Home / Hạnh Tích Các Thánh / Chân Dung “Bò Tơ” Luca

Chân Dung “Bò Tơ” Luca

 

lucaThánh Luca (Hy ngữ: Λουκᾶς, Loukás) là một trong bốn tác giả Phúc Âm, tác giả cuốn thứ nhì của Tân Ước, một trong ba Tin Mừng nhất lãm hoặc kinh điển, lễ kính ngày 18-10. Phúc Âm theo Thánh Luca có thể được viết trong những năm khoảng từ năm 70 tới năm 85.

Thánh Luca sinh tại Bithynia, là dân Hy Lạp cổ đại, thuộc thành phố Antiôkia ở Syria cổ. Các giáo phụ thời Giáo hội sơ khai nói rằng ngài là tác giả của Phúc Âm theo Thánh Luca và sách Công vụ Tông đồ, mới đầu chỉ là tác phẩm văn chương bình thường. Về sau, quyền tác giả của Thánh Luca được tái xác nhận bởi các vị uy tín của Kitô giáo như Thánh Giêrônimô và Eusêbiô (Jerome và Eusebius), mặc dù các học giả (đời và đạo) vẫn đồng ý về việc thiếu chứng cớ xác thực về tác giả.

Thánh Luca là một lương y của Chúa, sử gia và họa sĩ. Trong Tân ước, ngài chỉ được nhắc tới vài lần, và được Thánh Phaolô gọi là “thầy thuốc yêu quý” (Cl 4:14). Như vậy, ngài được coi là thầy thuốc và môn đệ của Thánh Phaolô. Được các Kitô hữu thời sơ khai coi là thánh, ngài được coi là vị tử đạo mặc dù các chứng cớ khác nhau.

Giáo hội Công giáo tôn kính Thánh Luca là Thánh sử, và một số tôn giáo lớn tôn kính ngài là bổn mạng các họa sĩ, các y bác sĩ, học sinh sinh viên, và các đồ tể.

Thánh Luca xuất hiện trong sách Công vụ Tông đồ trong hành trình thứ hai của Thánh Phaolô, lưu lại Philippi vài năm cho đến khi Thánh Phaolô trở về sau hành trình thứ ba, đi cùng Thánh Phaolô tới Giêrusalem và vẫn ở bên cạnh nhau cho tới khi Thánh Phaolô bị tù ở Xê-sa-rê (Caesarea). Trong hai năm đó, Thánh Luca có thời gian tìm hiểu thông tin và phỏng vấn những người biết Chúa Giêsu. Thánh Luca giúp Thánh Phaolô nhiều trong khi thực hiện sứ vụ. Khi bị tù ở Rôma, Thánh Phaolô tin tưởng và quý mến Thánh Luca nên đã căn dặn Thánh Timôthê: “Chỉ còn một mình anh Luca ở với tôi. Anh hãy đem anh Máccô đi với anh, vì anh ấy rất hữu ích cho công việc phục vụ của tôi” (2 Tm 4:11). Người ta tin rằng, sau khi Thánh Phaolô qua đời, Thánh Luca rao giảng Phúc Âm tại Ý, Gaul (Galát), Dalmatia, Macedon, và có thể cả ở Ai Cập. Thánh Luca còn được nhắc tới trong Plm 1:24 và Cl 4:14, còn trong 2 Cr 8:18 có thể là Luca hoặc Banaba: “Cùng với anh Titô, chúng tôi cử một người anh em rao giảng Tin Mừng nổi tiếng trong khắp các Hội Thánh”.

Người ta tin rằng, sau khi Thánh Phaolô qua đời, Thánh Luca rao giảng Phúc Âm tại Ý, Gaul (Galát), Dalmatia, Macedon, và có thể cả ở Ai Cập. Có chứng cớ cho thấy Thánh Luca ở TP Troas, thành này được kể trong vụ hủy hoại thành Troy cổ. Đóng vai đệ tam nhân (ngôi thứ ba số ít), Thánh Luca viết trong sách Công Vụ về Thánh Phaolô và các chuyến đi của ngài tới khi họ tới thành Troas, rồi ngài chuyển sang ngôi thứ nhất số nhiều: Chúng tôi.

Dựa vào cách diễn tả chính xác về các thành phố và các hòn đảo, nhà khảo cổ Sir William Ramsay viết: “Thánh Luca là một sử gia hàng đầu, không chỉ bởi các câu nói của ngài về các sự kiện đáng tin… Nên đặt ngài ngang hàng với các sử gia nổi tiếng khác”. Giáo sư khoa cổ điển tại ĐH Auckland là E. M. Blaiklock đã viết: “Đối với chi tiết chính xác, sách Công vụ là tài liệu đáng tin… Khoa khảo cô đã làm sáng tỏ sự thật”. Học giả Colin Hemer, khoa Tân ước, đã đưa ra nhiều cách hiểu bản chất lịch sử và sự chính xác của các bản văn do Thánh Luca viết.

Trong thư gởi Philêmôn, Thánh Phaolô có nhắc tới các cộng sự viên là Mác-cô, A-rít-ta-khô, Đê-ma và Lu-ca (câu 24). Tài liệu khác về Thánh Luca có niên đại từ thế kỷ II, nhưng về sau được xác định là cuối thế kỷ IV, có ghi trong lời mở đầu của Phúc Âm theo Thánh Luca. Tuy nhiên, Helmut Koester nói rằng phần sau (chỉ có trong bản gốc Hy ngữ) có thể được biên soạn hồi cuối thế kỷ II.

Thánh Luca không là người Do Thái, nghĩa là không được cắt bì. Là người Hy Lạp nên ngài viết Phúc Âm bằng Hy ngữ. Khác với ý kiến của Thánh Êpiphaniô, Thánh Luca không thể ở trong số 72 môn đệ (Lc 10:1-9), vì ngài nói rõ rằng ngài chưa hề gặp mặt Đức Kitô (x. Lc 1:1-4). Như vậy, khá lạ khi Giáo hội cho chúng ta nghe đoạn Tin Mừng trong lễ Thánh Luca lại nói về việc Chúa Giêsu sai 72 môn đệ, đi theo từng cặp. Hơn nữa, Thánh Luca không được Chúa Giêsu hoán cải, mà được Thánh Phaolô hoán cải sau khi Chúa Giêsu về trời.

Rất có thể Thánh Luca học nghề thuốc ở Tarsus, trường y cạnh tranh với Alexandria và Athens, và là trường y lớn nhất Hy Lạp cổ đại. Có thể Thánh Luca đã gặp Thánh Phaolô vào thời điểm này.

Không ai biết Thánh Luca là người mới theo người Do Thái hoặc trực tiếp gia nhập Kitô giáo, nhưng chúng ta biết rằng ngài có kiến thức uyên bác về Cựu ước. Hơn nữa, rõ ràng Thánh Luca không chỉ biết Thánh Phaolô, mà còn biết nhiều Tông đồ và các môn đệ. Chính ngài đã chứng minh điều đó, khi ngài soan thảo Phúc Âm, ngài đã “cẩn thận tra cứu đầu đuôi mọi sự” (Lc 1:3) với các nhân chứng biết rõ cuộc đời Chúa Giêsu. Trong các nhân chứng đó không chỉ có một mình Thánh Phaolô mà còn nhiều người khác.

Còn nữa, Thánh Phaolô thường kết hợp Thánh Luca với Thánh Máccô. Chúng ta biết rằng Thánh Máccô là người gần gũi với Thánh Phêrô, do đó chúng ta có thể nói rằng Thánh Luca cũng quen thân với Thánh Phêrô và các Tông đồ khác.

Phúc Âm theo Thánh Luca dài hơn các Phúc Âm khác – mặc dù Phúc Âm theo Thánh Matthêu nhiều chương hơn. Phúc Âm theo Thánh Luca có nhiều câu và nhiều từ hơn, dĩ nhiên số chữ tính theo bản gốc bằng Hy ngữ. Trong các sách Tân ước, Phúc Âm theo Thánh Luca dài nhất – với 19.482 chữ, và sách Công vụ dài thứ nhì – với 18.451 chữ. Hai cuốn này dài bằng tất cả các thư của Thánh Phaolô cộng lại.

Một số Giáo phụ cho rằng Thánh Luca chịu tử đạo, có thể bị đóng đinh vào cây ô-liu ở Elaea, thuộc Peloponnesus gần Achaia. Cách hiểu này có từ Thánh Hippolytus. Các Thánh Gregory Nazianzen, Paulinus, và Gaudentius thành Grescia cũng nói rằng Thánh Luca chịu tử đạo. Mặt khác, nhiều người khác (kể cả Thánh Bede và nhiều vị tử đạo) chỉ nói rằng “Thánh Luca chịu đau khổ nhiều vì đức tin và chết già ở Bithynia”.

Thánh Luca sống độc thân để phục vụ Thiên Chúa, không vợ không con, đầy Thần Khí Chúa, và qua đời lúc 84 tuổi tại Boeotia. Năm 357, thi hài ngài được đưa tới Constantinople và an táng tại Nhà thờ Các Tông Đồ, nhà thờ này do Hoàng đế Constantine xây dựng. Đầu ngài được đưa tới Rôma, đặt tại Tu viện Thánh Anrê. Các phần khác được đặt tại Tu viện Grecian trên Núi Athos.

Ngày nay, thánh tích của Thánh Luca được “phân chia” và được lưu giữ ở 3 nơi: Phần thân ở Tu viện Santa Giustina tại Padua, phần đầu ở Thánh đường St. Vitus tại Prague (tức là TP Praha, Cộng hòa Séc), và phần xương sườn ở ngôi mộ của ngài tại TP Thebes (Hy Lạp).

Bạo quân George của Serbia đã mua hài cốt của Thánh Luca từ vua Murad II của Ottaman với giá 30.000 đồng tiền vàng. Sau khi Ottaman chiếm Bosnia, cháu gái của George là Mary đã đem hài cốt Thánh Luca đi từ Serbia như của hồi môn, rồi bán cho Cộng hòa Venetia của Ý.

Sau cuộc Thập Tự Chinh, thánh tích Thánh Luca được chuyển tới Nhà thờ Padua, và nghiên cứu khoa học năm 1992 đã xác nhận là chính xác. Chiếc xương sườn (gần trái tim) được đưa trở về Hy Lạp và lưu giữ tại Thebes.

Ngoài ra, Thánh Luca là một họa sĩ. Truyền thống Kitô giáo nói rằng Thánh Luca là họa sĩ đầu tiên đã vẽ các hình ảnh thánh. Ngài đã có các bức họa đầu tiên vẽ Đức Mẹ, Chúa Giêsu, Thánh Phêrô và Thánh Phaolô. Người ta còn cho rằng họa phẩm Đức Mẹ Vladimir (Our Lady of Vladimir) và họa phẩm Đức Mẹ Đen Czestochowa (Black Madonna of Czestochowa) được vẽ theo các hình có chữ viết của chính Thánh Luca.

Ngài cũng được coi là người đã vẽ hình Đức Mẹ bồng Chúa Con trên vải thô ở Constantinople, nhưng nay đã thất lạc. Số hình ảnh thánh được coi là do Thánh Họa sĩ Luca vẽ lên tới 600 bức họa trong thời Trung cổ, ngài cũng được coi là tác giả họa phẩm chân dung hai Thánh Phêrô và Phaolô, và đã minh họa sách Phúc Âm bằng các bức tiểu họa.

Truyền thống cũng cho biết rằng Thánh Luca đã vẽ cách hình ảnh Đức Mẹ và Chúa Giêsu rất phổ biến, nhất là trong Chính thống giáo Đông phương. Truyền thống còn đồng ý rằng các Kitô hữu của Thánh Thomas ở Ấn Độ vẫn giữ một trong các biểu tượng Theotokos mà Thánh Luca đã vẽ, và được Thánh Thomas đem tới Ấn Độ.

Thánh Luca cũng được coi là tác giả của bức họa “acheiropoieta” (tượng không có tay). Hình Đấng Cứu Thế này được đặt tại một nhà nguyện đặc biệt ở trên Lầu Thánh (Holy Stairs) gần Đền thờ Latêranô ở Rôma, cũng gọi là Uronica. Truyền thống cho rằng Thánh Luca khởi sự làm tượng, nhưng được các thiên thần hoàn tất.

Tại sao Thánh Luca có biểu tượng là Con Bò? (Thánh Matthêu có biểu tượng là Người, Thánh Máccô có biểu tượng là Sư Tử, Thánh Gioan có biểu tượng là Đại Bàng). Bốn con vật này xuất xứ từ sách Ngôn sứ Êdêkien và Khải Huyền. Thánh Luca có biểu tượng là Con Bò xuất hiện từ thời các Giáo phụ, với hai lý do.

Thứ nhất, Phúc Âm theo Thánh Luca bắt đầu với Tư tế Dacaria và cuộc truyền tin về Thánh Gioan tẩy Giả. Của lễ dâng trong Đền Thờ là con bê hoặc con bò, điều này phù hợp để lấy Con Bò làm biểu tượng của Thánh Luca. Hơn nữa, Thánh Luca biểu hiện chức tư tế của Đức Kitô rõ nét nhất trong các Phúc Âm. Việc sử dụng hình tượng con bò nhắc nhớ lễ hy sinh được các tư tế thời Cựu ước và thể hiện chức tư tế đời đời của Chúa Giêsu.

Thứ nhì, Thánh Luca có biểu tượng là Con Bò vì con bò nỗ lực lao động, đó là biểu tượng của việc rao giảng Phúc Âm: “Anh (em) không được bịt mõm con bò đang đạp lúa” (Đnl 25:4)“Đừng bịt mõm con bò đang đạp lúa, làm thợ thì đáng được trả công” (1 Tm 5:18). Thánh Luca là người làm việc nhiều trong việc rao giảng Phúc Âm, đặc biệt là giúp đỡ Thánh Phaolô. Do đó, biểu tượng Con Bò thể hiện sức lao động của con bò trong Phúc Âm và sự chịu đau khổ vì danh Đức Giêsu Kitô.

Lạy Thánh sử Luca, xin nguyện giúp cầu thay. Ngài là lương y, xin chữa lành bệnh linh hồn, bệnh tâm lý và bệnh thể lý của chúng con. Amen.

TRẦM THIÊN THU (Tổng hợp và chuyển ngữ)

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN