Tôi mon men đến bệnh viện thăm vợ bạn. Bạn đón tôi ở cổng cấp cứu bệnh viện Trưng Vương. Tôi hỏi bạn: “Đã báo cho anh em trong lớp chưa?” Bạn trả lời: “Rồi! Nhưng chưa thấy ai đến thăm”. Tôi an ủi: “Có lẽ anh em còn bận công việc nên chưa tới!” Hôm đó là ngày 10 tháng 05 vừa qua.
Bạn với tôi ngày xưa học chung một lớp ở chủng viện Phanxicô Thủ Đức. Bạn và tôi không đi trọn đường tu. Năm 1970, bạn ra khỏi chủng viện. Năm 1974, tôi xin ra đời “thử” rồi ra luôn. Mãi đến năm 2001, qua một người quen tôi liên lạc được với bạn đang sống ở một làng quê miền cao nguyên Đaklak. Tôi ngờ ngợ thật lâu mới nhận ra bạn. Cuộc sống vật vã miệt nông thôn khiến dáng hình bạn hom hem, khuôn mặt móm mém. Tôi nghe những người quen trên đó cho biết bạn còn có biệt danh Hường “mad”. Lúc đó tôi thầm nghĩ có lẽ cuộc sống quá khắc nghiệt với bạn từ một chàng trai thành phố về thôn quê sống không quen với dân tình nơi đó nên đã có những ứng xử không phù hợp khiến dân làng gán cho bạn cái biệt danh như vậy. Năm sau, bạn ẵm đứa gái út lúc đó mới sáu tuổi xuống Sài Gòn ở nhờ nhà tôi, tìm cách chạy vạy chữa trị cho cô bé đang mắc chứng bệnh u não. Tôi dẫn bạn đi thăm bạn bè cùng lớp. Anh em vui mừng hội ngộ sau hơn hai mươi năm cách biệt. Cuộc sống mỗi người vào thời điểm này ai ai cũng còn tất tả ngược xuôi vì miếng cơm, manh áo. Có vị làm linh mục thì cũng phải sống theo luật dòng Phanxicô hèn mọn. Vô vọng trước bệnh tình đứa con. Bạn bè Sài Gòn chẳng ai giúp đỡ được gì hơn. Bạn nổi khùng với một vài anh em. Nổi khùng một cách không đáng! Có dịp lên Đaklak, tôi nghe bạn kể đã phải nín khóc khi ẵm đứa con trùm kín bằng chiếc áo choàng cũ sờn lên xe về quê bởi chẳng có xe khách nào chở một xác chết. Tôi an ủi bạn: “Dù sao thì ý Chúa đã quan phòng cất cháu đi là cất đi nỗi đau đớn cho cháu, cất đi một gánh nặng cho bạn. Cháu là trẻ thơ vô tội, được Chúa rước về Trời sẽ phù hộ cho bạn”
Nhưng Chúa vẫn thử thách bạn. Cái nghèo vẫn đeo đẳng bạn, bao gian nan khốn khó vẫn không buông tha bạn. Lại thêm một thánh giá nặng nề Chúa trao cho bạn. Người vợ của bạn bỗng dưng vướng căn bệnh tâm thần khoảng sáu năm nay. Lần này bạn đem vợ xuống bệnh viện Trưng Vương, trước hết để chữa căn bệnh sỏi mật và sỏi gan. Bạn dẫn tôi vào phòng bệnh. Nhìn người phụ nữ xanh xao, ốm yếu khoác bộ đồ bệnh nhân, cặp mắt đờ đẫn, miệng nói lảm nhảm, lòng tôi dâng trào nỗi thương cảm xót xa vô ngần. Tôi thương cảm người phụ nữ tâm thần và xót xa cho người bạn cựu Phan Sinh cùng lớp năm nào. Về nhà, tôi nhắn tin cho anh em trong lớp: “Vợ Cao Trọng Hường đang nằm chờ điều trị bệnh sỏi mật và sỏi gan ở bệnh viện Trưng Vương. Chị ta còn mắc chúng bệnh tâm thần. Xin anh em góp lời cầu nguyện và chia sẻ”. Hằng ngày tôi liên lạc điện thoại hỏi thăm vợ bạn. Tôi hỏi tên thánh và họ tên của vợ bạn, ghi tên hai người vào giấy chứng nhận của Tổng Hội Mân Côi. Khoảng một tuần sau, tôi đến bệnh viện đem cho bạn mấy tờ báo Lòng Chúa Thương Xót lâu nay tôi cộng tác viết bài cùng hai cỗ tràng hạt và hai giấy chứng nhận ghi danh hai vợ chồng đã chính thức gia nhập Hội Mân Côi. Tôi lại hỏi thăm có bạn nào trong lớp đến thăm chưa? Bạn lắc đầu, đôi mắt gợn buồn. Tôi chẳng biết gì hơn, cúi đầu lặng thinh, lảng tránh nhìn qua vợ bạn, càng nhìn càng thương cảm. Bạn kể có nhiều phụ nữ nuôi bệnh nhân cùng phòng thỉnh thoảng chăm sóc lau rửa và thay quần áo cho vợ bạn.
Tôi về nhà, lòng ngậm ngùi nhắn tin cho các bạn cùng lớp mấy câu thơ: “Có mang thương tích mới biết nỗi đau – Sa cơ hoạn nạn mới hiểu lòng nhau – Cay đắng ở đời ai mà chẳng có – Cho bây giờ sẽ nhận được mai sau”, cùng với dòng tin báo: “Vợ Cao Trọng Hường đã mổ sỏi mật nhưng bị nhiễm trùng nên chưa xuất viện”. Dòng tin nhắn này có vẻ hiệu lực hơn. Nhiều anh em nhắn tin xin số điện thoại của bạn. Tôi nhắn tin cho số và gọi điện mô tả về người vợ tâm thần của Hường cho anh em biết. Nhiều bạn cứ thế mà đến thăm và chứng kiến tận mắt tình cảnh đớn đau khốn cùng của vợ chồng bạn.
Vợ bạn xuất viện ngày 11 tháng 06 và trở lại nhập viện ngày 23 để tiếp tục điều trị tán sỏi. Những người nuôi bệnh nhân cùng phòng lần trước đã ra đi không trở lại. Những phụ nữ nuôi bệnh nhân mới lại cùng bạn chăm sóc vợ bạn. Có người dúi tiền vào túi áo vợ bạn. Cho dù họ là người xa lạ, khác niềm tin tôn giáo với bạn, nhưng tôi tin chắc những gì họ cho vợ bạn bây giờ sẽ nhận được mai sau. Vâng, tôi tin đời sau họ sẽ nhận được vô vàn ân phúc. Tôi vẫn tiếp tục liên lạc qua điện thoại, bạn cho biết vài ngày nữa vợ bạn sẽ xuất viện, về nhà nghỉ ngơi thời gian rồi xuống lại Sài Gòn, làm thủ tục nhập bệnh viện Nhiệt Đới để điều trị chứng tâm thần. Một lần nữa tôi an ủi bạn chịu khó vác Thánh giá , lập công đức đời này, để được ban thưởng đời sau. Đang tháng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, tôi khẩn cầu Thánh Tâm Ngài là Nguồn Mạch Yêu Thương và Lòng Thương Xót, yêu thương và thương xót bạn và người vợ tâm thần của bạn. Tôi lẩm nhẩm thêm mấy câu thơ đã gởi bạn bè:
“Có mang thương tích mới biết nỗi đau
Sa cơ hoạn nạn mới hiểu lòng nhau
Cay đắng ở đời ai mà chẳng có
Cho bây giờ sẽ nhận được mai sau”.
Gioan Long Vân,
giáo xứ Nhân Hòa