Home / Hạnh Tích Các Thánh / Chân Dung Thánh Tiến sĩ Têrêsa Avila

Chân Dung Thánh Tiến sĩ Têrêsa Avila

 

ChanDung Thanh TeresaAvilaNgày 15-10 hàng năm, Giáo hội Công giáo kính nhớ Thánh Tiến sĩ Têrêsa thành Ávila. Bà còn được gọi là Thánh Têrêsa Chúa Giêsu (khác với Thánh Tiến sĩ Têrêsa Hài Đồng Giêsu, ở Lisieux, Pháp), sinh ngày 28-3-1515 tại Gotarrendura, tỉnh Ávila, với tên “cúng cơm” là Teresa Sánchez de Cepeda y Ahumada, tại Gotarrendura (Tây Ban Nha). Bà là một nhà thần bí danh tiếng và là nữ tu Dòng Kín (Carmelite Order). Bà là người cải cách Dòng Kín và được coi là người sáng lập Dòng Kín Chân Đất (Discalced Carmelites) cùng với Thánh Tiến sĩ Gioan Thánh Giá (1542-1591).

Thế kỷ XVI là thời gian rối loạn và cải cách. Cuộc đời bà bắt đầu với cao điểm của thời Cải Cách của Tin Lành, và chấm dứt sau Công đồng Trentô. Bà có 3 điều gây ấn tượng: là phụ nữ, sống chiêm niệm, và tích cực cải cách.

Thánh Têrêsa vào tu Dòng Kín ở Avila (Tây Ban Nha) ngày 2-11-1535, dù người cha phản đối dữ dội nhưng bà vẫn quyết tu Dòng Kín. Bà là một mỹ nhân mà có biệt tài, thân mật, thoải mái, dễ thích nghi, có lòng trắc ẩn, can đảm, nhiệt thành, và rất nhân bản. Cũng như Chúa Giêsu, bà là một bí ẩn của những nghịch lý: khôn ngoan mà thực tế, thông minh mà hài hòa kinh nghiệm, thần bí mà cải cách tích cực và thánh thiện.

Bà là người sống vì Chúa, là một phụ nữ của sự cầu nguyện, kỷ luật và trắc ẩn. Bà bị hiểu lầm, bị phê phán oan sai, bị chống đối vì cải cách. Nhưng bà vẫn cương quyết, can đảm và trung tín. Bà chiến đấu với tính tầm thường của mình, với bệnh tật và với sự chống đối, nhưng bà vẫn trung thành với Thiên Chúa và cầu nguyện. Bà là người sống vì tha nhân, luôn canh tân chính mình và Dòng Kín, hướng dẫn chị em sống đúng luật dòng.

Cha của Thánh Têrêsa là ông Alonso Sánchez de Cepeda, có tước Hiệp sĩ, và mẹ là bà Beatriz de Ahumada y Cuevas chuyên tâm giáo dục con gái sống đạo nghiêm túc. Thánh Têrêsa thích đọc sách hạnh các thánh.

Lúc 14 tuổi, cô bé Têrêsa mồ côi mẹ, cô bé rất buồn và trở nên sùng kính Đức Mẹ để nhờ Đức Mẹ hướng dẫn tâm linh. Nhưng rồi cô bé quan tâm thái quá tới việc đọc tiểu thuyết và làm dáng, thích chăm chút vẻ đẹp. Nhưng sau đó, cô bé Têrêsa bỏ được các thói quen bất lợi đó.

Ở trong dòng, nữ tu Têrêsa bị bệnh nặng. Khi bị bệnh, nữ tu Têrêsa trải nghiệm nhiều cuộc xuất thần trong những giờ đọc sách thiêng liêng. Bà nói rằng khi bị bệnh, bà kết hợp mật tiết với Chúa, và bà thường khóc vì sung sướng. Sự phân biệt tội trọng và tội nhẹ đối với bà rất rõ ràng, bà hiểu được sự khủng khiếp của tội lỗi và bản chất của tội nguyên tổ. Bà cũng nhận biết sự bất lực của việc đối đầu với tội lỗi, và sự cần thiết của việc tuyệt đối phục tùng Thiên Chúa.

Bà hành xác nhiều (kiểu “đánh tội” ngày xưa). Nhưng Lm Francis Borgia (người giải tội cho bà, linh mục này đã được phong thánh) khuyên bà nên nghĩ theo linh hứng của Chúa. Ngày lễ Thánh Phêrô năm 1559, nữ tu Têrêsa tin chắc rằng Chúa Giêsu đã hiện ra với bà. Dạng thị kiến này kéo dài hơn hai năm. Trong lần thị kiến khác, thiên thần Seraphim đã lấy gươm lửa đâm thâu trái tim bà, làm cho bà đau nhức cả tinh thần và thể lý mà bà không thể diễn tả được: “Tôi thấy thiên thần cầm ngọn giáo vàng, lúc đó như có lửa. Thiên thần hiện ra với tôi và đâm ngọn giáo vào trái tim tôi vài lần, và đâm cả vào ruột gan tôi nữa. Khi thiên thần rút ngọn giáo ra, ruột gan tôi như cũng theo ra luôn, và đặt tôi trên ngọn lửa với tình yêu vĩ đại của Chúa. Rất đau, đau tới mức tôi phải kêu lên, nhưng có sự êm ái ngọt ngào vượt hơn hẳn nỗi đau dữ dội kia, tôi không muốn thoát khỏi sự đau đớn ngọt ngào đó”.

Thị kiến này trở thành nguồn cảm hứng sống suốt cả cuộc đời bà, khiến bà quyết bắt chước cách sống và chịu đau khổ vì Chúa Giêsu, bà rút gọn thành câu “châm ngôn sống” này: “Lạy Chúa, hoặc để con chịu đau khổ, hoặc cho con chết đi”.

Năm 1567, nữ tu Têrêsa được Bề trên Rubeo de Ravenna chấp thuận cho lập dòng mới. Từ 1567 tới 1571, các tu viện nữ cải cách được thành lập tại Medina del Campo, Malagon, Valladolid, Toledo, Pastrana, Salamanca, và Alba de Tormes.

Thánh Têrêsa được phép lập thêm hai nhà mới cho các thanh niên muốn theo đường lối cải cách. Bà thuyết phục Thánh Gioan Thánh Giá và Thánh Antôn Chúa Giêsu giúp bà làm việc này. Tu viện nam Carmelite Chân Đất đầu tiên được thành lập vào tháng 11-1568 tại Duruello.

Năm 1576 bắt đầu có những cuộc bách hại các Dòng Carmelite để chống lại Thánh Têrêsa, bạn bè và cuộc cải cách của bà. Nhưng vài năm sau thì bình an trở lại, và cuộc cải cách lại tiếp tục. Cuối cùng, ĐGH Grêgôriô XIII cho phép một tỉnh dòng đặc biệt dành cho những người trẻ là “dòng nữ đi chân đất”.

Trong 3 năm cuối đời, Thánh Têrêsa mở thêm các nhà dòng ở Villanueva de la Jara, thuộc miền Bắc Andalusia năm 1580, ở Palencia năm 1580, ở Soria năm 1581, ở Burgos và Granada năm 1582.

Trên đường đi từ Burgos tới Alba de Tormes, bà bị bệnh nặng. Bà qua đời vào sáng sớm ngày 15-10-1582. Lời cuối cùng của Thánh Têrêsa Avila: “Lạy Chúa, đã đến lúc con ra đi. Xin cho Ý Chúa nên trọn. Lạy Chúa và là Đức Lang Quân của con, giờ mà con ao ước đã đến. Đây là lúc gặp nhau”.

Năm 1622, sau 40 năm qua đời, bà được ĐGH Grêgôriô XV phong thánh. Ngày 27-9-1970, bà được ĐGH Phaolô VI tôn phong là Tiến sĩ Giáo hội. Thánh Têrêsa Avila và Thánh Catarina Siena là những phụ nữ đầu tiên được nhận danh hiệu Tiến sĩ Giáo hội. Cuốn tự truyện “Cuộc đời Nữ tu Teresa Avila”, viết năm 1567 theo yêu cầu của linh mục linh hướng Pedro Ibáñez), và cuốn “El Castillo Interior” (Lâu Đài Nội Tâm, viết năm 1577) là phần căn nguyên của văn chương phục hưng Tây Ban Nha cũng như tính thần bí Kitô giáo và suy niệm Kitô giáo, như bà viết trong tác phẩm quan trọng của bà là cuốn “Camino de Percción” (Con Đường Hoàn Hảo, viết năm 1567).

Các sách của bà đều mang tính mô phạm. Bà còn viết cuốn “Suy niệm về Sách Khôn Ngoan” (viết năm 1567, sách dành cho các nữ tu tại Tu viện Đức Mẹ Camêlô. Cuốn “Relaciones” (Thuật Lại) là phần mở rộng về cuốn tự truyện cũng cho biết những trải nghiệm nội tại và ngoại tại ở dạng những lá thư.

Thánh Têrêsa có hai cuốn sách nhỏ khác là “Conceptos del Amor” (Khái niệm Yêu thương) và “Exclamaciones” (Than Van). Văn phong của bà duyên dáng, tự nhiên, rõ ràng, đồng thời bà còn làm thơ hay và mượt mà nữa.

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

THÁNH GIUSE VÀ CÂU CHUYỆN GIÁNG SINH

THÁNH GIUSE VÀ CÂU CHUYỆN GIÁNG SINH

Có vô số người, vương cung thánh đường, nhà thờ, đền thánh, chủng viện, tu …