Home / Chia Sẻ / Chìa khóa để hiểu Đức Giáo hoàng Phanxicô

Chìa khóa để hiểu Đức Giáo hoàng Phanxicô

 

James Martin là một linh mục Dòng Tên, chủ bút của tạp chí America và tác giả của cuốn sách mới được xuất bản “Chúa Giêsu: một người hành hương”

Cách đây 1 năm, Đức Hồng Y Jorge Mario Bergoglio trở thành Giáo hoàng Phanxicô. Kể từ lúc đó, các tu sĩ Dòng Tên khắp thế giới cùng có chung một thắc mắc: “Liệu ngài có con là một tu sĩ Dòng Tên nữa không?” Nếu có ai đó trở thành Giáo hoàng cũng có nghĩa là trở thành người đứng đầu của tất cả các dòng tu Công Giáo như: Phanxicô, Đaminh, Biển Đức, Dòng Tên v.v. vậy thì người ấy có còn là thành viên của hội dòng mình nữa không?

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã trả lời câu hỏi này nhiều lần. Trong những lần gặp gỡ với các anh em cùng dòng của ngài, ngài đã nói rằng “Chúng ta là những tu sĩ Dòng Tên.”

Căn tính Dòng Tên của Đức Giáo Hoàng là một phương thế quan trọng giúp hiểu vị giáo hoàng được xem là hiện tượng của thế giới này. Quả thực, nhiều lời nói và cử chỉ vốn gây nhiều ngỡ ngàng cho thế giới của ngài bắt nguồn một cách tự nhiên từ nền tảng Dòng Tên của ngài. Chúng ta hãy nhìn vào 5 đặc điểm của ngài:

Khiêm nhường

Có ai không để ý đến lòng khiêm nhường của Đức Phanxicô chăng? Cử chỉ đầu tiên trước công chúng của ngài trong tư cách Giáo hoàng không phải là ban phép lành cho đám đông khổng lồ tại quảng trường thánh Phêrô nhưng là xin sự sự chúc lành của đám đông. Vài ngày sau, ngài từ chối căn hộ giáo hoàng tại Dinh Tông tòa đồ sộ và chọn căn phòng đơn sơ tại một nhà khách của Vatican.

Ngay trong tuần này, một bức hình chụp các thành viên của Giáo triều tĩnh tâm năm đã cho thấy Đức Giáo Hoàng ngồi giữa họ, cùng với các Hồng Y và giám mục, như những người tĩnh tâm khác.

Đức Giáo Hoàng ngồi giữa các giám mục và Hồng Y tại kỳ tĩnh tâm hàng năm như tất cả mọi người.

Dĩ nhiên, khiêm nhường là một nhân đức Kitô giáo nhưng cũng là điều mà thánh Inhaxiô Loyola, đấng sáng lập Dòng Tên vào thế kỷ 16 đặc biệt yêu cầu các linh mục và tu huynh Dòng Tên hằng ấp ủ trong lòng. Thánh Inhaxiô đã nói đến 3 bậc khiêm nhường. Bậc thứ nhất được minh họa bằng hạng người không làm gì trái với luân lý. Bậc thứ hai là người khi đối diện với danh dự và ô danh vẫn giữ được sự “bình tâm.” Bậc thứ ba là người chọn con đường khiêm hạ để nên giống Chúa Giêsu hơn. Đức Giáo Hoàng Phanxicô minh họa cho “Bậc khiêm nhường thứ ba” này.

Nghèo khó

Đức Phanxicô là vị Giáo hoàng Dòng Tên đầu tiên và cũng là Giáo hoàng đầu tiên xuất thân từ một dòng tu kể từ năm 1831. Điều đó có nghĩa ngài là vị Giáo hoàng đầu tiên sống dưới “lời khấn nghèo khó” kể từ giữa thế kỷ 19. Tất cả các linh mục có nghĩa vụ phải sống giản dị nhưng thành viên của các dòng tu tuyên khấn sống nghèo khó cụ thể. “Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu…” là lời mở đầu công thức khấn của Dòng Tên. Nói cách khác, phần tử của các hội dòng thề hứa với Thiên Chúa sống đơn giản.

Vì thế, hầu hết thời niên thiếu – cho đến khi trở thành giám mục và được miễn trừ khỏi lời khấn ấy, Jorge Mario Bergoglio chẳng sở hữu điều gì cho riêng mình. Như mọi thành viên của các dòng tu, ngài sinh sống bằng một ngân sách nghiêm ngặt. Ngài phải chuyển lại cho cộng đoàn của mình mọi thứ ngài kiếm được và được tặng. Ngài phải xin tiền mặt khi mua sắm những thứ nhiều tiền như một bộ áo vét chẳng hạn. Điều này làm cho Bergoglio quen với một đời sống giản dị mà nhiều người ghi nhận như là một trong những phương diện lôi cuốn nhất của ngài. Nó cũng làm gia tăng lòng thương xót của ngài không phải dành cho những người sống nghèo khó tự nguyện như ngài, nhưng cho những người bị đẩy vào cảnh nghèo như những người nghèo, những người bị gạt ra bên lề. 

Quản trị

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã làm cho một số nhà Vatican học (Vaticanologists) gãi đầu bối rối khi ngài bổ nhiệm nhóm 8 Hồng Y tư vấn và trợ giúp cho ngài trong việc cải cách Giáo triều hay bộ máy làm việc trung ương. Nhóm “G8” gồm những vị Hồng Y có tiếng đã thực hiện những thay đổi trong những lãnh vực phức tạp như ngân hàng Vatican. Nhiều người đã tự hỏi tại sao Đức Giáo Hoàng không dựa vào những vị lãnh đạo các văn phòng đặc trưng của Vatican cho loại hình tham vấn chặt chẽ này. Tại sao “G8” không phải là những vị tổng trưởng các bộ của Vatican?

Tuy nhiên, đối với các tu sĩ Dòng Tên, “cung cách hành xử” của ngài, điều mà thánh Inhaxiô thích nói đến, quá quen thuộc. Trước khi trở thành Tổng Giám mục Buenos Aires, cha Bergoglio đã là “giám tỉnh” hay bề trên miền của Argentina. Như cách mà mọi giám tỉnh Dòng Tên làm, ngài đã chọn “các tư vấn” cho giám tỉnh, những người sẽ tư vấn cho giám tỉnh về tất cả các cách thức quyết định. Vì họ thường không làm việc trực tiếp trong việc quản trị của tỉnh, giám tỉnh có thể dựa vào họ để nói chuyện một cách cởi mở và chân thành. Với nhóm “G8”, Đức Giáo Hoàng đang dựa theo khuôn mẫu quản trị quen thuộc của Dòng Tên.

Cầu nguyện

Bạn sẽ thường nghe thấy Đức Giáo Hoàng nói điều gì đó tương tự như những gì ngài đã nói trong một bài giảng lễ tại một giáo xứ ở Rôma khi ngài đề nghị giáo dân nhắm mắt lại và tưởng tượng họ đang ở trong bối cảnh của Tin mừng, trong trường hợp này là tại sông Jordan, nơi Chúa Giêsu chịu phép rửa. “Bây giờ [các bạn] hãy trò chuyện với Chúa Giêsu,” Đức Giáo Hoàng nói.

Lễ Phục sinh năm ngoái, ngài đã yêu cầu người nghe tưởng tượng mình như những người nữ môn đệ đang đến gần mộ của Chúa Giêsu trong ngày Chúa Nhật Phục sinh. Đây là nét đặc trưng chính yếu của lối cầu nguyện của các tu sĩ Dòng Tên: yêu cầu người ta sử dụng trí tưởng tượng của mình và thông qua đó để Thiên Chúa làm việc.

Trong những bài giảng, suy tư và diễn văn của mình, Đức Phanxicô thường không nói cho người nghe điều họ phải suy nghĩ cho bằng mời gọi họ tưởng tượng và suy nghĩ về chính bản thân mình. Không phải bạn được mời đến gặp Chúa Giêsu của giáo hoàng nhưng là của chính bạn. 

Sự cởi mở

Các tu sĩ Dòng Tên được yêu cầu “tìm thấy Chúa trong mọi sự.” Một lần nữa, điều này không đơn thuần là phẩm hạnh của Dòng Tên nhưng còn là của một Kitô hữu. Tuy nhiên, châm ngôn ngắn gọn này là cách trích dẫn thường thấy để tóm tắt linh đạo Dòng Tên. Và “mọi sự” có nghĩa là mọi người.

Điều này bao gồm những người cảm thấy bị loại trừ, hoặc không được chào đón trong Giáo Hội. Vì thế, dẫu cho sứ điệp của ngài dựa trên trên lòng thương xót Kitô giáo nhưng thế giới đã chứng kiến Đức Giáo Hoàng liên tục mời gọi Giáo Hội kinh nghiệm về Thiên Chúa ở những nơi mà một vài vị lãnh đạo Công Giáo có thể bỏ qua hoặc lờ đi. Những người vô thần, những người ly dị và tái hôn, những người đồng tính nam cũng như nữ, tất cả đã nhìn thấy Đức Giáo Hoàng đang tiếp cận với họ.

Đức Phanxicô không phải nhọc công để tìm thấy Thiên Chúa ở đó bởi vì ngài biết rằng Thiên Chúa đã ở đó khi ngài nhắc nhở người khác tìm kiếm Thiên Chúa trong cuộc sống của tất cả những người này.

Những đặc nét Dòng Tên khác có thể được thêm vào danh sách như tính linh hoạt, tự do và ưu tư cho công bình xã hội. Nhưng trên hết, khi các tu sĩ Dòng Tên nhìn ngắm Đức Giáo Hoàng, chúng tôi thường gật đầu với nhau và nói, “Đó đích thực là một tu sĩ Dòng Tên.”

Suốt một năm qua, các tu sĩ Dòng Tên bị chỉ trích là quá tự hào về Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Tôi là kẻ tội lỗi. Vì thế trước nguy cơ kiêu ngạo, tôi sẽ nói rằng tôi nghĩ ngài là một Giáo hoàng, một linh mục và một tu sĩ Dòng Tên tuyệt vời. Và tôi sẽ đánh cuộc thánh Inhaxiô hẳn cũng sẽ tự hào hoặc ngài sẽ tự hào trong giới hạn cho phép.

Chuyển ngữ: Chỉnh Trần, S.J.

Nguồn: http://edition.cnn.com/2014/03/12/opinion/martin-pope-jesuit/

Xem thêm

PHÂN ĐỊNH TRONG ĐỜI THƯỜNG – PHẦN 1

PHÂN ĐỊNH TRONG ĐỜI THƯỜNG – PHẦN 1

  Làm sao biết được ý Chúa?  Đó là câu hỏi mà nhiều bạn trẻ …