Home / Chia Sẻ / CHẾT NHƯ CHÚA GIÊSU – ĐỨC TIN VÀ NỖI SỢ

CHẾT NHƯ CHÚA GIÊSU – ĐỨC TIN VÀ NỖI SỢ

AMột người lính thường chết mà không sợ hãi, còn Chúa Giêsu chết trong sợ hãi.  Iris Murdoch đã viết những dòng này và sự thật này có thể khiến bạn thấy khó chịu.  Tại sao lại thế?  Nếu ai đó chết với đức tin sâu đậm, không phải người đó chết với một sự điềm tĩnh và tin tưởng nhất định nhờ đức tin hay sao?  Chẳng phải ngược lại cũng hợp lý, chẳng phải một người chết mà không có đức tin thì sẽ chết với tâm hồn sợ hãi hơn sao?  Và có lẽ bối rối nhất là: Tại sao Chúa Giêsu, mẫu mực của đức tin, lại chết trong sợ hãi, kêu lên trong đau đớn như thể mất đức tin?

Vấn đề nằm ở trí hiểu của chúng ta.  Có lúc chúng ta có thể rất ngây thơ về đức tin và động lực của đức tin, nghĩ rằng tin vào Chúa là tấm vé cho sự bình an và hân hoan đời này.  Nhưng đức tin không phải là con đường đến với sự êm đềm dễ dãi, cũng không bảo đảm rằng chúng ta sẽ ra khỏi cuộc đời này trong êm đềm.  Và điều này có thể làm chúng ta bối rối lung lay. Một ví dụ là:

Ngòi bút thiêng liêng trứ danh, Henri Nouwen, trong quyển sách “Trong Ký ức” đã chia sẻ một câu chuyện quay quanh cái chết của mẹ ngài.  Cha Nouwen, một người gốc Hà Lan, đang dạy học ở Hoa Kỳ, thì được tin mẹ ngài đang hấp hối ở quê nhà.  Trên chuyến bay từ New York về Amsterdam, ngài suy ngẫm về đức tin và đức hạnh của mẹ mình, và kết luận bà là một phụ nữ Kitô nhất mà ngài từng biết.  Với suy nghĩ đầy khuây khỏa đó, ngài hình dung mẹ sẽ chết thế nào, những giờ cuối đời của bà sẽ đầy đức tin và êm đềm, và đức tin êm đềm đó sẽ là lời chứng cuối cùng của bà cho gia đình.

Nhưng, sự thật không phải vậy.  Không những không êm đềm không sợ hãi, những giờ cuối cùng của mẹ ngài dường như bị kìm kẹp trong một bóng tối không giải thích được, một sự bất an nội tâm sâu sắc, và một đều gì đó có vẻ như đối lập với đức tin.  Điều này khiến cha Nouwen quá bối rối.  Tại sao lại thế?  Tại sao mẹ ngài lại bất an trong khi cả cuộc đời mẹ là người với đức tin quá mạnh mẽ?

Ban đầu điều này khiến ngài hoang mang sâu sắc, cho đến khi một nhận thức sâu sắc hơn về đức tin mở ra.  Mẹ ngài là một phụ nữ đã cầu nguyện mỗi ngày, xin Chúa ban ơn để bà sống như Chúa đã sống, và chết như Chúa đã chết.  Vâng, có vẻ như lời cầu nguyện của bà đã được lắng nghe.  Bà đã chết như Chúa Giêsu. Dù có đức tin vững như đá, nhưng Chúa Giêsu đã đổ mồ hôi máu khi nghĩ đến cái chết của mình, và trên thập giá, Ngài đã kêu lên thống thiết, cảm giác rằng Chúa Cha đã bỏ mình.  Nói tóm lại, lời cầu nguyện của bà đã được nhậm lời.  Bà đã xin Chúa Giêsu cho bà chết như Ngài đã chết, và với sự mở lòng đón nhận của bà, lời nguyện xin của bà đã được nhậm lời, dù cho gia và bạn bè cảm thấy thật bối rối vì họ tưởng mọi chuyện sẽ khác thế kia.  Đây cũng là cách mà Chúa Giêsu đã chết, và cũng là những gì mà gia đình và các môn đệ của Chúa cảm thấy.  Đây không phải là những gì mà người ta tưởng tượng về cái chết của một con người đầy đức tin.

Nhưng một nhận thức thâm sâu hơn về đức tin lại đảo ngược cái lập luận ấy của con người. Nhìn vào cái chết của mẹ cha Henri Nouwen, câu hỏi đặt ra không phải là, làm sao chuyện này lại xảy đến với bà như vậy?  Vấn đề nằm ở chỗ khác kia.  Tại sao điều này lại không xảy ra với bà chứ?  Đây là những gì bà đã cầu nguyện xin, và là một đấu sĩ thiêng liêng xin Chúa gởi đến cho mình thử thách cuối cùng, vậy tại sao Chúa lại không ban cho bà cơ chứ?

Điều này cũng tương tự như những hoài nghi đau khổ của Mẹ Teresa.  Khi nhật ký của mẹ được xuất bản và cho thấy đêm tối linh hồn của mẹ, nhiều người đã bị sốc mà hỏi nhau: Làm sao chuyện này lại xảy ra với mẹ chứ?  Tôi tin rằng, một nhận thức thâm sâu hơn về đức tin sẽ hỏi khác đi: Tại sao điều này lại không xảy đến với mẹ chứ, bởi mẹ có đức tin và hoàn toàn mong mỏi được đi vào những cảm nghiệm của Chúa Giêsu một cách trọn vẹn?

Nhưng, vẫn có những phức tạp khác.  Có lúc, một người có đức tin sâu sắc lại không chết như thế, mà ra đi trong êm đềm không sợ hãi, được đức tin nâng đỡ như chiếc phà che chở trong cơn bão.  Tại sao điều này lại xảy đến với một số người, số khác thì không?  Chúng ta không có câu trả lời.  Đức tin không đặt tất cả chúng ta vào cùng một băng chuyền.  Có lúc những người với đức tin sâu sắc, chết như Chúa Giêsu đã chết, trong bóng tối và sợ hãi, và có lúc người có đức tin sâu sắc chết trong bình an và êm đềm.

Elizabeth Kubler-Ross cho rằng mỗi một người chúng ta đi qua năm giai đoạn rõ ràng của hấp hối, cụ thể là: chối bỏ, giận dữ, thương lượng, khủng hoảng, và chấp nhận.  Kathleen Dowling Singh lại cho rằng những gì mà Kubler-Ross gọi là sự chấp nhận, cần có một sắc thái sâu hơn nữa.  Theo Singh, phần gay go nhất của sự chấp nhận này, là một sự quy phục hoàn toàn, và trước sự quy phục đó, một số người sẽ trải qua bóng tối nội tâm thâm sâu mà người ngoài nhìn vào sẽ thấy như sự tuyệt vọng.  Chỉ sau khi đó, họ mới cảm nghiệm niềm vui và hân hoan.

Tất cả chúng ta đều cần học bài học mà cha Nouwen đã học được bên giường hấp hối của mẹ mình.  Cũng như đức mến, đức tin có nhiều thể thức, và có lẽ không thể phán định đơn giản từ bên ngoài.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

Xem thêm

21-11-2024 10-08-06 PM

Lời Chúa – Thứ Sáu Tuần XXXIII Mùa Thường Niên 22/11/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN