Tản mạn chuyện nhà đạo:
Trong tuần qua, người viết có dịp tham dự thánh lễ nhậm chức linh mục chánh xứ của một, hai cha quen biết của Tổng giáo phận Sài Gòn. Tựa đề bài viết xin được đặt tựa như bài hát “Người yêu cũ có người yêu mới”, nay thì “giáo xứ cũ có cha xứ mới”. Không phải nói nhiều, chắc mọi người cũng biết, lễ nhận xứ chánh xứ thường tổ chức hoành tráng. Nghi thức nhậm chức, thánh lễ tạ ơn, nơi tiễn đi, nơi đón về, nhất là phần nghi thức diễn nghĩa. Nếu người giáo dân chú tâm một chút sẽ hiểu chức năng của một linh mục chánh xứ ở tại giáo xứ qua việc tham dự các nghi thức. Cha xứ mới được cộng đoàn đón tiếp thật hồ hởi hân hoan, có cờ xí băng rôn chào mừng ngập trời, các đấng bậc hiện diện đầy đủ, chánh trương, phó trương, trùm chánh, trùm phó đồng phục cà vát chỉnh tề. Trong thánh lễ nhậm chức còn có Đấng Bề Trên trong giáo phận, Đức Giám mục đem cha xứ mới về giới thiệu với cộng đoàn. Lễ xong thì “lạc”, điều phải có sau một thánh lễ, không biết ở giáo phận khác thế nào, riêng tại giáo phận nhà, lễ xong luôn có phần “lạc”, không ít thì nhiều. Trong các bữa tiệc liên hoan mừng cha xứ mới. “nhận vật chính” Cha xứ mới trình làng “dâu trăm họ”, cha con hát hò vui vẻ, “ngày chung đôi” “ngày hạnh phúc”, của cha xứ trong dân, cả cộng đoàn giáo xứ, ai cũng lộ rõ nét mặt vui tươi, chất chứa bao hy vọng. Nhiều cha nói với tôi rằng: Trên đời này không có gì mới mà sẽ không có cũ, mà cha xứ mới lại càng nhanh cũ hơn”, cha xứ nào cũng phải “trầy da tróc vẩy” nơi một giáo xứ.
Thường thì, chuyện cha xứ mới và cha xứ cũ như là cuốn phim nhiều tập, xem mãi chưa biết lúc nào kết, nhưng có lẽ dân chúng là hào hứng nhất, khi kể chuyện cha xứ mới, cha xứ cũ.
Có nhiều thành phần quan trọng trong khách mời của tiệc liên hoan. Thành phần thứ nhất là những người thân thuộc của cha xứ, những liên hệ quen biết, thành phần đông hơn cả là đại diện giáo xứ cũ của cha xứ mới. Thế là những câu chuyện được kể, vì giáo dân hai giáo xứ được dịp hội ngộ, “vui thật vui”, nhưng mà cũng “nhiều chuyện”, có cả những chuyện nên nói và cả những chuyện không nên nói ra.
“Cha xứ cũ làm được điều này điều nọ, không biết cha xứ mới có thế nào”.
“Cha xứ cũ của tôi nhiệt tình lắm, vừa về giáo xứ được 2 năm liền xây nhà thờ, cha ở giáo xứ được 10 năm mà giáo xứ thay đổi hoàn toàn, không như thời cha A… Bởi vậy, hôm nay cha xứ đi ai cũng tiếc”.
Bên cạnh những lời nhận xét xem ra có vẻ “tích cực”, “tốt đẹp” về cha xứ cũ của mình, cũng có vài người dành cho cha xứ cũ của mình những nhận xét “bình phẩm” “chẳng hay ho lắm”. Đúng thật, chuyện linh mục đi coi xứ là chuyện “làm dâu trăm họ”, không sao vừa lòng mọi người, có kẻ khen cũng có kẻ chê, có người thương nhưng cũng có kẻ ghét, có khi “bỗng dưng thấy ghét” ông cha chẳng hiểu vì lí do gì.
Linh mục được “dân chúng” thương, kính trọng và cộng tác, đó là niềm hạnh phúc trong sứ vụ của người được Chúa sai đi. Đó cũng sự thúc đẩy tinh thần hăng say làm việc hơn. Tuy nhiên, sứ mạng của người linh mục không phải là đi làm “chiều lòng dân”, “dân muốn sao cũng được”, có khi ý định của Chúa lại khác với đại đa số dân chúng.
Gần đây, chúng tôi nghe nói ở giáo xứ nọ, giáo dân xin Đức Giám mục cho cha xứ ở lại, vì cha xứ đó mới về được 3 năm, trong giáo xứ ai cũng yêu quý, từ người già đến người trẻ. Mọi người đề đạt nguyện vọng lên Đức giám mục giáo phận, xin cho cha xứ được ở lại, mọi người kéo băng rôn. Chuyện trình bày nguyện vọng người giáo dân lên Đức cha, có thể chấp nhận được, song chuyện treo “băng rôn” gây áp lực cho Đức giám mục thì không nên. Chuyện Hội Thánh không phải là chuyện “trưng cầu dân ý”, chuyện Hội Thánh mời gọi chúng ta đón nhận ý bề trên, bây giờ chúng ta xem chuyện thay đổi nhiệm sở của cha X. là vô lý, không đúng nhu cầu, nhưng trong chương trình tổng thể, Hội Thánh cần phải có sự thay đổi như vậy trong lúc này.
Chuyện giáo xứ có cha xứ mới là chuyện đáng vui mừng, không phải vui vì cộng đồng dân Chúa ở đây “thoát khỏi” một ông cha khó tính khó nết, cứng nhắc, nguyên tắc trong công việc, nhưng dù muốn dù không, giáo xứ với linh mục chánh xứ mới, bước sang trang sử mới, bằng những nét vẽ của Chúa Thánh Thần.
Một mặt, cha xứ mới có cơ hội mới, thử thách mới, những điều kiện tốt hơn để phát huy khả năng sáng kiến mục vụ, giáo xứ nhờ đó mỗi ngày trở nên năng động trẻ trung. Mặt khác, về phía giáo dân, cộng đoàn tín hữu có cơ hội “thay da đổi thịt”, có cái nhìn mới trong sứ vụ loan báo Tin Mừng, được thúc đẩy sống tư cách chứng nhân, giáo xứ cũng có thêm nhiều người cộng tác hơn.
Trong cái nhìn đức tin, chẳng có linh mục nào tài năng, thành công, mà không bởi nét vẽ của Chúa Thánh Thần. Tất cả mọi người chỉ là dụng cụ, kể cả linh mục chánh xứ, linh mục phó xứ, tu sĩ và giáo dân, tất cả đều được Thiên Chúa mời gọi diễn tả niềm tin của mình, sống đức cậy và lòng mến làm chứng cho Thiên Chúa trong một môi trường cụ thể.
Giáo xứ chính là cộng đoàn, gia đình gồm đủ mọi thành phần, mọi khác biệt, nhưng chung một tình yêu thương, cùng chung sứ vụ Chúa giao, khác biệt nhưng không tách biệt, nhưng bổ sung cho nhau.
Quả thật, những công trình vật chất của giáo xứ nếu được xây dựng khang trang là vì nhu cầu Hội Thánh, các linh mục phải vất vả khó nhọc, nhưng chẳng phải nhà cửa của các ngài. Các linh mục được giao nhiệm vui coi sóc trong một thời gian, có khi dài có khi ngắn, rồi lại ra đi nơi khác, công trình vẫn còn đó để lại cho cộng đoàn, cho thế hệ mai sau.
Đương nhiên, cộng đoàn dân Chúa được giao cho các linh mục coi sóc, vì lợi ích của toàn thể Giáo hội, trong chương trình của Thiên Chúa. Chức năng linh mục chánh xứ không phải là chức tước quyền hành, lại càng không phải là ông “quan địa phương” để linh mục thu vén tiền bạc, được cung phụng, sách nhiễu dân. Đức Giêsu, trong suốt cuộc đời đã chỉ ra con đường phục vụ của người môn đệ. Thực ra, không có điều gì Ngài nói mà Ngài không làm trước. Cử chỉ cúi xuống rửa chân cho môn đệ, cả cuộc đời vất vả lận đận chữa lành bệnh tật trong dân, bị kết án oan, chịu chết đau thương.
Dường như cuộc đời người linh mục cũng phải trải nghiệm những khổ đau và thử thách như Chúa Giêsu, cũng phải vất vả chăm lo cho dân Chúa, cũng bị người ta hiểu lầm lên án, cũng phải “rày đây mai đó” như Thầy của mình.
Thậy vậy, Đức Giêsu chỉ ra cho các linh mục, ai đứng đầu phải là người phục vụ, phục vụ thực sự chứ không phải là một khẩu hiệu bán hàng. Linh mục không có con đường đi nào khác ngoài con đường mà Đức Giêsu đã đi qua. Linh mục đứng đầu cả một cộng đoàn giáo xứ, nhưng phải trở nên người rốt hết để phục vụ, phục vụ như người tôi tớ mọi người.
Linh mục chiêm ngắm Chúa Giêsu, vị linh mục mẫu mực của mình, bước theo Chúa Giêsu cả cuộc đời bận rộn vì đoàn chiên, làm việc vì lợi ích các linh hồn, không tìm kiếm hư danh và hưởng thụ. Và giáo xứ trở thành nơi linh mục đón tiếp và băng bó những con chiên đau bệnh lạc đường.
Linh mục không bao giờ cho phép đóng khung sứ vụ nơi công việc mục vụ, sáng lễ chiều kinh, mà trong đời sống cá nhân, linh mục trở nên chứng tá Tin Mừng.
Đức Thánh Cha Phanxicô trong bài giảng lễ truyền chức cho 10 linh mục trong Chúa nhật lễ Chúa Chiên lành 07-5-2017, ngài đã nói: ““Anh em đã được tuyển chọn và được được đào tạo để dự phần vào công cuộc của Thiên Chúa, hãy thực thi công việc của Chúa Kitô với niềm vui và đức mến chân thành. Hãy là những linh mục vui tươi, chứ đừng bao giờ buồn bã. Hãy vui lên, với niềm vui được phục vụ Chúa Kitô, ngay cả trong đau khổ, u minh, hay trong tội lỗi của mình. Hãy luôn luôn đặt trước mắt mình mẫu gương của Mục tử Nhân lành, Đấng không đến để được phục vụ nhưng là để phục vụ. Cha xin anh em, đừng làm những “ông hoàng” đừng làm kiểu giáo sỹ nhà nước, nhưng hãy làm người mục tử, người chăn dắt và chăm sóc cho Dân Chúa”.
Trong câu chuyện, cha xứ cũ và cha xứ mới, nhiều người thường hỏi nhau. Cha có khó không? Thiết nghĩ, không ai có thể trả lời được thế nào là một linh mục “khó”, một linh mục “Khó là sao”. Người viết chỉ đóng khung vấn đề “khó và dễ” như sau. Vị linh mục có vui tươi niềm nở với mọi người khi họ gặp ngài có chuyện này, chuyện kia. Xin các ngài cười nhiều hơn, để dân thấy được các ngài thật gần gũi và đạo thánh Chúa là đạo của vui tươi qua các linh mục. Xin các linh mục sống chan hòa yêu thương đàn chiên của mình, nhất là những con chiên được xem là “cá biệt”.
Để kết bài viết này, xin kể lại câu chuyện xảy ra khá lâu. Người viết được nghe một lời thông cáo của vị linh mục chánh xứ trước cộng đoàn dân Chúa. Số là giáo xứ đó đang xây nhà thờ. Linh mục chánh xứ ở đó cho các ông trùm đi thu tiền tích kiệm hàng tháng. Ngài nói: Tôi rất cám ơn anh chị em đã đóng góp cho quỹ xây dựng nhà thờ, còn những gia đình nào không đóng góp tiền, hay là không đóng tiền, tham gia bất cứ hội đoàn nào, tôi xem như tự tách mình ra khỏi giáo xứ, chúng tôi xem những gia đình đó như không thuộc về giáo xứ nữa”. Người viết không dám bàn nữa! Vì rất nhiều lí do các gia đình đó không đóng góp. Kinh tế khó khăn chăng? đi làm suốt ngày không có thời gian tham gia sinh hoạt nhà thờ. Buồn! Gia đình đó được kể như là thành phần không còn ở trong giáo xứ.
Cầu chúc các linh mục chánh xứ mới có cái nhìn chạnh thương của Đức Giêsu, biết thông cảm với từng con chiên, vác trên vai những con chiên đau yếu bệnh tật về băng bó vết thương. Những con chiên đó là những người nghèo khổ vất vả, chẳng có thời gian ra nhà thờ, chẳng có gì đóng góp, có khi chẳng dám ghi danh vào giáo xứ vì…
Giuse Nguyễn Bình An