Home / Chia Sẻ / Chính trị và Tôn giáo

Chính trị và Tôn giáo

 

Trong thi phẩm “Vì Sao”, thi sĩ Xuân Diệu (1916-1985) có đặt vấn đề:

Làm sao cắt nghĩa được tình yêu

Có nghĩa gì đâu một buổi chiều

Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt

Bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu

ChinhTri & TonGiaoẢo mà thật, thật mà ảo. Vô hình mà hữu hình, trừu tượng mà hiện thực. Đời thường còn thế, nói chi “đời khác thường” của những con người bình thường – đời sống tâm linh của các Kitô hữu, đời sống này liên quan nhiều tới tình yêu.

Chúng ta không biết quá trình từ “vô thường” tới “bình thường”, nhưng chúng ta khả dĩ cảm nhận (dù chưa chắc đã biết) sự bình thường của đời thường, để rồi từ sự bình thường đó sẽ tiến tới sự vô thường của đời thường và cảm nhận đời sau (khác thường và vô thường).

Các Kitô hữu có thể khó hiểu (hoặc không hiểu) chữ “vô thường” của Phật giáo. Vô thường là “khác thường mà vẫn bình thường”, tức là “bình thường mà không bình thường”. Vô thường (無 常) nghĩa là “không chắc chắn”, là “hay thay đổi”, là “không trường tồn”, là “thất thường”,… Nhưng “vô thường” lại là một trong ba tính chất của tất cả sự vật – Phật giáo gọi là “tam pháp ấn”. Vô thường là đặc tính chung của mọi sự sinh ra có điều kiện, tức là thành, trụ, hoại không (sinh, trụ, dị, diệt). Có thể nói rằng vô thường là phép quán chiếu, hay nói một cách khác, vô thường là một đối tượng trong tu tập quán chiếu. Từ đó, vô thường là một phép thực tập “định” trên “vô thường”. Rất sâu sắc và lớn rộng về nghĩa và tính diệu dụng.

Vấn đề chính trị hoặc tôn giáo cũng không nằm ngoài quy luật đó. Vấn đề rất rộng.

CHÍNH TRỊ

Chính trị là gì? Chính trị (politics, politique, politik, politica, politika, poliiktica, política, pulitika, politiko, 政治,…) cũng như nhiều thứ khác – đặc biệt là Hy ngữ politikos (πολιτικός) – ghép bởi chữ πολίτης (polites) là “công dân” và chữ πόλις (polis) là “thành phố”.

Không có gì tuyệt đối, trừ Thiên Chúa. Chắc chắn không thể có một định nghĩa thỏa mãn mọi người. Nhưng chung quy có thể nói rằng, theo nghĩa tổng quát nhất, chính trị là “việc thi hành chủ quyền trong một quốc gia”. Cánh định nghĩa đó phù hợp với Hy ngữ (πολιτικός, politikos), chính trị là “thuộc về” hoặc “liên quan” công dân. Đó là cách thực hành và cũng là lý thuyết về việc “ảnh hưởng người khác”. Theo nghĩa hẹp, chính trị là “giành quyền kiểm soát” người khác – một nhóm, một tổ chức, nhất là là một nước. Nói chung, chính trị liên quan quyền hành.

Chính trị còn là quá trình (sự, việc) nghiên cứu hoặc thực hành việc phân phối quyền hành trong cộng đồng (giữa các cá nhân, gia đình, nhóm, xã hội,…). Chúng ta thường nói tới chính trị nhưng chính chúng ta chưa chắc đã hiểu chính trị là gì, và có cần thiết hay không.

Danh từ “chính trị” có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp. Triết gia kiêm Khoa học gia Aristotle (385-322, Hy Lạp, trước công nguyên) đã dùng làm tựa đề cho một cuốn sách của ông – cuốn “Politika” (chính trị). Chính trị có nghĩa là “công việc của thành phố”, tức là sự bình luận về việc cai quản (cai trị, thống trị) của chính quyền, chính phủ. Trong đó, ông nói: “Theo bản năng, tự nhiên con người đã có tính chính trị”.

Chính trị là các hoạt động, các vấn đề liên quan giai cấp, dân tộc, quốc gia và các nhóm xã hội xoay quanh vấn đề trung tâm là giành lấy, chiếm giữ và sử dụng quyền lực.

Trên thế giới hiện nay có 4 cách hiểu khác nhau về chính trị:

   1. Nghệ thuật của phép cai trị.

   2. Những công việc của cộng đồng.

   3. Sự thỏa hiệp và đồng thuận.

   4. Quyền lực và cách phân phối tài nguyên hoặc lợi ích.

Rất đa dạng. Nếu quan niệm rằng chính trị là “các hoạt động xoay quanh vấn đề giành lấy hoặc chiếm giữ và sử dụng quyền lực nhà nước” thì tương lai sẽ không có chính trị trong xã hội cộng sản, bởi vì lúc đó nhà nước đã tiêu vong – theo lý luận của chủ nghĩa Marx (Mác-xít). Nói cách khác, chính trị sẽ dần dần trở nên thừa thãi và mất hẳn trong xã hội lý tưởng của nhân loại theo quan niệm của lý tưởng nào đó – ví dụ, lý tưởng của xã hội cộng sản. Ý nghĩa của danh từ “cộng sản” là “tài sản gộp chung lại”, đó là lý tưởng về một thế giới đại đồng, nhưng không dễ gì trở thành hiện thực. Như vậy, Giáo Hội Công giáo đã đi trước thời đại (x. Cv 2:42-43a; Cv 2:46-47; Cv 4:37; Cv 5:1).

Theo nghĩa rộng hơn, chính trị là hoạt động của con người nhằm làm ra, gìn giữđiều chỉnh những luật lệ chung mà tác động trực tiếp đến cuộc sống của những người góp phần làm ra, gìn giữ và điều chỉnh các luật lệ chung đó. Nếu hiểu như thế, dù trong xã hội nào, chính trị vẫn tồn tạivẫn giữ vai trò quan trọng đối với từng con người và xã hội. Bất kỳ xã hội nào cũng cần các luật lệ chung để hoạt động hợp lý, tránh tình trạng xâm phạm quyền lợi – dù vô tình hay cố ý. Như chúng ta biết, xã hội nào cũng cần có lề luật (pháp luật) ví dụ: luật giao thông. Nền tảng là thế: “Nhà có gia phong, nước có quốc pháp”.

Con người không thể sống trong một xã hội thiếu an ninh (trộm cướp, khủng bố, quấy rối,…) vì thiếu luật lệ. Dĩ nhiên chúng ta không tránh khỏi tình trạng cướp bóc và khủng bố, nhưng phải thừa nhận rằng pháp luật đã góp phần ngăn chặn đáng kể những hành vi bất lương – ngăn chặn những người phạm pháp. Luật vị nhân sinh, luật có sau con người, nhằm cải thiện con người.

Chính trị đã, đang và mãi tồn tại. Chúng ta vẫn đang sống trong chính trị, áp dụng và thực hiện chính trị, nhưng chúng ta cứ tưởng mình không “dính líu” chính trị. Trong gia đình vẫn có chính trị. Khác nhau là mức độ, “nặng” hay “nhẹ”, chuyên nghiệp hay không chuyên nghiệp. Ai cũng “dính” chính trị nhưng không nên “líu” chính trị. Bạn ngạc nhiên hay phản đối?

TÔN GIÁO

Tôn giáo là gì? Cũng như chính trị (và các loại khác), chẳng ai khả dĩ đưa ra một định nghĩa thỏa mãn lòng người. Khi nói về tôn giáo, chúng ta cho rằng đó là vấn đề liên quan niềm tin – Công giáo gọi là đức tin. Nhưng cách tin cũng đa dạng và với mức độ khác nhau.

Tôn giáo là “bộ sưu tập có tổ chức” về các niềm tin, các hệ thống văn hóa và các quan điểm thế giới liên quan trật tự của sự hiện hữu. Nhiều tôn giáo có cách diễn tả, biểu tượng và lịch sử thiêng liêng nhằm giải thích ý nghĩa của cuộc sống, nguồn gốc sự sống hoặc vũ trụ – niềm tin về vũ trụ, thiên nhiên,… con người có thể rút ra những điều liên quan luân lý, đạo đức, luật lệ tôn giáo hoặc cách sống.

Wilfred Cantwell Smith (1916-2000, người Canada), giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Tôn Giáo Thế Giới (Center for the Study of World Religions, từ 1964-1974), của ĐH Harvard, nhận xét: “Chúng ta biết nhiều về tôn giáo, nhưng chúng ta lại biết ít về tôn giáo”.

Nhiều người cho rằng từ nguyên của tôn giáo liên quan La ngữ là “religare”, nghĩa là “nối kết, ràng buộc”. Điều này xác nhận rằng tôn giáo có sức mạnh khác thường. Tự điển Oxford nói rằng không rõ về từ nguyên của chữ “tôn giáo”. Các tác giả uy tín như Marcus Tullius Cicero (triết gia, luật gia, chính trị gia, 107-44 trước công nguyên) cho rằng từ ngữ đó có nghĩa là “đọc đi đọc lại”.

Trăm người trăm ý, ngàn người ngàn ý, cũng có thể là chín người mà mười ý. Tất cả chỉ là tương đối, chẳng có gì tuyệt đối. Tất cả đều tương-đối-tuyệt-đối, nghĩa là tuyệt-đối-tương-đối. Chúng ta chỉ như những kẻ mù, người thì bảo con voi như cái quạt, người thì bảo con voi như cái cột, người thì bảo con voi như sợi dây,… Ai sờ được phần nào thì mô tả theo cái mình cảm nhận. Chẳng ai đúng, chẳng cái gì chính xác. Nói chung, con voi như “một cục to lớn”.

ĐỪNG PHA TRỘN

Tôn giáo là một hiện tượng cổ xưa nhất trong lịch sử nhân loại và luôn đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của xã hội. Trong đời sống chính trị – xã hội của thế giới ngày nay, ngoài các yếu tố tích cực của văn hóa và đạo đức tôn giáo, còn có nhiều vấn đề phức tạp khác nảy sinh, liên quan vấn đề tôn giáo như chủ nghĩa cực đoan, chủ nghĩa khủng bố, xung đột giữa tôn giáo và sắc tộc,… Tất cả đều ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống xã hội hiện đại.

Khoa chính trị về tôn giáo (politology of religion), cũng gọi là khoa chính trị kinh tế về tôn giáo – politicology of religion), là một trong các quy luật mới nhất về khoa chính trị, nghiên cứu sự ảnh hưởng tôn giáo đối với chính trị và ngược lại, tập trung vào mối quan hệ giữa các chủ thể về chính trị heo nghĩa hẹp: chính phủ, các đảng phái chính trị, các nhóm gây áp lực, và các cộng đồng tôn giáo. Khoa chính trị về tôn giáo được thành lập vào những thập niên cuối thế kỷ XX.

Triết gia Khổng Tử (551-471 trước công nguyên) là một trong những nhà tư tưởng đầu tiên có cách tiếp cận riêng đến “hoạt thuyết chính trị”. Điều căn bản trong học thuyết của ông: “Quân tử (người cầm quyền) nên học tự kỷ luật, nên cai trị người dân của mình bằng chính gương của mình, và nên đối xử với họ bằng tình thươngsự quan tâm. Niềm tin chính trị của ông gắn chặt với luân thường đạo lý và đạo đức cá nhân. Ông cho rằng chỉ những quân tử liêm khiếttuân theo đạo của quân tử thì mới được cầm quyền, và những tư cách của những nhân vật đó phải kiên định với địa vị trong xã hội. Ông còn nói: “Triều đại tốt cốt ở vua làm tròn bổn phận của vua, bề tôi làm tròn bổn phận của bề tôi, cha làm tròn bổn phận của cha, và con làm tròn bổn phận của con”.

Trong sách “Nền Cộng Hòa” (The Republic), triết gia Plato (428-328 trước công nguyên) cho biết: “Tất cả các chế độ chính trị theo truyền thống như dân chủ, quân chủ, chính thể đầu sỏ, chính thể hào hiệp (democracy, monarchy, oligarchy, timarchy) vốn đã đồi bại và tham nhũng, nhà nước nên được điều hành bởi tầng lớp những người cầm quyền được giáo dục tốt. Họ được đào tạo từ lúc chào đời và được chọn dựa trên năng lực của những người có kỹ năng đặc biệt về quan sát tổng quan xã hội”.

Trong cuốn “Đạo Phật Đi Vào Cuộc Đời”, tác giả Nhất Hạnh nói: “Đức tin là một yếu tố quan trọng nhất trong những yếu tố cấu thành xã hội tính của con người. Nhờ xã hội tính mà các quốc gia hay các liên bang thực hiện được sự đoàn kết để thống nhất ý chí và tạo nên thế trung hòa giữa các khối trên thế giới. Không ai không công nhận tính chất trọng yếu của tôn giáo trong hiện tình chính trị cũng như trong lịch sử chính trị, và dù có sự phân định rõ rệt giữa giáo quyền và chính quyền, người ta cũng thấy vai trò quan trọng của hàm số tôn giáo trong bài toán chính trị. Auguste Comte, khi chủ trương thuyết “ba thời kỳ”, nói rằng thời đại chúng ta là thời đại của khoa học thực nghiệm, và mọi xây dựng đều phải thực hiện trên khoa học thực nghiệm.

Theo ông, thời kỳ trước thế kỷ XVI là thời kỳ tôn giáo, từ thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XIX là thời kỳ triết học, từ thế kỷ XIX tới nay là thời kỳ khoa học. Sự phân định ranh giới của ba thời kỳ đó không được đích xác và không cho thấy vai trò của tôn giáo và của triết học trong thời kỳ hiện đại. Thực ra, ba thứ tôn giáo, triết học và khoa học đều có nguồn gốc riêng và lịch trình diễn biến riêng, cả ba đều là những biểu hiện cụ thể cho tư tưởng nhân loại. Thời kỳ cổ đại, “không khí tôn giáo” bao trùm mọi sinh hoạt, nhưng “tư tưởng tôn giáo” vẫn còn non nớt, và chúng ta không thể không công nhận sự hiện diện của cách suy luận triết học – dù vẫn còn ấu trĩ. Khi đó, khoa học cũng đã được khởi đầu trong các hình thái đơn giản nhất. Điều này có thể nhận thức qua ý hướng tìm kiếm và sáng tạo các khí cụ và vật dụng cần thiết cho sinh hoạt hằng ngày. Tác giả Nhất Hạnh đặt vấn đề: “Lợi dụng sức nước để giã gạo, phát sinh ra lửa để nấu nướng v.v… đó là những thành tích ban đầu của khoa học. Không có thời kỳ ấu trĩ thô thiển và vụng về thì làm gì có thời kỳ trưởng thành tinh xảo?”.

Quả thật không dễ, nếu không muốn nói là “khó lắm”. Vâng, như đã nói ở trên, tất cả đều chỉ là tương-đối-tuyệt-đối, và tất cả đều tuyệt-đối-tương-đối. Thật hợp lý và tuyệt vời đối với thuyết tương đối (theory of relativity) của bác học Albert Einstein (1879-11955, nhà vật lý người Đức).

Ngày xưa, người ta đã thắc mắc: “Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Ít-ra-en không?” (Cv 1:6). Nhưng Ngài nói ngay: “Anh em không cần biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt, nhưng anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1:7-8). Chúa Giêsu khôn khéo quá đỗi. Không nói rõ. Nói chơi mà thật, thật mà chơi.

Người ta cứ tưởng Chúa Giêsu là một chính trị gia lỗi lạc, nhưng hoàn toàn không phải vậy. Chính các tông đồ cũng “cứ tưởng”, thậm chí là cha mẹ của hai đệ tử thân tín – Giacôbê và Gioan – cũng “thoải mái” nghĩ như vậy nên mới dám xin: “Xin Thầy truyền cho hai con tôi đây, một người ngồi bên hữu, một người bên tả Thầy trong Nước Thầy” (Mt 20:21). Ảo tưởng hết sức!

Tuy nhiên, chúng ta đừng quên rằng Ngài cũng đã từng nói rất rõ ràng: “Của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa” (Mc 12:17). Ai cũng phải ngạc nhiên vì trí khôn ngoan siêu phàm của Chàng Giêsu, dù Chàng chỉ là “con bác thợ mộc” (Mt 13:55). Rất rõ ràng. Chúa Giêsu cũng như chúng ta, có “dính líu” chính trị, vì Ngài cũng sống trong xã hội loài người theo nhân tính, nhưng chắc chắn Ngài không muốn “dây dưa” với chính trị. Ngài xác định: “Tôi không thuộc về thế gian này” (Ga 8 :23), nước tôi không thuộc về thế gian này” (Ga 18:36).

Thời Cựu Ước, cũng chỉ vì chính trị mà người ta đã ly khai (1 V 12:20-25; 2 Sb 11:1-4). Vua An-ti-ô-khô Ê-pi-pha-nê được hoan nghênh ở Giêrusalem cũng là hoạt động chính trị (2 Mcb 4:21). Rồi dân Ít-ra-en lụn bại về tôn giáo và chính trị (Hs 12:1-11), nên chịu những lời đe dọa (Hs 12:12-15).

Thời nào cũng có chính trị, là con người thì khó thoát khỏi vòng kiềm tỏa của chính trị. Nhưng hãy kiểm soát nó chứ đừng để nó kiểm soát mình, cũng đừng pha trộn tôn giáo và chính trị. Hãy phân biệt cái nào ra cái nấy. Nếu làm cho tôn giáo “dính líu” chính trị, chúng ta sẽ biến Thiên Chúa thành một loại vũ khí.

Charles Monroe Schulz (1922-2000, bút danh là Sparky, nhà hoạt hình người Mỹ) xác định: “Tôi biết có ba điều không nên tranh luận với người khác: Tôn giáo, chính trị, và Great Pumpkin”. Great Pumpkin là ai, là gì? Nghĩa đen là “trái bí to”. Great Pumpkin chỉ là một nhân vật hư cấu do Charles M. Schulz tạo ra trong truyện tranh nổi tiếng “Những Hạt Đậu” (Peanuts) – tương tự Santa Claus (Ông Già Nô-en) hoặc Easter Bunny (Con Thỏ Phục Sinh).

Mahatma Ghandi (Mohandas Karamchand Gandhi, 1869-1948), người giành độc lập cho Ấn Độ, nói: “Những người nói tôn giáo không có gì phải giải quyết với chính trị thì chẳng hề biết tôn giáo là gì”.

Tôn giáo và chính trị vẫn có gì đó liên quan lẫn nhau, nhưng phải phân định rạch ròi, vì rất dễ lẫn lộn với nhau. Có những người đã vùng lên đấu tranh giai cấp để giành lại nhân vị, nhân phẩm và nhân quyền cho chính họ và những người chịu sư áp bức của bọn cường hào, ác bá. Chúa Giêsu đến thế gian để giải thoát (giải phóng) con người khỏi ách nô lệ, nhưng không phải là giải thoát dân chúng khỏi thế lực trần gian mà là thế lực của tội lỗi. Pha trộn tôn giáo và chính trị sẽ xảy ra tai họa. Như vậy, bạn biết bạn phải làm gì rồi chứ?

Lạy Chúa, xin canh giữ miệng con, và trông chừng lưỡi con. Xin đừng để lòng con nghiêng về sự dữ, đừng để con làm điều ác với bọn gian tà (Tv 141:3-4).

TRẦM THIÊN THU

Đã đăng báo Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, DCCT Hoa Kỳ, số 347, tháng 7-2015

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN