Home / Chia Sẻ / CHIẾC XƯƠNG SƯỜN

CHIẾC XƯƠNG SƯỜN

Chiếc Xương SườnTừ thuở khai thiên lập địa, Thiên Chúa đã dựng nên Adam. Khi Thiên Chúa thấy Adam có một mình thì không tốt, Ngài làm cho ông ngủ say, rồi lấy chiếc xương sườn của ông mà làm nên một người bạn đồng hành – một người trợ tá. Đó là phụ nữ đầu tiên.

Khi Adam thấy Eva, ông yêu thương bà và nói: “Đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi! Nàng sẽ được gọi là đàn bà, vì đã được rút từ đàn ông ra” (St 2:23).

Xương của xương tôi. Thịt của thịt tôi. Đó là câu chuyện tình của mọi thời đại, một sự kết hợp hài hòa hoàn hảo. Họ bình đẳng, như Thiên Chúa muốn. Nhưng rồi điều đó dần dần suy giảm!

Khi họ bị đuổi ra khỏi Vườn Địa Đàng vì bất tuân Thiên Chúa, đau khổ xuất hiện, bắt đầu làm cho thế giới hỗn độn. Bên ngoài sự hoàn hảo của Thiên Chúa, không có gì tác dụng theo ý muốn – kể cả mối quan hệ giữa nam và nữ.

Thiên Chúa gợi ý khi Adam và Eva bị đuổi ra khỏi Vườn Địa Đàng, và Ngài tuyên bố với Eva: “Ta sẽ làm cho ngươi phải cực nhọc thật nhiều khi thai nghén; ngươi sẽ phải cực nhọc lúc sinh con. Ngươi sẽ thèm muốn chồng ngươi, và nó sẽ thống trị ngươi” (St 3:16).

Câu này thường có xu hướng bị hiểu sai. Thiên Chúa không có ý làm cho nhân loại nhỏ hơn hoặc khổ hơn. Đó là lời nguyền rủa của Thiên Chúa dành cho nhân loại sa ngã. Và đó cũng là lời tiên báo.

Adam và Eva đã muốn làm điều mà Thiên Chúa ban cho họ – ý muốn tự do. Khi quyết định ăn Trái của Cây Trường Sinh, hai con người đầu tiên đã cố gắng trở thành những người phân xử điều gì tốt và điều gì xấu.

Thiên Chúa để cho họ như vậy. Ngài không muốn họ là những người máy (automatons). Nhưng vì Adam và Eva không là Thiên Chúa, họ không bao giờ có thể làm cho thế giới trật tự. Thế gian sa ngã cũng vậy.

Vì hậu quả của sự sa ngã, sự xung đột xảy ra giữa người nam và người nữ. Đàn ông to xác hơn và khỏe mạnh hơn nên họ “cai trị” đàn bà. Luật về phân biệt giới tính, về phong tục và cách suy nghĩ trở nên những cái xà (cái rầm) cá nhân trong gia đình bất hòa trên thế giới này. Mối bất hòa này xuất hiện cả trong Kitô giáo.

Vì ảnh hưởng của Tội Nguyên Tổ, văn hóa Kitô giáo thường mô tả hình ảnh rất đặc biệt về một phụ nữ, và nữ tính cũng nhìn như vậy. Về hình ảnh này, Thánh Phaolô cho biết: “Như thói quen trong mọi cộng đoàn dân thánh, phụ nữ phải làm thinh trong các buổi họp, vì họ không được phép lên tiếng; trái lại, họ phải sống phục tùng như chính Lề Luật dạy. Nếu họ muốn tìm hiểu điều gì, thì cứ về nhà hỏi chồng, bởi vì phụ nữ mà lên tiếng trong cộng đoàn thì không còn thể thống gì” (1 Cr 14:33b-35).

Điều này khiến cho một số người nghĩ rằng phụ nữ nên ngoan ngoãn, im lặng, và họ không có vị trí trong Giáo Hội hoặc trên thế giới này. Đó là ý tưởng sai lầm!

Ở đây, Thánh Phaolô muốn nói về tình huống đặc biệt hoặc gây phiền toái chứ không có ý loại trừ phụ nữ. Nói về một nhóm nào đó nên im lặng, Thánh Phaolô muốn nói nhưng người nói bằng miệng lưỡi và các tiên tri: “Nếu không có người giải thích, thì phải giữ thinh lặng trong cộng đoàn, mỗi người chỉ nói với mình và với Thiên Chúa thôi. Về các ngôn sứ, chỉ nên có hai hoặc ba người lên tiếng thôi, còn những người khác thì phân định. Nếu có ai ngồi đó được ơn mặc khải, thì người đang nói phải im đi” (1 Cr 14:28-30). Đó là nói tới sự im lặng tạm thời.

Thánh Phaolô viết về các phụ nữ cầu nguyện và nói tiên tri, thế nên mệnh lệnh của Thánh Phaolô không dành cho các phụ nữ hành động theo cách nào đó trong mọi tình huống: “Phàm người nữ nào cầu nguyện hoặc nói tiên tri mà lại để đầu trần, thì làm nhục kẻ làm đầu mình, vì người ấy như thể trọc đầu vậy. Người nữ mà để đầu trần thì cứ cắt tóc đi! Nhưng nếu cắt tóc hay trọc đầu là một điều xấu hổ đối với người nữ thì hãy che đầu lại!” (1 Cr 11:5-6). Như vậy, chuyện phụ nữ ngoan ngoãn và im lặng đã được “giải mã”.

Chúng ta đã biết Thiên Chúa nói về phụ nữ như thế nào. Hãy nhìn vào công cuộc sáng tạo của Ngài để biết điều Ngài nói. Trong sách Sáng Thế, Thiên Chúa nói rằng Ngài sẽ tạo dựng một “trợ tá” phù hợp với Adam. Những gì chúng ta cần là ở trong từ ngữ này. Nhưng chúng ta phải trở lại để tìm ra ý nghĩa đích thực của nó.

Trong tiếng Do Thái, từ ngữ để chỉ người trợ tá là chữ “ezer”. Đây không là ý tưởng về “người trợ tá” theo cách chúng ta hiểu ngày nay, tức là “người phục tùng và làm nhiệm vụ theo mệnh lệnh”.

Không phải như vậy. Chữ “ezer” cũng được dùng ở các chỗ khác trong Kinh Thánh, và có nghĩa khác nhau. Nhìn vào ngữ cảnh của mỗi cách dùng chữ “ezer” trong Kinh Thánh, chúng ta thấy chữ này đề cập sự can thiệp và sự giúp đỡ của liên minh quân đội mạnh mẽ – thường là những người chỉ huy tài giỏi đối với những cần sự giúp đỡ.

Chữ “ezer” cũng được dùng để đề cập sự can thiệp của chính Thiên Chúa. Khi Đa-vít nói: “Chúa là Đấng trợ giúp tôi”, ông đã sử dụng chữ “ezer”. Tất nhiên Thiên Chúa cũng không tạo nên một phụ nữ chịu khuất phục từ chiếc xương sườn của Adam. Ngài tạo nên cái gì đó xinh đẹp và mạnh mẽ. Đó là cách Thiên Chúa nhìn nữ giới. Và chúng ta cũng phải nhìn họ theo cách nhìn của Thiên Chúa.

Nhưng theo văn hóa Kitô giáo đương thời, chúng ta thường đặt phụ nữ vào một chiếc hộp, cướp mất vẻ đẹp và sức mạnh mà Thiên Chúa đã trao ban cho họ. Đó là nguyên tắc của Thiên Chúa. Đó là nguyên tắc văn hóa của nhân loại.

Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa mặc xác phàm, Ngài đã bất chấp quy tắc văn hóa liên quan phụ nữ trong suốt cuộc đời Ngài. Trình thuật Ga 8:2-7 nói về một phụ nữ sắp bị ném đá vì phạm tội ngoại tình – một hình phạt chỉ dành cho phụ nữ, nhưng rồi không ai dám ném đá chị, và chính Chúa Giêsu cũng không hề kết tội chị.

WESLEY BAINES

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ Beliefnet.com)

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN