Home / Chia Sẻ / CHIẾN ĐẤU VỚI CÁM DỖ (P.CUỐI)

CHIẾN ĐẤU VỚI CÁM DỖ (P.CUỐI)

III. XÁC THỊT.

image0037Thế gian và ma quỷ là những kẻ thù ngoại tại chính yếu của chúng ta, nhưng chúng ta còn phải mang trong chính mình kẻ nội thù khủng khiếp hơn nhiều, đó là xác thịt. Thế gian có thể được chế ngự dễ dàng bằng sự coi khinh những phù hoa và hư ảo của nó, ma quỷ không thể chống lại sức mạnh siêu nhiên của một chút nước thánh; nhưng xác thịt không ngừng chống lại chúng ta. Nó chống lại bằng hai cách rõ rệt: bằng bản năng sợ đau khổ và ước muốn thỏa mãn vô độ. Cách thứ nhất là chướng ngại cho sự thánh thiện, cách thứ hai có thể làm thiệt hại ơn cứu độ đời đời. Do đó, thật cần thiết để biết làm cách nào kháng cự lại và tiêu diệt hai khuynh hướng nguy hiểm này:

1. Ước muốn khoái lạc.

1.1.Ước muốn khoái lạc.

Chúng ta sẽ bắt đầu với khuynh hướng thứ hai, đó là khuynh hướng đặc thù của sự ham mê nhục dục, trong khi sợ đau khổ là một hậu quả tất yếu và là khía cạnh tiêu cực của ước muốn này. Chúng ta trốn tránh đau khổ vì chúng ta yêu khoái lạc, và sự hướng chiều về khoái lạc được coi là sự ham mê nhục dục.

Khoái lạc về xác thịt tự nó không phải là xấu. Thiên Chúa là tác giả của tự nhiên, chính Người đã ban khoái lạc cho một số hành động tự nhiên và nhất là những gì thích hợp cho việc bảo tồn con người và nòi giống. Người hành động như thế để giúp chúng ta sử dụng dễ dàng các khả năng, và khuyến khích chúng ta thực hiện chúng. Nhưng vì hậu quả của nguyên tội, sự ham muốn nhục dục thường chống lại những đòi hỏi của lý trí và xúi giục chúng ta phạm tội. Thánh Phaolô đã diễn tả sinh động trận chiến giữa xác thịt và tinh thần mà mọi người chúng ta phải chiến đấu chống lại chính mình để bắt những bản năng xác thịt tùng phục sự điều khiển của lý trí đã được đức tin soi dẫn (x. Rm 7,14-25; 1Cr 12,1-7).

Thật khó khăn khi phải cố gắng tìm ra ranh giới phân biệt những khoái lạc lành mạnh với những khoái lạc lăng loàn, cũng như làm cách nào để giữ mình trong phạm vi những thú vui lành mạnh. Hưởng thụ những thú vui hợp pháp thường thường trở thành cơ hội hay động cơ cho những thú vui bất hợp pháp và hỗn độn.Vì thế, tinh thần khổ chế Kitô giáo luôn khuyên chúng ta từ khước những gì hợp pháp và thú vui lành mạnh, không phải vì bối rối, nhưng để bảo vệ điều thiện bị nguy hiểm khi người ta thiếu khôn ngoan tiến gần tới ranh giới sự dữ.

Sự thỏa mãn một giác quan làm thức tỉnh sự thèm khát của những giác quan khác. Lý do là vì cảm giác khoái lạc tràn lan toàn thân thể, và khi một giác quan bị kích thích thì cả cơ thể cùng rung động. Điều này đặc biệt đúng với xúc giác, nó có mặt trong mọi phần của cơ thể và hướng về khoái lạc thú tính với một xúc cảm mãnh liệt hơn những giác quan khác.

Cuộc chiến chính yếu xoay quanh hai khuynh hướng cần thiết cho việc bảo tồn cá thể và giống nòi. Đó là sự dinh dưỡng và truyền sinh. Những khuynh hướng nhạy cảm khác hầu như luôn được dùng để phục vụ hai khuynh hướng này, là ham mê kiếm tìm khoái lạc không liên quan gì cho việc bảo tồn cá thể và nòi giống. Nếu lý trí không can thiệp, giữ những thèm khát theo bản năng ở mức độ thích đáng, thì chúng có thể dễ dàng làm suy thoái cá thể và nòi giống.

Người ta thật khó tin rằng một sự ham muốn buông thả gây thiệt hại cho ta biết bao, không phải chỉ với sự hoàn thiện luôn đòi hỏi sự khổ chế, nhưng còn có đối với ơn cứu độ đời đời của chúng ta. Những con người ham mê xác thịt tất nhiên không được kết hợp với Thiên Chúa, nhưng còn mất cả sự hưởng nếm những sự lành siêu phàm như thánh Phaolô dạy (1Cr 2,14).[1]

1.2. Những phương thế kiềm chế khoái lạc.

Tuy lý trí đưa ra một số phương thuốc kiềm chế nhục dục, nhưng đức tin mới cung cấp phương thuốc hữu hiệu nhất, đó là những phương thuốc hoàn toàn siêu nhiên. Sau đây là những phương thuốc chính yếu tự nhiên và siêu nhiên:

1.2.1. Canh phòng giác quan

Đây là phương thuốc quyết định và quan trọng nhất trong những phương thuốc thuần tuý tự nhiên. Ngay cả ý chí mạnh mẽ nhất cũng có thể không chống nổi khi bị kích thích của giác quan áp chế. Sự quyết tâm chân thành và cương quyết cũng chẳng lợi ích gì; mọi sự phải đầu hàng trước sự quyến rũ của dịp tội. Các giác quan được thức tỉnh, trí tưởng tượng bị kích thích, đam mê bị khuấy động mạnh mẽ, mất tự chủ và sau cùng, không tránh khỏi sa ngã. Thận trọng canh phòng thị giác là điều cần thiết, hợp với châm ngôn: “Cái gì con mắt không thấy, trái tim không ước muốn”.[2]

1.2.2. Từ bỏ mình

Một sự đề phòng khác nữa phải thực hiện trong cuộc chiến chống lại ham mê nhục dục là không bao giờ đi quá giới hạn những thỏa mãn lành mạnh, và đôi khi ngay cả đối với những khoái lạc hợp pháp, nhất là đối với những người nghiêng chiều về những thỏa mãn giác quan. Thánh Clêment Alexandria có lý khi nói rằng những ai làm mọi điều được phép, thì sẽ rất sẵn sàng làm điều không được phép. Đàng khác, sự hãm dẹp những sở thích và những ước muốn không làm hại sức khoẻ con người, sẽ luôn giúp ích cho cả thể xác lẫn tâm hồn. Nếu chúng ta muốn tránh phạm tội và tiến tới trọn lành với những bước tiến mau lẹ, rất cần từ bỏ một số lớn những thỏa mãn giác quan.[3]

1.2.3. Lợi ích của làm việc.

Hạt giống ham mê nhục dục tìm được mảnh đất màu mỡ trong một linh hồn nhàn hạ và lười biếng, như chúng ta đọc trong Kinh Thánh: lười biếng là mẹ tất cả tính xấu, nhưng đặc biệt nó là mảnh đất mầu mỡ cho những tội về xác thịt. Ai muốn giữ mình khỏi những đòi hỏi nhục dục phải cố gắng ép mình làm công việc có lợi và hữu ích. Và trong tất cả các công việc, những việc trí thức rất phù hợp cho sự kiềm hãm nhục dục.

Lý do là khi dùng cơ năng này thì làm suy yếu hoạt động của những cơ năng khác. Thêm vào đó những hoạt động trí thức làm cho các đam mê nhục dục quên đi những đối tượng của chúng. Những tội về xác thịt làm suy yếu tinh thần, trái lại, đức tiết độ và đức khiết tịnh hướng tinh thần đến công việc trí thức một cách đáng kể.[4]

1.2.4. Ý nghĩa phẩm giá người Kitô hữu.

Do bản tính có lý trí, chúng ta vượt xa loài vật. Bởi vậy, để mình bị lôi cuốn bởi nhục dục, điều mà chúng ta có chung với thú vật, thì thật là đê tiện. Và phẩm giá người Kitô hữu là phẩm giá hoàn toàn siêu nhiên thì trổi vượt phẩm giá con người trong trật tự tự nhiên. Nhờ ơn thánh Chúa, chúng ta được nâng lên tới mức độ thần linh. Chúng ta chia sẻ bản tính và sự sống của Thiên Chúa, nhờ đó chúng ta trở nên con cái Người, được làm dưỡng tử của Người. Bao lâu chúng ta còn ở trong tình trạng này chúng ta là người thừa tự Nước Trời với quyền chính đáng (x. Rm 8,17).

Vì lý do đó, thánh Tôma khẳng định rằng lợi ích siêu nhiên của một linh hồn do ơn thánh hoá thì có giá trị hơn lợi ích tự nhiên của cả vũ trụ[5]. Thánh Phaolô không tìm thấy lý do nào mạnh hơn lý do đó để hướng dẫn các Kitô hữu thời sơ khai tránh khỏi những hỗn loạn của xác thịt: “Anh em không biết rằng thân xác anh em là những chi thể của Đức Kitô sao ? Vậy tôi sẽ giựt lấy chi thể của Đức Kitô mà làm thành chi thể của con điếm sao?… Anh em không biết sao ? Thân mình anh em là đền thờ của Chúa Thánh Thần ngự trong anh em, anh em đã chịu lấy từ Thiên Chúa và anh em không còn thuộc về mình nữa. Anh em đã được mua chuộc, giá cả hẳn hoi! Vậy anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân mình anh em” (1Cr 15,19-20).[6]

1.2.5. Lưu tâm đến hình phạt bởi tội.

Nếu những phương thuốc trên đối với ham mê nhục dục không gây ấn tượng trên những người quen phạm tội thì có thể còn có những phương thế sửa chữa khác nữa sẽ gây tác động mạnh. Phương thế thứ nhất là lưu tâm đến hình phạt của hoả ngục. Thánh kinh đưa ra rất nhiều ví dụ. Tác giả Thánh Vịnh xin Thiên Chúa làm cho nỗi sợ phán xét thấm vào xác thịt để ông mãi trung thành với giới luật của Chúa (Tv 118,120).

Tương phản với những thúc đẩy của xác thịt trong việc tìm kiếm khoái lạc, sự suy tưởng về những nỗi đau khổ của hoả ngục có thể là một ngăn cản đầy hiệu lực. Dù một người thống hối tội lỗi và được ơn tha thứ, vẫn còn món nợ của hình phạt tạm thời phải được trả, hoặc ở đời này bằng sự ăn năn hay ở đời sau bằng khổ hình luyện tội. Trong mỗi trường hợp, sự đau khổ phải chịu vượt xa khoái lạc mà con người hưởng thụ trong khi phạm tội. Xét mặt này mà thôi, cái giá phải trả thật quá đắt.[7]

1.2.6. Nhớ đến sự thương khó của Đức Kitô.

Những động lực được tình yêu và sự biết ơn thúc đẩy thì quý giá hơn nhiều những gì bắt nguồn từ sợ hãi. Chúa Giêsu đã bị đóng đinh vào thập giá vì tội chúng ta, lòng biết ơn cơ bản đối với Đấng Cứu Thế khổ nạn phải giúp chúng ta tránh tội lỗi. Chiêm ngắm một Đấng Cứu Thế khổ nạn khiến chúng ta phải xấu hổ khi tìm kiếm thú vui xác thịt. Thánh Phaolô nhắc đi nhắc lại lập luận này, và cho rằng hành xác là chứng cớ mạnh mẽ cho sự hoàn toàn thuộc về Đức Kitô (Gl 5,24). Và thánh Phêrô nhắc nhở chúng ta rằng vì Đức Kitô chịu đau khổ trong thân xác, nên cần thiết phải cắt đứt với tội lỗi (1Pr 4,11).[8]

1.2.7. Khiêm nhường và kiên trì cầu nguyện.

Không có ơn Chúa không thể chiến thắng hoàn toàn nhục dục. Ơn này được hứa ban cho những ai cầu nguyện với đủ điều kiện, như Kinh Thánh đã nói rõ. Tác giả sách Khôn Ngoan nhận thức rằng ông không thể giữ được sự tiết dục nếu không có ơn Chúa, điều ông khẩn nài với lòng khiêm nhường (Kn 8,21). Sách Huấn Ca xin được giữ mình khỏi nhục dục và những ước muốn dâm ô (Hc 23,6).[9] (ibidem p.266).

1.2.8. Sùng kính Mẹ Maria.

Đức Trinh nữ Maria Vô nhiễm cũng là Đấng trung gian mọi ơn thánh và là chốn ẩn thân của những tội nhân. Lòng sùng kính thảo hiếu đối với Đức Mẹ có thể là một nhắc nhở thường xuyên, để sống một cuộc đời nhân đức và là nền tảng cho lòng cậy trông vào sự che chở hiền mẫu của Mẹ.[10]

1.2.9. Lãnh nhận các bí tích.

Đây là phương thế hữu hiệu và chắc chắn chống lại mọi thứ tội, nhất là chống lại sự tấn công của nhục dục. Bí tích Giao Hoà không chỉ xoá bỏ tội trong quá khứ nhưng còn ban sức mạnh để che chở chúng ta khỏi phạm tội trong tương lai. Linh hồn có thói quen phạm tội về xác thịt phải đến với nguồn thanh tẩy này, và phải năng xưng tội tuỳ nhu cầu để khỏi phạm tội lại. Thói quen chờ đợi cho tới khi sa ngã rồi đi xưng tội sơ sài để chỗi dậy là một sai lầm, vì như thế, người ta sẽ không bao giờ diệt trừ được thói quen xấu. Hơn nữa, thói quen sẽ càng ngày càng ăn rễ sâu hơn bởi những hành động lặp đi lặp lại.

Cần tiên liệu những sa ngã có thể xảy ra và đến với bí tích Giao Hoà khi chúng ta thấy rằng chúng ta đang suy yếu và đang mất sức, nhờ đó có thể lại sức và tránh được sa ngã. Cũng thật là hữu ích nếu có một vị giải tội nhất định để chúng ta có thể bày tỏ hoàn toàn tâm hồn với ngài, và nhận được những lời khuyên hữu ích. Trình bày những gì xảy ra trong tâm hồn cho cha giải tội sẽ giúp ta trói buộc đôi cánh của trí tưởng tượng và như một cái thắng kìm hãm sức đẩy của những đam mê. Việc rước lễ có hiệu quả lớn nhất để chống lại sự ham mê xác thịt. Thiên Chúa đổ tràn trên chúng ta ơn dũng cảm để chống lại sức mạnh của đam mê. Thân xác trinh khiết vô cùng của Chúa Kitô tiếp xúc với thân xác tội lỗi của chúng ta sẽ thánh hoá nó. Thánh Thể được gọi là Bánh các Thiên Thần không phải là điều vô nghĩa. Đặc biệt, người trẻ cần phương thuốc siêu nhiên này để kháng cự lại sự sôi nổi của đam mê. Kinh nghiệm trong việc hướng dẫn các linh hồn cho thấy rõ ràng: không có gì hiệu lực và thêm sức mạnh giúp người trẻ giữ đức tiết độ và khiết tịnh bằng việc rước Mình Thánh hằng ngày hay thường xuyên.[11]

2. Sợ đau khổ.

2.1. Sợ đau khổ.

Trong khi ao ước khoái lạc là một cản trở lớn cho ơn cứu độ đời đời, thì sự sợ đau khổ cũng là một trở ngại lớn cho việc nên thánh. Nhiều linh hồn dừng lại dọc đường không tiến tới hoàn thiện vì họ không chế ngự được sự sợ đau khổ: chỉ những ai quyết định chiến đấu chống khuynh hướng này với một nghị lực kiên định mới tới được đỉnh cao thánh thiện. Thánh Têrêsa nói, đây là điều kiện cần thiết tuyệt đối để đạt tới hoàn thiện. Những ai không đủ nghị lực làm điều đó có thể từ bỏ sự thánh thiện vì họ sẽ không bao giờ đạt được.Thánh Gioan Thánh Giá gán cho tình yêu đau khổ một sự quan trọng khác thường trong tiến trình nên thánh, cho việc đền tội cũng như thánh hoá tâm hồn.

Đau khổ cũng cần để đền tội, vì cán cân công lý của Thiên Chúa bị nguyên tội làm xáo trộn, đã được tái lập bằng máu Chúa Kitô, lại bị xáo trộn bởi những tội riêng. Tội riêng đặt sức nặng khoái lạc trên bàn cân công lý, vì mỗi tội đều mang theo một khoái lạc hay thỏa mãn nào đó. Do đó, thật cần thiết để sự cân bằng cán cân công lý của Thiên Chúa được tái lập bằng sức nặng của đau khổ đặt trên bàn cân bên kia.

Sự đền tội chính yếu đã được thực hiện nhờ cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Kitô. Giá trị vô cùng của việc đền bù này được ứng dụng cho chúng ta qua các bí tích. Còn Kitô hữu chúng ta, xét như những thành phần của Nhiệm Thể Chúa Kitô, chúng ta không thể tách khỏi Đầu là Đức Kitô, như thánh Phaolô nói: “Giờ đây, tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể người là Hội Thánh” (Cl 1,24). Bí Tích Giải Tội không giải thoát khỏi mọi hình phạt bởi tội trừ trường hợp sám hối trọn vẹn, vì thế, cần phải đền trả cho đủ, hoặc ở đời này, hoặc ở đời sau (Mt 5,26).

Sự thánh thiện hệ tại kết hiệp mật thiết với Chúa Kitô. Các thánh mô phỏng trung thành lời nói và việc làm của Chúa Kitô, các ngài là Chúa Kitô khác. Cách thế chúng ta liên kết với Chúa Kitô và được biến đổi trong Người đã được chính Chúa Kitô vạch ra: “Nếu ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16,24). Không còn con đường nào khác, cần ôm lấy đau khổ, vác thập giá mình và theo Chúa Kitô tới đỉnh Canvê. Không phải ở đó để xem họ đóng đinh Người như thế nào, nhưng để chịu đóng đinh bên cạnh người. Không có sự thánh thiện nếu không chịu đóng đinh với Chúa Kitô. Thánh Gioan Thánh Giá rất thấm nhuần điều này nên người đã viết những lời đanh thép: “Hỡi anh em, nếu có lúc nào, có người dù giáo chủ đi nữa thuyết phục anh em theo một giáo thuyết rộng rãi và vui thú hơn, đừng tin và chấp nhận giáo thuyết đó có chứng thực bằng những phép lạ, nhưng càng ngày càng phải hành xác hơn để đền tội và bỏ lòng quyến luyến mọi sự. Nếu anh em muốn chiếm hữu được Chúa Kitô, đừng bao giờ tìm kiếm Người ngoài thập giá”.

Ta sẽ thấy rõ sự cao trọng của đau khổ Kitô Giáo nếu ta lưu tâm đến những lợi ích lớn lao nó đem lại cho tâm hồn. Đau khổ sẽ qua đi, nhưng người chịu nhiều đau khổ sẽ không bao giờ qua, vì thế đau khổ sẽ để lại dấu ấn đời đời.

Thánh Phaolô viết cho giáo đoàn Côrintô: “Tôi đối xử khắt khe với chính tôi để bắt nó tuân phục tôi” (1Cr 9,17). Xác thịt có khuynh hướng chế ngự tinh thần. Chỉ nhờ thiếu thốn, chúng ta mới có thể đảo ngược trật tự đó, bắt xác thịt phục tùng linh hồn. Thân xác càng được tiện nghi và thoải mái thì càng đòi hỏi nhiều hơn.

Không gì tách chúng ta khỏi thụ tạo dễ hơn những nỗi đau khổ. Qua những giọt nước mắt, bầu khí quyển của thế giới này xuất hiện đen tối và ảm đạm. Linh hồn ngước mắt lên trời khát khao quê trời vĩnh cửu nên sẽ học biết khinh thường những gì thuộc về thế gian.

Thiên Chúa không bao giờ làm ngơ trước những giọt nước mắt và những tiếng thở than của con tim ưu phiền vì buồn khổ. Nơi Người là hạnh phúc tuyệt đối và vô hạn, nhưng Người có thể bị khuất phục dưới sự yếu đuối của nhũng người đau khổ. Chính Người tuyên bố rằng: Người không thể từ chối những ai đến với Người bằng đôi mắt đẫm lệ. Chúa Giêsu đã làm những phép lạ diệu kỳ cho người chết sống lại vì Người bị xúc động bởi những giọt nước mắt của một goá phụ than khóc cái chết của đứa con độc nhất (Lc 7,11-27), của một người cha bên thi thể đứa con gái (Mt 9,18-26) và của hai người chị đau buồn vì cái chết của người em trai (Ga1,1-44), và Người đã tuyên bố: “Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an” (Mt 5,5).

Một trong những kỳ công vĩ đại nhất của nhiệm cục ơn cứu độ là sự liên đới thân mật giữa mọi người trong thân thể mầu nhiệm Chúa Kitô. Thiên Chúa chấp nhận sự đau khổ nơi một linh hồn có ơn thánh dâng lên Người vì phần rỗi một linh hồn khác, hay cho các tội nhân nói chung. Không thể đo lường sức mạnh cứu độ của đau khổ được dâng hiến cho sự công chính của Thiên Chúa với một đức tin sống động, một tình yêu nồng nhiệt nhờ những thương tích của Chúa Kitô. Khi mọi đường lối khác thất bại, vẫn có thể nhờ đau khổ mà lãnh nhận ơn cứu độ cho một linh hồn tội lỗi.

Cha sở họ Ars có lần đã nói với một linh mục than thở về sự nguội lạnh của giáo dân, và nhiệt tâm của ngài không đem lại kết quả như sau: “Cha đã giảng thuyết chưa ? Cha đã cầu nguyện chưa ? Cha đã ăn chay chưa ? Cha đã thức khuya chưa ? Cha đã hành xác chưa ? Bao lâu cha chưa thực hành những điều đó, cha không có quyền phàn nàn”.

Sự tuyệt vời của đau khổ Kitô Giáo là các linh hồn đau khổ được nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô trong sự đau khổ và cái chết của Người (Pl 3,10). Mẹ Maria đứng bên cạnh Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ, Mẹ là Đấng đồng công cứu chuộc loài người. Trước mặt Nữ Vương các thánh tử đạo, họ cảm thấy xấu hổ vì đã từng lo lắng tìm những tiện nghi và khoái lạc. Họ biết rằng: nếu họ muốn nên giống Mẹ Maria, họ phải ôm lấy thập giá.

Chúng ta nên lưu ý đến hiệu quả thánh hoá đặc biệt của đau khổ từ quan điểm cuối cùng này: đau khổ là cách thế hoàn hảo giúp chúng ta nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, và sự thánh thiện không hệ tại điều gì khác ngoài việc nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, không có và không thể có cách nên thánh nào lại trốn tránh hay coi nhẹ việc đóng đinh chính mình. Đó chỉ là lặp lại những gì thánh Phaolô nói với giáo dân Galata: “Nhưng nếu có ai, kể cả chúng ta, hoặc một thiên thần nào từ trời xuống, loan báo cho anh em Tin Mừng khác với Tin Mừng chúng tôi đã loan báo cho anh em, thì xin Thiên Chúa loại trừ kẻ ấy đi!” (Gl 1,8).

Đây là một trong những lý do chính tại sao có quá ít những vị thánh. Nhiều linh hồn cố gắng nên thánh lại không muốn bước vào con đường đau khổ. Họ muốn là thánh, nhưng là thánh với đầy đủ tiện nghi và dễ dãi. Khi Thiên Chúa thử thách họ bằng một chút đau khổ tinh thần, bằng những bách hại, vu khống hay bất cứ thánh giá nào khác mà nếu họ vác cách vui vẻ sẽ đạt tới đỉnh cao thánh thiện, nhưng họ quay lưng và bỏ con đường hoàn thiện. Có lẽ họ đã có thể đạt tới mức độ xin Chúa gửi thánh giá đến cho họ, nhưng rõ ràng là họ muốn một cây thánh giá mà họ tự chọn, và khi tìm thấy, họ cho rằng, họ đã bị lừa dối và từ bỏ con đường hoàn thiện.

Do đó, cần phải quyết định dứt khoát ôm lấy đau khổ như Chúa muốn gửi đến cho ta: bệnh tật, bách hại, vu khống, nhục nhã, thất vọng, bất cứ điều gì Người muốn và với cách thế Người muốn. Thái độ của tâm hồn nói lời xin vâng là tự dâng hiến trọn vẹn cho Thiên Chúa, không giữ lại gì, một sự khuất phục hoàn toàn đối với sự quan phòng đầy yêu thương của Thiên Chúa để Người định liệu cho mình như Người muốn trong hiện tại, cũng như trong đời sống vĩnh cửu.[12]

2.2. Con đường tiến tới mức độ khao khát chịu đau khổ.

Nhưng đạt tới đỉnh cao này không dễ. Thông thường, linh hồn tiến dần từng bước cho tới cuối cùng đạt được tình yêu thập giá. Sau đây là những mức độ chính yếu của một linh hồn tiến tới mức khát khao đau khổ:

2.2.1. Đảm nhận nhiệm vụ.

Không bao giờ bỏ qua bất cứ nhiệm vụ nào vì sợ đau khổ hay khó khăn. Đây là mức độ khởi đầu và tuyệt đối cần thiết cho mọi người. Một người bỏ một nhiệm vụ quan trọng không vì lý do nào khác hơn là vì phiền phức hay khó khăn không đáng kể, là lỗi lầm nghiêm trọng.[13]

2.2.2. Nhẫn nhục đón nhận thập giá.

Những thánh giá Chúa trao trực tiếp hay cho phép xảy ra có giá trị thánh hoá lớn lao, nếu chúng ta biết cách chấp nhận với tình yêu và nhẫn nhục như đến từ tay Thiên Chúa, Chúa quan phòng dùng những điều đó như khí cụ thánh hoá chúng ta. Thánh Gioan thánh giá nói về điều này với một tu sĩ trong tác phẩm “Những lời cảnh cáo” của người như sau: “Lời cảnh cáo thứ nhất là bạn nên hiểu rằng bạn đã đến tu viện chỉ để cho người khác có thể “đánh bóng” và rèn luyện bạn, Vì thế… Thật là thích hợp nếu bạn nghĩ rằng mọi sự trong tu viện là để thử thách bạn và thực sự đúng như vậy, có những người đánh bóng bạn bằng lời nói, người khác bằng việc làm, người khác bằng những tư tưởng chống lại bạn và trong mọi sự bạn phải phục tùng họ như bức tượng đối với người nghệ sĩ chạm trổ nó, và như bức tranh đối với người hoạ sĩ. Nếu bạn không tuân theo điều này, bạn sẽ không bao giờ biết chế ngự những thú vui nhục dục, và tính đa cảm của bạn, bạn chẳng biết làm cách nào để cư xử tốt với các tu sĩ trong tu viện, và cũng chẳng biết làm sao để hưởng được sự bình an thánh thiện hay giải thoát khỏi những nết xấu và những khuyết điểm.[14]

2.2.3. Khổ chế tự nguyện.

Một cấp độ hoàn hảo hơn là: dù tính tự nhiên cảm thấy ghê tởm, linh hồn vẫn khởi xướng và tiến tới yêu thích đau khổ bằng thực hành khổ chế Kitô Giáo cách tự nguyện dưới nhiều hình thức. Không thể có luật chung cho mọi linh hồn trong lãnh vực này. Khổ chế tự nguyện được xác định rõ trong mỗi trường hợp bởi tình trạng và điều kiện của linh hồn được thánh hoá. Linh hồn càng sẵn sàng đón nhận sự gợi hứng của Chúa Thánh Thần. Người càng đòi hỏi nhiều hơn, nhưng đồng thời, cũng tăng sức mạnh cho linh hồn để có thể chấp nhận và thi hành những hứng khởi ấy. Nhiệm vụ của vị linh hướng là canh chừng và không bao giờ bắt linh hồn hy sinh quá sức. Ngài cũng cần lưu ý để không giới hạn những ước muốn hy sinh của linh hồn hoặc bắt phải chậm lại thay vì giúp ích linh hồn bay bổng với đôi cánh phượng hoàng.[15]

2.2.4. Thích đau khổ hơn khoái lạc.

Thoạt nghe điều này xem ra có thể trái ngược cới bản tính yếu đuối của chúng ta. Các thánh đã thành công trong việc đạt tới những đỉnh cao này. Có lúc, cảm thấy một sự sợ hãi tự nhiên đối với bất cứ cái gì làm cho họ thỏa mãn hay an nhàn. Khi mọi thứ trở thành không tốt đẹp đối với họ, và cả thế gian bách hại hay vu khống, họ vẫn vui sướng tạ ơn Chúa. Nếu được hoan hô hay ca tụng, họ run sợ vì dường như Thiên Chúa đã cho phép những thứ đó xảy ra để trừng phạt tội lỗi họ. Họ không lưu tâm tới họ hay những đức tính anh hùng của họ. Họ quá quen với đau khổ đến nỗi xem ra, đối với họ, chịu đau khổ là điều tự nhiên nhất trên đời. Thánh Gioan Thánh Giá đã cho chúng ta một nguyên tắc để đạt được tình trạng này. Lời ngài xem ra nghiêm khắc và là khổ sở đối với những người ham nhục dục, nhưng chỉ với cái giá này người ta mới đạt được kho tàng thánh thiện.

“Luôn cố gắng hướng mình không phải về những gì dễ dãi nhưng về những gì khó khăn hơn, không về những gì khoái cảm, nhưng về những gì cay đắng hơn, không về những gì an nghỉ nhưng những gì bắt phải cố gắng, không phải những gì là an ủi nhưng là nguồn đau khổ, không phải để có nhiều hơn nhưng là ít hơn, không phải sự cao cả và quý giá nhưng thấp hèn và đáng khinh, không để là gì đó nhưng không là gì, không tìm kiếm những cái tốt nhất trong những sự tạm thời, nhưng là cái xấu nhất, và ước muốn bước vào tất cả sự trần trụi, trống rỗng và nghèo nàn trong Chúa Kitô, nơi bất cứ cái gì có nơi thế gian[16]. [17]

2.2.5. Hiến dâng chính mình như của lễ toàn thiêu.

Hình như không thể tiến trong tình yêu thập giá xa hơn là tâm tình thích đau khổ hơn khoái lạc. Tuy thế, vẫn còn có một mức độ hoàn hảo, cao hơn trong sự yêu đau khổ, đó là hành động hiến dâng chính mình như của lễ đền tội cho trần gian. Ngay từ đầu chúng ta cần phải nhấn mạnh rằng: hành động tuyệt vời này hoàn toàn trổi vượt đường lối thông thường của ân sủng. Người ở bậc khởi sinh hay một linh hồn chưa được thanh tẩy hoàn toàn tự đặt mình vào tình trạng này sẽ tự phụ quá đáng. “Để được gọi là một của lễ toàn thiêu thì dễ và điều đó làm thỏa mãn lòng tự ái, nhưng để là một của lễ toàn thiêu thực sự, đòi một sự trong sạch, tách mình khỏi thụ tạo và từ bỏ mình cách anh hùng đối với mọi thứ đau khổ, sỉ nhục và tăm tối không được ai biết tới. Tôi sẽ cho là ngu ngốc hay một điều kỳ dị nếu một người ngay lúc khởi đầu đời sống thiêng liêng đã cố gắng làm điều mà chính Thầy Chí Thánh đã chỉ làm dần dần”[18].

Nền tảng thần học của sự dâng mình như của lễ đền tội cho phần rỗi các linh hồn hay cho bất cứ động lực siêu nhiên nào khác, như là đền bù cho vinh danh Chúa, giải thoát các linh hồn khỏi luyện ngục, lôi kéo ơn thương xót xuống cho Giáo Hội, cho hàng linh mục, cho đất nước hay cho một linh hồn đặc biệt nào, là sự liên đới siêu nhiên Thiên Chúa thiết lập giữa những chi thể Chúa Kitô trong hiện tại hay tương lai, do sự liên đới của mọi Kitô hữu trong Đức Kitô, Thiên Chúa chọn một số linh hồn thánh thiện, đặc biệt những người đã hiến dâng cách ý thức vì điều đó, để nhờ công nghiệp và hy sinh, họ có thể đóng góp vào công trạng cứu chuộc của Chúa Kitô. Người ta có thể tìm thấy mẫu gương điển hình nơi thánh Catarina Xiêna, lòng ước ao nồng nhiệt nhất của ngài là hiến mạng sống mình cho Giáo Hội. Thánh nữ đã nói: “Lý do độc nhất cho cái chết của tôi là sự nhiệt thành đã nung nấu và thiêu huỷ tôi vì Giáo Hội Chúa. Lạy Chúa, xin nhận của lễ hy sinh cuộc sống con vì Nhiệm Thể của Hội Thánh Chúa”. Người cũng hiến thân làm của lễ toàn thiêu cho một số người riêng biệt. Những mẫu gương khác về cử chỉ hiến thân làm của lễ toàn thiêu là thánh Têrêsa Lisieux, thánh Gemma Galgani và chị Êlisabet Chúa Ba Ngôi.

Trong thực hành, việc dâng mình như của lễ toàn thiêu cho các linh hồn không bao giờ được phép, trừ khi đối với những linh hồn mà Chúa Thánh Thần đòi hỏi điều đó qua một động lực của ơn thánh kiên vững và không cưỡng lại được. Cần lưu ý rằng, hành động đặc biệt này là để đóng góp cho lợi ích thiêng liêng của những người khác hơn là cho sự thánh hoá cá nhân. Linh hồn từ bỏ mình vì phần rỗi người khác phải được liên kết thân mật với Thiên Chúa và trải qua con đường dài tới đức ái hoàn thiện, là một linh hồn được rèn luyện kỹ trong đau khổ và thậm chí khát khao đau khổ. Với những điều kiện này, vị linh hướng theo sự khôn ngoan, có thể cho phép linh hồn hiến mình như của lễ toàn thiêu. Do đó, nếu Thiên Chúa chấp nhận lễ dâng, linh hồn có thể diễn lại cách trung thành hình ảnh vị Tử Đạo siêu phàm trên đồi Canvê.[19]

Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy

HỘI THỪA SAI VIỆT NAM

Xem thêm

mqdefault

Thánh lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót hạt Gia Định, 18/12/2024 tại nhà thờ Thánh Nguyễn Duy Khang

BTT CĐLCTX TGP SG