Home / Chia Sẻ / CHAY TỊNH

CHAY TỊNH

CHAY TỊNHChay tịnh là chuyện “kiêng cữ”, không chỉ có lợi về thể lý mà còn có lợi về tinh thần, đặc biệt là về tâm linh. Dĩ nhiên chay tịnh luôn được kết hợp với việc cầu nguyện và bác ái.

Chay tịnh không chỉ là ăn chay và kiêng thịt, mà quan trọng là cố gắng kiềm chế bản thân về sinh hoạt cá nhân. Nghĩa là phải cố gắng ít nói và không nói điều vớ vẩn. Tịnh khẩu rất có lợi, vì giảm thiểu mức phạm tội. Cũng nên chú ý: ÍT NÓI không hẳn là phải là NÓI ÍT (dù có thể vẫn nói nhiều), mà quan trọng là KHÔNG NÓI điều sai trái (không nói nhảm, không nói bậy, không nói điều vớ vẩn, không nói điều xấu,…).

Người ta có “thâm ý” khi ghép hình “ba con khỉ” với hình của danh nhân Mohandas Karamchand Gandhi (sinh ngày 20-10-1869, mất ngày 30-1-1948), người được dân Ấn Độ tôn xưng là “thánh nhân”. Ông chủ trương “bất bạo động” và được tôn xưng là Mahātmā (linh hồn lớn, vĩ nhân, đại nhân).

Có lẽ chúng ta không xa lạ gì hình ảnh “ba con khỉ” với ba động thái khác nhau: Bịt mắt, bịt tai, và bịt miệng. Người Nhật gọi là “Mizaru, Kikazaru, Iwazaru” (tất cả đều có vĩ ngữ là “zaru”). Ba từ đó nghĩa là “không thấy, không nghe, không nói” (*).

Rất có thể hình “ba con khỉ” chịu ảnh hưởng Thiền (Zen) của Phật giáo. Trong Kinh Phật, thi thoảng chúng ta gặp câu “tâm viên, ý mã” (tấm lòng như con khỉ, ý tưởng như con ngựa). Phật giáo cho rằng TÂM và Ý của con người luôn biến chuyển, phá phách không ngừng như con khỉ, và như con ngựa không bao giờ chịu đứng yên một chỗ, nếu không kềm chế chúng thì chúng sẽ suy nghĩ lung tung, sinh ra phiền não  – Phật giáo gọi là “khổ não trần ai”. Tìm hiểu thêm, chúng ta thấy nhà Phật cho rằng lục căn là Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân, và Ý. Chúng tiếp xúc với lục trần là Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc và Pháp. Từ đó sinh ra “lục thức” (tỉnh thức, ý thức).

Nếu những cái “thức” này không bị ô nhiễm thì hành giả được tâm thanh tịnh mà đạt đến lục thông.  Còn nếu mắt ham nhìn cái đẹp, tai muốn nghe lời ngon ngọt, mũi thích ngửi mùi thơm tho, lưỡi ưa nếm vị thức ăn ngon, thân tiếp xúc với đồ dơ, và ý nghĩ điều bậy để tâm bị mê loạn thì lục thức sẽ biến thành lục tặc là sáu tên giặc phá hại sự thanh tịnh cho việc tu hành. Phật giáo không chỉ đề cập đến Mắt, Tai, Miệng (lưỡi), mà còn thêm Mũi, Thân và Ý.

Cuộc đời có nhiều động thái, nhưng ba động thái đó là ba động thái “độc đáo”, rất “khác người”. Ba động thái đó cũng là ba động thái khôn ngoan, dù đôi khi bị chê trách là “vô tình”.

Mùa Chay, đặc biệt là Tuần Thánh, với tinh thần “chay tịnh” (ít ăn, không nói), thiết tưởng hình ảnh ba-con-khỉ này rất phù hợp với tinh thần Kitô giáo.

Tiền nhân xác định: “Im lặng là vàng”. Nếu là VÀNG thì cũng có nhiều loại vàng. Vàng là vật quý nhưng vẫn có những thứ còn quý hơn vàng – theo nghĩa đen chứ chưa nói theo nghĩa bóng. Vàng chỉ quý ở mức “phổ biến”. Nhưng khi người ta bị đói khát, bị hoạn nạn, bị bệnh nan y,… chắc hẳn vàng không có nghĩa lý gì với họ nữa. Đất là vật tầm thường nhưng có lúc lại quý hơn vàng, như ông bà ta nói: “Tấc đất, tấc vàng” hoặc “rừng vàng, biển bạc”.

Chín người mà có tới mười ý, người thì lý luận thế này, kẻ thì lý giải thế kia. Đôi khi thật khó minh định! Vậy im lặng là Vàng hay là Đất? Nói ra thì bị chê là “bới bèo ra bọ” và bị “đì xói trán”; không nói ra thì có thể bị cho là thụ động, “đồng lõa” hoặc “nhát đảm”. Tuy nhiên, “nếu tôi nói sai, anh chứng minh xem sai ở chỗ nào; còn nếu tôi nói phải, sao lại đánh tôi?” (Ga 18:19-23).

Trong xã hội, khi thấy những người có hành động sai trái, báo chí nêu lên và người đó bị “kiểm điểm”, bị xét xử hoặc tù đày. Có những vụ người ta “bỏ qua” hoặc cho “chìm xuồng”, dư luận lên án gắt gao và chê trách các vị lãnh đạo quốc gia nào đó, chúng ta nói họ là bao che hoặc phe cánh. Còn tôn giáo thì sao, có chuyện đó không, có bao che không? Một câu không dễ trả lời chút nào!

Nhân vô thập toàn. Đó là điều chắc chắn. Ai cũng có lỗi, không lớn thì nhỏ, không nhiều thì ít, ngày nào người ta cũng phạm tội nhiều lần “trong tư tưởng, lời nói và việc làm”. Hàng ngày tham dự thánh lễ, chúng ta đấm ngực 3 lần, nhận “lỗi tại tôi mọi đàng”, kêu xin Chúa thương xót 3 lần, rồi lại kêu xin Chúa thương xót 2 lần trước khi xin bình an 1 lần (Chiên Thiên Chúa), và còn nhiều lần nữa chúng ta kêu xin như vậy trong MỘT thánh lễ. Thánh Phaolô đã thú nhận thay chúng ta: “Điều tôi muốn thì tôi lại không làm, điều tôi không muốn thì tôi lại làm” (Rm 7:19). Khốn nạn là thế! Vì thấy Sư phụ quá tốt lành còn mình thì quá tệ, thánh Phêrô đã phải thốt lên: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!” (Lc 5:8).

Con người là thế, yếu đuối và mỏng dòn. Tuy nhiên, “sai lầm chưa đáng sợ, không biết mình sai lầm mới đáng sợ” (Khổng Tử). Những người muốn đả phá và bài xích vì ác ý thì miễn bàn, nhưng có người muốn xây dựng khi thấy những điều “trái tai, gai mắt” thì đôi khi lại bị cho là “quá khích”, là “ma quỷ xúi giục”. Cũng một chuyện, người thì “nịnh bợ” – và được thích, người thì “trực tính” – và bị ghét. Lịch sử đời và đạo cũng đã có nhiều người dám nói thẳng nói thật, nhưng họ thường bị ghét và thậm chí còn bị “trả thù” cho… bõ ghét!

Chúa Giêsu cũng bị ghét và bị giết vì “tội” đó, nhưng Ngài vẫn dạy: “Anh em đừng sợ người ta. Thật ra, không có gì che giấu mà sẽ không được tỏ lộ, không có gì bí mật, mà người ta sẽ không biết” (Mt 10:26). Người Việt cũng có câu: “Cây kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra”.

Thường thì đa số đều “cam chịu”, a dua, ít người dám “thẳng như ruột ngựa”. Thuận ngôn, nghịch nhĩ. Cụ Đồ Chiểu xác định: “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm, đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”. Vì công ích, nếu thấy sai mà không nói thì không được. Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta “mẹo” sửa lỗi người khác: “Nếu người anh em của anh trót phạm tội thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh thì anh đã chinh phục được người anh em. Còn nếu nó không chịu nghe thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân. Nếu nó không nghe họ thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế” (Mt 18:15-17). Lời Chúa quá rõ ràng!

Điều Chúa Giêsu dạy không dễ thực hiện: “Anh em hãy gớm ghét điều dữ, tha thiết với điều lành; thương mến nhau với tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình; nhiệt thành, không trễ nải; lấy tinh thần sốt sắng mà phục vụ Chúa” (Rm 12:9-11), vì nghe thì gật gật gù gù ra chiều “thâm ý”, nhưng rồi lại thấy khó hành động. Tinh thần thì lanh lẹ nhưng xác thịt lại nặng nề quá, Chúa ơi!

Vì con người quá đốn hèn, thế nên luôn phải tin cậy vào Lòng Chúa Thương Xót và thân thưa: “Xin dẫn chúng con về, xin đừng hận chúng con” (Tv 84:5). Đồng thời luôn phải mở lòng ra: “Xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe” (1 Sm 3:10), và “xin thêm đức tin cho chúng con” (Lc 17:5), vì trần gian này quá nhiêu khê!

Lạy Thiên Chúa, xin luôn soi sáng và hướng dẫn con ngay từ khi con bắt đầu suy nghĩ, để con thể hiện đúng Ý Chúa, nếu không đúng Ý Ngài thì xin Ngài ngăn cản con ngay. Xin cho con được thưa với Chúa hai điều: “Lạy Chúa, xin thương xót con vì con là kẻ có tội” (Lc 18:9-14), và “Lạy Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài” (Dt 10:7 và 9). Con cầu xin nhân Danh Đức Giêsu Kitô đầy Lòng Thương Xót. Amen.

TRẦM THIÊN THU

————————-

(*) Nguồn gốc ý niệm “không nhìn, không nghe, không nói” có thể bắt nguồn từ tư tưởng của Khổng giáo (Khổng Phu Tử, Confucius). Luận Ngữ có câu: “Phi lễ vật thị, phi lễ vật thính, phi lễ vật ngôn”. Lý giải về chiết tự Hán ngữ thì chữ “thông” có bộ “nhĩ” là tai (để nghe), chữ “minh” có bộ “nhật” và bộ “nguyệt” tượng trưng cho hai con mắt. Như vậy, người có tai thính và mắt sáng là người NGHE nhiều điều hay mà nảy ra trí tuệ, đó là người thông minh. Trong xã hội Việt Nam, không dễ là người có “tai mắt” trong vùng, tức là người có thân thế, địa vị, quyền cao, chức trọng, và dĩ nhiên có được “tai mắt”. Có tai và có mắt thì miệng có thể ăn thoải mái.

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN