông đã hỏi: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy. Vậy chúng con sẽ được gì?” Đức Giêsu đáp: “Thầy bảo thật anh em: anh em là những người đã theo Thầy, thì đến thời tái sinh, khi Con Người ngự tòa vinh hiển, anh em cũng sẽ được ngự trên mười hai tòa mà xét xử mười hai chi tộc Ít-ra-en. Và phàm ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất, vì danh Thầy, thì sẽ được gấp bội và còn được sự sống vĩnh cửu làm gia nghiệp (Mt 19,27-29). Để tiến tới lời tuyên xưng trung thành, Phêrô đã chọn lựa, đã suy tư và đã đem cả cuộc đời mình để “đặt cược” cho tương lai của mình.
Thánh Thể là mối dây liên kết các tín hữu và là biểu tượng của tình hiệp thông trong Giáo Hội. Tuy vậy, trong lịch sử, do sự ích kỷ của con người, nên đã có những ý kiến bất đồng về Thánh Thể và làm cho Bí tích này trở nên một trong những nguyên nhân gây chia rẽ nghiêm trọng giữa các Kitô hữu. Phải chăng vấn đề bất đồng ý kiến này đã có từ thời ban đầu do việc có những người khước từ giáo huấn của Chúa Giêsu về Bánh hằng sống? Trong thực tế, vẫn còn đó những người tin và những người không tin vào sự hiện diện đích thực của Chúa Giêsu nơi Bí tích này.
Năm 1996, nhân dịp kỷ niệm 1500 năm vua Clovis của nước Pháp được rửa tội, thánh Gioan Phaolô II Giáo Hoàng đã đến Pháp để chủ sự thánh lễ tạ ơn. Trước hằng triệu người tham dự, vị Giáo Hoàng người Balan đã hỏi: “Hỡi nước Pháp, ái nữ của Giáo Hội, ngươi có trung thành với lời hứa của bí tích Thanh tẩy không?” Tiếng thưa “Có” vang dậy đã làm nên một hình ảnh sống động về Giáo Hội luôn trung thành chọn lựa Đức Giêsu Kitô.
Có thể vào những lúc đen tối của cuộc đời, Chúa hỏi chúng ta: “Con có muốn bỏ Thầy mà đi không?” Xin cho chúng ta có đủ can đảm để thưa như thánh Phêrô: “Bỏ Thày thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời.” Được như vậy thì thật hạnh phúc cho chúng ta.
TGM Giuse Vũ Văn Thiên