Home / Chia Sẻ / Chiều kích của Tình Yêu

Chiều kích của Tình Yêu

 

ChieuKich Cua TinhYeuAi cũng khả dĩ biết rằng tình yêu là điều rất quan trọng trong Kinh Thánh và đời sống, nhưng chúng ta có thực sự biết tình yêu quan trọng như thế nào? Chúng ta hãy xem thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông Đồ để tìm hiểu tình yêu liên quan Thiên Chúa thế nào. Thánh Gioan đã nói rõ: “Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4:8). Đó là cách định nghĩa của Thánh Gioan về Thiên Chúa.

Thiên Chúa không chỉ có tình yêu thương dành trọn chúng ta, mà chính Ngài là Tình Yêu Thương. Tuy nhiên, Ngài không chỉ yêu cầu chúng ta yêu thương nhau, mà chính Ngài đã thực hiện tình yêu thương trọn vẹn, yêu thương đến chấp nhận chịu chết vì chúng ta. Bằng nhiều cách, Thánh Gioan diễn tả tình yêu Thiên Chúa rất khéo léo, mạnh mẽ và chính xác.

TÌNH YÊU HY SINH

“Chúng ta đã BIẾT tình yêu của Thiên Chúa nơi chúng ta, và đã TIN vào tình yêu đó. Thiên Chúa là tình yêu: ai Ở LẠI trong tình yêu thì Ở LẠI trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa Ở LẠI trong người ấy” (1 Ga 3:16).

Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu nhắc chúng ta nhớ rằng, trên hết mọi sự, tình yêu là hy sinh, là quên mình. Tình yêu luôn mang tính vị tha, luôn hướng về người khác, quan tâm người khác, những người là hiện thân của Đức Giêsu Kitô. Chúng ta phải ghi nhớ và thực hành cách mà Chúa Giêsu đã yêu thương và hy sinh, luôn tiếp tục thể hiện tình yêu đó nếu chúng ta muốn làm môn đệ của Ngài.

TÌNH YÊU NOI GƯƠNG – “Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa” (1 Ga 4:7).

Dĩ nhiên chúng ta không thể yêu thương trọn vẹn như Chúa Giêsu, nhưng chúng ta được Ngài mời gọi cố gắng hết sức có thể. Vấn đề là chúng ta có cố gắng hay không. Chúng ta có thể trải nghiệm tình yêu Thiên Chúa đầy đủ hơn nếu chúng ta yêu thương nhau.

TÌNH YÊU HIỆN THÂN – “Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống” (1 Ga 4:9).

Chúa Giêsu là hiện thân của tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta, nêu gương để chúng ta sống theo. Chúa Giêsu yêu thương và tha thứ mọi người, đó là đặc tính hoàn hảo của tình yêu dành cho nhau phải được thể hiện.

TÌNH YÊU TIỀN ĐỊNH – “Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1 Ga 4:10).

Khả năng yêu rất quan trọng, dù chúng ta cố gắng thế nào thì cũng không thể yêu tới mức cao nhất. Tình yêu không thể cân-đo-đong-đếm. Mức độ yêu là yêu không có mức độ. Hãy nghĩ về mức độ yêu thương để có thể đạt tới mức cao nhất trong đời sống thường nhật của chúng ta, tất nhiên chúng ta có yêu thương tới mức nào thì cũng không bao giờ bằng tình yêu Thiên Chúa mãi mãi dành cho chúng ta.

TÌNH YÊU CHÂN THẬT – “Nếu ai nói: ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy. Đây là điều răn mà chúng ta đã nhận được từ Người: ai yêu mến Thiên Chúa thì cũng yêu thương anh em mình” (1 Ga 4:20-21).

Thánh Gioan so sánh rất cụ thể và rõ ràng: Những người chúng ta nhìn thấy hằng ngày mà còn chưa yêu được thì đừng nói mình yêu mến Thiên Chúa. Nghĩa là NÓI DỐI, là GIẢ HÌNH. Mà Thiên Chúa rất ghét thói giả hình. Không ai có thể tự biện hộ!

TÌNH YÊU CAN ĐẢM – “Tình yêu không biết đến sợ hãi; trái lại, tình yêu hoàn hảo loại trừ sợ hãi, vì sợ hãi gắn liền với hình phạt và ai sợ hãi thì không đạt tới tình yêu hoàn hảo” (1 Ga 4:18).

Yêu mến Thiên Chúa dễ hơn yêu thương tha nhân, vì Thiên Chúa nhân lành và vô hình, còn tha nhân hữu hình và “khó ưa” lắm, thậm chí còn phải yêu cả kẻ thù nữa. Yêu thương như vậy thì đúng là người can đảm lắm! Yêu mà sợ hoặc nhát đảm thì đừng nói là yêu. Yêu thương tha nhân chính là tín thác vào Lòng Chúa Thương Xót.

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …