Home / Chia Sẻ / CHỐN CỰC LẠC NGỌT NGÀO

CHỐN CỰC LẠC NGỌT NGÀO

CHÚA NHẬT 18 THƯỜNG NIÊN, CHÚA HIỂN DUNGNĂM A

JESUS, SWEET PARADISE

“Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm!”.

Paul Verlaine viết, “Lạy Chúa, có Chúa, mọi sự đều được sắp đặt lại. Ngài đem đến gian lao và cũng chính Ngài cất đi mọi nguy khốn. Ngài trừng phạt con bằng bao cực hình tột độ. Nhưng con được bình an, vì Ngài đã kịp thời chìa cho con cây sào thật đúng lúc để cứu con khỏi dòng nước cuốn. Ôi có Ngài, thiên đàng của con! Với Ngài, con không còn đớn hèn bạc nhược vốn chỉ biết say sưa với khoái lạc, kiêu ngạo và dâm ô. Ôi, ngọt ngào! Chốn cực lạc giúp con hoàn thành những dự án giá trị và khả thi trong đời!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Như Paul Verlaine, ba môn đệ trên núi Taborê xem ra cũng được Chúa Giêsu chìa cho cây sào thật đúng lúc khi lòng họ đang hoang mang vì những gì Ngài nói về cuộc thương khó sắp tới. Phêrô, Giacôbê và Gioan hạnh phúc tột độ khi Ngài biến hình sáng láng trước họ, một phép lạ chưa từng thấy! Với họ, Taborê, một ‘chốn cực lạc ngọt ngào!’.

Vậy mà việc Chúa Giêsu Biến Hình trên núi Giáo Hội mừng kính Chúa Nhật hôm nay vẫn không phải là một phép lạ! Sẽ rất bất ngờ khi chúng ta nói như thế. Tại sao? Vì đã là một phép lạ thực sự, một phép lạ ‘kéo dài thường xuyên’ khi Chúa Giêsu ‘duy trì’ một sự xuất hiện trong dáng vẻ bình thường trên những nẻo đường trong quãng đời dương thế của Ngài! Qua đó, các môn đệ và những người Do Thái cùng thời đã chiêm ngắm thiên đàng. Phải, Giêsu là thiên đàng!

Kỳ diệu thay! Trên những nẻo đường Palestina, những con đường mòn triền đồi đầy đá và những thung lũng lặng lẽ của Đất Thánh, khuôn mặt của Chúa Giêsu ‘không bừng sáng’ như mặt trời. Sự bình thường của Ngài ‘kín kẽ’ bền vững, ‘che khuất’ thường xuyên sự rạng rỡ thiêng liêng thật của Ngài. Đó là phép lạ của sự khiêm nhường, của sự hạ mình với ơn gọi nhập thể, ngôn sứ, chịu đau khổ và chết đi cho nhân loại. Và này, Ngài sẽ lên trời, lên ‘chốn cực lạc ngọt ngào’, kéo theo cả nhân loại mà Ngài đến để cứu lấy.

Bài đọc Đaniel hôm nay tiên báo chốn thiên thai ngọt ngào ấy, nơi mà toà cao cả của Thiên Chúa uy nghi huy hoàng. Vị Bô Lão là hình ảnh Chúa Cha, “Tôi thấy như Con Người đến trong mây trên trời, và người ta dẫn Ngài đến trước mặt vị Bô Lão”. Thánh Vịnh đáp ca cũng reo lên, “Chúa là Vua Hiển Trị, là Đấng cao cả trên khắp địa cầu!”.

Trong bài đọc thứ hai, Phêrô xác tín những gì ngài đã chứng kiến trên núi Taborê ngày ấy; Đức Giêsu Kitô mà Phêrô và các tông đồ rao giảng không phải là chuyện hoang đường, nhưng là một Thiên Chúa làm người hiển vinh, “Chúng tôi đã được chứng kiến nhãn tiền sự uy nghi của Ngài”. Và Phêrô quả quyết đã nghe tiếng Chúa Cha trên núi ấy.

Anh Chị em,

“Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm!”. Sự kiện Chúa Biến Hình mang đến cho chúng ta một thông điệp hy vọng; mời gọi chúng ta ước ao gặp gỡ Chúa Giêsu, ở lại với Chúa Giêsu, hướng về Ngài ngay hôm nay qua những anh chị em mà chúng ta phục vụ. Việc các môn đệ lên núi dẫn chúng ta suy gẫm về tầm quan trọng của việc đừng gắn bó với những gì quá trần tục, để thực hiện một cuộc hành trình hướng về thiên đàng và chiêm ngưỡng Chúa Giêsu đời đời; vì thiên đàng chính là Ngài, ‘chốn cực lạc ngọt ngào’, ‘một con người, hơn là một địa điểm’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con đợi thiên đàng; cho con biết rằng, thiên đàng không ở đâu xa, nó ở ngay trong con, bên cạnh con, vì thiên đàng của con là Giêsu, chính Chúa!”, Amen.

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế 

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …