Home / Lá Thư Linh Hướng / Chờ mong Chúa của Lòng Thương Xót đến

Chờ mong Chúa của Lòng Thương Xót đến

Trời cao, hãy đổ sương xuống

Và ngàn mây hãy mưa Đấng chuộc tội

Trời cao, hãy đổ sương xuống

Và ngàn mây, hãy mưa Đấng cứu đời.

Bài hát “Trời Cao” của nhạc sĩ Duy Tân quen thuộc trên, dẫn đưa chúng ta vào Mùa Vọng thánh thiêng với bốn Chúa Nhật, tượng trưng cho thời gian mấy ngàn năm các Thánh Tổ Phụ và các Ngôn Sứ trông đợi Chúa Cứu Thế đến.

Nhắc đến mưa, người ta vẫn còn bàng hoàng xót xa khi vào sáng 4.11.2017 vừa qua, trận bão Damrey (bão số 12) tàn phá Phú Yên – Khánh Hòa, gây nhiều thương vong, nhà sập, cây đổ, đường sá ngổn ngang…[1]. Đau thương đến thế, lòng dạ nào còn nghĩ đến mưa, cầu mưa!

Tuy thế, hãy đặt mình trong bối cảnh đất nước Do Thái, nơi thiên nhiên khắc nghiệt khi 60% diện tích là sa mạc, lượng mưa trong năm vào khoảng 50mm, tức bằng 1/30 của Việt Nam, ta thấy họ khát khao, trông mong trời mưa thế nào[2]. Đặc biệt, khi phải sống dưới ách thống trị của đế quốc La-mã, dân Do Thái luôn trông chờ một Đấng cứu thế do Thiên Chúa sai đến. Họ đã mượn nỗi khắc khoải của cha ông thuở trước để cầu xin: “Trời cao hãy đổ sương xuống và ngàn mây hãy mưa Đấng chuộc tội”.

1- Đấng đến là Đấng Chuộc tội.

LaThuLH T.12-2017Gioan Tẩy Giả là ngôn sứ giao thời giữa Cựu Ước và Tân Ước. Ông có nhiệm vụ làm cầu nối, và giới thiệu Đức Giêsu cho quần chúng.

Ngày ông chịu phép cắt bì theo luật đạo Do Thái, Dacaria, bố ông đã tràn đầy Thánh Thần liền nói tiên tri về ông: “Hài nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là Ngôn Sứ của Đấng Tối Cao, con sẽ đi trước mở lối cho Người, bảo cho dân Người biết Người sẽ cứu độ là tha cho họ hết mọi tội khiên. Thiên Chúa là Đấng đầy lòng trắc ẩn cho Vầng Đông từ chốn cao vời viếng thăm ta, soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối và trong bóng tử thần, dẫn ta vào đường nẻo bình an” (Lc 1, 76-79). Dacaria đã tiên tri về vai trò tiền hô, dọn đường cho Thiên Chúa giầu lòng xót thương của con mình là Gioan. Thiên Chúa ấy là Thiên Chúa đầy lòng trắc ẩn sẽ cứu con người khỏi bóng tối sự chết, và ban cho sự sống, bình an. 

Khi Gioan xuất hiện bên bờ sông Gio-đan thi hành sứ mạng dọn đường, dân chúng khấp khởi vui mừng. Họ cử phái đoàn gồm các thầy tư tế và thầy Lêvi hỏi Gioan: “Ông là ai?”. Gioan đã xác quyết với họ: Tôi không phải là Đấng Kitô, nhưng tôi chỉ là người tiền hô, đi trước để dọn đường cho Ngài (x. Ga 1, 19-24). Và Gioan nói xa nói gần về Đức Giêsu: “Đấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi, và tôi không đáng xách dép cho Người” (Mt 3, 11).

Nghe Gioan nói thế, tâm trạng của dân chúng háo hức vì nghĩ rằng vị Cứu Tinh dân tộc sắp đến. Rồi đây Đấng Đến sẽ đánh đuổi đế quốc Rô-ma đô hộ, giải phóng tức khắc Ít-ra-en, làm cho Ít-ra-en thành một dân tộc hùng cường, biến nước này thành một đất nước độc lập, tự do, hùng mạnh, đứng đầu các quốc gia khác.

Phải chăng Gioan nói dối, hay mị dân khi loan báo “Đấng đến sau tôi quyền thế hơn tôi, và tôi không đáng xách dép cho Người”? Không, Gioan không nói dối, không mị dân bởi đó là sự thật; nhưng còn một sự thật khác về Đấng Cứu Thế mà Gioan chưa tiết lộ ngay. Ông chờ đến ngày gặp Đức Giêsu mới nói với đám đông vây quanh mình “Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian. Chính Người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng: Có người đến sau tôi, nhưng trổi  hơn tôi, vì có trước tôi” (Ga 1, 29-30).

 Danh hiệu đầu tiên mà Gioan, vị tiền hô của Đức Giêsu đã công khai tuyên bố trước đám đông chính là danh hiệu Thiên Chúa của lòng thương xót, bởi có thương xót thiết tha, có xót thương đến đứt từng khúc ruột, mới sẵn lòng làm Chiên gánh tội người mình thương, làm Chiên xóa tội người mình xót[3].

Quả thực, danh hiệu “Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian” không đáp ứng khát vọng được giải phóng khỏi ách đô hộ hằng nung nấu tâm can người Do Thái thời đó. Người Do Thái đã muốn đúc khuôn một Vị Cứu Thế theo ý đồ và tham vọng của họ, nên đã không nhận ra hay không muốn nhận ra Ngài. Cho tới ngày nay họ vẫn còn gục đầu vào Bức tường Than Khóc, khoảng tường còn sót lại ở phía Tây đền thờ Giêrusalem xưa để khóc thương cho số phận dân tộc và chờ đợi một Đấng cứu thế như lòng họ mong ước, chứ không như Thiên Chúa ước mong.

Như thế, qua danh hiệu “Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian” được Gioan long trọng công bố, Đấng đến chính là Đấng chuộc tội, Đấng cứu đời. Đó chính là Tin mừng trọng đại, mở đầu Tân Ước: Thiên Chúa của lòng thương xót đã xót thương dân người[4].

Vậy cần phải làm gì để đón nhận Đấng Chuộc Tội, Đấng Cứu Đời, vị Thiên Chúa của lòng thương xót?

2- Dọn tấm lòng đón Chúa của lòng thương xót đến.

Trong đêm u tối, chúng con mong ngày mau tới.

Như nai đang khát, ước mong mau tìm thấy suối.

Chúa ôi, dừng cơn giận Chúa lại thôi.

Chúa ôi, đoàn con đã hối tội rồi.

Trong Mùa Vọng, chúng ta chuẩn bị đón mừng Thiên Chúa Giáng Sinh, nên Mùa Vọng mang ý nghĩa tỉnh thức, cầu nguyện, và ăn năn sám hối để dọn đường Chúa đến. Điều quan trọng nhất là nhắc nhở mỗi người cần “tỉnh thức, sẵn sàng” đón Chúa đến vào ngày kết thúc cuộc đời mình (giờ chết) ở trần gian và trông đợi được Chúa đưa về hưởng Nước Chúa muôn đời trong ngày Chúa trở lại lần sau hết.

– Ăn năn sám hối.

Thực hiện sứ mạng dọn đường cho Đấng Cứu Thế, Gioan kêu gọi mọi người: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 3, 2).

Để đón mừng Đấng Chuộc tội, Đấng Cứu đời vào trong cuộc đời, mỗi Mùa Vọng chúng ta lại có dịp xét mình, kiểm điểm đời sống, cách suy nghĩ qua lời kêu gọi của Gioan Tiền Hô, để ăn năn sám hối, cải thiện đời sống mỗi ngày thêm tốt đẹp hơn. Nói khác đi, chúng ta cần phải thay đổi cách sống và lối suy nghĩ không phù hợp với lời Chúa hay không đúng với lương tâm và lương tri của mình.

Sửa chữa lỗi lầm.

Thánh Gioan Tiền Hô mời gọi ta hãy sửa chữa con đường thiêng liêng cho tốt đẹp để đón Chúa đến: Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi” (Mt 3, 3).

Có những ngọn đồi, những vực sâu, những khúc quanh co, những lượn sóng gồ ghề ngăn Chúa đến với ta. Hãy bạt đi thói kiêu căng tự mãn, bạt đi thói kiêu hãnh ngang ngạnh. Hãy lấp đi những hố sâu tham lam, chia rẽ, bất hoà, những hố sâu đam mê, dục vọng. Hãy uốn thẳng lại những khúc quanh co dối trá, giả hình, những khúc quanh mưu mô xảo quyệt. Hãy san phẳng những lượn sóng gồ ghề độc ác, nói hành nói xấu. 

Ngày khai mạc Năm Thánh (thứ Ba 24 tháng 11 năm 2009, lễ các thánh Tử đạo Việt Nam), nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam tại Sở Kiện, những ai trực tiếp tham dự hay theo dõi cách nào đó đêm diễn nguyện (thứ Hai 23 tháng 11 năm 2009), hẳn ít nhiều cũng cảm thấy xúc động về phần sám hối của giáo hội Việt Nam. “Giáo Hội chúng con xin chân thành thú tội. Giáo hội chúng con xin cúi đầu tạ tội”. Câu ca thú lỗi lặp đi lặp lại sau những lời xưng thú với từng đối tượng về những lỗi lầm cụ thể khiến lòng người chìm hẳn xuống trong sự khiêm nhu. Một trong những lỗi lầm mà đoàn con Chúa dân Việt cần xưng thú đó là thái độ sống đạo ích kỷ, nghĩa là chỉ biết lo giữ đạo cho mình mà quên, đúng hơn là xao nhãng nghĩa vụ chia sẻ hồng ân Tin Mừng cứu độ mình đã lãnh, cụ thể là chưa tạo điều kiện để cho mọi người nhận biết ơn cứu độ.

– Trở nên sứ giả của lòng thương xót Chúa.

Thương xem dân Chúa đớn đau mây sầu che lối

Luôn mong Chiên Thánh đến đây cải tạo thế giới

Cứu dân, đập tan xiềng xích tội nhơ

Chúa ôi, lòng nhân từ Chúa không bờ.

Lời bài hát trên gợi lên lòng tín thác vào Chúa, khao khát cho mọi người được hưởng lòng nhân từ, xót thương của Chúa. Mừng lễ Giáng sinh là chúng ta kỷ niệm việc Chúa đã xuống trần và sẽ còn đến nữa. Chúng ta có trách nhiệm làm cho mọi người biết Chúa để cùng mừng đón Chúa đến. Thánh Gioan Tiền hô đã làm chứng cho Chúa bằng lời nói, bằng việc làm và bằng chính đời sống của Ngài. Ngày hôm nay cũng vậy, chúng ta phải làm chứng cho Chúa trong môi trường của chúng ta. Nhưng muốn cho lời chứng hay bằng chứng của chúng ta có hiệu quả, trước hết chúng ta phải có đời sống xứng đáng, đoạn tuyệt với tội lỗi, với những tính mê nết xấu và thể hiện một đời sống bác ái yêu thương, thực hiện lòng thương xót cho nhau. Đó là những việc chúng ta cần làm để chuẩn bị mừng Chúa Giáng sinh, Đấng đến để chuộc tội, cứu đời.

Như vậy, nói cách khác, khát khao lòng Chúa thương xót, ăn năn sám hối, sửa chữa lỗi lầm trở về với lòng thương xót Chúa, tín thác vào lòng thương xót của Chúa, thực hiện lòng thương xót của Chúa cho nhau, đó chẳng phải là những việc cần làm trong Mùa Vọng để sẵn sàng đón chờ Chúa của lòng thương xót đến sao?

Lm. Giuse Trần Phú Sơn

[1] Tuần báo CG&DT số 2131 từ 10.11 đến 16.11.2017 trang 1.

[2] Wikipedia tiếng Việt.

[3] Thiên Chúa của Lòng Thương Xót- chương II, trg 43-44, Nắng Tím –NXB Tôn Giáo 2015

[4] Thiên Chúa của Lòng Thương Xót- chương II, trg 45, Nắng Tím –NXB Tôn Giáo 2015

 

Xem thêm

T2t31TN

Suy niệm Tin Mừng Thứ Hai Tuần XXXI Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  VĂN HOÁ CHO ĐI “Ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành …