Home / Chia Sẻ / CHẤP NHẬN ƠN RIÊNG ĐỂ PHỤNG SỰ THIÊN CHÚA

CHẤP NHẬN ƠN RIÊNG ĐỂ PHỤNG SỰ THIÊN CHÚA

8-4-2019 9-49-46 PMTrưởng thành tâm linh là nhận biết sức mạnh và sự yếu đuối của mình. Chúng ta bắt đầu nhận thấy các lĩnh vực cho phép chúng ta yêu mến và phụng sự Thiên Chúa – và tha nhân, đồng thời chúng ta cũng nhận thấy nơi nào chúng ta có thể làm việc, và chấp nhận rằng chúng ta có thể thiếu các tặng phẩm nào đó mà người khác lại có. Chúng ta là những cá nhân, mặc dù chúng ta được liên kết với nhau trong Nhiệm Thể Đức Kitô.

Một sai lầm chúng ta thường mắc phải là so sánh mình với người khác. Chúng ta có thể tập trung quá nhiều vào các tặng phẩm mà người khác có chứ không chấp nhận chính mình. Người trưởng thành tâm linh là người nhận thấy mình thiếu khả năng hoặc tài năng về lĩnh vực nào đó. Điều này không có nghĩa là chúng ta yếu kém, mà vì Thiên Chúa có con đường khác dành cho chúng ta khác với con đường của người khác.

Chúng ta không được yêu cầu bước đi trên con đường của người khác, mà được yêu cầu bước đi trên con đường mà Thiên Chúa đã đặt ra trước mặt chúng ta. Ngài tạo nên mỗi chúng ta và Ngài biết rõ chúng ta có thể hoàn thiện theo cách nào. Nếu chúng ta cầu xin Ngài và cứ để Ngài hành động, Ngài sẽ làm cho chúng ta nên thánh. Điều đó có nghĩa là tự so sánh mình với người khác là ghen tỵ, mà đố kỵ với người khác là lãng phí thời gian. Thiên Chúa muốn mỗi chúng ta sử dụng các tặng phẩm Ngài đã ban cho chúng ta để làm theo mục đích của Ngài chứ không theo mục đích riêng của chúng ta. Đấng đáng kính Hồng Y Fulton Sheen giải thích: “Thiên Chúa trao ban các tặng phẩm khác nhau cho những con người khác nhau. Không có nền tảng để cảm thấy thua kém người có tặng phẩm khác. Khi nhận biết rằng chúng ta sẽ bị xét xử theo tặng phẩm mình đã nhận, chứ không phải là tặng phẩm mình không nhận, người ta sẽ hoàn toàn thoát khỏi cảm giác thua kém.”

Nhận biết Thiên Chúa mong muốn chúng ta là người mà chúng ta là, hoặc không đi cùng con đường như người khác thì chúng ta sẽ cảm thấy tự do. Khi chúng ta không tự so sánh mình với người khác hoặc mong muốn những điều của chính mình, chúng ta có thể sống theo ý Chúa và theo kế hoạch Ngài đã dành cho cuộc đời của chúng ta. Ngài muốn mỗi chúng ta nên thánh theo ý Ngài muốn với những gì là của chúng ta – mối quan tâm, năng lực, sức mạnh, sự yếu đuối, và sai lầm của riêng mình. Dĩ nhiên Ngài muốn chúng ta tiếp tục hành động để vượt qua sự yếu đuối và sai lầm của mình.

Sự tự do này cũng có thể giúp chúng ta vượt qua thói ghen tỵ, đố kỵ, và ngồi lê đôi mách, hết chuyện nhà ra chuyện người – ngày nay gọi là dạng “bà tám.”Đó là mối nguy hiểm, đặc biệt đó là thói xấu dễ dàng dẫn tới việc vu khống. Tán gẫu nhiều sẽ dẫn tới ghen ghét hoặc thù hận. Trước tiên chúng ta nhìn vào tặng phẩm của người khác – dù về thể lý, trí tuệ, tinh thần… Chúng ta thường hủy bỏ bất cứ điều tốt nào mà chúng ta cảm thấy không an toàn vì mình thiếu điều tốt đó. Điều này thường xảy ra trong môi trường công việc, nhưng cũng thường xảy ra trong các giáo xứ hoặc cộng đoàn.

Chúng ta biết rằng người nào đó làm điều gì đó mà chúng ta không thể làm được và chúng ta cảm thấy bị đe dọa, rồi chúng ta hành động trong nỗi lo sợ đó. Chính nỗi lo sợ đó khiến chúng ta tin rằng chúng ta thua kém hoặc không được quý mến như người có khả năng kia. Kẻ thù muốn dẫn chúng ta tới sự bất an và không tin tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta. Lúc đó, chúng ta quên rằng mặc dù chúng ta không xứng đáng với tình yêu của Thiên Chúa, Ngài vẫn đại lượng trao ban cho chúng ta tình yêu thương vô hạn của Ngài. Không có sự so sánh giữa bạn và tôi, bởi vì tình yêu Thiên Chúa dành cho mỗi chúng ta là tình yêu sâu thẳm nhất và trọn vẹn nhất, chúng ta không được phép lo sợ về sự yếu đuối của chúng ta, bởi vì đó là điều Thiên Chúa đã biết. Tặng phẩm của chúng ta khác nhau.

Một dạng ngồi lê đôi mách khác do lòng thù hận. Có thể ai đó làm điều gì đó mà chúng ta không thích hoặc tính cách người đó không hợp với mình, thế nên chúng ta “nói nhỏ” với người khác để làm cho chúng ta cảm thấy thoải mái hoặc làm hại người khác. Chính những lúc đó Thiên Chúa yêu cầu chúng ta yêu thương cả những người chúng ta cảm thấy khó ưa hoặc những người phản bội chúng ta. Là Kitô hữu và có nền tảng yêu thương, chúng ta được mời gọi yêu thương cả kẻ thù. Nghĩa là chúng ta phải chấm dứt bàn ra tán vào, tránh xa những người lắm mồm nhiều chuyện. Đó là do tức giận hoặc thù hận, nguyên nhân thường là do tính đố kỵ.

Để sống vì Nhiệm Thể Đức Kitô trong thế giới ngày nay, chúng ta phải sống theo kế hoạch của Thiên Chúa dành cho mỗi chúng ta để chúng ta có thể cùng phục vụ với các anh chị em khác trong Đức Kitô. Nghĩa là chúng ta phải loại bỏ sự bất an và nỗi lo sợ về tình trạng mình không đủ tốt để chấp nhận và nghỉ ngơi trong tình yêu mà Thiên Chúa dành cho mỗi chúng ta. Các con đường của chúng ta đều khác nhau. Các tặng phẩm Thiên Chúa ban cho mỗi chúng ta cũng khác nhau. Hãy nhìn vào cách khác nhau mà các thánh đi theo con đường riêng, sứ vụ riêng, tặng phẩm riêng, và tính khí riêng. Thánh Teresa Calcutta có sợ Thánh Thomas Aquinô không? Không. Các ngài sống theo con đường nên thánh riêng mà Thiên Chúa đã mời gọi, các ngài phục vụ Thiên Chúa và Giáo Hội cũng hoàn toàn theo tính cách khác, kinh nghiệm khác, trí tuệ khác, và các nhiệm vụ rất khó. Chúng ta không được mời gọi giống như các ngài, nhưng chúng ta được mời gọi giao lại các tặng phẩm của mình cho Thiên Chúa theo mục đích của Ngài.

Một trong những điều bất công mà chúng ta làm cho nhau là muốn con đường của người khác cũng như con đường của mình. Chúng ta sai lầm khi tin rằng cách của chúng ta là cách duy nhất đúng đắn bởi vì kinh nghiệm của mình cũng phải là cách đối với người khác. Thiên Chúa không có nhiệm vụ chung cho tất cả chúng ta, thế nên nếu chúng ta tin rằng cách của mình là cách duy nhất, chúng ta sẽ đối lập với Thiên Chúa. Chúng ta phải nhớ rằng mỗi chi thể trong Nhiệm Thể đều phải hướng về cùng một mục đích, nhưng không cùng một con đường. Có vô số con đường tới Giêrusalem, nhưng đích đến luôn luôn giống nhau. Điều này cũng đúng đối với Thời Cánh Chung của chúng ta.

Có sự tự do lớn lao khi nhận biết sức mạnh và sự yếu đuối của mình. Điều đó cho phép chúng ta ấp ủ con đường riêng mà Thiên Chúa kêu gọi mỗi chúng ta bước đi. Điều đó dạy chúng ta cẩn thận và giúp chúng ta biết khi nào nói “có” và khi nào nói “không”. Có nhiều điều mà người khác có thể làm tốt hơn chúng ta bởi vì họ có tặng phẩm đặc biệt mà Thiên Chúa ban cho họ, giống như chúng ta đặt các tặng phẩm dưới chân Chúa để phục vụ Giáo Hội và thế giới. Khi chúng ta đón nhận các tặng phẩm đó, chúng ta sẽ giảm bớt xét đoán người khác vì con đường của họ khác với con đường của chúng ta và chúng ta cũng sẽ thấy dễ dàng tránh né những cuộc tán gẫu. Tất cả chúng ta đều phải tìm kiếm đường lối của Thiên Chúa dành cho chúng ta, chứ không phải con đường của chính chúng ta. Yêu thương nhau như anh chị em trong Đức Kitô là nhận biết các tặng phẩm riêng ở mỗi người. Khi làm vậy, chúng ta sẽ có thể kết hợp các tặng phẩm của chúng ta để chúng ta có thể đưa thế giới sa ngã này về với Đức Kitô.

Constance T. Hull – Trầm Thiên Thu (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …