Home / Chia Sẻ / Chiên Giữa Bầy Sói – Buông!⁩

Chiên Giữa Bầy Sói – Buông!⁩

BUÔNG

Buông tay, không phải buông xuôi

Mà buông những thứ khiến đời xuyến xao

Buông phiền muộn với khổ đau

Buông thù hận, chẳng eo xèo gièm pha

Buông hờn giận, chẳng kêu ca

Buông ghen ghét, cố thứ tha mọi người

Buông so sánh, chẳng chê ai

Buông dan díu, chẳng đua đòi so do

Buông ngờ vực, chẳng lắng lo

Buông buồn tủi, thoát ưu tư

Buông cho thanh thản khi mùa Xuân sang

Buông nhàn rỗi kẻo hư thân

Buông lười biếng, sớm khuya chăm nguyện cầu (*)

Nguyện xin Thiên Chúa chí cao

Giúp con buông thả mọi điều trần gian

TRẦM THIÊN THU

Tháng Giêng – 2017

(*) Thánh Thomas Aquinas (1225-1274, Linh mục Tiến sĩ) – “Nhàn rỗi là cái búa kẻ thù bổ xuống đầu chúng ta. Ai không cầu nguyện thì như người lính ra trận không có vũ khí”.

CHIÊN GIỮA BẦY SÓI

Chiên Giữa Bầy SóiTrong cuốn “Thomas Aquinas’s Secret To Sainthood” (Bí Quyết Nên Thánh của Tôma Aquino), tác giả Sean Fitzpatrick có kể câu chuyện này: Thấy Tôma miệt mài cúi đầu trên cuốn sách, hai tu sĩ khúc khích cười và ghẹo: “Tôma! Tôma! Nhìn ra cửa sổ xem có hai con heo ở trên trời kìa”. Tôma liền nhìn lên và đầu bị đập vào cánh cửa sổ. Hai tu sĩ kia cười ồ lên. Tôma nói: “Tôi tin là mấy con heo có thể bay trên trời hơn là tin mấy anh nói dối”.

Ngày xưa, chính Chúa Giêsu đã nói: “Này, Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói. Vậy anh em phải KHÔN như rắn và ĐƠN SƠ như bồ câu” (Mt 10:16).

Thánh Tôma (1225-1274, linh mục tiến sĩ) là người gây ấn tượng nhất về các phương diện. Ngài được người ta lưu ý trước tiên là trí thông minh và những bài viết hàm súc, nhưng một trong các phẩm chất quan trọng nhất của ngài là đức khiêm nhường. Ngay cả trong lúc tranh luận về thần học, khi người khác không đồng ý với ngài, ngài vẫn không bao giờ nói lời khiếm nhã với ai, và ngài luôn tử tế với cả những người ghét ngài. Ngài không bao giờ để cho tính kiêu ngạo nổi dậy, mặc dù đôi khi ngài bị người ta mỉa mai ngài về tính ngây thơ (innocence, naïveté).

Câu chuyện trích dẫn trên đây mô tả khoảnh khắc hai tu sĩ nọ đã chơi khăm ngài để đùa giỡn về sự cả tin (gullibility) của ngài. Những người yếu bóng vía có thể phản ứng bằng sự tức giận, hoặc bằng cách cảm thấy thất vọng và tin vào sự mỉa mai của người khác. Nhưng Thánh Tôma đã có nền tảng vững chắc là Lời Chúa, do đó ngài không có xu hướng tức giận hoặc căm phẫn, mà ngài có cảm giác là tình huynh đệ. Thiên Chúa đã ban cho ngài sức mạnh để xoay chuyển thói trơ tráo, với bản tính tốt lành và ngây thơ, ngài làm gương cho người khác về cách sống nên giống Đức Kitô.

Bài học này có thể khó ghi nhớ khi chúng ta thấy mình ở trong những tình huống như Thánh Tôma. Điều gì xảy ra khi chúng ta đặt niềm tin vào người khác, khi chúng ta coi họ là anh chị em trong Đức Kitô – và nếu họ làm chúng ta thất vọng thì sao? Điều gì xảy ra khi họ đáp lại sự đại lượng của chúng ta bằng sự tham lam, đáp lại sự của chúng ta bằng sự ngạo mạn, và đáp lại lòng yêu thương của chúng ta bằng mưu mô xảo trá?

Khi gặp khó khăn và chúng ta khiêm nhường thấy rằng người nào đó đã phá vỡ sự tin tưởng của chúng ta, chúng ta không thể để cho điều đó ngăn chúng ta tin tưởng người khác. Chúng ta có thể thông minh trong các mối tương quan với người khác, và chúng ta có thể tách mình ra khỏi những người mà chúng ta biết là có ảnh hưởng tiêu cực đối với chúng ta, giống như người Việt nói: “Tránh voi chẳng xấu mặt nào”. Nhưng chúng ta không cần phải nhẫn tâm với họ, và chúng ta không thể cứ chăm chú vào việc bị xử tệ. Nếu chúng ta cảm thấy yếm thế hoặc chán nản, chúng ta cần gặp Chúa Giêsu để cầu xin Ngài chữa lành, nên nhớ rằng chỉ có Ngài mới khả dĩ biết rõ tâm hồn của chúng ta và của người khác, đồng thời Ngài cũng có thể ban lại niềm vui sống cho chúng ta.

Nếu chúng ta cảm thấy thất vọng, không còn hy vọng, hãy nhớ điều này: chính Chúa Giêsu đã tin tưởng một con người, chọn người này làm môn đệ, nhưng cuối cùng chính con người này đã phản bội Ngài. Không là lỗi của chúng ta nếu người khác lợi dụng lòng tốt của chúng ta. Thiên Chúa công bình biết rõ mọi điều chúng ta giấu kín, chúng ta không thể giải quyết vấn đề.

Kinh nghiệm có thể làm cho chúng ta sáng suốt hơn khi xử lý các tình huống trong tương lai, nhưng chúng không thể làm cho chúng ta sợ hãi mà tránh né sống bác ái hoặc không chịu nhìn nhận điều tốt của người khác. Cuối cùng, chúng ta được mời gọi vâng theo Thánh Ý Chúa, yêu thương tha nhân, và sống khiêm nhường – tin rằng những điều chúng ta làm ở đời này là đúng.

Thông thường, khi chúng ta tỏ ra tử tế và cảm thông với người khác trong những lúc khó khăn, chúng ta làm mềm chính trái tim của chúng ta. Chúng ta không thể hùa theo các động thái tiêu cực của một số người mà đối xử tệ với mọi người – nhưng chúng ta phải ấp ủ niềm vui của Đức Kitô trong mọi trường hợp và làm lan tỏa niềm vui đó tới những người mà chúng ta gặp. Dần dần chúng ta sẽ biết cách sống “khôn khéo như con rắn”, nhưng chúng ta phải quan tâm duy trì tính ngây thơ và chân thật của loài chim bồ câu.

Và đặc biệt là chúng ta có thể luôn nhớ cầu nguyện với Thánh Tôma, một tiến sĩ sắc xảo mà khiêm nhường, cầu xin ngài hướng dẫn chúng ta trên đường lữ hành trần gian này, vả lại chúng ta cũng đang sống giữa bầy sói.

Lạy Thiên Chúa, con cảm tạ Ngài đã ban cho Giáo Hội một Thánh Phụ lỗi lạc để làm chứng về Ngài và dạy cho mọi người nhận biết Ngài. Lạy Thánh Bổn Mạng, xin thương nguyện giúp cầu thay, và xin cho con được nên giống Ngài một phần nhỏ bé, đặc biệt là nhân đức khiêm nhường. Con cầu xin nhân danh Đức Giêsu Kitô, Đại Sư và Đấng Cứu Độ của nhân loại. Amen.

ERIN CAIN (IgnitumToday.com)

Thom. Aq. TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ)

Kính mừng Thánh bổn mạng, 28-01-2017

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN