CHÂN LÝ và CHÍNH NGHĨA
August 29, 2016
Hạnh Tích Các Thánh, Tiêu Điểm
280 Views
(Lễ Thánh Gioan Tẩy Giả Bị Trảm Quyết, 29-8)
Chí sĩ Nguyễn Trãi viết “Bình Ngô Đại Cáo” theo hai nguồn cảm hứng: cảm hứng SÁNG TÁC và cảm hứng CHÍNH TRỊ. Cảm hứng chính trị đem đến cho lịch sử dân tộc Bản Tuyên Ngôn Độc Lập đầy ý nghĩa.
Cảm hứng sáng tác đưa tới lịch sử văn học nước nhà một kiệt tác văn chương. Hoà quyện cả hai nguồn cảm hứng, dân tộc Việt Nam có “Bình Ngô Đại Cáo” – áng thiên cổ hùng văn (bài văn hùng tráng của muôn đời).
Phân tích “Bình Ngô Đại Cáo” xuất phát từ cảm hứng sáng tác của tác giả, chúng ta sẽ nêu bật được những giá trị tư tưởng và giá trị thẩm mỹ của tác phẩm. Cảm hứng về chính nghĩa thể hiện ở hai dạng: nhận thức sâu sắc về nguyên lý chính nghĩa và thái độ khẳng định sức mạnh của nguyên lý đó.
Mở đầu “Bình Ngô Đại Cáo”, chí sĩ Nguyễn Trãi nêu nguyên lý làm chỗ dựa, làm căn cứ xác đáng để triển khai toàn bộ nội dung bài “cáo” đó.
Trong nguyên lý chính nghĩa của Nguyễn Trãi, chúng ta thấy có hai nội dung chính được nêu lên: Nguyên lý NGHĨA – một nguyên lý có tính chất chung của các dân tộc và nhiều thời đại, và CHÂN LÝ đó thuộc về sự tồn tại độc lập, có chủ quyền của Nước Đại Việt đã được chứng minh bằng lịch sử thực tiễn lịch sử.
Tưởng cũng nên nhắc lại chuyện một chí sĩ khác là Phạm Ngũ Lão. Ông là người đã từng ngồi đan sọt, lo nghĩ việc nước (việc chung, đại sự) mà quên cả bản thân. Người ta lấy giáo đâm vào đùi ông mà ông không biết. Đó là lời nhắc nhở đối với Kitô hữu chúng ta: Liệu chúng ta có mê Chúa đến mức quên mình như chí sĩ Phạm Ngũ Lão? Có lẽ chúng ta không dám trả lời, vì quá xấu hổ!
Chính nghĩa là gì? Có lẽ chúng ta hiểu mà khó giải thích. Nói chung, người ta hiểu đó là “lẽ phải”, là “cái người ta PHẢI theo, phải giữ”. Chắc hẳn khó có một định nghĩa xác đáng làm thỏa mãn mọi người, tạm hiểu là “những-gì-được-công-nhận-theo-lương-tâm-chính-đáng”. Lưu ý là “công nhận” và “lương tâm chính đáng”, vì không thể chấp nhận “lương tâm lệch lạc”.
Nói chung, chính nghĩa là công lý (justice, bons sens), liên quan rất gần với sự thật và lẽ phải. Chính nghĩa cũng đa dạng: Chính nghĩa dân tộc, chính nghĩa tôn giáo, chính nghĩa cá nhân, chính nghĩa độc tài, chính nghĩa tự do, chính nghĩa cộng sản, chính nghĩa tư sản, chính nghĩa dân chủ, chính nghĩa chuyên chế,….
Chính nghĩa đa dạng lắm. Ở đây, chúng ta không đủ trình độ để nói về đa dạng chính nghĩa, nên chúng ta chỉ nói vế chính nghĩa chân lý – chính nghĩa của Thiên Chúa.
Tác giả Thánh Vịnh nói: “Hãy lấy Chúa làm niềm vui của bạn, Người sẽ cho được phỉ chí toại lòng. Hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay. Chính nghĩa (của) bạn, Chúa sẽ làm rực rỡ tựa bình minh, công lý (của) bạn, Người sẽ cho huy hoàng như chính ngọ” (Tv 37:4-6). Theo đó, “chính nghĩa” và “công lý” không xa nhau – nếu hiểu theo nghĩa Kinh Thánh.
Thánh Gioan Tẩy Giả (trước đây quen gọi là Tiền Hô) là “con cầu con khấn” của ông Dacaria (tư tế đền thờ Giêrusalem) và bà Êlidabét (chị họ của Đức Maria). Ông là “đứa trẻ lạ” nhiều thứ (x. Lc 1:5-23). Ông là anh họ và chỉ hơn Chúa Giêsu 6 tháng tuổi. Ông là “dấu cộng” của Cựu ước và Tân ước. Ông có lối sống “bụi đời” chẳng giống ai: Áo lông lạc đà và thắt lưng bằng dây da; ẩm thực của ông cũng khác người: Châu chấu và mật ong rừng (Mt 3:4; Mc 1:6).
Bản tính ông cũng khác thường là Thích Thẳng Thắn, thế nên ông cũng bị Thua Thiệt – nói theo kiểu bình dân của người miền Bắc là “thua tất tần tật” hoặc của người miền Nam là “thua tuốt luốt” – kiểu nào cũng toàn là chữ T (chữ TÊ với âm TỜ). Cũng là lẽ tất nhiên thôi. Đời là thế! Biết rõ như vậy, nhưng ông nhất định không a dua, không xu nịnh, không tâng bốc bất cứ ai, quyết tâm bảo vệ lẽ phải và công lý tới cùng: “Dù ai nói ngả nói nghiêng, lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân” (ca dao Việt Nam). Ông là ngôn sứ luôn sống và đấu tranh cho chính nghĩa của Thiên Chúa.
Thánh Gioan Tẩy Giả là “dị nhân” chính hiệu, khác người từ bên trong đến bên ngoài. Tuy nhiên, ông không tạo “phong cách” đó có ý “chơi nổi” hoặc “tạo sự chú ý”, mà ông thật lòng khiêm nhường, không cần gì bề ngoài, và ông làm mọi thứ chỉ để tôn vinh Thiên Chúa. Ông xác định: “Người [Chúa Giêsu] phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi” (Ga 3:30). Câu nói này khiến mỗi chúng ta phải tự “sờ gáy” mình. Thánh Gioan sống như vậy chứng tỏ ông là người rất khôn ngoan: Chọn ích lợi cho Chúa, không chọn ích lợi cho mình hoặc cho ai khác!
Mà Đức Khôn Ngoan thì vô giá. Tại sao? Vì “Đức Khôn Ngoan quý trọng hơn cả vương trượng, ngai vàng, trân châu bảo ngọc; so với Đức Khôn Ngoan, vàng trên cả thế giới cũng chỉ là cát bụi, và bạc cũng kể như bùn đất” (Kn 7:8-9). Đời người rất cần sự khôn ngoan, thiếu khôn ngoan rất nguy hiểm: “Người thiếu khôn ngoan là kẻ ngu đần” (Hc 19:23).
Ngày xưa, Thiên Chúa đã truyền lệnh cho ngôn sứ Giêrêmia: “Còn ngươi, ngươi hãy thắt lưng. Hãy chỗi dậy! Hãy nói với chúng tất cả những gì Ta sẽ truyền cho ngươi. Trước mặt chúng, ngươi đừng run sợ; nếu không, trước mặt chúng, chính Ta sẽ làm cho ngươi run sợ luôn” (Gr 1:17). Thắt lưng, chỗi dậy, nói và không sợ – một loạt các động từ cần thực hiện một lượt. Phải dứt khoát mới khả thi. Không can đảm “đứng thẳng” theo lời Chúa mà lại “khom lưng” thì… chết chắc, vì sẽ bị phản tác dụng. Cái gì phản tác dụng hoặc phản ứng phụ thì đều nguy hiểm. Khôn thì nghe, dại thì chết!
Khôn ngoan mà vâng lời thì mọi chuyện xuôi chèo mát mái, sức khỏe chợt phi thường, vì sức mạnh đó là sức mạnh của Thiên Chúa, Đấng toàn năng uy dũng. Thật vậy, Ngài hứa chắc: “Này, hôm nay, chính Ta làm cho ngươi nên thành trì kiên cố, nên cột sắt tường đồng chống lại cả xứ: từ các vua Giu-đa đến các thủ lãnh, các tư tế và toàn dân trong xứ. Chúng sẽ giao chiến với ngươi, nhưng sẽ không làm gì được, vì có Ta ở với ngươi để giải thoát ngươi” (Gr 1:18-19).
Tác giả Thánh Vịnh đã khôn ngoan khi nhận biết rạch ròi: “Cậy vào thần thế vua quan, chẳng bằng ẩn náu ở bên Chúa Trời” (Tv 118:9). Nhưng đã ẩn náu nơi Chúa thì phải tín thác vào Ngài, đừng “chân trong, chân ngoài”. Có những người nói tin Chúa nhưng vẫn coi trọng tiền bạc, nếu vậy chỉ là giả vờ, Thiên Chúa và chính nhân cảm thấy sợ hãi và nhạo cười: “Nó đích thị là người chẳng lấy Chúa làm nơi ẩn náu, nhưng chỉ tin cậy vào đống tiền đống của và khoe khoang mưu độc của mình” (Tv 52:9). Kinh khủng quá!
Tiền bạc có mãnh lực khó chống lại, thậm chí nó còn có ma lực, thế nên người ta coi nó là một vị thần: Thần Tài. Không dễ thoát khỏi vòng kiềm tỏa của nó. Ngay cả các giáo sĩ và tu sĩ, đã thề sống thề chết với Chúa, thế mà có những người cứ ngửi thấy mùi tiền là cười tít mắt. Thật đấy, chẳng oan đâu. Không thể kể hết loại này từ dạng “năng” tới dạng “nhẹ”, mức độ nào cũng có. Đã có mấy ai thật lòng dám “bụi đời” và dám thể hiện lối sống đơn nghèo như Gioan Tẩy Giả? Hay là chỉ lẻo mép? Người ta “tinh vi” và có nhiều cách biện hộ lắm!
Hãy mở mắt to để dám nhận sai lầm mà có thể nói được như tác giả Thánh Vịnh: “Con ẩn náu bên Ngài, lạy Chúa, xin đừng để con phải tủi nhục bao giờ. Vì Ngài công chính, xin cứu vớt và giải thoát con, ghé tai nghe và thương cứu độ. Xin Ngài nên như núi đá cho con trú ẩn, như thành trì để cứu độ con, núi đá và thành trì bảo vệ con, chính là Ngài” (Tv 71:1-3).
Thật là không dễ, vì đôi khi người ta… ngại! Nhưng nếu nói được như vậy mà không hổ thẹn thì mới có thể chân thành cầu nguyện: “Lạy Thiên Chúa, xin giải thoát con khỏi bàn tay kẻ dữ, khỏi móng vuốt phường nham hiểm và bọn dã man. Vì lạy Chúa, chính Ngài là Đấng con trông đợi, lạy Đức Chúa, chính Ngài là Đấng con tin tưởng ngay từ độ thanh xuân. Từ thuở sơ sinh, con nương tựa vào Ngài, Ngài đã kéo con ra khỏi lòng mẹ, con ca tụng Ngài chẳng khi ngơi” (Tv 71:4-6).
Những ai khôn ngoan mà tín thác vào Chúa thì khả dĩ nhận biết mọi thứ đều là hồng ân, và rồi họ không thể không nói ra: “Miệng con công bố Ngài chính trực, suốt ngày tường thuật ơn cứu độ Ngài ban, ơn của Ngài, nhiều khôn xiết kể!” (Tv 71:15). Người khôn ngoan thật và không tin cậy gì khác ngoài Chúa, họ không thể giấu giếm và không ngại thổ lộ: “Từ độ thanh xuân, lạy Thiên Chúa, con đã được Ngài thương dạy dỗ. Tới giờ này, con vẫn truyền rao vĩ nghiệp của Ngài” (Tv 71:17).
Mọi nơi và mọi lúc họ vẫn một mực như vậy, chứ không phải khi vui thì theo, lúc buồn thì nghỉ. Người ta nói: “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Có “bị” thử lửa mới biết là vàng hay thau. Khi ta cười thì nhiều người vỗ tay, khi ta khóc thì chẳng thấy ma nào! Cuộc đời cho chúng ta thấy rõ chân tướng thực dụng và xảo trá. Hãy nhớ rằng: Người bạn chân thành là người ở bên ta trong lúc ta đau khổ và tuyệt vọng nhất, ngoài ra chỉ là “bè” chứ không là “bạn”. Vì thế, trong việc “theo Chúa” cũng không ngoại trừ: “Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5:10).
Một giọt máu đào hơn ao nước lã. Chúa Giêsu đã so sánh tuyệt đối: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15:13). Người đầu tiên là Đức Giêsu Kitô, Ngôi Hai Thiên Chúa, Đấng đã liều mạng vì các tội nhân chúng ta. Thánh Gioan Tẩy Giả không là người thí mạng vì người khác, nhưng ông đã liều chết vì sự thật, vì lẽ phải, vì công lý. Đó cũng là chết vì Chúa, cũng là một dạng tử đạo.
Thật vậy, Chúa Giêsu đã nói rõ: “Tôi là con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14:6). Rồi chính Ngài cũng đã xác nhận trước mặt Tổng trấn Philatô: “Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi” (Ga 18:37).
Nghe vậy, ông Philatô hỏi lại: “Sự thật là gì?” (Ga 18:38). Ông ta “giả nai”, né tránh, hay thực sự không biết? Ngày nay cũng vẫn thấy có những người mang dòng máu của Philatô.
Thuận ngôn nghịch nhĩ. Sự thật mất lòng. Vua Hêrôđê nghe lời “không lọt tai” nên đã sai người đi bắt ông Gioan và xiềng ông trong ngục. Lý do là vì vua đã lấy bà Hêrôđia, vợ của người anh là Philípphê. Đó là tội loạn luân. Chắc hẳn phụ nữ này là “gái một con trông mòn con mắt” nên ông Hêrôđê đã “hoa mắt” và bất chấp tất cả. Có điều lạ là chính phụ nữ cũng khoái vì đã “cưa đổ” một quốc vương, và cũng lạ nữa là cô con gái của phụ nữ này cũng vào hùa với phe quỷ dữ.
Tội đáng án tử của ông Gioan là dám can ngăn vua: “Ngài không được phép lấy vợ của anh ngài!” (Mc 6:18). Rõ ràng bà Hêrôđia có thể một phần cũng “phải lòng” ông Hêrôđê, một phần vì tự ái phụ nữ bốc lên tới chỏm đầu, tự ái vì không phụ nữ nào chịu mình kém sắc người khác, bà ta đâu thèm “cưa” mấy đám quan lại triều đình mà “cưa đổ” chính nhà vua, thế nên bà ta mới căm thù và muốn giết ông Gioan, nhưng không được. Tự ái dồn dập, máu tức giận bốc cao như lửa cháy phát ra từ tòa nhà cao tầng. Phụ nữ muốn là trời muốn mà! Và còn hơn thế nữa, như người ta thường ví von: “Nhất vợ, nhì trời”. Bồ nhí còn “to” hơn vợ nữa đấy!
Vua Hêrôđê biết rõ ông Gioan là người công chính thánh thiện, nên sợ ông, và còn che chở ông. Nghe ông nói, nhà vua rất phân vân, nhưng lại cứ thích nghe. Tình yêu gian tà khiến ông ta điên đảo và mù quáng. Biết ông Gioan công chính mà không dám bảo vệ. Hèn nhát! Ngày nay, hạng người như Hêrôđê cũng chẳng thiếu đâu, nhưng người thời @ có “phong cách” bí hiểm hơn nhiều, nói theo ngôn ngữ bình dân thì như người thường gọi là “ném đá giấu tay” hoặc “giật dây”. Nham hiểm quá! Kinh khiếp thật!
Lòng gian tà như sóng ngầm cứ cuồn cuộn chảy, chưa thực hiện được thì chưa thỏa chí. Và một ngày thuận lợi đến: nhân dịp mừng sinh nhật của mình, vua Hêrôđê mở tiệc thết đãi bá quan văn võ và các thân hào miền Galilê. Con gái bà Hêrôđia vào biểu diễn một điệu vũ, làm cho nhà vua và khách dự tiệc vui thích.
Tiệc vui thì hẳn có ba hớp, có lẽ nhà vua ngà ngà rồi nói với cô gái: “Con muốn gì thì cứ xin, ta sẽ ban cho con” (Mc 6:22). Thậm chí vua lại còn thề: “Con xin gì, ta cũng cho, dù một nửa nước của ta cũng được” (Mc 6:23). Lạy Chúa tôi, dám bán nước cho một đứa con gái nhãi ranh! Lão già dê Hêrôđê này không phải là tay vừa: Mê đắm mẹ mà vẫn khoái đứa con gái của mẹ nó.
Nghe ông chú Hêrôđê nói vậy, cô gái hí hửng đi hỏi mẹ xem nên xin gì. Mẹ cô lạnh lùng gằn giọng chắc nịch: “Đầu Gioan Tẩy Giả” (Mc 6:24b). Phụ nữ nham hiểm còn hơn đàn ông. Sóng ngầm mà! Càng nham hiểm hơn khi hai cái đầu phụ nữ hợp lại. Đúng như khoa tâm lý phát hiện: “Khoảng giữa cái muốn và cái không muốn ở phụ nữ, dù chỉ một sợi tóc cũng không lọt”. Lập tức cô vội trở vào đến bên nhà vua và tâu xin: “Con muốn ngài ban ngay cho con cái đầu ông Gioan Tẩy Giả, đặt trên mâm” (Mc 6:25). Nghe vậy, nhà vua buồn lắm, nhưng vì đã trót thề, lại thề công khai trước khách dự tiệc, nên không muốn thất hứa với cô. Bản chất hèn nhát hiện rõ!
Vì sĩ diện, vua lập tức sai thị vệ đi và truyền mang đầu ông Gioan tới. Thị vệ ra đi, chặt đầu ông ở trong ngục, bưng đầu ông trên một cái mâm trao cho cô gái, và cô gái trao cho mẹ. Bi kịch chấm dứt não nề quá! Bi kịch về cái chết của ông Gioan là chuyện bình thường, bi kịch về lòng người độc ác dành cho nhau mới đáng lưu ý!
Sự thật bị che khuất, lẽ phải bị bóp méo, công lý bị chà đạp, chính nghĩa bị lệch lạc. Không chỉ vậy, người ta cũng vẫn thường xuyên thiếu tôn trọng nhân vị, nhân phẩm và nhân quyền – đủ dạng và đủ mức độ. Đó là bi kịch của con người tự tạo ra chỉ vì hướng theo cái xấu để thỏa mãn ý riêng. Và người ta cũng luôn có đủ lý lẽ để tự biện hộ cho những động thái sai trái của mình, không muốn phục thiện.
Có nhiều vấn đề liên quan chính nghĩa, sự thật, lẽ phải, công lý,… Một trong các vấn đề liên quan là vấn đề tự do tín ngưỡng. Theo lời mời của chính phủ Việt Nam, ông Heiner Bielefeldt – báo cáo viên Đặc biệt của LHQ về tự do tôn giáo hay tín ngưỡng – đã có chuyến viếng thăm Việt Nam từ 21 đến 31-7-2014.
Trong tuyên bố báo chí 13 trang bằng Anh ngữ và Việt ngữ, ông Heiner Bielefeldt đã thẳng thắn phê phán việc ông “bị” công an “giám sát chặt”, và một số người ông muốn gặp đều “bị đe dọa, sách nhiễu”. Ông cho biết rằng thực tế vẫn có “vi phạm nghiêm trọng” về tôn giáo tại Việt Nam, mặc dù Việt Nam đã có “một số chuyển biến tích cực”. Sự thật mãi là sự thật, không thể che giấu, cũng không thể bóp méo hoặc viện cớ bất kỳ lý do nào!
Thà chết vinh hơn sống nhục. Danh tướng Trần Bình Trọng đã bất khuất dù bị giặc bắt, và ông vẫn khẳng khái tuyên bố: “Thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc”. Ông chết vì chính nghĩa, vì đại nghĩa. Cái chết của Thánh Gioan Tẩy Giả cũng là cái chết vì chính nghĩa. Đó là tiếng chuông cảnh báo về tình trạng sa sút đạo đức của xã hội loài người, là tiếng kêu tỉnh thức những tâm hồn mê muội, là lời thúc giục chúng ta sám hối và tin yêu “vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 3:2; Mt 4:17).
Tiền nhân nói: “Giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng” . Câu nói đơn giản mà “nhức nhối”. Bà-cô-không-chồng chẳng nghĩa lý gì, nhưng bà cô đó lại có thể “làm mưa, làm gió” trong một gia đình, mà gia đình là nền tảng xã hội. Tưởng là “chuyện nhỏ” mà không nhỏ chút nào. Bà cô là “bà nhỏ” mà hóa “bà lớn”. Phụ nữ đáng “gờm” thật!
Chân lý không xa chính nghĩa. Chân lý là chính nghĩa, và ngược lại. Tại sao người ta không tỵ nạn vì sợ tự do? Vì người ta THÍCH tự do. Tại sao người ta PHẢI tìm mọi cách tỵ nạn cộng sản? Vì người ta SỢ cộng sản. Đâu là chính nghĩa? Không cần phải nói. Tương tự, tại sao người ta biết theo Chúa là KHỔ và phải CHẾT mà người ta vẫn theo? Vì Chúa là CHÍNH NGHĨA – Chính ngĩa của công lý, của hòa bính, của Đức Kitô.
Lạy Thiên Chúa toàn năng, xin biến đổi chúng con nên giống Thánh Tử Giêsu và Thánh Gioan Tẩy Giả. Xin Thiên Chúa đổ vào trái tim chúng con đầy niềm yêu mến sự thật, luôn nói sự thật, can đảm bảo vệ công lý, dám đấu tranh cho lẽ phải và chính nghĩa.
Lạy Thánh Gioan Tẩy Giả, xin đồng hành với chúng con và luôn cầu giúp nguyện thay cho chúng con, những người còn đang rong ruổi trên đường lữ hành trần gian nhiều cạm bẫy xảo trá này.
Chúng con cầu xin nhân Danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa Cứu Độ của chúng con. Amen.
TRẦM THIÊN THU
CHÂN LÝ và CHÍNH NGHĨA 2016-08-29