Home / Chia Sẻ / CẦU NGUYỆN ĐI TÌM MỘT CHIỀU SÂU

CẦU NGUYỆN ĐI TÌM MỘT CHIỀU SÂU

cauNguyenBài thứ nhất trong loạt bốn bài mùa Vọng về cầu nguyện

Trong những phút giây chiêm nghiệm sâu đậm, chúng ta cảm nhận tầm quan trọng của cầu nguyện; thế nhưng chúng ta lại gắng gỗ chật vật để cầu nguyện.  Cầu nguyện sâu đậm, bền bỉ chẳng dễ dàng đến với chúng ta.  Tại sao vậy?

Trước hết, chúng ta gắng gỗ chật vật để sắp xếp thì giờ cầu nguyện.  Buổi cầu nguyện chẳng tựu thành được điều gì thực tế cho chúng ta, đó là phí phạm thì giờ xét về mặt phải xoay xở giữa những áp lực và nhiệm vụ của đời sống hàng ngày, và vì thế chúng ta ngại đi tới đó.  Thêm vào đó, chúng ta thấy khó mà tin tưởng được buổi cầu kinh thật sự có tác dụng và đưa lại điều gì đó thực tế trong đời sống chúng ta.  Ngoài chuyện đó ra, chúng ta chật vật để tập trung cho được khi cố gắng cầu nguyện.  Một khi thu xếp ngồi xuống cầu nguyện, thì chẳng mấy chốc chúng ta thấy mình tràn ngập trong những mơ mộng hão huyền, những cuộc chuyện trò lỡ dở, những giai điệu nhớ nhớ quên quên, những vụ đau tim, lịch trình công việc, và những nhiệm vụ đang treo lơ lửng sẽ ùa đến ngay khi chúng ta đứng dậy khỏi nơi cầu nguyện.  Cuối cùng, chúng ta chật vật cầu nguyện bởi vì thật sự không biết nên cầu nguyện như thế nào.  Có thể chúng ta quen thuộc với nhiều hình thức cầu nguyện khác nhau, từ những buổi cầu kinh sùng đạo cho đến những kiểu thiền định khác nhau, nhưng thông thường chúng ta thiếu tự tin nên không nghĩ rằng cái cách cầu nguyện cụ thể của chính mình, với tất cả những điều làm phân tâm, sao nhãng và sơ suất trong đó, chính là kiểu cầu nguyện một cách sâu đậm.

Một trong những nơi chúng ta có thể nhờ cậy là Phúc âm thánh Luca.  Hơn bất cứ Phúc âm nào, Phúc âm thánh Luca là Phúc âm về cầu nguyện.  Trong Phúc âm này có nhiều nơi mô tả Chúa Giêsu cầu nguyện nhiều hơn ở tất cả các sách Phúc âm khác cộng lại.  Thánh Luca cho chúng ta thấy Chúa Giêsu cầu nguyện trong gần như tất cả trạng huống: Người cầu nguyện khi tràn đầy niềm vui, Người cầu nguyện khi đang trong cơn thống khổ; Người cầu nguyện với những người ở bên cạnh, và Người cầu nguyện khi một mình giữa đêm vắng, xa khỏi mọi mối liên hệ với con người.  Người cầu nguyện trên núi, ở nơi thiêng liêng, ở bình địa, nơi cuộc sống bình thường diễn ra.  Trong Phúc âm của thánh Luca, Chúa Giêsu cầu nguyện rất nhiều.  Và các môn đồ của người hiểu rõ bài học này.  Họ cảm nhận rằng chiều sâu và sức mạnh thật sự của Chúa Giêsu được khởi từ cầu nguyện của Người.  Họ biết rằng điều khiến Người đặc biệt như vậy, hết sức khác những nhân vật tôn giáo khác như vậy, là vì Người được kết nối ở một nơi sâu sắc nào đó với một quyền năng nằm ngoài thế giới này.  Và họ cũng muốn họ được như vậy.  Đó là lý do tại sao họ đến gặp Chúa Giêsu và xin: “Xin Chúa dạy cho chúng con cầu nguyện!”

Nhưng chúng ta cần cẩn thận để không bị hiểu sai điều gì đã thu hút họ như vậy, và họ mong mỏi gì khi xin Chúa Giêsu dạy họ cầu nguyện.  Họ cảm nhận cái mà Chúa Giêsu lấy được từ chiều sâu cầu nguyện của mình trước hết không phải là quyền năng để làm phép lạ hay để làm câm bặt các kẻ thù của mình bằng một kiểu trí thông minh siêu việt nào đó.  Điều khiến họ cảm động và điều họ cũng muốn cho cuộc sống của chính mình là chiều sâu và lòng khoan dung độ lượng của tâm hồn Người.

Sức mạnh mà họ khâm phục và mong muốn là sức mạnh của chúa Chúa Giêsu trong yêu thương và tha thứ kẻ thù thay vì làm bẽ mặt và chà đạp họ.  Điều họ mong muốn là sức mạnh của Chúa Giêsu để chuyển hóa một không gian, không phải bằng một hành động phép lạ nào đó, mà bằng sự trong trắng và tính chất dễ bị tổn thương như thể khiến mọi người đều hạ vũ khí, cũng như sự có mặt của một đứa bé khiến cho mọi người quan tâm để ý đến cách cư xử và lời nói của mình.  Điều họ muốn là sức mạnh từ bỏ cuộc đời trong sự tự hy sinh, kể cả khi có được khả năng đáng ghen tị là tận hưởng những niềm vui thú của cuộc đời mà không bị tội lỗi.  Điều họ muốn là sức mạnh tấm lòng quảng đại của Chúa Giêsu, để thương yêu vượt ra bên ngoài dòng tộc mình, và thương yêu người giàu lẫn người nghèo, thương yêu từ trong lòng nhân từ, vui vẻ, bình an, kiên nhẫn, tốt lành, chịu đựng, trung tín, nhẹ nhàng, và trinh bạch, bất chấp mọi thứ trong đời ngăn cản những đức hạnh này.  Điều họ mong muốn là từ chiều sâu và lòng bao dung độ lượng trong tâm hồn Chúa Giêsu.

Và họ nhận ra rằng cái sức mạnh này không phải đến từ bên trong Người, mà từ một nguồn cội bên ngoài Người.  Họ thấy Người kết nối với một nguồn cội sâu xa thông qua cầu nguyện, thông qua việc liên tục nâng cao lên đến với Chúa vốn ở trong tâm trí Người.  Họ thấy điều đó và họ cũng muốn mối-liên-hệ-chiều-sâu đó cho chính mình.  Vì vậy họ xin Chúa Giêsu dạy họ cầu nguyện.

Rốt cùng, chúng ta cũng muốn có được chiều sâu và lòng khoan dung độ lượng của Chúa Giêsu trong đời sống của chính mình.  Giống như các môn đồ của Chúa Giêsu, chúng ta cũng biết rằng chúng ta chỉ có thể đạt được điều này thông qua cầu nguyện, thông qua tiếp cận một sức mạnh nằm ở bên trong chiều sâu sâu thẳm nhất của tâm hồn mình và vượt ra khỏi tâm hồn mình.  Chúng ta cũng biết rằng con đường dẫn đến chiều sâu đó nằm ở cuộc hành trình vào nội tâm, trong im lặng, thông qua cả nỗi đau đớn lẫn thầm lặng, hỗn loạn và bình an, con đường sẽ hiện ra với chúng ta khi ta lắng mình để cầu nguyện. 

Trong những giây phút chiêm nghiệm sâu xa, và những phút giây tuyệt vọng, chúng ta đều cảm thấy cần phải cầu nguyện và cố gắng đi đến chỗ sâu xa đó.  Nhưng, vì chúng ta thiếu lòng tin tưởng và thiếu thực hành, nên chúng ta gắng gỗ chật vật để tới đó.  Chúng ta không biết cầu nguyện như thế nào hay làm sao để duy trì việc cầu nguyện bền bỉ.

Nhưng như vậy chúng ta đang song hành với các môn đồ của Chúa Giêsu.  Và thế là, một khởi đầu tốt sẽ là nhận ra chúng ta cần cái gì và tìm ra nó ở đâu.  Chúng ta cần bắt đầu với một lời nài xin khẩn thiết: Xin Chúa dạy cho chúng con cầu nguyện!

Rev. Ron Rolheiser, OMI

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN