Home / Chia Sẻ / CHẢNH

CHẢNH

 

Ch_nhNgày nay, từ “chảnh” không còn xa lạ với chúng ta. Vậy “chảnh” là gì? Có thể chúng ta hiểu chung chung và vẫn sứ điệp từ này, nhưng để giải thích thì có lẽ lại khó nói. Vâng, rất có thể là như vậy!

Chảnh là phương ngữ Nam bộ, tính từ này có nghĩa là lên mặt, làm cao, ra vẻ ta đây, khinh khỉnh, kênh kiệu,… Chảnh là từ ngữ được gán cho những ai “khó ưa”. Tại sao họ khó ưa? Vì họ… “chảnh”. Chảnh vì xinh đẹp, giỏi giang, giàu có, tài ba, khéo léo, quyền thế, chức vị,… Nghĩa là tự cho mình là hơn người về phương diện nào đó. Tuy nhiên, cũng có dạng xấu mà vẫn chảnh, dốt mà cũng chảnh, nghèo mà lại chảnh,… Thế mới lạ. Nói chung, dạng chảnh nào cũng “chả ra gì” ráo trọi!

Nói theo phong cách khôi hài: Chảnh là “chờ anh chanh hỏi chảnh”, gọi là “lemon question” (lemon: chanh; question: hỏi – kiểu Vietnamese English). Nói thế thì đúng là “finir l’eau dire” (hết nước nói, finir: hết, l’eau: nước, dire: nói – kiểu Vietnamien Français). Đúng là “traduire, c’est détruire” (dịch là diệt), và như vậy thì đúng là… “mắc dịch” thật!

Chảnh là khi người nào đó đưa ra cái “mặt sốc” khi đối diện với mình, hỏi mà không thèm trả lời. Con gái thường chảnh nhiều hơn con trai. Những người ganh tỵ với người khác về một mặt nào đó mà có tâm địa xấu xa vì thấy người ta hơn mình, người đó là… chảnh. Người chảnh thực sự thì luôn tự đắc, tự nhận mình là số dzách, là number one, coi trời bằng vung, cứ tưởng mình là “cái rốn” của vũ trụ, chẳng coi ai ra gì, nhìn đời bằng nửa con mắt. Chảnh cũng được nói là chảnh chọe, vì Việt ngữ vốn dĩ thích thêm “từ láy” để nhấn mạnh.

Người ta chảnh ngoài đời đã đành, người ta còn chảnh trong lĩnh vực tôn giáo nữa. Chúa Giêsu cho chúng ta biết rằng động thái “chảnh” rất thường xảy ra trong mỗi chúng ta, đôi khi rất khó nhận ra. Sau khi Ngài nói về “người lớn nhất trong Nước Trời” (Mt 18:1-4; Mc 9:33-37; Lc 9:46-48), khuyên chúng ta “đừng làm cớ cho người ta sa ngã” (Mt 18:5-11; Mc 9:42-48; Lc 17:1-2), dụ ngôn “con chiên lạc” (Mt 18:12-14; Lc 15:4-7), về việc “sửa lỗi anh em” (Mt 18:15-19), “tha thứ cho nhau” (Mt 18:21-22; Lc 17:3b-4), và cuối cùng là dụ ngôn “tên mắc nợ không biết thương xót” (Mt 18:23-35) – tức là nói về “người chảnh chọe”. Cả chương 18 này là bài giảng của Chúa Giêsu về Giáo hội.

Thánh Mátthêu ghi lại: Nước Trời cũng giống như chuyện một ông vua kia muốn đòi các đầy tớ của mình thanh toán sổ sách. Khi nhà vua vừa bắt đầu thì người ta dẫn đến một kẻ mắc nợ vua mười ngàn yến vàng. Y không có gì để trả, nên tôn chủ ra lệnh bán y cùng tất cả vợ con, tài sản mà trả nợ. Bấy giờ, tên đầy tớ ấy sấp mình xuống bái lạy: “Thưa Ngài, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết”. Tôn chủ của tên đầy tớ ấy liền chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ. Nhưng vừa ra đến ngoài, tên đầy tớ ấy gặp một người đồng bạn, mắc nợ y một trăm quan tiền. Y liền túm lấy, bóp cổ mà bảo: “Trả nợ cho tao!”. Bấy giờ, người đồng bạn sấp mình xuống năn nỉ: “Thưa anh, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả anh”. Nhưng y không chịu, cứ tống anh ta vào ngục cho đến khi trả xong nợ. Thấy sự việc xảy ra như vậy, các đồng bạn của y buồn lắm, mới đi trình bày với tôn chủ đầu đuôi câu chuyện. Bấy giờ, tôn chủ cho đòi y đến và bảo: “Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi vì ngươi đã van xin ta, thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn như chính ta đã thương xót ngươi sao? Rồi tôn chủ nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả hết nợ cho ông. Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, NẾU mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình”.

Đọc lại dụ ngôn này, có lẽ chúng ta cảm thấy “nóng máu” với tên đầy tớ ác ôn và bất nhân kia. Được tha “mười ngàn yến vàng” mà lại không tha cho người chỉ nợ “một trăm quan tiền”. Tỷ lệ chênh lệch quá nhiều. Tuy nhiên, thật ra “tên ác ôn côn đồ” kia lại là chính mỗi chúng ta chứ chẳng ai trồng khoai đất này đâu!

Chuyện kể rằng…

Một người đàn ông luống tuổi tật nguyền không đủ tiền mua vé người lớn, cũng không có giấy chứng nhận người tàn tật để được ưu tiên giảm phí, ông đành mua vé trẻ em.

Sau khi xe chạy được một đoạn đường xa, cô nhân viên soát vé đi thu vé từng người. Đến chỗ người đàn ông luống tuổi, cô thấy ông đưa ra vé trẻ em. Cô tròn mắt và hạch hỏi ông:

   – Ông là người lớn mà sao mua vé trẻ em?

Ông trầm giọng:

   – Tôi không đủ tiền mua vé người lớn, nên tôi đành mua vé trẻ em.

   – Sao kỳ vậy?

   – Dạ, tôi bị tật nguyền.

   – Giấy chứng nhận tàn tật của ông đâu?

   – Tôi không có. Nhưng tôi tật nguyền thật. Cô xem này…

Vừa nói ông vừa cởi chiếc giày cũ kỹ và kéo ống quần lên. Ông mất nửa bàn chân bên phải. Cô soát vé thản nhiên:

   – Chúng tôi cần xem giấy tờ chứng nhận ông là người tàn tật, chứ chúng tôi không xem người.

Người đàn ông tật nguyền hết lời năn nỉ ỉ ôi, xin cô gái thông cảm, nhưng cô vẫn lắc đầu và một mực từ chối. Cô gọi người trưởng đoàn đến xử lý. Nghe cô trình bày về trường hợp người đàn ông tật nguyền, anh chàng này vẫn cương quyết không chấp nhận và bắt người đàn ông tật nguyền phải bù thêm tiền. Người đàn ông tật nguyền nói như khóc:

Tôi làm việc cho một công ty tư nhân, năm ngoái tôi bị máy cưa cắt đứt bàn chân. Không ai cấp giấy chứng nhận tàn tật cho tôi vì tôi làm cho tư nhân. Tôi lại vô gia cư, không thân nhân, không hộ khẩu, không ai muốn chứng nhận cho tôi là người tàn tật.

Nghe câu chuyển diễn biến từ đầu, một người đàn ông ở dãy ghế bên kia liền đứng dậy, chỉ tay vào anh trưởng đoàn và nghiêm nói:

   – Anh không phải là đàn ông!

   – Sao ông nói vậy?

Người đàn ông kia lặp lại:

   – Anh không phải là đàn ông!

Mọi người cười ồ lên. Người đàn ông kia nói rõ từng chữ:

   – Anh chắc chắn không phải là đàn ông.

Mọi người lại cười ồ lên. Anh trưởng đoàn phân bua:

   – Thân xác tôi thế này, ai nhìn cũng biết tôi là đàn ông.

   – Thế giấy chứng nhận là đàn ông của anh đâu? Đưa ra cho mọi người xem.

Mọi người cười ồ lên. Anh trưởng đoàn cứng họng. Người đàn ông kia nói với cô soát vé:

   – Cô có phải là phụ nữ không?

   – Ông hỏi kỳ. Tôi không là phụ nữ thì là gì chứ?

   – Giấy chứng nhận là phụ nữ của cô đâu?

Mọi người cười ồ và bàn tán râm ran. Cô gái đỏ mặt, không nói được gì thêm.

Câu chuyện này “minh họa” dụ ngôn của Chúa Giêsu nói về “tên mắc nợ không biết thương xót”. Qua đó, chúng ta có thể hiểu rõ thế nào là “chảnh”.

Rõ ràng anh chàng trưởng đoàn và cô nhân viên soát vé là hai người “chảnh”. Họ cứ tưởng là mình “ngon” hơn người khác một chút, cứ tưởng mình có chút “quyền” rồi thì muốn “hành” người khác thế nào cũng được. Họ “chảnh” vì họ không hề biết chạnh lòng thương người khác, không biết cảm thông với người khác, không biết “bỏ qua” cho người khác – tức là không biết tha thứ cho người khác.

Một lần nọ, chính giáo hoàng tiên khởi Phêrô cứ tưởng rằng tha bảy lần là “ngon” lắm rồi, nhưng Chúa Giêsu bảo như thế là “xoàng” lắm, phải “tha bảy mươi lần bảy” cơ đấy (Mt 18:22). Tại sao Ngài đòi buộc chúng ta phải làm vậy? Thánh Gioan tông đồ nhận xét về Thiên Chúa: “Θεός είναι αγάπη – God is love – Dieu est l’amour – Thiên Chúa là tình yêu” (Ga 4:8). Chúa Giêsu đã thương xót chúng ta đến nỗi chịu chết vì chúng ta. Ngài thực sự là tình yêu. Tình yêu là lòng thương xót, có thương xót thì mới biết tha thứ. Tha thứ là luật buộc, là mệnh lệnh, nghĩa là phải thực hiện ngay lập tức. Tha bảy mươi lần bảy không phải là tha 490 lần, mà là PHẢI THA MÃI MÃI. Không tha thứ là “chảnh”, biết tha thứ là “hết chảnh”, đơn giản mà nhiêu khê!

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

21-11-2024 10-08-06 PM

Lời Chúa – Thứ Sáu Tuần XXXIII Mùa Thường Niên 22/11/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN