Home / Các Kinh Thường Đọc / Cầu Nguyện Với Kinh Năm Thánh Lòng Thương Xót

Cầu Nguyện Với Kinh Năm Thánh Lòng Thương Xót

Lạy Chúa Giêsu Kitô, 

Chúa dạy chúng con phải có lòng thương xót như Cha trên trời, 

và ai thấy Chúa là thấy Chúa Cha. 

Xin tỏ cho chúng con thấy dung nhan của Chúa

và chúng con sẽ được cứu độ.

Ánh mắt đầy yêu thương của Chúa đã giải thoát ông Giakêu

và thánh Mátthêu khỏi ách nô lệ bạc tiền;

làm cho người đàn bà ngoại tình và thánh Mađalêna

không còn tìm hạnh phúc nơi loài thụ tạo;

cho thánh Phêrô khóc lóc ăn năn sau khi chối Chúa,

và hứa ban thiên đàng cho kẻ trộm có lòng hối cải.

Xin cho chúng con được nghe

những lời Chúa đã nói với người phụ nữ Samaria,

như thể Chúa đang nói với mỗi người chúng con:

“Nếu con nhận ra hồng ân của Thiên Chúa!”

Chúa chính là gương mặt hữu hình của Chúa Cha vô hình,

Đấng biểu lộ quyền năng của Ngài

trước hết bằng sự tha thứ và lòng thương xót.

***

Xin làm cho Hội Thánh

phản chiếu gương mặt hữu hình của Chúa trên trái đất này.

Chúa là Đấng phục sinh vinh hiển.

Chúa đã muốn các thừa tác viên của Chúa

cũng mặc lấy sự yếu đuối

để có thể cảm thông với những người mê muội lầm lạc,

xin làm cho tất cả những ai tiếp cận với các ngài

đều cảm thấy họ đang được Thiên Chúa

quan tâm, yêu mến và thứ tha.

***

Xin sai Thần Khí Chúa đến

xức dầu thánh hiến mỗi người chúng con,

để Năm Thánh Lòng Thương Xót này

trở thành năm hồng ân của Chúa cho chúng con;

và để Hội Thánh Chúa, với lòng hăng say mới,

có thể mang Tin Mừng đến cho người nghèo,

công bố sự tự do cho các tù nhân và những người bị áp bức,

trả lại ánh sáng cho kẻ mù lòa.

Lạy Chúa Giêsu,

nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria, Mẹ của lòng thương xót,

xin ban cho chúng con những ơn chúng con đang cầu xin.

Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị cùng Chúa Cha

và Chúa Thánh Thần đến muôn đời.

Amen.

Đức giáo hoàng Phanxicô

Có thể cầu nguyện với phương pháp suy niệm (nhớ, suy và để cho mình được đánh động)  trong cầu nguyện, có thể hướng đến chiều kích chiêm niệm (nhìn, nghe và quan sát) tùy theo nội dung, nhất là ở điểm 1 về các trình thuật Tin Mừng.

Dẫn nhập: “Lạy Chúa Giê-su Ki-tô… thấy Chúa Cha”

Điểm 1: Dung nhan của Đức Giê-su Ki-tô: “Xin tỏ cho chúng con…lòng thương xót”

Điểm 2: Hội Thánh, phản chiếu gương mặt của Đức Ki-tô: “Xin làm cho Hội Thánh… yêu mến và thứ tha”

Điểm 3: Thần Khí xức dầu thánh hiến: “Xin sai Thần Khí… cho kẻ mù lòa”

Kết luận: “Lạy Chúa Giê-su… Amen”.

Mở đầu và kết thúc

Lời kinh mở đầu và kết thúc bằng lời kêu cầu hướng tới Đức Ki-tô: “Lạy Chúa Giê-su Ki-tô… Lạy Chúa Giê-su”.

Đức Giê-su dạy chúng ta phải có lòng thương xót như “Cha trên Trời”; Người không chỉ dạy chúng ta phải nên giống Chúa Cha, nhưng Người còn là hiện thân của Chúa Cha: “Ai thấy Đức Giê-su Ki-tô là thấy Chúa Cha”

Và Đức Maria là “Mẹ của lòng thương xót”. Như thế, Mẹ vừa được tôn vinh là Đấng sống trọn vẹn lời dạy của Chúa Giê-su, và vì thế, vừa được kêu xin để chuyển cầu cho chúng ta, để chúng ta cũng là những “người con của lòng thương xót”.

Điểm 1: Dung nhan của Đức Giê-su Ki-tô: “Xin tỏ cho chúng con…lòng thương xót”

– Ơn nhận ra dung nhan của Đức Ki-tô mang lại “cứu độ”: có thể nhớ lại kinh nghiệm chiêm ngắm các mầu nhiệm Đức Ki-tô trong Tin Mừng:

Đức Ki-tô và ông Gia-kêu

Đức Ki-tô và thánh Mát-thêu

Đức Ki-tô và người đàn bà ngoại tình

Đức Ki-tô và thánh Maria Magdala

Đức Ki-tô và thánh Phê-rô trong cuộc Thương Khó

Đức Ki-tô và kẻ trộm có lòng hối cải

Đức Ki-tô và người phụ nữ Samaria: “Nếu con nhận ra hồng ân của Thiên Chúa”: Chúa nói với tôi? Và đâu là những hồng ân, tôi được mời gọi nhận ra?

– Đức Ki-tô chính là gương mặt của Chúa Cha.

– Đấng (Chúa Cha) biểu lộ quyền năng trước hết bằng sự tha thứ và lòng thương xót: nơi lịch sử cứu độ? Nơi Đức Ki-tô, nhất là nơi Đức Ki-tô chịu thương khó và chịu đóng đinh? Nơi đời tôi?

Điểm 2: Hội Thánh, phản chiếu gương mặt của Đức Ki-tô: “Xin làm cho Hội Thánh… yêu mến và thứ tha”

– Xin ơn: Hội thánh phản chiếu gương mặt của Đức Ki-tô trên trái đất. Cùng với Hội Thánh là “các tác viên của Chúa”: đó là ai? Chúa muốn gì? Chúng ta ước ao và xin Chúa điều gì?

– Để Giáo Hội phản chiếu gương mặt của Người trên trái đất, Đức Ki-tô muốn các thừa tác viên của Người “cũng mặc lấy sự yếu đuối” để cảm thông với người khác và muốn họkinh nghiệm thiết thân được Người “quan tâm, yêu mến và tha thứ”, để làm cho người khác cảm thấy chính họ được Thiên Chúa “quan tâm, yêu mến và tha thứ”.

– “Chúa là Đấng Phục Sinh vinh hiển”: tại sao Đức Thánh Cha nhắc lại xác tín nền tảng này của Đức Tin ở đây?

Điểm 3: Thần Khí xức dầu thánh hiến: “Xin sai Thần Khí… cho kẻ mù lòa”

– Xin Thần Khí của Đức Ki-tô đến “xức dầu và thánh hiến mỗi người chúng con”: Có thể nhớ lại và xin Thần Khí làm mới lại bí tích Thêm Sức, Chức Thánh, Lời Khấn Thánh Hiến của chúng ta.

– Để cho Năm Thánh Lòng Thương Xót trở thành:

Hồng Ân: tôi có ước ao, xin ơn và nhận ra hồng ân của Năm Thánh chưa?

Hội Thánh sống hồng ân: “Loan báo Tin Mừng cho người nghèo với lòng hăng say mới; công bố sự tự do cho các tù nhân, trả lại ánh sáng cho kẻ mù lòa”: tôi hiểu, ước ao và sống sứ mạng này như thế nào?

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

Nguồn:dongten.net

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …