Home / Chia Sẻ / CHÌA KHÓA LỊCH SỬ

CHÌA KHÓA LỊCH SỬ

CHÌA KHÓA LỊCH SỬBa phần tư thế kỷ trước, một trong những bộ óc Công giáo vĩ đại nhất của thời hiện đại, được nhiều nhà tư tưởng thế tục cũng như các tín đồ của ông ca ngợi, đó là người mà T. S. Eliot gọi là “người có ảnh hưởng trí tuệ mạnh mẽ nhất ở Anh quốc,” đã xác định một sự thật rằng trở nên rõ ràng hơn từ khi ông viết: “Tôn giáo là chìa khóa của lịch sử. Chúng ta không thể hiểu được hình thức bên trong của xã hội nếu chúng ta không hiểu tôn giáo của xã hội đó. Chúng ta không thể hiểu được những thành tựu văn hóa của nó nếu chúng ta không hiểu niềm tin tôn giáo phía sau đó. Trong mọi thời đại, các tác phẩm sáng tạo đầu tiên của một nền văn hóa đều xuất phát từ nguồn cảm hứng tôn giáo và được cống hiến cho mục đích tôn giáo.”

Năm mới đánh dấu kỷ niệm 75 năm Bài Giảng Gifford của Christopher Dawson tại Đại học Edinburgh. Trong hơn 130 năm, Bài Giảng Gifford là một trong những diễn đàn học thuật uy tín nhất về tôn giáo, khoa học và triết học. Adam Lord Gifford, một thẩm phán và trí thức người Scotland, đã thành lập loạt bài này nhằm “thúc đẩy và phổ biến việc nghiên cứu Thần học Tự nhiên theo nghĩa rộng nhất của thuật ngữ này – nói cách khác là sự hiểu biết về Thiên Chúa.” Các bài giảng bắt đầu năm 1888 và đã được giảng liên tục kể từ đó, ngoại trừ những năm giữa Thế Chiến II.

Nhiều nhà tư tưởng nổi tiếng trong các lĩnh vực khác nhau đã giảng những bài giảng này trong nhiều năm, bao gồm triết gia Hannah Arendt, nhà vật lý Niels Bohr, triết gia người Pháp Etienne Gilson, nhà toán học và triết học Alfred Lord Whitehead, người cộng tác và là bạn của TCT Ralph McInerny, triết gia chính trị Roger Scruton. và nhà sinh vật học tiến hóa người Anh Richard Dawkins.

Christopher Dawson (1889-1970), nhà sử học tôn giáo và văn hóa Công giáo không thể bắt chước, đã trình bày Bài Giảng Gifford được đánh giá cao về Kitô giáo như động lực thúc đẩy sự phát triển và xuất hiện của văn hóa Tây phương. Dawson đã mở rộng những bài giảng này trong cuốn sách có tựa đề “Religion and the Rise of Western Culture” (Tôn Giáo và Sự Trỗi Dậy của Văn Hóa Tây Phương) làm sáng tỏ thêm, trái ngược với suy nghĩ phổ biến, lịch sử tâm linh và trí tuệ sôi động và phong phú của cái gọi là “Thời Kỳ Đen Tối” lấp đầy khoảng trống văn hóa được tạo ra sau sự sụp đổ của Đế chế La Mã. Thật là một mất mát lớn lao khi nhiều người ngày nay, thậm chí nhiều người Công giáo, không biết đến công việc quan trọng của ông.

Dawson đưa ra lập luận rằng tôn giáo là động lực to lớn đằng sau lịch sử và là yếu tố quyết định sự thăng trầm của các nền văn minh. Đặc biệt đối với Tây phương, ông viết: “Kitô giáo là tôn giáo phổ quát đầu tiên đoàn kết mọi người thuộc mọi chủng tộc và quốc gia trong một đức tin chung.” Tài liệu sâu rộng của ông mô tả sự xuất hiện của Kitô giáo Tây phương từ đống đổ nát của Đế chế La Mã đến thời đại Dante.

Theo Dawson, điều này bắt đầu với sự cải đạo của nhiều bộ lạc “man rợ” Bắc Âu, những người đã thành lập một cộng đồng tâm linh mới từ tàn tích của Đế chế La Mã thông qua sự hợp nhất giữa luật pháp và tổ chức La Mã, văn hóa và truyền thống Kitô giáo cũng như lòng nhiệt thành truyền giáo. Hơn nữa, sự trỗi dậy của đời sống tu viện đã bảo tồn văn hóa và tác phẩm cổ điển, thúc đẩy nền học thuật mới và tạo ra các trung tâm học tập Thời Trung Cổ có ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ của Tây phương.

Đứng đầu trong số những đổi mới của đời sống tu viện là sự xuất hiện của một kiểu xã hội tự do, “độc lập với sự kiểm soát bên ngoài và dựa trên tư cách thành viên tự nguyện,” thánh hóa công việc và nghèo đói như trái tim tinh thần và kinh tế của đời sống nông thôn.

Dawson gắn kết lịch sử học tập Kitô giáo trong suốt Thời Trung Cổ bằng cách chắt lọc các khía cạnh quan trọng khác của thời đại, bao gồm: sự ảnh hưởng văn hóa và tôn giáo của Byzantine, sự xuất hiện của giáo hoàng như một lực lượng chính trị và tinh thần thống nhất, các thành tựu cổ điển và nghệ thuật của Đế quốc Carolingian, ý nghĩa tôn giáo và văn hóa của các cuộc Thập Tự Chinh và các phong trào cải cách Thời Trung Cổ, văn hóa hiệp sĩ và cung đình trong thế giới phong kiến, việc thành lập các trường học và đại học, đặt nền móng cho các khám phá khoa học và trí tuệ Tây phương trong tương lai.

Ông khéo léo lồng ghép tất cả các chủ đề lịch sử này, mô tả cách mỗi sự phát triển quan trọng được nuôi dưỡng bởi các thể chế, ý tưởng và thực hành Kitô giáo. Ngày nay chúng ta thấy những đóng góp này trong hệ thống chính trị Hiến Pháp của chúng ta dựa trên khái niệm luật tự nhiên và phẩm giá cá nhân, nhấn mạnh vào giáo dục, khả năng đọc viết và khả năng hiểu biết sự thật về thế giới tại các trường phổ thông và đại học của chúng ta, với sự phát triển của nghệ thuật, kiến trúc và văn hóa thiêng liêng vẫn còn tồn tại trên khắp Tây phương (những tranh cãi về việc bảo tồn Nhà Thờ Đức Bà ở Paris cho thấy tầm ảnh hưởng lâu dài, vẻ tráng lệ và tác động lâu dài của nghệ thuật và kiến trúc Thời Trung Cổ).

Đối với Dawson, những thay đổi năng động do văn hóa Kitô giáo Thời Trung Cổ đem lại là một phần văn hóa Tây phương rộng rãi hơn theo những cách bẩm sinh và không thể tách rời. Ông viết: “Tầm quan trọng của những thế kỷ này không được tìm thấy ở trật tự bên ngoài mà họ đã tạo ra hoặc cố gắng tạo ra, mà ở sự thay đổi bên trong mà chúng đem lại trong tâm hồn con người Tây phương – một sự thay đổi không bao giờ có thể hoàn toàn xóa bỏ được, ngoại trừ sự phủ nhận hoặc hủy diệt hoàn toàn chính con người Tây phương.”

Thật vậy, sự phủ nhận hoàn toàn con người Tây phương truyền thống là mục tiêu của những “người cấp tiến” thời hiện đại, những người trong Ý Chí Quyền Lực kiểu Nietzschean của họ, tìm cách hủy diệt Kitô giáo, gia đình và giới tính thông qua nhiều hệ tư tưởng khác nhau và với những lời kêu gọi hão huyền về “công bằng xã hội.” Dawson mô tả một cách sắc bén rằng ngay cả trong thời đại của chúng ta, các hệ tư tưởng cách mạng và khoa học bị ảnh hưởng như thế nào, thường là gián tiếp và vô thức, bởi tinh thần tôn giáo Tây phương.

Tây phương đã trở nên tách rời khỏi nền văn hóa tôn giáo và truyền thống đạo đức Tây phương. Dawson từng nhận xét: “Chính xung lực tôn giáo đã tạo ra sức mạnh gắn kết để thống nhất xã hội và văn hóa… Một xã hội mất tôn giáo sớm hay muộn sẽ trở thành một xã hội mất văn hóa.”

Tuy nhiên tất cả không bị mất. Như Dawson nhắc nhở chúng ta trong kết luận của ông: “Nếu những người man rợ ở Tây phương đã học cách suy nghĩ và nói một ngôn ngữ như vậy, điều đó cho thấy rằng nền văn hóa Kitô giáo mới đã ra đời không phải là một lý tưởng xa lạ áp đặt từ bên ngoài, mà là sự kế thừa chung của người Tây phương.”

Chúng ta nên tái khám phá di sản này bằng cách làm quen với các tác phẩm của Christopher Dawson, bắt đầu từ Tôn Giáo và Sự Trỗi Dậy của Văn Hóa Tây Phương.

JOHN BARRY

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ TheCatholicThing.org)

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …