Home / Chia Sẻ / CHÂN DUNG ĐỨC THÁNH GIUSE

CHÂN DUNG ĐỨC THÁNH GIUSE

CHÂN DUNG ĐỨC THÁNH GIUSEĐức Thánh Giuse là Đấng Công Chính. Ngài sinh tại Belem, miền Giuđê, vào cuối thế kỷ I trước công nguyên, và từ giã trần gian vào thế kỷ I sau công nguyên. Ngài thuộc chi tộc Giuđa, dòng dõi Thánh vương Đavít. Có hai gia phả khác nhau, một theo Thánh Mátthêu và một theo Thánh Luca. Thánh Mátthêu theo dòng dõi hoàng tộc chính qua Salômôn, con của Bátseva, còn Thánh Luca theo dòng dõi hoàng tộc phụ qua Nathan, một người con khác của Bátseva).

Học giả Julius Africanus đưa ra cách giải thích này, sau đó được Thánh Augustinô chấp nhận, để giải thích vấn đề có hai gia phả của Chúa Giêsu: Thánh Mátthêu cho biết cha của Giuse là Giacóp, còn Thánh Luca nói tên cha là Hêli. Theo Julius Africanus, bà của Giuse kết hôn với ông Mathan (dòng dõi Salômôn) và sinh ra Giacóp. Khi Mathan qua đời, bà tái hôn với Mathat (dòng dõi Nathan) và sinh ra Hêli. Hêli kết hôn, nhưng khi chết vẫn không có con. Thế nên người vợ kết hôn với em trai của chồng là Giacóp, và Giacóp sinh ra Đức Giuse. Trong trường hợp này, Đức Giuse là con của Giacóp nhưng cũng là con hợp pháp của Hêli.

Cũng có truyền thống cho rằng Đức Giuse có người anh em tên là Anphê/Cơlêôpát, kết hôn với Maria Cơlêôpát (hoặc Maria Anphê, cách phiên âm khác của tên “Halphai”). Họ sinh ra Giôxếp, Simôn, Giacôbê (Nhỏ, Hậu) và Giuđa (Tađêô), những người trở thành anh em của Chúa Giêsu (Mt 13:55).

Trình thuật Mt 1:18-24 cho biết: Sau đây là gốc tích Đức Giêsu Kitô: bà Maria, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giuse. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Ông Giuse, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ”. Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ: Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”. Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà. Ông không ăn ở với bà, cho đến khi bà sinh một con trai, và ông đặt tên cho con trẻ là Giêsu.

Vài tháng sau, hoàng đế Xêda Augustôra chiếu chỉ kiểm tra dân số, ai nấy đều phải về nguyên quán mà khai tên tuổi. Hành trình gian lao dài khoảng 45 dặm(72,4 km) mới tới Belem – nguyên quán của Đức Giuse và là nơi khai nhân khẩu. Khi đó Đức Maria gần đến ngày khai hoa nở nhụy, mà dân đổ về Belem quá đông, hai người không tìm được chỗ trọ. Họ đành phải ra hang chiên lừa bên ngoài thành phố. Tại hang đá này, Chúa Giêsu đã giáng sinh. Hai người đang ngắm nhìn Con Trẻ thì thấy đám mục đồng đến reo mừng theo lời hướng dẫn của thiên thần.

Tám ngày sau, Chúa Giêsu chịu cắt bì theo luật truyền, và bốn mươi ngày sau thì hai ông bà đem Con Trẻ lên Giêrusalem để làm lễ dâng cho Thiên Chúa. Có thể họ đã trở lại Belem và ở lại đó một thời gian cho đến khi các đạo sĩ đến bái lạy Hài Nhi. Sau khi các đạo sĩ trở về theo lối khác, Hêrôđêra lệnh tàn sát các hài nhi từ hai tuổi trở xuống. Thiên thần lại báo mộng cho Đức Giuse về ý định độc ác của Hêrôđê và bảo phải trốn gấp đi Ai Cập. Đức Giuse đã vâng lời và hành động ngay. Thánh Gia lưu trú tại Ai Cập một thời gian tới lúc Hêrôđê chết – có thể thời gian lánh nạn kéo dài tới bảy năm.

Trong Mt 2:19-23, Thánh Mátthêu cho biết việc di chuyển của Thánh Gia từ Ai Cập về Israel: Sau khi vua Hêrôđê băng hà, sứ thần Chúa lại hiện ra với ông Giuse bên Ai Cập, báo mộng cho ông rằng: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người về đất Israel, vì những kẻ tìm giết Hài Nhi đã chết rồi”. Ông liền trỗi dậy đưa Hài Nhi và mẹ Người về đất Israel. Nhưng vì nghe biết Ác-khê-lao đã kế vị vua cha là Hêrôđê, cai trị miền Giuđê, nên ông sợ không dám về đó. Rồi sau khi được báo mộng, ông lui về miền Galilê, và đến ở tại một thành kia gọi là Nadarét, để ứng nghiệm lời đã phán qua miệng các ngôn sứ rằng: Người sẽ được gọi là người Nadarét.

Chúa Giêsu sinh sống tại Nadarét. Trong Lc 2:41-52, Thánh Luca cho biết: Hằng năm, cha mẹ Đức Giêsu trẩy hội đền Giêrusalem mừng lễ Vượt Qua. Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền, như người ta thường làm trong ngày lễ. Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giêsu thì ở lại Giêrusalem, mà cha mẹ chẳng hay biết. Ông bà cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành, nên sau một ngày đường, mới đi tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thuộc. Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giêrusalem mà tìm.

Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi. Ai nghe cậu nói cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đối đáp của cậu. Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!”. Người đáp: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?”. Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói.

Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nadarét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng. Còn Đức Giêsu ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta.

Chúa Giêsu về Nadarét cho tới khi bắt đầu sứ vụ công khai lúc khoảng ba mươi tuổi. Có lẽ Đức Giuse từ giã cõi đời này trong những năm mà Ngài không được nhắc tới nữa (ngoại trừ liên quan gia đình của Chúa Giêsu). Truyền thống nói rằng Đức Giuse từ giã cõi đời trong vòng tay yêu thương của Chúa Giêsu và Đức Maria, thế nên Ngài trở nên bổn mạng của những người hấp hối, cầu bầu cho được ơn chết lành.

Trong tác phẩm “Christ is Passing By”, Thánh Josemaria Escriva cho biết: “Hẳn là Đức Giuse là người đầy ân sủng nên đã có thể hoàn tất nhiệm vụ nuôi dưỡng Con Thiên Chúa! Hẳn là Chúa Giêsu giống Đức Thánh Giuse: cách làm việc, cách nói năng, tính cách. Thực tế của Chúa Giêsu cho thấy ánh mắt, cách ngồi bàn và bẻ bánh, sở thích dùng các vị trí hằng ngày để giáo huấn – nhất cử nhất động đều phản ánh tuổi thơ và sự ảnh hưởng của Đức Thánh Giuse. Không thể bỏ qua bí ẩn tinh tế này: Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, Ngài là người nói giọng Israel, giống như giọng của một người thợ mộc tên là Giuse”.

Đức Thánh Giuse được nhiều vị thánh yêu mến. Thánh Teresa Avila nói:“Theo kinh nghiệm của tôi, Đức Thánh Giuse giúp đỡ chúng ta trong mọi vấn đề. Tôi chưa bao giờ cầu xin Ngài điều gì mà Ngài lại không ban cho tôi”.

Thời Cựu Ước, sau khi bị anh em bán cho người Ai Cập, ông Giuse được trọng dụng và làm quan trong triều đình Pharaô. Khi nạn đói xảy ra khắp nơi và cả Ai Cập, dân chúng kêu xin thì vua Pharaô bảo họ: “Cứ đến với ông Giuse; ông bảo gì, các ngươi hãy làm theo!” (St 41:55). Giáo Hội cũng dùng ý này để mời gọi các tín nhân đến với Đức Thánh Giuse khi cần Ngài giúp đỡ: “Hãy đến với Giuse!”.

Năm 1621, ĐGH Grêgôriô XV ấn định Lễ Đức Thánh Giuse – Đức Phu Quân của Đức Mẹ (ngày 19-3)– được mừng kính trong toàn thể Giáo Hội. Năm 1870, ĐGH Piô IX đặt Đức Thánh Giuse là Bổn Mạng Giáo Hội Hoàn Vũ. Năm 1955, ĐGH Piô XIII thiết lập Lễ Đức Thánh Giuse Lao Động là ngày 1-5 hằng năm.

TRẦM THIÊN THU(tổng hợp và chuyển ngữ)

Chào Tháng Năm – 2019

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …