Home / Chia Sẻ / CHỜ MONG NHỮNG PHÉP MÀU

CHỜ MONG NHỮNG PHÉP MÀU

4-11-2020 4-51-24 PMTin Mừng thánh Luca “quay lại” quang cảnh chiều tối ngày thứ Sáu Tuần Thánh như sau: “Rồi các bà về nhà, chuẩn bị dầu và thuốc thơm. Nhưng ngày Sa–bát, các bà nghỉ lễ như Luật Truyền.” (Lc 23,56).

Những người chứng kiến cái chết của Đức Giêsu ra về, mỗi người một ý nghĩ. Có những người sợ hãi. Không ít người lắc đầu nhìn ông Giêsu thất bại ê chề trên đỉnh đồi Canvê. Có những người đấm ngực. Các thượng tế giết được Đức Giêsu rồi vẫn chưa hả hê ngồi yên. Nhóm môn đệ thì rút về nhà, cửa đóng then cài, tự cách ly. Đối với các ông, giấc mộng theo Chúa Giêsu lúc này dường như chấm hết. Bầu không khí thê lương ngột ngạt đè lên các môn đệ… Trong khi đó, số đông những người Do Thái khác vẫn hân hoan mừng Lễ Vượt Qua.

Ngày Chúa yên nghỉ trong mồ, truyền thống Giáo Hội dành thời gian thinh lặng thánh để chờ mừng Chúa Phục Sinh.

Nếu ghép đoạn phim năm xưa trên đây vào bối cảnh lúc này trong đại dịch, chắc chúng không khác nhau nhiều. Người ta phải ở nhà, cách li phòng chống dịch. Không ít người hoang mang, sợ hãi và buồn sầu. Sầu buồn vì đã có biết bao người thân yêu ra đi. Hiện có cả triệu người phải điều trị căn bệnh virus này. Khả năng người nhiễm vẫn có nguy cơ tăng. Những điều ấy buộc nhiều quốc gia ban hành lệnh phong tỏa. 

Là người Công Giáo, bầu không khí ấy không thể lấy đi niềm tin và hy vọng của mỗi người. Chúng ta đang chờ đợi phép mầu. Cùng với Chúa Giêsu trong mồ, chúng ta vẫn thấy nơi đó phép lạ có thể xảy ra.

  1. Chờ mong Chúa phục sinh

Dĩ nhiên Đức Giêsu đã chiến thắng tử thần trong biến cố phục sinh. Hằng năm Giáo Hội cử hành tưởng nhớ biến cố này để người tín hữu thêm tin tưởng vào Chúa. Trong cảnh chết chóc và sầu buồn, Giáo Hội luôn khơi lên cho con cái mình lòng mong chờ một phép mầu sẽ xảy đến. Đặc biệt, nếu không có đại dịch Covid–19, chúng ta sẽ được cùng nhau tham dự đêm canh thức phục sinh. Đó là khoảng thời gian vô cùng thánh thiêng để trông đợi Chúa Kitô sống lại.

Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, niềm tin vào Chúa Giêsu phục sinh luôn cho người ta sức mạnh. “Nếu Chúa Kitô đã không sống lại, thì…đức tin của bạn cũng vô ích.” (1Cr 15,14). Phép màu Phục Sinh là “bảo bối và bí kíp” để chúng ta vượt qua đại dịch lần này. Hoặc nói như Đức Bênêđictô XVI: “Đó là điểm tựa cho đức tin của ta, là đòn bảy mạnh mẽ cho tin tưởng vững chắc của ta, là luồng gió mạnh quét sạch mọi sợ hãi và lưỡng lự, mọi hồ nghi và tính toán của loài người.”[1]

Cụ thể trong ngày Thứ Bảy này, hẳn là có bao người tin tưởng chờ mong một ngày rất gần: dịch bệnh sẽ chấm dứt. Đó là thời khắc cả nhân loại được phục sinh, được sống lại những dự định, ước mơ và tiếp tục tiến bước. Thời khắc đó sẽ đánh tan mọi nỗi buồn sầu sợ hãi. Mỗi người đều tin khoa học sẽ tìm ra lời giải cho bài thuốc chủng ngừa và phương thuốc chữa trị căn bệnh này.

Là người Công Giáo, chúng ta vẫn hằng tin Chúa đã, đang và sẽ làm những phép mầu nơi cuộc đời mỗi người. Trong đức tin, ta có thể đón nhận đau khổ và chia sẻ với đau khổ của những người khác.Bằng cách đó, đau khổ loài người được hội nhập vào tình yêu cứu chuộc của Chúa Kitô; nhờ đó đức tin trở nên thành phần hấp dẫn của sức mạnh thần linh lôi kéo thế giới tới hạnh phúc. (x. Youcat số 102).

Với đức tin, chúng ta thấy tương lai tươi sáng hơn. Nơi đó, Thiên Chúa vẫn đang hoạt động để giúp các nhà khoa học tìm ra phương thuốc. Nơi đó, Chúa vẫn thôi thúc các nhà chức trách phải có nghĩa vụ và trách nhiệm với dân. Nơi đó, Chúa mời gọi tôi trở về để: “tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả.” (1Cor 13,7).

Hóa ra giữa cơn dịch này, các tín hữu phải nên nguồn động viên tinh thần lớn lao. Chúng ta có Thiên Chúa, Đấng an bài mọi sự. Thiên Chúa không chết như triết gia Friedrich Nietzsche tuyên bố. Ngay cả trong cái chết, người tín hữu luôn tin sự sống sẽ hồi sinh. Đó là món quà để giúp người ta vượt qua mọi bão táp phong ba.

  1. Hy vọng những phép màu

Trong cảnh loạn lạc chiến tranh, đau thương chết chóc, tuyệt vọng là điều khó tránh. Người ta cũng có thể mường tượng ra các môn đệ đang cạn dần hy vọng. Truyền thống Giáo Hội sơ khai tin rằng chính Đức Mẹ là chỗ dựa để các ông không bỏ cuộc. Mẹ động viên, nâng đỡ và gợi lại những gì Con của Mẹ đã nói năm xưa về cái chết và sự phục sinh. Hôm nay, Mẹ Maria và mẹ Giáo Hội cũng đang “xốc” lại tinh thần cho con cái mình.

Thực vậy, Chủ tịch Liên Hội đồng Giám mục Á Châu vừa ban hành Thông điệp Phục sinh trong thời kỳ âu lo. Trong đó ngài thấy niềm hy vọng của toàn thể nhân loại bị bóp nghẹt bởi bóng đêm tuyệt vọng của Covid–19. Ngài so sánh tình cảnh lúc này như “Đêm Tối của Linh Hồn” mà thánh Gioan Thánh Giá đã trải nghiệm.[2] Ai cũng hiểu và chấp nhận đây là những thời điểm khó khăn, thời điểm bất thường, hy vọng của chúng ta đối với tương lai bị lu mờ. Tệ hơn nữa việc chối bỏ Thiên Chúa cũng có thể xảy ra trong thời gian này.

Bạn nghĩ sao khi lời Thánh Vịnh nhắc với từng người rằng:

“Chúa là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của tôi,
tôi còn sợ người nào?
Chúa là thành luỹ bảo vệ đời tôi,
tôi khiếp gì ai nữa? Ngày tôi gặp tai ương hoạn nạn,
Người che chở tôi trong lều thánh,
đem giấu tôi thật kín trong nhà,
đặt an toàn trên tảng đá cao.” (TV 27, 1.5)

Chúng ta đừng đánh mất khả năng kinh ngạc và niềm mong chờ Chúa sống lại. Đó là sự kiện đã xảy ra và là trọng tâm đức tin của chúng ta lúc này. Nơi bệnh viện, đã có biết bao người đang nỗ lực cứu chữa bệnh nhân. Có biết bao người đã khỏi bệnh, có bao quốc gia đồng lòng chống dịch. Biết bao con người đang giúp người già yếu, nghèo khổ. Biết bao chuyên gia y tế miệt mài nghiên cứu thuốc men. Hàng triệu, hàng tỷ người đang cùng nhau nguyện cầu. Dịch càng tăng nhanh, dòng người ấy càng không bỏ cuộc. Đó chẳng phải là những điều kỳ diệu đang diễn ra đó sao?

  1. Lời nguyện cầu xin ơn

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu,
Chúa là nơi chúng con ẩn náu khi gặp hiểm nguy,
là Đấng chúng con tìm đến trong cơn hoạn nạn;
chúng con tin tưởng nài xin Chúa
thương nhìn đến những người đang đau khổ,
cho kẻ đã qua đời được nghỉ yên,
và an ủi những ai đang ưu phiền,
xin Chúa chữa lành các bệnh nhân
và ban bình an cho người đang hấp hối,
xin ban sức mạnh cho các nhân viên y tế,
ơn khôn ngoan cho các nhà lãnh đạo
và lòng can đảm để đến với mọi người trong yêu thương,
nhờ đó chúng con được cùng nhau tôn vinh Danh thánh Chúa.
Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô Con Chúa, Chúa chúng con,
Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa,
trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời
[3]. Amen

 

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

Nguồn: https://dongten.net/2020/04/11/cho-mong-nhung-phep-mau/

[1] x. Youcat 105

[2] Thông điệp Phục sinh trong thời kỳ âu lo, Đức Hồng Y Charles Maung Bo, Tổng Giám mục Yangon, Myanmar (Chủ tịch Liên Hội đồng Giám mục Á Châu – FABC).

[3] Trích: Thánh lễ trong thời đại dịch, phần Lời nguyện nhập lễ.

Xem thêm

Ga 18,33-37

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN- LỄ KITÔ VUA, NĂM B, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CN 34BB LỄ KITÔ VUA (Ga 18,33-37) I.TÀI LỆU GỢI Ý             Ngữ cảnh Trong đêm, …