Home / Chia Sẻ / CHIẾN ĐẤU VỚI CÁM DỖ (P.1)

CHIẾN ĐẤU VỚI CÁM DỖ (P.1)

KHÁI QUÁT VỀ CÁM DỖ

dung-hoa-cam-do01-38db6Theo thánh Tôma: “nghiệp vụ của ma quỷ là cám dỗ”[1]. Tuy thế người thêm ngay, không phải tất cả những cám dỗ đều phát xuất từ ma quỷ. Một số cám dỗ là hậu quả của dục vọng nơi chúng ta, như thánh Giacôbê nói: “Mỗi người có bị cám dỗ là do dục vọng của mình lôi cuốn” (Gc 1, 14). Thực ra, nhiều cám dỗ phát xuất bởi ma quỷ. Thánh Phêrô so sánh ma quỷ với sư tử gầm thét rảo quanh tìm mồi cắn xé (x. 1Pr 5, 8).

Thánh Giacôbê dạy rằng: Thiên Chúa không bao giờ thử thách ai bằng cách xúi giục họ làm điều xấu (Gc 1, 13). Khi nói về việc Thiên Chúa thử thách, Thánh Kinh dùng từ ngữ ấy để chỉ sự trắc nghiệm con người. Thiên Chúa để kẻ thù thiêng liêng cám dỗ ta với mục đích giúp ta lập công nhiều hơn. Như thánh Phaolô nói: “Không một thử thách nào đã xảy ra cho anh em mà lại vượt quá sức loài người. Thiên Chúa là Đấng trung tín, Người không để anh em bị thử thách quá sức; nhưng khi để anh em bị thử thách Người cũng sẽ cho kết thúc tốt đẹp, để anh em có sức chịu đựng” (1Cr 10-13).

Khi chế ngự được một cơn cám dỗ nhờ sự trợ giúp của Thiên Chúa, chúng ta sẽ có được rất nhiều lợi ích. Chiến thắng cám dỗ là làm nhục cho Satan, khiến cho vinh quang của Chúa chiếu sáng hơn, thanh tẩy tâm hồn ta, làm cho ta khiêm nhường, sám hối và tin tưởng vào ơn phù trợ của Thiên Chúa. Nó nhắc ta luôn thận trọng, cảnh giác và tỉnh thức, không tin vào mình, chờ đón mọi sự nơi Thiên Chúa, chế ngự những sở thích cá nhân. Nó thức tỉnh chúng ta cầu nguyện, giúp chúng ta lớn lên trong kinh nhgiệm, làm cho ta thận trọng và cảnh giác trong trận chiến chống lại kẻ thù. Thánh Giacôbê đã nói rất chính xác: “Phúc thay người biết kiên trì chịu đựng cơn thử thách, vì một khi đã được tôi luyện, họ sẽ lãnh phần thưởng là sự sống Chúa đã hứa ban cho những ai yêu mến Người” (Gc 1,12). Nhưng để đạt được những lợi ích này cần biết làm thế nào để chiến thắng nhờ sự trợ giúp của Thiên Chúa. Muốn chiến thắng, chúng ta hãy xem xét ba nguồn gốc của các cơn cám dỗ, đó là: ma quỷ, thế gian và xác thịt.[2]

I. MA QUỶ.

1. Chiến thuật của ma quỷ qua trình thuật “Trái Cấm”.

Có lẽ không có trang Kinh Thánh nào mô tả cách rõ ràng chiến thuật của ma quỷ khi cám dỗ như trình thuật cám dỗ bà Evà, cuộc cám dỗ này đã gây hậu quả tai hại cho toàn thể nhân loại. Chúng ta hãy khảo sát trình thuật này và từ đó rút ra một số kết luận quan trọng.

Con rắn nói với người đàn bà: “Có phải thực sự Thiên Chúa bảo bà không được ăn quả của bất cứ trái cây nào trong vườn không?” (St 3,1). Cho đến lúc đó, ma quỷ chưa cám dỗ người đàn bà nhưng cuộc đối thoại đã hoàn toàn nằm trong phạm vi vấn đề mà nó có sẵn trong trí. Ngày nay, nó vẫn luôn luôn dùng chiến thuật đó. Đối những người hướng chiều về những thú vui nhục dục, hoặc nghi ngờ chống lại đức tin, thì ma quỷ chỉ khêu gợi bằng những lời nói xa xôi và không cần xúi giục họ làm điều xấu.

Nếu ý thức được sự nguy hiểm thì linh hồn sẽ không dừng lại trong cơn cám dỗ, nhưng sẽ hướng ý nghĩ và trí tưởng tượng tới những vấn đề khác. Khi ấy, cám dỗ gặp trở ngại và linh hồn chiến thắng dễ dàng. nhưng nếu linh hồn thiếu khôn ngoan mà đối thoại với cơn cám dỗ, thì sẽ bị sa vào bẫy.

Đây là lỗi của bà Evà, bà trả lời con rắn: “Chúng tôi được phép ăn quả trong vườn”, nhưng Thiên Chúa đã nói: ” Các ngươi được phép ăn quả cây trong vườn, còn quả cây ở giữa vườn, các ngươi không được đụng đến kẻo các ngươi phải chết” (St 3,2-3).

Linh hồn ý thức rằng Thiên Chúa nghiêm khắc ngăn cấm linh hồn thực hiện hành động đó, khơi dậy ước muốn đó, hoặc nuôi dưỡng tư tưởng đó. Linh hồn không muốn bất tuân lệnh Thiên Chúa, nhưng lại mất thời giờ gợi lại những bổn phận luân lý. Linh hồn có thể huỷ diệt cám dỗ ngay lúc ban đầu, không cần phải lo lắng, cân nhắc lý do tại sao phải làm như vậy.

Linh hồn đã nhường bước cho kẻ thù và bây giờ kẻ thù tập trung sức mạnh tấn công trực tiếp: “Nhưng con rắn nói với người đàn bà: ‘Bà sẽ không chết, vì Thiên Chúa biết khi nào bà ăn nó thì mắt bà sẽ mở ra, và bà sẽ giống như Thiên Chúa, biết lành biết dữ “ (St 3, 4-5).

Ma quỷ bày ra một tương lai đầy hấp dẫn. Hắn sẽ không nói với ta rằng, ta sẽ giống Thiên Chúa, nhưng hắn bảo ta sẽ được hạnh phúc nếu buông thả mình vào tội lỗi. Tên cám dỗ có thể thêm: “Trong bất cứ trường hợp nào, Thiên Chúa đầy lòng từ bi sẵn sàng tha thứ cho bạn. Hãy nếm thử trái cấm lần nữa đi. Bạn có nhớ kinh nghiệm trong quá khứ của bạn không? Lúc đó, bạn thú vị dường nào, và rồi bạn đã từ bỏ tội lỗi do lòng thống hối tức khắc cách dễ dàng như thế nào?”.

Linh hồn vẫn có thời giờ rút lui vì ý muốn chưa ưng thuận, nhưng nếu không chấm dứt cuộc đối thoại, linh hồn sẽ có nguy cơ sa ngã. Sức mạnh dần dần suy yếu và tội được bày ra ngày càng hấp dẫn.

“Người đàn bà đã nhìn thấy trái ăn ngon, nhìn sướng mắt, và đáng thèm để được tinh khôn. Linh hồn bắt đầu dao động và bị xáo trộn mạnh. Nó không muốn xúc phạm đến Chúa, nhưng cám dỗ hấp dẫn đến nỗi, sau đó xảy ra một cuộc chiến đấu đôi khi diễn ra trong thời gian dài. Nếu linh hồn hết sức cố gắng và nhờ ảnh hưởng của ơn hiện sủng, quyết định trung thành với nhiệm vụ mình thì sẽ chiến thắng, nhưng thường một linh hồn bị dao động đến mức đó thì sẽ bước tới liều lĩnh phạm tội.

Vì thế bà đã hái lấy quả ăn, và cũng đã trao cho ông chồng ở cạnh bà và ông đã ăn (x. St 3, 6). Linh hồn sa chước cám dỗ. Nó đã phạm tội và thường do gương mù hay do sự đồng loã, đã làm cho người khác phạm tội.

Khi vừa phạm tội, linh hồn ý thức ngay được sự lừa dối tai hại “và mắt cả hai đã mở ra và họ biết là họ trần truồng. Họ đã khâu lá và làm khố cho mình” (St 3, 7). Bấy giờ, linh hồn ý thức được rằng mình đã mất tất cả. Nó thấy mình hoàn toàn trần trụi trước Thiên Chúa, mất ơn thánh sủng, mất hết các nhân đức thiên phú, không có ơn Chúa Thánh Thần, không có nơi ở cho Chúa Ba Ngôi. Nó đánh mất tất cả công trạng đã lập được trong suốt cuộc đời. Những gì còn lại là dối trá, đắng cay và tiếng cười chế nhạo của tên cám dỗ.

Ngay lúc đó, linh hồn nghe thấy tiếng nói khủng khiếp của lương tâm quở trách vì tội nó đã phạm: “Họ nghe thấy tiếng chân Chúa đi tản bộ trong vườn với gió hiu hiu thổi chiều hôm và họ đi núp mình khuất mặt Giavê Thiên Chúa giữa những cây trong vườn. Giavê Thiên Chúa gọi người đàn ông và phán với ông: “Ngươi ở đâu?” (St 3, 8-9). câu hỏi không lời đáp này cũng là câu hỏi mà lương tâm tội nhân đặt ra. Điều duy nhất tội nhân có thể làm là quỳ gối xin Chúa thứ tha vì sự bất trung của mình và học từ kinh nghiệm đáng buồn này, để trong tương lai biết cách thế chống lại tên cám dỗ ngay từ giây phút đầu. Nhờ đó mới dễ dàng chiến thắng và được bảo đảm sống dưới cái nhìn yêu thương của Chúa.[3]

2. Những việc phải làm trước khi, đang khi và sau khi bị cám dỗ.

2.1. Trước khi bị cám dỗ.

2.1.1. Tỉnh thức.

Bây giờ chúng ta thử tìm hiểu xem linh hồn phải làm gì trước và sau khi bị cám dỗ, Chúa đã đưa ra cho chúng ta một chiến thuật căn bản để ngăn ngừa cám dỗ khi Người bảo các môn đệ: “tỉnh thức và cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ” (Mt 26, 41). Thức tỉnh và cầu nguyện cần thiết ngay cả trước khi cám dỗ xuất hiện.

Sự thức tỉnh cần thiết bởi vì ma quỷ không bao giờ từ bỏ chiếm đoạt linh hồn. Nếu đôi khi xem ra nó để chúng ta được bình an, là chỉ để trở lại tấn công lúc chúng ta ít ngờ tới. Chúng ta phải nhận thức trong thời gian được yên hàn là trận chiến sẽ lại tái diễn và có thể với cường độ mạnh hơn trước. Vì thế, chúng ta phải tỉnh thức kẻo bị đánh bất ngờ. Để được điều đó, chúng ta phải tránh dịp tội, lường trước những cuộc đột kích bất ngờ, thực hành khổ chế, xét mình riêng, thường xuyên nhắc lại quyết định không bao giờ phạm tội và tránh ở nhàn rỗi.[4]

2.1.2. Cầu nguyện.

Nhưng cảnh giác thôi chưa đủ, để sống trong tình trạng ơn sủng và chiến thắng cám dỗ cần phải có ơn trợ giúp hữu hiệu của Chúa, các ơn này chỉ có thể nhận được nhờ cầu nguyện. Sự cảnh giác thận trọng nhất và những cố gắng nghiêm chỉnh nhất sẽ hoàn toàn vô hiệu nếu không có sự trợ giúp của ơn thánh. Trái lại, nếu có ơn Chúa chắc chắn sẽ chiến thắng. Thiên Chúa đã hứa với chúng ta rằng: Người sẽ ban cho chúng ta ơn thánh, nếu chúng ta cầu xin với đủ điều kiện cần thiết. Điều này chứng tỏ lời cầu nguyện sốt sắng quan trọng như thế nào. Chúa Kitô dạy chúng ta xin cùng Chúa Cha: “xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ”. Chúng ta cũng phải cầu khẩn Mẹ Maria, Đấng đã đạp đầu con rắn dưới gót chân trinh khiết của người. Và Thiên Thần bản mệnh của ta có nhiệm vụ chính là bảo vệ chúng ta chống lại những trận đột kích của ma quỷ, hãy năng chạy đến với Người.[5]

3. Phải làm gì trong khi bị cám dỗ: kháng cự trực tiếp và kháng cụ gián tiếp.

Trong khi cám dỗ, thái độ của linh hồn có thể được tóm tắt trong một từ quan trọng: kháng cự. Khi bị cám dỗ linh hồn giữ thế thụ động chưa đủ mà cần tích cực kháng cự. Sự kháng cự này có thể trực tiếp hay gián tiếp. Kháng cự trực tiếp và đương đầu với chính cơn cám dỗ và chế ngự nó bằng cách làm ngược lại nhưng gì nó đưa ra. Chẳng hạn, nói tốt về một người khi bị cám dỗ chỉ trích họ, bố thí cách quảng đại khi tính ích kỷ xúi ta từ chối, kéo dài giờ cầu nguyện khi ma quỷ xúi giục rút ngắn hay bỏ cầu nguyện. Nên kháng cự trực tiếp để chống lại bất kỳ cơn cám dỗ nào trừ những gì chống lại đức tin hay đức khiết tịnh như sẽ thấy sau.

Kháng cự gián tiếp là không tấn công cám dỗ, nhưng rút lui bằng cách nghĩ về vấn đề hoàn toàn khác. Đây là cách kháng cự được dùng trong những cám dỗ chống lại đức tin hay đức khiết tịnh vì, trong những trường hợp này, một cuộc tấn công trực tiếp sẽ rất có thể làm tăng cường độ của chính cám dỗ. Điều tốt nhất trong những trường hợp này là rèn luyện tinh thần mau lẹ nhưng bình tĩnh, để lôi cuốn các cơ năng nội tại của chúng ta, nhất là trí nhớ và trí tưởng tượng xa khỏi đối tượng của cám dỗ. Cũng hữu ích nếu có những cách giải trí hay hoạt động dễ lôi cuốn sự chú ý của ta trong lúc đó.

Đôi khi cám dỗ không biến mất ngay, và ma quỷ có thể tấn công trở lại cách ngoan cố hơn, nhưng ta đừng mất can đảm. Sự khăng khăng cố chấp của ma quỷ là một trong những chứng cớ rõ ràng nhất là linh hồn đã không ngã gục trước cám dỗ. Linh hồn cần chống lại, nhưng luôn luôn phải có sự thanh thản và bình an nội tâm. Linh hồn không suy yếu chút nào, trái lại sẽ gặt hái được những sinh lực mới. Sau cùng, khi ma quỷ biết mình đã thua, nó sẽ để cho linh hồn bình an, nhất là khi nó thấy không thể làm xáo trộn sự bình an nội tâm của linh hồn. Sự mất bình tĩnh này, đôi khi là điều duy nhất ma quỷ muốn khi khơi dậy cơn cám dỗ.[6]

2.3. Sau khi bị cám dỗ.

2.3.1. Nếu chắc chắn đã thắng cơn cám dỗ: hãy tạ ơn Chúa.

Bày tỏ những điều này cho vị linh hướng, hay cha giải tội cũng là điều hữu ích, nhất là những cám dỗ dai dẳng hoặc lặp đi lặp lại. Thiên Chúa thường ban thưởng cho cử chỉ khiêm nhường và đơn sơ này bằng sự trợ giúp mới và mãnh liệt. Những bậc thầy về đời sống thiêng liêng dạy: “Tỏ bày cám dỗ là đã thắng nó một nửa”.

Nếu linh hồn chắc chắn mình đã chiến thắng, hãy nhớ đó là nhờ ơn Chúa. Do đó, phải dâng lời tạ ơn và cầu xin ơn trợ giúp siêu nhiên cho những lần khác. Có thể nói ngắn gọn và đơn giản như trong lời cầu nguyện tắt sau đây: “Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa, xin tiếp tục nâng đỡ con trong mọi dịp nguy hiểm và xin thương xót con”.[7]

2.3.2. Nếu sa ngã: đừng ngã lòng.

Nếu linh hồn đã sa ngã và không nghi ngờ về điều đó, thì đừng ngã lòng. Phải nhớ đến lòng thương xót vô cùng của Chúa và bài học của người con hoang đàng, rồi với lòng khiêm nhường và thống hối, hãy ném mình vào vòng tay Cha trên trời, xin Người tha thứ và quyết tâm nhờ sự trợ giúp của người sẽ không bao giờ phạm tội nữa. Nếu sa ngã trầm trọng, linh hồn không được thỏa mãn với hành động đơn giản là ăn năn tội cách trọn, nhưng phải đến với bí tích hoà giải và dùng kinh nghiệm phạm tội đáng buồn này để nỗ lực cảnh giác hơn và tăng cường lòng sốt mến Chúa để không tái phạm nữa.[8]

2.3.3. Nếu nghi ngờ: nên đợi khi bình tâm rồi mới xét lại.

Nếu linh hồn vẫn nghi ngờ không biết đã ưng thuận chưa thì đừng tỉ mỉ xét mình một cách lo âu, vì điều này có thể khơi lại cơn cám dỗ và còn làm tăng nguy cơ sa ngã. Đôi khi tốt hơn là hãy để qua đi một thời gian, cho đến khi linh hồn được thư thái hơn rồi hãy xét lương tâm cẩn thận để biết đã phạm tội chưa. Trong bất cứ trường hợp nào, tốt hơn nên ăn năn tội cách trọn và bày tỏ cho vị giải tội vào lúc thuận tiện những gì đã xảy ra, thú nhận lỗi lầm của mình như có trước mặt Chúa.

Tuy nhiên, trong hoàn cảnh của những người rước lễ hằng ngày thì phải làm gì? Họ có được tiếp tục rước lễ cho đến ngày xưng tội không, ngay cả khi họ vẫn hoài nghi không biết đã chiều theo cám dỗ hay chưa?

Không thể có câu trả lời chung áp dụng cho mọi linh hồn và cho mọi trường hợp. Chẳng hạn, nếu linh hồn có thói quen tránh phạm tội hay nếu linh hồn có khuynh hướng bối rối, người đó nên tiếp tục rước lễ, đừng để ý đến những hoài nghi, và hãy ăn năn cách trọn về mọi tội đã phạm. Trái lại, nếu đó là tình trạng của linh hồn có thói quen phạm tội trọng, hay có lương tâm lỏng lẻo thiếu thận trọng, thì có thể đoán chừng rằng linh hồn đã chiều theo cám dỗ. Lúc đó, người ấy không được rước lễ nếu chưa xưng tội.[9] (còn tiếp)

Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy

HỘI THỪA SAI VIỆT NAM

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …