Chỉ thị (chỉ: trỏ, thị: cho biết) là ý kiến của người lãnh đạo, với tính chất mệnh lệnh, giao cho cấp dưới thi hành. Công Giáo gọi là Huấn Thị. Trình thuật Mc 6:7-13 (≈ Mt 10:5-15; Lc 9:1-6) nói về việc Chúa Giêsu sai Nhóm Mười Hai đi rao giảng và có chỉ thị cho họ.
Ngài sai họ đi từng đôi, cung cấp cho họ “hành trang” lên đường là quyền trừ quỷ. Chỉ thị của Ngài “khác lạ” hoàn toàn: KHÔNG ĐƯỢC MANG GÌ khi đi đường, chỉ trừ CÂY GẬY; KHÔNG ĐƯỢC mang lương thực, bao bị, tiền đồng để giắt lưng; được đi dép, nhưng KHÔNG ĐƯỢC mặc hai áo. Chúa Giêsu nói rõ ràng, không úp mở, không bóng gió, thế mà có người vẫn dám làm trái ngược, xao lãng cái chính mà chú trọng cái phụ, tìm cách lo thu gom vật chất vì mục đích cá nhân, nhất là lem nhem về tiền bạc, mặc dù Thánh Phaolô đã cảnh báo: “Cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc.” (1 Tm 6:10)
Vì thế, thảo nào Chúa Giêsu không muốn ai dính bén vật chất, vì người ta sẽ mù quáng. Ngài bảo họ “ra đi với đôi tay trắng” và căn dặn cặn kẽ: “Bất cứ ở đâu, khi anh em đã vào nhà nào, cứ ở lại đó cho đến lúc ra đi. Còn nơi nào người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, khi ra khỏi đó, hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ.” Chúa Giêsu luôn thản nhiên: Người ta không tiếp nhận mình thì thôi, đi nơi khác chứ không ghét ai. Đơn giản thôi! Tương tự, người Việt cũng nói: “Tránh voi chẳng xấu mặt nào.”
Và rồi các môn đệ đã đi rao giảng Nước Trời, kêu gọi ăn năn sám hối, trừ quỷ, xức dầu và chữa lành bệnh tật. Đó là sống yêu thương, thực hiện lòng thương xót với bất cứ ai, nhất là đối với những người không ưa mình, kể cả những kẻ thù. Đó là ra đi, vào đời, ra khơi, như Chúa Giêsu nói là “vào giữa bầy sói.”
Việc ra đi rất đa dạng. Bất cứ ai cũng có kinh nghiệm về sự ra đi. Cuộc ra đi có thể gần – xa, mau – lâu, nhưng vẫn là một cuộc ra đi. Nếu cuộc ra đi không hẹn ngày tái ngộ thì buồn lắm: Chia tay tình yêu, bạn bè, thân nhân,… kẻ ở, người đi với các nguyên nhân khác nhau: Ghen tương, ích kỷ, tham lam, cố chấp, độc đoán,… Và buồn nhất vẫn là cuộc ra đi mãi mãi: Vào cõi đời đời.
Nhưng cũng có những cuộc ra đi rất vui vẻ đối với cả người ra đi và người ở lại, vì cuộc ra đi này được mong đợi từ lâu – chẳng hạn như đi học xa, con gái theo chồng, người đi định cư ở nước khác,… Nhưng hẳn là vui mừng và cần thiết nhất là cuộc ra đi vì sứ mạng: Loan báo Tin Mừng. Chúa Giêsu truyền lệnh: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.” (Mc 16:15) Đó là nhiệm vụ quan trọng đối với mọi tín nhân – những người tin theo Chúa Giêsu Kitô. Việc ra đi cũng có những “phong cách” khác nhau, cũng vậy đối với việc ra đi loan báo Tin Mừng.
Sự đời nhiêu khê hơn người ta tưởng, ít nhiều ảnh hưởng quan niệm của con người. Khi ra đi, người đó có được đón nhận hay không lại là chuyện khác. Chẳng hạn, có những thuyền nhân không được nước nào tiếp nhận, hoặc có những người khách đến mà không ai tiếp đón. Nhưng có những người đi đâu cũng được tiếp đón.
Con người phức tạp lắm. Có lần xung đột, Amátgia nói với Amốt: “Này thầy chiêm ơi, mau chạy về đất Giuđa, về đó mà kiếm ăn, về đó mà tuyên sấm! Nhưng ở Bết Ên này, đừng có hòng nói tiên tri nữa, vì đây là thánh điện của quân vương, đây là đền thờ của vương triều.” (Am 7:12-13) Ông Amốt đã không được tiếp nhận. Chính Chúa Giêsu, Ngôn sứ của mọi ngôn sứ, cũng đã bị người ta khước từ khi Ngài trở về Nadarét. (x. Mt 13:53-58; Mc 6:1-6; Lc 4:16-30) Nghe Amátgia nói vậy, Amốt khiêm tốn nói: “Tôi không phải là ngôn sứ, cũng chẳng phải là người thuộc nhóm ngôn sứ. Tôi chỉ là người chăn nuôi súc vật và chăm sóc cây sung. Chính Đức Chúa đã bắt lấy tôi khi tôi đi theo sau đàn vật, và Đức Chúa đã truyền cho tôi: ‘Hãy đi tuyên sấm cho Israel dân Ta’.” (Am 7:14-15)
Ông Amốt thực sự là ngôn sứ nhưng ông không dám nhận mình là ngôn sứ, dù ông bị “ép buộc” làm ngôn sứ đi rao giảng cho dân Israel. Ông Amốt ở miền Nam Giuđê nhưng đi rao giảng ở miền Bắc Israel. Ông là người đương thời với hai ngôn sứ Hôsê và Isaia, hoạt động vào khoảng năm 750 (TCN), thời vua Giêrôbôam II, và ông qua đời năm 745 (TCN).
Ngay câu lục bát đầu tiên của tác phẩm Lục Vân Tiên, đức tính trung hiếu đã được cụ Đồ Chiểu đề cập: “Trai thời trung hiếu làm đầu, gái thời tiết hạnh làm câu trau mình.” Nói là nói vậy, nam hay nữ vẫn phải trung hiếu. Thiên Chúa cũng quý mến người trung hiếu, như Thánh Vịnh gia nói: “Tôi lắng nghe điều Thiên Chúa phán, điều Chúa phán là lời chúc bình an cho dân Người, cho kẻ trung hiếu và những ai hướng lòng trí về Người. Chúa sẵn sàng ban ơn cứu độ cho ai kính sợ Chúa, để vinh quang của Người hằng chiếu tỏa trên đất nước chúng ta.” (Tv 85:9-10) Một đất nước “đại đồng” như vậy là mơ ước của mọi người, nhưng mơ ước vẫn chỉ là ước mơ trên cõi thế tạm này.
Mặc dù vậy, chúng ta cũng vẫn phải mơ ước, hy vọng, khao khát, mong đợi. Điều đó sẽ đạt được khi có Thiên Chúa. Và thời kỳ đó đã thực sự đến giữa chúng ta, ngay trên thế gian này: “Tín nghĩa ân tình nay hội ngộ, hòa bình công lý đã giao duyên. Tín nghĩa mọc lên từ đất thấp, công lý nhìn xuống tự trời cao. Vâng, chính Chúa sẽ tặng ban phúc lộc và đất chúng ta trổ sinh hoa trái. Công lý đi tiền phong trước mặt Người, mở lối cho Người đặt bước chân.” (Tv 85:11-14) Nước Thiên Chúa đã đến, việc còn lại là trách nhiệm của chúng ta: Thực hiện công lý. Có công lý ắt sẽ có hòa bình. Chưa có hòa bình vì công lý chưa được tôn trọng – nghĩa là còn đàn áp nhau, áp bức kẻ yếu, đè bẹp kẻ nghèo, thậm chí còn “dàn cảnh” để cướp công khai.
Thiên Chúa biết phàm nhân xấu xa, nhưng Ngài vẫn hết mực yêu thương và đã chính thức thiết lập Kế Hoạch Cứu Độ – ngay từ khi Ông Bà Nguyên Tổ phạm tội bất tuân lệnh của Thiên Chúa. Thật hạnh phúc khi chúng ta có một Thiên Chúa tuyệt đối như vậy. Vì thế, Thánh Phaolô phải lên tiếng: “Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Trong Đức Kitô, từ cõi trời, Người đã thi ân giáng phúc cho ta hưởng muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần. Trong Đức Kitô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người.” (Ep 1:3-4)
Hạnh phúc chồng lên hạnh phúc, niềm vui nối kết nỗi mừng. Chúng ta không chỉ được gọi Thiên Chúa là Thân Phụ, mà còn được Ngài quan tâm chăm sóc không ngừng: “Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Chúa Giêsu Kitô, để ta hằng ngợi khen ân sủng rạng ngời, ân sủng Người ban tặng cho ta trong Thánh Tử yêu dấu. Trong Thánh Tử, nhờ máu Thánh Tử đổ ra chúng ta được cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi theo lượng ân sủng rất phong phú của Người.” (Ep 1:5-7) Quả thật, dành cả đời đời của tỷ tỷ người để tạ ơn Ngài cũng không đủ chứ nói chi tới một cuộc đời của mỗi chúng ta.
Thánh Phaolô cho biết chi tiết: “Ân sủng này, Thiên Chúa đã rộng ban cho ta cùng với tất cả sự khôn ngoan thông hiểu. Người cho ta được biết thiên ý nhiệm mầu: thiên ý này là kế hoạch yêu thương Người đã định từ trước trong Đức Kitô. Đó là đưa thời gian tới hồi viên mãn là quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô. Cũng trong Đức Kitô, Thiên Chúa là Đấng làm nên mọi sự theo quyết định và ý muốn của Người, đã tiền định cho chúng tôi đây làm cơ nghiệp riêng theo kế hoạch của Người, để chúng tôi là những người đầu tiên đặt hy vọng vào Đức Kitô, chúng tôi ngợi khen vinh quang Người.” (Ep 1:8-12) Thật vậy, Cựu Ước đã xác định: “Lành dữ, sống chết, giàu nghèo, tất cả đều do Đức Chúa.” (Hc 11:14)
Chắc chắn không gì ngoài Thánh Ý Chúa, nhưng trong mọi hoàn cảnh, “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người, tức là cho những kẻ được Người kêu gọi theo như ý Người định.” (Rm 8:28) Nhận biết được như vậy là bắt đầu trưởng thành tâm linh. Nhưng muốn trưởng thành trong đời sống Kitô giáo, chúng ta cần phải có ba yếu tố quan trọng: Yêu Thương, Tha Thứ, và Chấp Nhận. Đó là “tam giác sống” như điều kiện ắt có và đủ, thế nhưng lại không hề đơn giản – nghĩa là phải kiên trì nỗ lực không ngừng.
Vừa xác định vừa động viên sống tích cực, Thánh Phaolô nói: “Trong Đức Kitô, cả anh em nữa, anh em đã được nghe lời chân lý là Tin Mừng cứu độ anh em; vẫn trong Đức Kitô, một khi đã tin, anh em được đóng ấn Thánh Thần, Đấng Thiên Chúa đã hứa. Thánh Thần là bảo chứng phần gia nghiệp của chúng ta, chờ ngày dân riêng của Thiên Chúa được cứu chuộc, để ngợi khen vinh quang Thiên Chúa.” (Ep 1:13-14) Vì tin tưởng mà chờ đợi, khi chờ đợi thì phải hành động, chứng tỏ bằng hành động là can đảm gặp gỡ tha nhân, muốn gặp gỡ thì phải đứng dậy, bước đi, vào đời, ra khơi… và hành động cụ thể.
Lạy Thiên Chúa, xin giúp chúng con sẵn sàng đón nhận mọi huấn lệnh của Ngài, ngăn chặn ý tưởng ly khai trong chúng con, giúp đủ sức dứt khoát hành động theo Ý Ngài, luôn hiệp nhất và hiệp hành với nhau. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU