Home / Chia Sẻ / Chân phước giáo hoàng Gioan XXIII, bậc thánh “bình thường”

Chân phước giáo hoàng Gioan XXIII, bậc thánh “bình thường”

americancatholic.org, Nancy Celaschi, O.S.F, tháng 9 năm 2000

Một trong những giáo hoàng được yêu mến nhất thế kỷ XX đang được chuẩn bị phong chân phước. Tinh thần khiêm nhượng, quảng đại, và hòa giải của ngài có thể dạy cho chúng ta nhiều điều để bước theo chân Chúa Giêsu Kitô.

Điều khiến ngày 03 tháng 9 năm 2000, ngày phong chân phước cho giáo hoàng Gioan XXIII, đặc biệt gây chú ý, ngoài việc ngài là một nhân vật của thế kỷ XX mới đây, đó chính là không ai xem ngài rất “thánh” cả. Đức Gioan XXIII bệ vệ kẹp giữa hai Giáo hoàng mảnh khảnh ốm người là Pius XIII và Phaolô VI, với hình dáng và gương mặt toát lên rằng, cuộc đời thật khó khăn với thập giá phải kiên nhẫn mang theo cho đến khi được vào hạnh phúc đời sau.

“Giáo hoàng tốt, Gioan”, theo lời báo giới nhanh miệng đặt cho ngài, lại có một thân hình to bự phương phi, toát lên rằng dời này chỉ là nếm trước cho đời sau tốt hơn nữa. Thật vậy, ngài từng nói với một nhóm hành hành hương: “Chúng tôi sẽ cầu nguyện cho bạn… và bạn, hãy cầu nguyện cho giáo hoàng của mình. Bởi, thành thật mà nói, tôi muốn sống thật thọ. Tôi yêu cuộc sống!”

Trong các thế kỷ đầu của Giáo hội, các thánh được phong bởi tiếng của dân, vox populi. Từ thế kỷ XIII, tiến trình phong chân phước-thánh có thêm phần điều tra chính thức để xem cuộc đời của người đó có đáng noi gương hay không. Thật không may, là tiến trình này thường mất hàng thế kỷ để Giáo hội phong chân phước hay phong thánh cho một người. Rồi, người ta sẽ tự hỏi: Người này sẽ làm mẫu gương thế nào đây? Nhất là trong trường hợp phong chân phước cho một Giáo hoàng, người ta sẽ nghĩ: Những người không bao giờ trở thành Giám mục thành Roma sẽ noi gương thế nào đây?

“Luôn luôn gần gũi người đau khổ và người nghèo”

Vào ngày 20 tháng 12 năm 1999, Bộ Phong thánh đã ra sắc lệnh chính thức công nhận “các nhân đức dũng cảm” của Đức Gioan XXIII. Nhân dịp đó, tổng giám mục José Saraiva Martins, trưởng Thánh bộ đã nói:

“Với việc công nhận các nhân đức dũng cảm của Giáo hoàng Gioan XXIII, người ta sẽ nghĩ ngay lập tức đến những ngày đầy phấn khởi khi triệu tập Công đồng Vaticanô II và tất cả các thành quả nảy sinh từ đó, và vẫn đang được Giáo hội thực hiện cho trọn. Đức giáo hoàng này đã thăng tiến đại kết, bận tâm về liên hệ huynh đệ với giáo hội Chính thống Đông phương, mà ngài biết rõ trong thời gian làm việc tại Bulgaria và Istanbul, đồng thời đã gây được những liên hệ sâu sắc với Giáo hội Anh giáo và thế giới đa dạng của các giáo hội Tin Lành. Bằng mọi cách, ngài đã đặt nền tảng cho một thái độ mới của Giáo hội Công giáo đối với thế giới Do Thái, kiên quyết mở ra một Giáo hội đối thoại và hợp tác. Ngày 04 tháng 6, ngài đã lập Ban Hiệp nhất Kitô giáo. Ngài công bố hai tông thư quan trọng là, Mẹ và Thầy Mater et Magistra  (20-5-1961) về cách mạng xã hội dưới cái nhìn của huấn giáo Kitô giáo, và Hòa bình trên Trái đất Pacem in Terris (11-4-1963) về hòa bình giữa các dân tộc. Ngài đã đến viếng thăm các bệnh viện và nhà tù, và luôn gần gũi với những người đau khổ và người nghèo của Giáo hội cũng như cả thế giới.”

Những lời cô đọng này tóm gọn các thành tựu của Gioan XXIII: tinh thần đại kết và đối thoại liên tôn giáo, công bằng và hòa bình, và trên hết là lòng thương người. Nhưng người ta lại ít nói về những đam mê của ngài, mà ngài quả thật là một con người đam mê.

Một vài nhà viết tiểu sử đã có ấn tượng sai lầm rằng các đề bạt và “chức vụ”, ngay cả ngai giáo hoàng, của ngài là những hành động tình cờ hay trò chơi khăm mà Thiên Chúa hài hước đã làm nên khi đưa anh nông dân khiêm tốn lên ngôi vị cao nhất của giáo hội.

Những khởi đầu khiêm tốn

Giáo hoàng Gioan XXIII sinh tại Sotto il Monte, thuộc giáo phận Bergamo, Ý quốc vào ngày 25 tháng 11 năm 1881, lấy tên là Angelo Giuseppe Roncalli. Là đứa con thứ tư của Giovanni Battista Roncalli và Marianna Mazzola, nhưng là primogenito, con trai trưởng, một vị trí đặc biệt, cho dù là trong một gia đình nông dân.

Tuy nhiên, người có vai trò quan trọng nhất trong thời thơ ấu của ngài, không phải là cha hay mẹ, mà là người bác và cũng là cha đỡ đầu của ngài, bác Zaviero Roncalli, trưởng dòng tộc. Con người độc thân ngoan đạo và có học này đã cưu mang Angelo với lòng ân cần và yêu thương, dần dần giúp ngài hướng đến ơn gọi.

Những ngày ở chủng viện Bergamo và ở Rôma của Angelo, không được đánh dấu bằng sức học xuất chúng hàn lâm mà bằng nỗi nhớ nhà, và một nhận thức sâu đậm và mạnh về hoàn cảnh nghèo túng và thiếu thông minh của mình khi so với các bạn cùng lớp. Nhiều năm về sau, ngài có thể nói, với tất cả lòng khiêm nhượng, “ý thức về sự nhỏ bé và vô nghĩa của mình đã luôn luôn là người bạn tốt, giữ cho tôi khiêm nhượng và biết hài lòng, giúp cho tôi thấy niềm vui được hiến trọn bản thân hết sức mình để có thể không ngừng vâng phục và nhân ái.”

Việc củng cố tinh thần “nhỏ bé” đó chính là nhận thức và việc làm của Roncalli với tư cách thành viên Dòng Ba Phan Sinh (nay gọi là Dòng Phan Sinh Tại Thế) trong chủng viện Bergamo.

Một chú tâm mới

Suốt thời gian học ở chủng viện, Angelo Roncalli đã phát triển một đam mê khác, là mê học, đặc biệt là môn lịch sử. Đi sâu vào đam mê này, ngài đã bồi dưỡng một ý thức theo chủ nghĩa thực dụng, một sự tin chắc rằng bàn tay Thiên Chúa hướng dẫn nhân loại qua những thăng trầm cuộc sống. Và ngài đã có tư tưởng này rất lâu trước khi giáo lý Công giáo bắt đầu nhấn mạnh về “lịch sử cứu độ”. Ý thức về lịch sử của Angelo củng cố cho đức cậy bẩm tính của ngài, một nhân đức bản lề cho triều giáo hoàng của ngài và tạo nên phần lớn di sản ngài để lại cho Giáo hội. Tầm nhìn từ lịch sử chắc chắn đã củng cố thiên hướng tự nhiên của ngài là đừng có quá nghiêm trọng với mình hay đời mình.

Sau khi được chịu chức tại Rôma ngày 10 tháng 8 năm 1904, ngài ghé về nhà trong vài ngày trước khi trở lại Thành đô Vĩnh cửu để theo học giáo luật. Trong vòng một năm sau khi chịu chức, ngài được tân giám mục Giacomo Maria Radini-Tedeschi của giáo phận Bergamo nhận làm thư ký. Cách tiếp cận mục vụ của giám mục Giacomo, đặc biệt là quan điểm về các vấn đề xã hội và kinh tế của ngài, phản ánh rõ nét quan điểm của giáo hoàng Lêô XIII, đặc biệt là giống với Tông thư xã hội Tân sự Rerum Novarum.

Giám mục Giacomo và tổng giám mục Milan, hồng y Andrea Ferrari, có ảnh hưởng vô cùng to lớn đối với suy nghĩ và đường lối thiêng liêng của vị giáo hoàng tương lai này. Cả ba người đều được xem là kiểu “nhân nhượng” chủ nghĩa hiện đại trong Giáo hội. Thời đó, giáo hoàng Piô X đặc biệt hoài nghi các nghiên cứu lịch sử và việc bàn tán về sự tiến triển của giáo lý. Nhờ một phép lạ ân sủng, hay là nhờ sự tinh khôn chính trị mà Angelo Roncalli hiếm khi để lộ, ngài không bị quy kết vào nhóm này. Trong khi dạy lịch sử tại chủng viện Bergamo, ngài xuất bản tờ báo chính thức của một giáo phận, có thể xem là, hoạt động xã hội mạnh nhất nước Ý. 

Trải nghiệm Thế chiến I

Trong Thế chiến I, cha Roncalli phục vụ với tư cách là người khiêng cáng trong quân đội Ý. Vì nước Ý và Tòa Thánh không chính thức thừa nhận nhau, nên chính phủ Ý không trực tiếp bổ nhiệm các cha tuyên úy vào quân đội làm việc. Do đó, các linh mục đủ sức khỏe được cho vào đội quân y.

Angelo đã mắt thấy tai nghe cảnh kinh hoàng của chiến tranh. Nhiều năm về sau, ngài đã ghi lại: “Tôi sẽ chẳng bao giờ có thể quên được tiếng thét của một người Áo bị lưỡi lê đâm rách toang lồng ngực, nằm điều trị tại bệnh viện Caporetto nơi tôi phục vụ. Hình ảnh của anh càng trở nên sống động hơn trong tôi khi tôi bắt tay viết thông điệp Hòa bình trên Trái đất.”

Năm 1921, giáo hoàng Bênêđictô XV gọi cha Roncalli về lại Rôma để làm giám đốc Hội Truyền bá Đức tin ở Ý quốc. Nhờ đó, tầm nhìn của ngài được mở rộng khi có cơ hội làm việc với các nhà lãnh đạo có uy thế trong Giáo hội Ý, và các giám đốc từ các quốc gia khác. Ngài cũng dạy môn Giáo phụ trong một chủng viện ở Roma.

Bulgari – Thổ Nhĩ Kỳ – Hy Lạp – Pháp

Năm 1929, mối bang giao giữa Tòa Thánh và nước Ý được bình thường hóa dưới triều giáo hoàng Piô XI, không phải mọi lãnh đạo Giáo hội Ý đều đồng ý về vai trò chính trị của giáo dân Công giáo. Một vài sử gia nghi ngờ rằng lập trường chính trị dễ chịu của Roncalli đã giúp ngài được bổ nhiệm làm đại sứ giáo hoàng tại Bulgari suốt 10 năm. Trước khi được phong làm tổng giám mục, ngài đã chọn khẩu hiệu “Vâng phục và Hòa bình”.

Những năm tháng ở Bulgari cho ngài nhiều thời gian rảnh rỗi để đào sâu việc mục vụ, đọc sách và quan sát. Ngài cũng kết thêm nhiều bạn mới, trong số đó có nhiều nguyên thủ, viên chức chính phủ, và các lãnh đạo Giáo hội Chính thống.

Năm 1934, ngài được thuyên chuyển làm đại sứ giáo hoàng ở Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp. Ở đây, ngài tiếp tục làm hết sức mình để thăng tiến hòa bình và hoạt động nhân đạo. Với sự giúp sức của đại sứ Đức, Angelo đã cứu khoảng 24,000 người Do Thái. Ở Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp, ngài đều liên lạc với các lãnh đạo của các Giáo hội Chính thống độc lập, và học để biết những gì sẽ hiệp nhất những người tin vào Chúa Kitô lại với nhau. Kiến thức lịch sử của Roncalli đã giúp ngài rất nhiều trong việc này, vì ngài có thể nói ra quá khứ của Giáo hội và dùng loại ngôn ngữ mà cả hai bên dùng trước khi phân ly vào thế kỷ XI.

Nhiều năm về sau, ngài đã nói: “Có lẽ tất cả mọi người có thể nói rằng tôi chưa bao giờ gây bất hòa hay bất tín. Rằng tôi chưa bao giờ làm đau lòng ai bằng những nghi kị và gây sợ hãi, rằng tôi bộc trực, trung thành, và khả tín, rằng tôi nhìn vào mắt của người đối diện với lòng cảm thông huynh đệ, thậm chí là đối với những người không cùng lý tưởng, để đừng che khuất mất giới răn lớn của Chúa Giêsu là: Ut unum sint! [Để cho tất cả nên một!]”

Từ Kitô giáo Đông phương, ngài đã học được sự trân trọng của vai trò Thần Khí, một điểm rất quan trọng đối với các sự việc sẽ xảy ra trong tương lai. Cuối năm 1944, Roncalli được bổ nhiệm làm đại sứ Tòa thánh ở Paris, một trong những chức ngoại giao thế giá nhất ở Vatican. Tại Pháp, ngài đi trên dây, cố gắng vận dụng và giữ mối quan hệ tốt giữa 3 thực thể rất khác nhau là: chính phủ của Charles de Gaulle, Vatican với giáo hoàng Piô XII, và các giám mục Pháp. Ngài được phong hồng y năm 1953.

Khi ngài được tự động thuyên chuyển, hầu hết mọi người đều cảm thấy hụt hẫng. Các đoàn ngoại giao đã đề cử ông Georges Vanier, đại sứ Canada thay mặt nói vài lời với ngài. Vanier nói rằng cá tính của ngài Đại sứ Tòa thánh gợi cho mình nhớ đến ba sản phẩm của thành phố Bergamo là: rượu, lụa, và thép. Rượu là tính hoạt bát và nhiệt tình của Roncalli, lụa là ý thức thái độ của ngài, không bị rơi vào kiểu “hồng y gay gắt”, và thép là đại diện cho “tính cách kiên quyết không thỏa hiệp những vấn đề chân lý” (trích Giáo hoàng Gioan XXIII: Mục tử của Thế giới, sách của Peter Hebblethwaite)

Một giám mục địa phương 

Vào tuổi 71, một người vốn luôn nghĩ mình sẽ là một mục tử ở vùng quê bình dị, được chọn làm thượng phụ thành Venice. Cậu bé từng đi cày trên cánh đồng, giờ đây được chào đón bằng một đoàn rước là những chiếc thuyền chở đầy hoa.

Buổi lễ nhậm chức của ngài ở vị trí đầy thế giá này, đã trở thành dịp cho Đông Tây hội ngộ, ngài đã tự giới thiệu mình như sau: “Tôi cũng như tất cả mọi người khác đang sống ở đây. Tôi đã 71 tuổi, được phú cho ơn khỏe mạnh phần xác, với một ít phán đoán tốt giúp tôi nhìn nhanh và rõ cốt lõi của mọi việc, kèm theo là khuynh hướng yêu mến những người giữ tôi trung tín với những huấn lệnh của Tin Mừng, tôn trọng quyền của tôi và của người khác, cũng như ngăn cản không cho tôi làm hại ai.”

Khi tham dự Mật nghị Hồng y bầu người kế vị giáo hoàng Piô XII, hồng y Roncalli, còn một tháng nữa là tròn 77 tuổi, cho rằng thế nào mình cũng sẽ tiếp tục ở lại Venice. Những lời đồn thổi ở Rôma cho rằng tất cả mọi người đều xem Giovanni Battista Montini, tổng giám mục Milan và là một nhà ngoại giao kỳ cựu, sẽ là lựa chọn hợp lý nhất cho ngai giáo hoàng. Nhưng ngài lại không ở trong số 51 hồng y dự Mật nghị lần này. Theo tin hành lang, thì các hồng y muốn một người an toàn và cao niên trị vì trong vòng vài năm, để sau đó họ phong hồng y cho Montini rồi tính.

Vào ngày 28 tháng 10 năm 1958, các hồng y chọn Roncalli, một người suýt hết tuổi bỏ phiếu. Như thế, ngài sẽ phong Montini làm hồng y và rồi vài năm sau sẽ về trời đúng dự kiến. Nhưng chuyện lại không như vậy. Khi triệu tập Công đồng Vaticanô II, một Công nghị giáo phận Rôma, và cải cách giáo luật, vốn được tuyên bố chỉ ba tháng sau khi được bầu, rõ ràng giáo hoàng Gioan XXIII không phải là cái mà hầu hết mọi người gọi là “an toàn” được. 

Một mẫu giáo hoàng khác

Đức thánh cha Roncalli chọn danh hiệu Gioan, nói rằng vì đó là tên cha của ngài. Đó cũng là tên của vị Tiền hô và vị Thánh sử. Vương cung thánh đường Gioan Lateranô, nhà thờ chính tòa của Rôma, lấy tên của cả hai vị thánh này. Giáo hoàng Gioan XXIII không bắt đầu như Đại diện Chúa Kitô, Đại Thượng tế, cho bằng như một Giám mục thành Rôma. Về sau ngài nói rằng: “Trong những ngày đầu triều, tôi không nhận thức được đầy đủ việc làm Giám mục thành Rôma, rồi từ đó là mục tử của Giáo hội Hoàn vũ, có ý nghĩa như thế nào. Rồi , nhiều tuần sau, mọi chuyện rõ ràng dần. Và tôi cảm thấy như ở nhà, như thể cả đời tôi từ trước đến nay là ở đây vậy!”

Phong cách của ngài rất khác với người tiền nhiệm. Được lòng gần như tất cả mọi người, giáo hoàng Gioan XXIII có vẻ “đóng vai giáo hoàng” không được thoải mái cho lắm, vì đôi khi ngài thậm chí quên dùng đại từ trang trọng “chúng ta” khi nói chuyện. Mọi việc ngài làm đều rất tự nhiên, như việc trèo xuống khỏi bệ di động (sedia gestatoria) để bước đi dọc lối giữa Đền thờ thánh Phêrô trong buổi lễ khai mạc Công đồng (11 tháng 10 năm 1962), vốn đã gây sốc đối với những người chỉ trích ngài, nhưng lại làm cho ngài thành người mà ngài muốn làm: một giám mục giữa các giám mục.

Đêm hôm đó, khi đám đông tụ họp tại Quảng trường thánh Phêrô để thắp nến đọc kinh chiều, ngài xuất hiện ngoài dự kiến trên cửa sổ phòng. Nói ngắn gọn về ý nghĩa của Công đồng đối với mình, ngài kết lời bằng việc nhắc rằng giờ đã trễ, mọi người nên về nhà, và khi về đến nhà nên hôn tặng con cái, và xem đó là cái hôn từ cha Gioan.

Một phẩm chất khác khiến ngài được mọi người yêu quý, đặc biệt là các ký giả, chính là tính hài hước và bộc phát. Khi một ký giả hỏi xem có bao nhiêu người làm việc ở Vatican, ngài có câu trả lời hóm hỉnh nổi tiếng là: “Ôi, không hơn một nửa đâu.” Một vài người ở Vatican đã lấy câu này để cho thấy vì sao người ta gọi ngài là “Giáo hoàng tốt Gioan”. Ngài luôn luôn đi theo nẻo đường nhân đạo! 

Một người làm thăng tiến hòa bình không ngừng nghỉ

Trước khi khai mạc Công đồng, Gioan XXIII đã biết mình đang chết dần vì ung thư, do đó tất cả mọi chuyện đều thật cấp bách. Vào tháng 10 năm 1962, ngài để tâm sâu sắc tìm sáng kiến nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba. Càng ngày ngài càng chắc chắc hơn về nhu cầu hòa bình và bắt tay vào tông thư Pacem in Terris, tông thư đầu tiên nhắm đến tất cả mọi người thiện tâm.

Gioan XXIII lắng nghe các thần học gia tại Công đồng nhưng không bao giờ tự nhận mình là thần học gia cả. Những thần học gia yêu thích của ngài là các giáo hoàng, Đức Lêô Cả (thế kỷ I) và Đức Innocent III (thế kỷ XIII). Trong suốt đời mình, Roncalli dựa vào các tác phẩm của hai giáo hoàng này để có cái nhìn sáng suốt về thần học và cách tiếp cận mục vụ. Giáo hoàng Gioan XXIII đặt tên cho Tông thư Mẹ và Thầy Mater et Magistra, với ý tưởng lấy từ diễn văn khai mạc Công đồng Lateranô IV của Đức Innocent III. Như vậy, các tu sĩ dòng Phanxicô có thể tự hào, tất nhiên là với lòng khiêm nhượng, rằng giáo hoàng của Công đồng Vaticanô II đã lấy cảm hứng từ một giáo hoàng dòng Phanxicô.

Tôn trọng mỗi một người

Các sử gia, khi phân tích quan điểm của Gioan XXIII về các vấn đề gây tranh cãi, đã chỉ ra các làm việc của ngài. Nếu ngài thích một tư tưởng hay ý tưởng, thì ngài mời diễn giả đó giải thích thêm. Rồi Roncalli làm việc với tư tưởng đó, bất chấp đó là tư tưởng kiểu gì, phát triển nó, và biến thành của mình. Tư tưởng luôn luôn được trân trọng bằng chính giá trị của nó. Và quan trọng nhất là, đối với tất cả mọi người ngài gặp, ngài luôn trân trọng họ bằng chính giá trị con người và phẩm giá con cái Thiên Chúa của họ.

Khi nhìn vào cuộc đời của “Giáo hoàng tốt Gioan”, chúng ta tự hỏi xem ngài dạy được chúng ta điều gì về đời sống Kitô hữu. Ngài có rất nhiều điều để lên tiếng với một xã hội và một Giáo hội vẫn đang còn hằn dấu chia rẽ. Về Công đồng, ngài hối thúc các giám mục: “Chúng ta hãy nhìn vào nhau mà đừng thấy bất tín, hãy gặp nhau mà đừng sợ hãi, hãy nói chuyện với nhau mà không để phép tắc chi phối.”

Trên giường hấp hối, ngài nói: “Không phải Tin Mừng đã thay đổi, mà là chúng ta bắt đầu hiểu Tin Mừng rõ hơn. Những ai đã sống lâu như tôi… có thể so sánh được những nền văn hóa và truyền thống khác nhau, và biết được rằng giờ đang đến, để nhận ra những dấu chỉ của thời đại, nắm bắt cơ hội, và hướng mình về phía trước.”

Ngài trân trọng lời khuyên của thánh Bernard thành Clairvaux, “Chú ý mọi sự, cho qua phần lớn, và chỉnh sửa một ít.” Hay, theo lời ngài, thì chúng ta hãy uống “thuốc của lòng thương” để đừng làm hại người khác.

J.B. Thái Hòa dịch

Nguồn: phanxicovn

Xem thêm

VIRGIN MARY

Suy niệm Tin Mừng Lễ Đức Mẹ Dâng Mình, Thứ Năm Tuần XXXIII Thường Niên, của Lm Minh Anh

  TÒNG THUỘC “Chúng sẽ thành dân thánh của Ta, và Ta sẽ cư ngụ …