II. THẾ GIAN.
Khi được bàn tay Đấng Tạo hoá dựng nên, thế gian và những gì trong đó đều tốt lành. Ở mỗi giai đoạn của sáu thời kỳ tạo dựng được ghi lại trong sách Sáng Thế, chúng ta được biết Thiên Chúa nhìn xem những gì Người tạo dựng và thấy nó tốt đẹp. Bởi vì, thế gian không phải là trở lực cho sự nên thánh và ơn cứu độ. Tất cả tuỳ thuộc vào cách chúng ta phản ứng với những gì thuộc về thế gian, và cách chúng ta sử dụng chúng thế nào, chúng sẽ thành tốt hay xấu. Nhiều Kitô hữu sống giữa trần gian, tham gia rất nhiều vào những việc đời, nhưng đã trở nên những vị đại thánh. Thế gian chỉ trở thành kẻ thù của người Kitô hữu khi chúng ta bị những sự thuộc về thế gian trói buộc đến nỗi không thể tiến bước trong tình yêu và phụng sự Thiên Chúa. Trong những trường hợp này, có thể nói được được rằng, thế gian trở nên nguồn cám dỗ mạnh mẽ và là kẻ thù đáng gờm của đời sống thiêng liêng.
Khi nói về thế gian như kẻ thù của người Kitô hữu và chướng ngại cho việc nên thánh, chúng ta muốn nói đến tinh thần thế tục được biểu thị nơi những người nô lệ cho thụ tạo. Toàn thể các thành phố hay các quốc gia có thể bị nhiễm tinh thần thế tục, chỉ sống vì khoái lạc và hưởng thụ do tạo vật đem lại. Môi trường này đem lại một chướng ngại lớn cho người tín hữu muốn thực sự tiến tới trong thánh thiện nhờ tích cực thực hành nhân đức. [1]
1. Tinh thần thế gian thường được biểu lộ bằng 4 cách chính:
1.1 Sự lừa dối.
Cách thứ nhất là lừa dối, nhất là những châm ngôn giả dối đối lập trực tiếp với những giáo huấn của Đức Kitô. Thế gian đề cao khoái lạc, an nhàn, giàu có, danh vọng, bạo lực và quyền thế. Nó khuyên những người theo nó hưởng thụ cuộc đời khi có thể, tận dụng những gì thế gian dâng hiến, tìm sự an toàn và thoải mái tối đa cho thân xác. Sự thẩm định sai lầm này đưa đến kết quả là: những tên trộm được coi là tài giỏi và lão luyện về kinh doanh, những người chủ trương bất khả tri về Thiên Chúa hay những kẻ vô thần thì giữ vững lập trường của mình; những người không chấp nhận quyền bính và luân lý khách quan thì được coi là vô định về tự do cá nhân; những người buông thả về luân lý được coi là thạo đời và trưởng thành [2]
1.2. Nhạo báng những người sống lương thiện.
Biểu thị thứ hai của tinh thần thế tục được thấy trong việc nhạo báng và khủng bố những người cố gắng sống lương thiện và đúng đắn. Những người ham mê khoái lạc bạo miệng tuyên bố mình tự do, không bị luật luân lý ràng buộc và sống như mình thích. Họ chế nhạo bất cứ quyền bính hay luật pháp nào hướng dẫn con người sống tự chủ và tuân phục. Chính họ không muốn giữ luật, đặc biệt họ còn khinh chê những người phấn đấu liêm chính để sống một đời sống tốt.[3]
1.3. Những người sống buông thả theo dục vọng.
Biểu thị thứ ba của tinh thần thế tục được thấy trong những thú vui và những trò giải trí của những người không kìm hãm được những ham muốn thấp hèn. Thái độ buông thả trong vấn đề tính dục, sử dụng ma tuý, ăn uống say sưa thì được coi như một sự từng trải trong xã hội. Phim ảnh, báo chí và những phương tiện giải trí khác không chấp nhận giới hạn nào hết ngoại trừ sức mạnh của luật pháp, hoặc sự phẫn nộ của quần chúng. Cái quái dị trở thành bình thường trong đời sống của những người này.[4]
1.4. Dịp tội và gương xấu.
Dấu hiệu thứ tư của tinh thần thế tục là dịp tội và gương xấu mà người Kitô hữu đạo đức luôn phải đương đầu. Đây không chỉ đơn thuần là “gương mù” do đời sống sa đoạ, nhưng tệ hơn nữa, “gương mù” gây ra bởi những người vì niềm tin Kitô giáo hay do địa vị trong xã hội lẽ ra phải nêu gương nhân đức. Thánh Gioan có lý để than phiền rằng: “Cả thế giới ở dưới sự dữ” (1Ga 5,19), Và chính Chúa Giêsu cảnh cáo: “Khốn cho người gây ra gương xấu” (Mt 18,7).
Phương thuốc hiệu nghiệm nhất chống lại ảnh hưởng của thế gian và những người thuộc về thế gian là “đào vi thượng sách”, nhưng vì phần lớn các Kitô hữu phải sống trong thế gian và vẫn buộc theo đuổi sự hoàn thiện Kitô giáo, nên họ cần phải cố gắng đạt được tâm tình của Chúa Kitô, Đấng cũng sống giữa thế gian nhưng đã đi ngược lại tinh thần thế tục.[5]
2. Những phương thuốc chống lại ảnh hưởng của thế gian.
2.1 Tránh dịp tội.
“Ai yêu sự nguy hiểm sẽ chết trong sự nguy hiểm”. Người Kitô hữu phải giữ mình khỏi bị cám dỗ về những của cải trần gian, những thú vui trần tục hay những quyến luyến thụ tạo. Những dịp tội cho người này không tất nhiên là dịp tội cho người khác, vì thế, thật khó mà đưa ra những quy tắc chung trong vấn đề này.
Tuy thế, có một vài trường hợp độc hại đến nỗi gây nguy hiểm cho bất cứ Kitô hữu nào. Việc mỗi người phải làm là nhờ kinh nghiệm để biết đâu là những yếu đuối của mình và rồi dùng những biện pháp cần thiết như hy sinh và kiềm chế. Khi hồ nghi, người Kitô hữu lương thiện nên theo óc phán đoán thực tế của mình để xem xét vấn đề nói tới đó có nguy hiểm cho một tín hữu đạo đức trung bình hay không. Nếu có, thì họ cũng phải tránh. Một phương thức đơn giản khác là tự hỏi mình: “Chúa Giêsu sẽ làm gì trong hoàn cảnh này?”. Cũng nên nhớ lại lời khuyên của thánh Phaolô: “không phải mọi cái đúng luật đều là khôn ngoan cho mọi người”.[6]
2.2 Làm cho đức tin sống động
Thánh Gioan nói: “Chiến thắng của chúng ta đối với thế gian: đó là lòng tin của chúng ta” (1Ga 5,4). Đức tin là một sự chấp nhận có ý thức đối với mầu nhiệm và giáo điều nào đó. Khi đức tin được hoàn hảo, nó cống hiến cho ta một quan điểm hoặc một lối phê phán sự vật theo cách thức siêu nhiên. Có thể nói nó giúp ta nhìn sự vật với cái nhìn Thiên Chúa. Một đức tin mạnh mẽ giúp người Kitô hữu nhìn Thiên Chúa trong mọi sự và vượt qua những nguy hiểm mà không bị tổn hại, vì người ấy có thể vượt lên trên những gì đối với người khác là những cám dỗ. Một đức tin mạnh mẽ sẽ làm cho người Kitô hữu có khả năng chống lại những lời chế nhạo và giễu cợt của trần gian. Nhiều tác phẩm nghệ thuật diễn lại cảnh các thánh tử đạo bị những kẻ ngược đãi bao quanh với nụ cười chế nhạo hay những cái nhìn khinh bỉ, nhưng vị thánh không bị dao động và vẫn bình thản giữa cuộc tấn công và những đau khổ, vì nhờ ánh sáng đức tin – con mắt linh hồn của các ngài có thể nhìn thấu cõi vĩnh hằng và tập trung vào những sự siêu phàm.[7]
2.3 Suy niệm về sự phù hoa thế gian
Thế gian qua đi rất nhanh và cuộc đời còn qua nhanh hơn. Không có gì bền vững cố định trong sự xét đoán và tình bạn hữu thế gian. Những ai hôm nay được hoan hô thì ngày mai họ lại bị đả đảo. Sự dữ tăng triển vì nó được thưởng ngay trong trần gian này. Người Kitô hữu nhận thức được họ không có thành đô vĩnh cửu ở trần gian, nhưng họ là những lữ khách tiến về quê hương vĩnh cửu, họ biết chỉ mình Thiên Chúa không thay đổi, chỉ có sự công chính và chân lý Người tồn tại muôn đời. Vì thế chỉ có những ai thi hành ý Chúa, mới được sống đời đời (1Ga 2,17).[8]
2.4 Không lưu ý đến những gì thế gian nghĩ tưởng.
Bận tâm về “những gì người ta sẽ nói” là một thái độ không xứng đáng đối với người Kitô hữu. Chúa Giêsu đã nói rõ ràng Người sẽ chối bỏ trước mặt Cha trên trời những ai chối bỏ Người trước mặt người đời (Mt 10,33). Do đó thật cần thiết cho người Kitô hữu biết giữ vững lập trường và theo sát giáo huấn của Đức Kitô: “Ai không đi với Tôi là chống lại Tôi” (Mt 12,30). Thánh Phaolô cảnh cáo ai chỉ lo làm đẹp lòng người ta sẽ không phải là môn đệ Đức Kitô (Gl 1,10).
Ai muốn tiến tới trên con đường thánh thiện phải hoàn toàn không quan tâm đến những gì thế gian nói hay nghĩ tưởng. Điều duy nhất phải quan tâm là làm theo ý Thiên Chúa với bất cứ giá nào, tốt hơn hết là phải nhất quyết ngay từ đầu, để tìm biết chỗ đứng của mình ở đâu. Chúng ta đã được Chúa Giêsu khuyến cáo rằng thế gian sẽ ghét bỏ và bách hại chúng ta (x. Ga 15,18-20). Nhưng nếu thế gian thấy ta đứng vững trong quyết tâm theo Chúa Kitô và luật Người ban, thì sau cùng, nó sẽ để chúng ta bình an và coi như thua trận. Cách tốt nhất để chiến thắng thế gian là không chùn bước nhưng đứng vững trong việc từ bỏ những sự phù hoa hư ảo và những châm ngôn lừa dối của thế gian.[9] (còn tiếp)
Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy
HỘI THỪA SAI VIỆT NAM