Khoảng hơn 3 giờ chiều, ngày 20 tháng 11 năm ngoái, nghe tiếng ai la trong điện thoại: “Vân ơi, thằng Nam chết rồi!”. Tôi hoảng hốt la, hỏi lại: “Ai gọi vậy? Nam chết hồi nào? Tại sao chết? ”. Bên kia la trả lời: “Pháp đây, thằng Nam mới chết, chắc là đột quỵ”. Tôi bần thần hồi lâu rồi tỉnh trí tự hỏi: “ Nam chết thật rồi sao?”
Kể từ đó lòng tôi quay quắt, muốn tức tốc bay về, nhưng trớ trêu thay! Bản thân đang rơi vào hoàn cảnh éo le: con mắt bên phải mờ dần, tiền bạc chẳng có. Điều có thể làm được cho Nam lúc đó là bấm máy soạn tin nhắn báo và xin lời cầu nguyện cho linh hồn Phêrô, gởi những người thân quen. Tôi biết Chúa gọi Nam đi bất ngờ, mà bạn không biết có kịp chuẩn bị gì không? Những ưóc nguyện cao cả không thành, những tính toan bình thường không đạt, Nam có oán trách gì ai? Tôi biết một vài người thân và bạn bè than phiền cách ứng xử của Nam, nhưng suy cho cùng do bản tính nhu mì, vì tình nghĩa phu thê, bạn không thể làm gì hơn.
Nhớ những ngày tháng về quê Cam Ranh sống sau thời gian lang bạt đây đó, tôi chọn Nam là một trong những người bạn thân tình.
“Bạn bè ta quanh quẩn năm ba đứa
Thỉnh thoảng tâm tình uống rượu giải khuây”
Bạn lúc đó đã là thầy thuốc bắc nổi tiếng, tôi mở lớp dạy Anh văn, góp năm ba chục ngàn học phí trang trải sống qua ngày. Bạn sống khép kín, ít ra ngoài; tôi lãng mạn, thích ngao du uống rượu, làm thơ. Biết bao kỷ niệm với Nam tưởng chừng không thể nào quên.
Dòng đời một lần nữa xô đẩy tôi đi. Tôi vào Sàigòn đúng ngày lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời 15 tháng 08.1992. Ngày đi không kịp đến từ giã bạn. Bạn vẫn là người để tôi lưu luyến nơi quê nhà, thỉnh thoảng thơ từ, đôi lần kèm vài câu thơ.
“Mưa Sài Gòn không như mưa ngoài xứ
Bạn bè ngồi ly rượu ấm trong tay”
Có dịp về quê thăm gia đình, không lần nào tôi không ghé bạn, lúc rượu, lúc bia, thỏa tâm tình. Nhớ có những lần bạn tiễn tôi ra đường chờ đón xe. Nhớ nhất có lần đến bạn, sau vài chung rượu, tôi thổ lộ về quê xài hết không có tiền vào lại Sàigòn. Nam mỉm cười, mắt vụt sáng, nói: “Mình mới bốc thuốc cho một người được năm chục ngàn, Vân cầm lấy đi xe”. Tình nghĩa bạn dành cho tôi tuyệt vời thế đó! Mà giờ đây đôi mình cách ngăn mãi mãi cả trong không gian và thời gian.
Bạn lấy vợ không báo tin. Tôi về thăm gia đình đến nhà bạn, bạn vẫn tỉnh tỉnh chẳng hề đá động gì tôi trước mặt vợ, buộc tôi phải tự giới thiệu về mình. Vài tháng trước ngày bạn ra đi, tôi có dịp về quê, nghe tin Phúc (Thụy Sỹ) mới qua đời, tôi tính lễ chiều xong sẽ ghé thắp nhang đọc kinh cầu nguyện cho người quá cố, sẵn dịp thăm bạn. Lòng nhủ lòng nhưng lại không đến. Sau này, cùng cái chết của anh Tín (Bùi Phát), tôi nghiệm cho mình một nhắc nhở: việc gì mình muốn làm cho người nào thì hãy làm lúc người đó còn sống, để khỏi hối tiếc, ân hận về sau.Tôi thật hối tiếc không ghé thăm Nam, càng ân hận đã chần chừ không đến thăm anh Tín, dù biết anh đang bệnh. (Xin anh tha lỗi cho em, thật tình em không nghĩ Chúa gọi anh đi sớm như vậy. Cứ tưởng anh rồi sẽ lành bệnh, nghe tiếng điện thoại của em, anh nói: “Thằng Long Vân đó hở! mày đang ở đâu đấy?” Anh ra quán chổ em ngồi chờ, uống với nhau vài chai bia, tâm tình dăm ba chuyện. Lần nào cũng vậy, trả tiền quán xong, anh dúi cho em năm ba chục, giọng nhỏ nhẹ: “Này cầm lấy đi!”). Những ân tình nặng trĩu.Thế mà giờ đây người bạn vong niên thành phố không còn, người bạn tâm giao ngoài quê đã mất. Buồn ơi là buồn!
Đêm cuối mọi người đang tụ tập chuẩn bị đọc kinh cho Nam, tôi gọi điện về cho Pháp: “Thương Nam quá!” Pháp la: “Mi thương thằng Nam thì về đi. Có Thành và Hào đây, mi có muốn nói chuyện với Hào không?” Mình phân trần với Hào lý do không về được rồi nghẹn ngào tắt máy. Nam ơi có hiểu được lòng Vân, nghe tin bạn chết lòng mình lúc đó cuống cuồng, se sắt như kẻ không hồn. Nhưng biết làm được gì đây? Khi không thể về nhìn hình hài bạn lần cuối. Đêm đó khó ngủ, tôi tiếp tục bấm máy báo cho bạn bè năm xưa học chung lớp Ký túc Xá Phanxicô Nha Trang: Đức (Đà Lạt), Mai văn Lý (Ban Mê), xin các bạn cầu cho linh hồn Phêrô.
Sáng mai ấy, giữa bao người tiễn đưa Nam đến nơi an nghỉ cuối cùng, không có Vân. Không có Vân nhỏ giọt lệ khóc thương Nam trên hang mộ rồi khép lại đưa bạn vào giấc ngủ ngàn thu. Người ta nói: “Chết là hết”. Nhưng tôi không cho là vậy. Chết không phải là hết, chỉ là kết thúc một hành trình tạm bợ, để bắt đầu một hành trình mới, vĩnh cửu. Tháng linh hồn, nhớ Nam. Nhớ bạn được Chúa gọi về một năm nay, tôi nguyện mong bạn đã bước vào hành trình vĩnh cửu nơi Thiên Quốc và giờ này đang dõi mắt nhìn xuống phù hộ cho tôi.
Gioan Long Vân,
Giáo xứ Nhân Hòa