Home / Chia Sẻ / CHÁU ĐÍCH TÔN

CHÁU ĐÍCH TÔN

h2“Nó là cháu đích tôn của dòng họ đó” một lời nói luôn luôn ở trên miệng của nội tôi, cái miệng nhuốm màu đỏ sẫm của những miếng trầu.  Nó giống như một lá bùa hộ thân của tôi. Khi những tiếng đó vang lên tôi cảm thấy mình được những người trong nhà nể phục, kể cả bố mẹ nữa chứ. Bố mẹ có dám la mắng tôi đâu, tôi không biết họ sợ nội, hay họ thương tôi. Lúc đó tôi không hiểu cụm từ “cháu đích tôn” có ý nghĩa gì. Nhưng tôi biết mình rất quan trọng đối với dòng họ, đi học có người chở đi, chở về, thích đồ chơi gì là có cái đó. Lên trường tôi không có nhiều bạn bè.  Tôi nghĩ cũng không cần thiết phải có bạn, nên tôi chả xem ai ra gì hết, nhưng được cái là tôi học cũng khá. Cuộc sống của tôi cứ trôi qua êm đềm cho đến lúc tôi là trở thành sinh viên Trường Đại Học Bách Khoa Hà Nội, cái trường mà bao nhiêu đứa mơ ước cũng khó mà được. Lên thành phố với tôi là mấy đứa cùng làng, nhà nghèo rớt mùng tơi (có mùng tơi mà rớt là ngon rồi). Tôi sống ở chung cư, đi xe SH, không cần phải đi làm thêm để kiếm tiền đóng tiền nhà, hết tiền chỉ cần “alo” là ra ngân hàng có liền. Còn mấy đứa đó sống chung cư, đi làm thêm, đi xe bốn bánh, có máy lạnh, có tài xế riêng nhưng là xe bus.  Đến trường, tôi không chơi với mấy đứa nhà nghèo, mấy đứa đó không xứng đáng chơi cùng tôi.  Tôi cứ vui chơi thỏa thích, chơi game online, có bạn gái, dằn mặt người khác, lấn át người kia…  Những lần như vậy những người bạn cùng quê cứ nói với tô: “đừng đi quá đà Long ơi.”  Nhưng đáp lại tôi chỉ nói:“Mày có biết tao là ai không?  Cháu đích tôn của dòng họ tao đó.”  

Nhưng đúng là “gieo nhân nào gặt quả đó.” Một hôm tan học tôi bị mấy người lạ mặt đánh cho một trận, sau đó bị ngất đi và được một người lạ mặt cứu.  Người ấy đưa tôi vào trạm ý tế gần đó, nhờ bác sỹ chăm sóc rồi lặng lẽ bỏ đi lúc nào tôi cũng không biết.  Tôi chỉ biết khi đi người đó để lại cho tôi một tờ giấy “Khóa Linh Thao Cho Sinh Viên” của Dòng Tên dành cho sinh viên, và một lời nhắn “Cố gắng tham gia nhé.”  Mặc dù, là người Công Giáo nhưng tôi có biết đến Linh Thao là cái gì đâu, tôi chỉ biết Dòng Tên là một dòng tu rất nổi tiếng.  Tôi nghĩ không cần thiết, nhưng sau đó tôi nghĩ lại, có mất gì đâu mà không tham gia.

“Sao đông vậy trời!”  Đó là câu nói đầu tiên của tôi khi đến đó, và ngạc nhiên hơn nữa người cứu tôi lại là cha hướng dẫn ở đó.  Tôi tham gia vào nhiều thứ trò chơi khởi động cùng với nhiều người xa lạ, mà trước đó tôi xem họ không xứng đáng chơi với tôi, được nghe tiểu sử của Thánh Inhaxio Loyola, Đấng Sáng Lập Dòng Tên.  Nghe xong tôi cảm thấy sao cuộc đời mình giống như thánh nhân vậy, phải chăng đó là một lời mời gọi…?  Một tuần linh thao cứ nhịp điệu: ăn sáng, cầu nguyện, ăn trưa, cầu nguyện, ăn tối, cầu nguyện, phút hồi tâm cuối ngày.  Ngày cuối cùng là ngày dành để hồi tâm về cuộc đời, nhiệm vụ và tìm ra ý nghĩa của mình khi sống ở trên đời này.  Tôi chợt nhận ra rằng mục tiêu sống hiện tại của mình đã đi lệch đường ray, và là số 0 tròn trĩnh.  Cái mác “cháu đích tôn” đã đưa tôi lên một vị trí mà không ai dám lại gần.  Tôi tự cao, tự đại, khinh thường người khác.  Tôi chưa thể tìm thấy cái gọi là mục tiêu, ý nghĩa cuộc sống cho chính mình.  

Khóa linh thao kết thúc mà lòng tôi cứ nao nao, có cái gì đó lôi kéo tôi rất mạnh về việc dấn thân theo Chúa.  Tôi đã mạnh dạn gặp cha giám đốc, trình bày vấn đề muốn được tìm hiểu vào Dòng Tên, được cha hẹn gặp một tháng sau lên nhà Ứng Sinh Dòng Tên gặp cha.  Tôi rất vui vì có lẽ tôi tìm được mục tiêu của mình nhưng tôi không ngờ được là những chuyện buồn cũng bắt đầu xảy ra. 

Tôi gọi điện về, báo ngay cho nội biết tôi đã tìm ra lý tưởng sống cho chính mình rồi, mường tượng ra cảm xúc của nội khi nghe được tin này chắc nội sẽ vui lắm.  “Mày biết mày là ai không hả Long, sao mày lại làm thế, ai cho mày đi tu?” câu nói đầu tiên của nội khi tôi trình bày với nội điều đó.  Lần đầu tiên tôi thấy nội nổi giận với tôi, hình như mong muốn về một người cháu đi tu không có trong tâm trí của nội. “Về nhà ngay” là câu kết trong cuộc nói chuyện điện thoại giữa tôi và nội, mặc dù thời gian cuộc gọi chưa được 30 giây.  Tôi đành phải nghe lời chứ sao, dù lòng vẫn ao ước được được đi tu nhiều lắm.

Trên đường về tôi tự hỏi “Chúa ơi, tại sao cháu đích tôn lại không được đi tu, đi theo Chúa còn phải được sự đồng ý của người nhà nữa hả Chúa?”  Tôi liền nghĩ ngay đến thánh Inhaxio, tại sao Ngài có thể bỏ tất cả được như vậy.  Tôi không biết mình phải nói những gì để thuyết phục được nội tôi đồng ý.  Đến nhà rồi mà tôi cũng không dám vào nhà như những lần trước, tôi sợ!

Vào nhà tôi nghe nội la mắng: “Mày có biết đi tu là không lấy được vợ, không thể làm giàu, sống nghèo, sống phải nghe lời người khác không?  Ngoài đời mày muốn gì cũng có, sao mày lại chọn đi tu?”  Bây giờ tôi mới biết rằng nhiệm vụ của cháu đích tôn là gì: nối dõi tông đường, kế thừa sản nghiệp, làm rạng danh gia tộc… nó thật khủng khiếp.  Tối đến tôi cứ suy nghĩ về hai câu nói của Chúa Giêsu “từ bỏ mọi sự mà theoThầy,” và trong thư của Thánh Phao Lô “vâng lời hơn của lễ,” sao nó đối nghịch nhau như vậy, tôi không biết nên đi theo đường nào.  Nếu là Chúa thì Ngài sẽ chọn con đường nào?  Tôi biết Ngài đã dành cho tôi con đường dẫn về trời, có sự sống đời sau miễn là tôi có chấp nhận nó hay không.  Có lẽ tôi đã nhận được sự giúp đỡ, sự hướng dẫn của Chúa qua mẹ, mẹ gặp tôi và nói rằng: “cố lên đi con, mẹ sẽ ủng hộ con.”  Bạn có biết cảm giác tôi khi đó không?  Tôi vui mừng ở trong lòng và thầm cảm ơn Chúa.

Nhưng tôi cũng không thể không nghe lời của nội được.  Tôi lên thành phố với câu nói của nội “nếu mày đi tu, tao sẽ từ mày luôn, tao không muốn có đứa cháu ngu như mày” nó cứ quấn quýt vào tôi.  Tôi suy đi nghĩ lại câu nói đó của nội, nếu đi tu có phải tôi là một người cháu bất hiếu, vì không nghe lời của nội?  Tôi không đủ can đảm để đi tiếp, hay gặp cha linh hướng nữa.  Sau mấy ngày đắn đo tôi quyết định lên gặp cha, trình bày với cha.  Cha đã nói với tôi một câu: “Con có dám từ bỏ mọi thứ đó để trở thành một Giêsu hữu không?  Nếu con dám thì mọi việc còn lại Ngài sẽ lo cho con.”  Tôi trở về suy nghĩ nhiều và nhờ câu nói đó của Cha mà tôi đã dám từ bỏ, và tham gia Gia Đình Ứng Sinh, nhưng tôi sống ngoại trú, vì tôi nghĩ mình còn rất nhiều vấn đề về gia đình, về sống cộng đoàn.

Kết thúc 4 năm học với bao nhiêu thứ cám dỗ, những thứ của đời thường đôi lúc làm tôi chùn bước, nản chí.  Nhưng trong quá trình học được tham gia Gia Đình Ứng Sinh tôi cảm thấy mình trưởng thành hơn, học được nhiều hơn.  Cầm tấm bằng loại giỏi trên tay trong ngày ra trường, đối với nhiều người đó là một niềm vui, nhưng đối với tôi là một cái gì đó không vui, vì bây giờ tôi muốn tham gia vào sống nội trú để tìm hiểu và trau dồi đời sống cộng đoàn.  Tôi không muốn làm một người cháu bất hiếu, đôi khi tôi muốn có một sự kiện gì đó để thay đổi, gỡ nút thắt…  Và rồi… Nội tôi mất.  Tôi bỏ lại quê hương, dòng họ, bố mẹ cùng đứa em gái để theo Chúa.  Tôi đi tu với lời nói xấu sau lưng“thằng đó sao ngu quá, không có lòng hiếu thảo, nó bỏ cha mẹ mà đi.”  Nhưng tôi luôn tin tưởng rằng “mình phục vụ Chúa, không lẽ Ngài không lo cho gia đình mình sao?”

Tôi nhận ra một điều dù là ai, xuất thân là gì, khó khăn thế nào, hoàn cảnh ra sao chăng nữa thì cũng sẽ được mời gọi đi theo con đường Giê-su đã đi.  Dù đó là “cháu đích tôn” đi nữa chỉ cần tôi dám “Từ Bỏ” và “Vượt Trùng Khơi”.

Long Nguyen

Nguồn: http://ungsinhdongten.net

Xem thêm

Lc 2, 1-14

SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ ĐÊM GIÁNG SINH, CỦA LM ANTÔN NGUYỄN VĂN ĐỘ

Cửa Thánh mở – Niềm vui Chúa ra đời SUY NIỆM ĐÊM GIÁNG SINH (Lc …