Home / Chia Sẻ / CHA MẸ TÍCH CỰC

CHA MẸ TÍCH CỰC

ChaMeTichCucNgày nay nhiều cha mẹ cảm thấy “quá tải” với cảm giác không tròn bổn phận hoặc có lỗi. Chắc hẳn có nhiều kiểu giằng co như vậy vì cha mẹ cứ nghĩ rằng mình phải là cha mẹ hoàn hảo. Đừng nghĩ vậy mà tự gây lo lắng và căng thẳng. Thực ra “nhân vô thập toàn,” không ai hoàn hảo trong bất kỳ cương vị nào, do đó mà luôn cần sự cảm thông và tha thứ.

Trước khi có con, chúng ta luôn nghĩ sẽ yêu thương con cái vô điều kiện. Nhưng chưa được bao lâu thì dường như chúng ta không còn là chính mình ngày nào vì hay nóng tính, tức giận vô cớ, chấp lách, chi li,… Người ta thường nói đùa: Ngày xưa em/anh kỳ diệu, ngày nay thì kỳ lạ, rồi hóa kỳ quặc. Vậy đó, con người luôn chịu tác động và áp lực nhiều thứ, kể cả tâm sinh lý, cũng như thời tiết thất thường thôi. Thậm chí có những cha mẹ đối xử với con cái còn tệ hơn người dưng. Đó là sự thật chứ không nói ngoa, vì hằng ngày báo chí hoặc các website vẫn đưa nhiều tin “giật gân” về quan hệ cha mẹ và con cái!

Vấn đề không phải là chúng ta cảm thấy yêu thương con cái, mà vấn đề là chúng ta có nâng đỡ, khuyến khích, và giáo dục chúng hay không. Nếu chúng ta thật lòng yêu thương con cái thì chúng ta đừng quá lo lắng và cảm thấy có lỗi với chúng.

Càng ngày cha mẹ càng có vẻ đo mức thành đạt của con cái bằng các thành quả của chúng. Chẳng hạn như phải học môn này, môn nọ, phải đậu trường nọ, trường kia, phải thế này hay thế khác,… Sự ám ảnh này dẫn đến những dạng thái quá, kể cả việc khiến chúng “quá tải” hoặc kiểm soát chúng quá mức. Cha mẹ cần sớm loại bỏ nỗi ám ảnh về sự thành công của con cái, kể cả của chính mình. Con cái cần “không khí thoáng mát” để hít thở, cần thời gian chơi đùa, nếu chúng có lầm lỗi thì chúng sẽ học hỏi được kinh nghiệm. Cha mẹ yêu thương con cái không phải vì chúng thành công mà đơn giản chúng là chúng, là núm ruột của cha mẹ.

Trước khi làm cha mẹ, nhiều cha mẹ cho rằng con cái sẽ làm cho cha mẹ hạnh phúc, thỏa mãn và hãnh diện. Nhưng rồi chúng ta thấy rằng không phải những gì mình mơ ước đều hiện thực. Và thế là chúng ta cảm thấy thất vọng và ngạc nhiên không biết mình đã làm bổn phận cha mẹ như thế nào. Với nhiều cách, chúng ta nhận nhiều hơn cho. Chính con cái cho chúng ta biết chúng ta hiểu chúng quá ít, đó là khởi đầu của sự khôn ngoan đích thực. Con cái đã mở rộng trái tim cha mẹ. Chúng làm cha mẹ thoát khỏi sự tự tập trung và cho cha mẹ biết nhu cầu và tình yêu thương của người khác. Con cái không hiện hữu để thỏa mãn chúng ta. Chúng hiện hữu để tìm kiếm mục đích của chúng và góp phần vào thế giới bằng một cách nào đó.

Có nhiều sách dạy làm cha mẹ, một số đưa ra các kiểu mẫu dựa trên cách cư xử, tập luyện vâng lời, và với các quy tắc khô khan. Cha mẹ nên lưu ý con cái nhưng không nên làm xáo trộn cuộc sống của chúng. Giáo dưỡng con cái là việc khó, hồi hộp và không thể tiên báo. Không có công thức cố định về việc làm cha mẹ và giáo dưỡng con cái. Cha mẹ nuôi chúng nhưng chúng quá phức tạp, sáng tạo, và thậm chí bướng bỉnh – nhất là khi chúng ở độ tuổi “đang lớn.”

Chúng ta thường nghĩ rằng cách đo kỹ năng làm cha mẹ là mức độ hạnh phúc của con cái. Với tiêu chí này, chúng ta để chúng coi ti-vi riêng, đi dự sinh nhật bạn bè, đi chơi xa,… Làm cha mẹ không chỉ là làm cho chúng hạnh phúc mà còn là giúp chúng trở thành người tốt – biết yêu thương, nhân hậu, vị tha, chân thật, có trách nhiệm, chăm chỉ làm việc, biết tự trọng và tôn trọng người khác,… Không phải chúng muốn gì cũng được, mà phải biết nghĩ đến người khác, nghĩ đến gia đình.

Không chỉ dạy chúng yêu thương các thành viên trong gia đình mà còn phải yêu thương người khác. Quá tập trung vào con cái, cha mẹ có thể khiến chúng ảo tưởng mà cho mình có quyền tận hưởng, không cần nghĩ đến ai khác. Con cái trưởng thành theo nhu cầu của người khác, cùng tận hưởng hạnh phúc gia đình với nhau, đồng thời mở rộng tầm nhìn của chúng. Nhờ đó chúng có thể trở thành người đại lượng, và một ngày nào đó chúng sẽ là cha mẹ tốt.

Dĩ nhiên cha mẹ nào cũng muốn con cái mình an toàn. Nhưng quá lo lắng như vậy sẽ hóa lo sợ, dẫn đến bất an, thậm chí ảnh hưởng con cái, khiến chúng bị hạn chế vui hưởng cuộc sống. Là cha mẹ, chúng ta cần an toàn, nhưng cũng cần tin tưởng và giúp chúng tự tin. Con cái cần có thử thách và mạo hiểm để phát triển khả năng xử lý tình huống, thêm can đảm, thêm nhạy cảm.

Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Không gia đình nào hoàn hảo. Có những đứa con xuất thân gia đình gia giáo mà vẫn hư, nhưng có những đứa con xuất thân từ gia đình không hoàn hảo, hoàn cảnh nghèo khổ, nhưng chúng vẫn thành nhân, thậm chí là thành đạt. Tuy nhiên, cha mẹ quan tâm giáo dục con cái thì chúng dễ trở nên người tốt, hữu ích cho xã hội.

Danh tướng Trần Hưng Đạo nói: “Người giỏi cầm quân thì không bày trận. Người giỏi bày trận thì không cần đánh. Người giỏi đánh thì không thua. Người khéo thua thì không chết.” Cuộc đời luôn phức tạp, hãy dạy con cái biết can đảm và không đánh mất chính mình, vì: “Hâm mộ là ngu ngốc, bắt chước là tự sát. Dù tốt xấu thế nào cũng vẫn phải là chính mình.” (Thi sĩ Mỹ Emerson)

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

TẤM LÒNG THANH

TẤM LÒNG THANH

  Mừng Chư Thánh Hiển Vinh Nơi Thiên Quốc Xót Các Hồn Thanh Luyện Chốn …