Home / Chia Sẻ / CHIÊM NIỆM THÁNH TÂM

CHIÊM NIỆM THÁNH TÂM

CHIÊM NIỆM THÁNH TÂM1Khi người môn đệ yêu dấu tựa đầu vào ngực Chúa Cứu Thế (x. Ga 13:25), Thánh Gioan đã nghe thấy những nhịp đập của tình yêu Thiên Chúa và cảm nhận được sức nóng của tình yêu đó. Trong số 12 Tông Đồ, chỉ có Thánh Gioan đứng bên cạnh Đức Mẹ dưới chân Thập Giá để chứng kiến và thấm nhuần nỗi đau Khổ Nạn của Chúa Giêsu. (x. Ga 19:25-27) Chính Gioan là người sau này đã làm chứng một cách khá đơn giản mà sâu sắc: “Thiên Chúa là tình yêu.” (1 Ga 4:8) Thánh Gioan đã chiêm ngưỡng các mầu nhiệm Thánh Tâm Chúa Giêsu. Nhiều người sau Thánh Gioan là những người yêu mến Chúa Kitô đã suy ngẫm và tôn kính Thánh Tâm, nhưng phải đến 16 thế kỷ sau, việc sùng kính Thánh Tâm Chúa mới chuyển từ việc sùng kính riêng tư sang việc sùng kính công khai trong Giáo hội. Đó là lúc Chúa mặc khải những điều kỳ diệu trong linh hồn Ngài cho một nữ tu trẻ và thường bị bệnh là Margarita Maria Alacoque (1647-1690).

CANH TÂN LÒNG SÙNG KÍNH

Nữ tu Margarita Maria Alacoque thuộc Dòng Đức Mẹ Thăm Viếng tại làng Paray-le-Monial, Pháp quốc. Trước Thánh Margarita, lòng sùng kính Thánh Tâm đã phát triển từ lòng sùng kính các dấu thánh của Chúa Kitô. Những người sùng kính Thánh Tâm gồm các thánh như Bernard Clairvaux, (+1153) Bonaventura, (+1274) Mechtilde Helfta (+1298) và Gertrude (+1302). Điều khác biệt với Thánh Margarita là qua ba mặc khải thiêng liêng mà bà nhận được, Chúa đã ủy thác cho bà mở rộng việc sùng kính này cho toàn thể Giáo hội.

Nội dung và ý nghĩa ba mặc khải của Chúa Giêsu cho Thánh Margarita là trọng tâm của điều thứ nhất trong năm điều về Thánh Tâm Chúa Giêsu.

MẶC KHẢI 1 – NGƯỜI ĐƯỢC YÊU

Ngày 27-12-1673, lễ Thánh Gioan Tông Đồ, Nữ tu Margarita nhận được mặc khải đầu tiên trong ba lần mặc khải về Thánh Tâm Chúa. Bề trên của bà ra lệnh cho bà viết một bản tường trình về trải nghiệm của bà: “Khi ở trước Thánh Thể, tôi cảm thấy hoàn toàn tràn ngập sự Hiện Diện của Chúa, và bị lay động mạnh mẽ đến nỗi tôi quên mất chính mình và nơi tôi đang ở. …Tôi phó thác linh hồn cho sức mạnh tình yêu của Ngài và Ngài cho tôi yên nghỉ một lúc lâu trên ngực Ngài, nơi Ngài tiết lộ cho tôi những điều kỳ diệu của tình yêu Ngài và những bí mật không thể giải thích được của Thánh Tâm Ngài, mà cho đến nay Ngài vẫn giấu tôi, nhưng bây giờ Ngài đã mở lòng với tôi lần đầu tiên.”

Chúa Giêsu đặt Margarita vào vị trí của người môn đệ yêu dấu, tựa đầu như Gioan đã tựa đầu vào ngực Chúa Cứu Thế. Yên tĩnh và chăm chú, bà vừa cảm nhận vừa nghe thấy những gì ở trong Thánh Tâm. Đây là sứ điệp Chúa Giêsu gửi cho bà trong lần mặc khải đầu tiên: “Thánh Tâm Ta yêu loài người say đắm đến nỗi không còn có thể chứa đựng ngọn lửa bác ái nồng nàn nữa. Nó phải đổ chúng ra bằng phương tiện của con, và thể hiện chính nó với họ để làm phong phú thêm cho họ những kho tàng quý giá chứa đựng tất cả những ân sủng mà họ cần để được cứu khỏi sự diệt vong. Ta đã chọn con như vực thẳm của sự bất xứng và ngu dốt để thực hiện một kế hoạch vĩ đại như vậy, để tất cả đều có thể được Ta thực hiện.”

Qua mặc khải đầu tiên này, Chúa cho biết rằng tình yêu thánh thiêng không còn có thể giấu kín trong Thánh Tâm Ngài nữa. Ở đây, Chúa Giêsu là người bạn, là tình yêu của Chúa Cha, Đấng thực hiện nỗ lực dịu dàng để cứu con cái. Chính sự “không xứng đáng và thiếu hiểu biết” của Margarita sẽ phục vụ mục đích tốt đẹp này, vì sự khiêm nhường của bà sẽ không làm lu mờ lòng nhân hậu tự nguyện của đức ái nơi Chúa Kitô.

Khi Margarita dâng trái tim bà cho Chúa Giêsu, Ngài đã đáp lại bằng cách chia sẻ một tia tình yêu thiêng liêng nồng nàn của Ngài với bà. Nhiệt huyết tình yêu đó vẫn còn trong bà dưới dạng một vết thương vô hình nơi cạnh sườn bà, sau đó, cứ vào ngày Thứ Sáu Đầu Tháng, bà phải chịu đựng sức nóng và cơn đau dữ dội. Khi cầu nguyện và khi chịu đau khổ, Margarita vẫn là học trò về những bí mật của Thánh Tâm Chúa trong 6 tháng trước khi được mặc khải lần thứ hai.

MẶC KHẢI 2 – TAI HỌA CỦA SỰ VÔ ƠN

CHIÊM NIỆM THÁNH TÂM2Mùa hè năm 1674, có thể là Thứ Sáu đầu tiên của Tháng Sáu trong Tuần Bát Nhật Mình Máu Thánh Chúa Kitô, Thánh Margarita đã nhận được mặc khải thứ hai của Chúa. Diện mạo Chúa Giêsu lúc này đã khác so với lúc đầu. Theo lời thánh nhân: “Ngài rực rỡ vinh quang; Năm Dấu Thánh tỏa sáng như năm mặt trời. Những ngọn lửa bùng lên từ mọi phần của nhân tính Ngài, nhưng đặc biệt là từ ngực Ngài, giống như một cái lò, và khi mở ra, tôi thấy nguồn sống động của những ngọn lửa này Thánh Tâm yêu thương và đáng yêu của Ngài.”

Trong sự tôn thờ, Margarita Mary đã nhìn ngắm những điều kỳ diệu trong tình yêu thuần khiết của Chúa Kitô, tình yêu ấy tỏa sáng vô giá trước sự vô ơn của những người được ban cho Thánh Tâm Ngài. Bằng cách nói trực tiếp, Chúa đã tuyên bố mức độ nghiêm trọng về sự vô ơn của thế giới đối với sự hy sinh của Ngài: “Điều này đối với Ta còn đau đớn hơn nhiều so với tất cả những gì Ta phải chịu trong Cuộc Khổ Nạn. Nếu người ta đáp lại Ta bằng tình yêu, Ta sẽ đánh giá thấp tất cả những gì Ta đã làm cho họ, và nếu có thể, Ta sẽ muốn chịu đựng điều đó một lần nữa; nhưng họ đáp lại tình yêu tha thiết của Ta bằng sự lạnh lùng và cự tuyệt. Ít nhất, các con hãy an ủi và làm vui lòng Ta bằng cách đáp lại càng nhiều càng tốt để đền bù cho sự vô ơn của họ.”

Đặc tính của việc sùng kính Thánh Tâm được đổi mới được tiết lộ như sau: Đó là phương tiện để đền bù tội ác nhẫn tâm của thế giới, được đưa ra như niềm an ủi cho trái tim đau đớn của Chúa Giêsu. Tôn thờ Thánh Tâm là tham gia vào việc đền bù cho gương xấu về sự vô ơn.

Lòng sùng kính mà Chúa kêu gọi bắt đầu hình thành rõ ràng trong mặc khải này khi Ngài hướng dẫn Thánh Margarita thực hiện hai kỷ luật riêng biệt: Thứ nhất là rước lễ vào mỗi Thứ Sáu đầu tháng, và thứ hai là giữ Giờ Thánh, tốt nhất là trước Thánh Thể, giữa 11 giờ đêm và 12 giờ đêm Thứ Năm hằng tuần, để cùng Ngài canh thức như là sự đền bù cho việc các môn đệ bỏ Ngài trong cơn hấp hối ở Vườn Dầu.

Khi Thánh Margarita chú ý đến lòng sùng kính này và đến gần hơn với tình yêu Chúa trong Cuộc Khổ Nạn của Ngài, bà cũng bắt đầu trải nghiệm sự chia sẻ đau khổ của chính mình với Ngài khi giới hữu trách tôn giáo nghi ngờ bà và khiến bà nghi ngờ những trải nghiệm của chính mình về ân sủng của Chúa Kitô. Mãi cho đến khi một linh mục trẻ Dòng Tên nhận được lời chứng và tư vấn cho bà thì bà mới chắc chắn về tính xác thực của sứ điệp Chúa Kitô gửi đến bà. Đó là Lm Claude La Colombière, sau này trở thành người đem lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa đến với thế giới.

MẶC KHẢI 3 – ĐỜI SỐNG GIÁO HỘI

Mặc khải thứ ba và cuối cùng cho Thánh Margarita xảy ra vào ngày 16-06-1675, trong Tuần Bát Nhật Lễ Mình Máu Thánh. Với mặc khải này, Chúa đã chuyển từ việc ban ân huệ cá nhân cho Margarita sang việc trao cho bà một sứ mạng công khai vì lợi ích của Giáo hội.

Lại bày tỏ linh hồn mình cho vị thánh, Chúa đã nói những lời này: “Đây là Trái Tim đã yêu thương con người đến nỗi không tiếc gì, thậm chí đến kiệt sức và tiêu hao, để minh chứng Tình Yêu Ngài. Đổi lại, Ta chỉ nhận được từ phần lớn sự vô ơn, bởi sự bất kính và xúc phạm của họ, cũng như bởi sự lạnh lùng và khinh miệt mà họ dành cho Ta trong bí tích tình yêu này. …Chính vì vậy mà Ta yêu cầu con rằng Thứ Sáu đầu tiên sau Tuần Bát Nhật Thánh Thể được dành cho một ngày lễ đặc biệt, để tôn vinh Thánh Tâm Ta bằng cách rước lễ vào ngày đó, và đền tạ vì sự sỉ nhục mà Thánh Tâm Ta đã phải chịu. Ta hứa rằng Thánh Tâm Ta sẽ giãn ra để tuôn đổ dồi dào ảnh hưởng của tình yêu lên tất cả những ai mang lại vinh dự này hoặc khiến cho nó được thể hiện.”

Do đó, mục đích cuối cùng của việc tôn sùng này là sưởi ấm Giáo hội bằng tình yêu thánh thiêng của Chúa Kitô. Qua nữ tu trẻ này, con người hiền lành và khiêm nhường, Chúa đã tìm cách xua đuổi những gì cũ kỹ trong Giáo hội bằng ngọn lửa tình yêu tuôn trào từ Thánh Tâm Ngài.

Nữ tu Margarita giao phó điều mặc khải này cho Lm Colombière. Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, ngài đã xác nhận cho bà sự linh hứng thiêng liêng của ân sủng này, khiến nữ tu vui mừng nằm phủ phục và tận hiến mình cho Thánh Tâm. Lm Colombière đã cùng bà thực hiện việc tận hiến này để những hoa trái đầu mùa của lòng sùng kính mới chín muồi nơi hai con người này – một nữ tu và một linh mục.

Từ việc sùng kính đầu tiên này, ba việc thực hành sùng kính Thánh Tâm Chúa bắt đầu xuất hiện trong Giáo hội qua sự phổ biến của Lm Colombière: Rước lễ vào ngày Thứ Sáu đầu tháng, giữ Giờ Thánh để thờ phượng Chúa Kitô, và việc tổ chức lễ Thánh Tâm. Chính nhờ sự sùng kính này mà chúng ta sẽ hướng sự chú ý của mình vào điều kế tiếp.

LEONARD J. DELORENZO

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ OurSundayVisitor.com)

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …