Home / Chia Sẻ / CẦU NGUYỆN CHIÊM NIỆM

CẦU NGUYỆN CHIÊM NIỆM

 

CẦU NGUYỆN CHIÊM NIỆMCầu nguyện chiêm niệm, đã có từ lâu và được thực hành phổ biến, ngày nay lại là chủ đề khá bị hoài nghi với nhiều nhóm người.  Ví dụ như, phương pháp cầu nguyện thường được gọi là Quy thần niệm, được nhiều người như Thomas Keating, Basil Bennington, John Main, và Laurence Freeman phổ biến, giờ lại bị nhiều người hoài nghi xem như một thứ gì đó gắn với phong trào “New Age,” Phật giáo, phong trào “Tìm Bản ngã” hay thậm chí là vô thần.

 

Phải thừa nhận, không phải tất cả người tán thành và thực hành kiểu cầu nguyện này đều tránh được những xung lực đó, nhưng chắc chắn, những người cầu nguyện đích thực sẽ không vướng phải.  Hiểu và thực hành đúng đắn phương pháp cầu nguyện với nhiều biến thể này, chính là điều mà các Đan phụ Sa mạc, Gioan Thánh Giá, và tác giả quyển Đám mây Vô thức [Cloud of Unknowing] gọi là Chiêm niệm.

 

Theo truyền thống Kitô giáo kinh điển, Chiêm niệm là gì?  Với những biện giải theo truyền thống của thánh Inhaxiô thành Loyola, chiêm niệm là cầu nguyện mà không có hình ảnh hay tưởng tượng, nghĩa là cầu nguyện mà không cố tập trung suy nghĩ và cảm giác vào Thiên Chúa hay những sự thánh thiện.  Chiêm niệm là cầu nguyện một mình với ý hướng hiện diện với Thiên Chúa mà thôi, và bỏ qua mọi thứ khác, kể cả những suy tư sốt sắng hay những cảm giác thánh thiện, để rồi đơn giản ngồi trong bóng tối, trong một sự vô thức có chủ ý sao cho không thúc đẩy hay tận hưởng mọi suy nghĩ, tưởng tượng và cảm giác về Thiên Chúa, và mọi suy nghĩ cảm giác khác nữa.  Trong quyển Đám mây Vô thức, chiêm niệm là sự đơn thuần vươn thẳng tới Chúa.

 

Trong cầu nguyện chiêm niệm, sau một hồi tĩnh tại, một hành động nội tâm để tập trung bản thân vào trong cầu nguyện, người ta cứ thế ngồi yên, với ý định vươn thẳng đến Thiên Chúa trong một không gian vượt ngoài cảm giác và tưởng tượng, chờ đợi hiện thực không thể tưởng tượng nổi của Thiên Chúa đến với mình theo một cách mà những cảm giác, suy nghĩ và tưởng tượng chủ quan không tài nào đem lại được.

 

Và đây chính là điểm mà người ta thường hiểu lầm và chỉ trích cầu nguyện chiêm niệm.  Họ đặt vấn đề rằng: Tại sao ta không cố thúc đẩy và chìu theo những suy nghĩ thánh thiện và cảm giác sốt sắng.  Đấy không phải là điều ta cố làm khi cầu nguyện hay sao?  Làm sao ta có thể cầu nguyện khi cứ ngồi yên đó, chẳng làm gì?  Đây có phải là một dạng của thuyết bất khả tri không?  Làm sao ta gặp được một Thiên Chúa thực thể yêu thương khi cầu nguyện như thế?  Chẳng phải đây đơn thuần là một dạng suy niệm biến thể kiểu như yoga tinh thần hay tìm kiếm bản ngã?  Trong việc cầu nguyện như thế, Chúa Giêsu ở đâu?

 

Tôi sẽ để tác giả quyển Đám mây Vô thức trả lời điều này: “Khi thực hành trong bóng tối và đám mây vô thức này, khi chỉ có nơi mình một xung lực yêu mến dành cho Thiên Chúa, thật không thích hợp và đầy chướng ngại để người ta nhìn nhận bất kỳ suy nghĩ hay suy niệm nào về những ơn ban, sự nhân từ và công trình của Thiên Chúa, để nâng lòng lên nhằm ghép chặt bản thân với Chúa, dù cho đó là những suy nghĩ rất thánh thiện đem lại hạnh phúc và an ủi rất nhiều cho người đó.  Bao lâu linh hồn còn chìm trong thân xác sẽ chết này, thì sự rõ ràng trong nhận thức của ta khi chiêm niệm mọi sự thiêng liêng, nhất là chiêm niệm về Thiên Chúa, luôn luôn bị xáo trộn với một dạng tưởng tượng khác.”  Ta không thể tưởng tượng Thiên Chúa, ta chỉ có thể biết Thiên Chúa.

 

Về căn bản, ý niệm này nghĩa là đừng bao giờ nhầm lẫn hình tượng với thực tế.  Thiên Chúa là không thể dò thấu, và do đó mọi sự ta nghĩ hay tưởng tượng về Thiên Chúa đều là một hình tượng, mà ngay cả những lời trong kinh thánh cũng chỉ là những lời về Thiên Chúa chứ không phải là hiện thực của Thiên Chúa.  Phải thừa nhận, các hình tượng là tốt đẹp, miễn sao chúng ta hiểu cho đúng về chúng, miễn sao chúng hướng chúng ta về một hiện thực cao hơn chúng.  Nhưng nếu chúng ta xem chúng là hiện thực, một cám dỗ mà ta luôn vướng phải, thì hình tượng trở thành ngẫu tượng.

 

Sự khác biệt giữa suy niệm và chiêm niệm là thế này: Trong suy niệm, chúng ta tập trung vào hình tượng, vào Thiên Chúa, hay đúng ra là Thiên Chúa trong suy nghĩ, tưởng tượng, và cảm giác của ta.  Trong chiêm niệm, các hình tượng được xem là ngẫu tượng, và chúng ta ngồi đó trong bóng tối, bên dưới đám mây vô thức, cố gắng đối diện với một hiện thực quá lớn lao mà ta không thể nắm bắt cho dù có dùng đến tưởng tượng.  Suy niệm như một hình tượng, là điều gì đó hữu dụng trong một thời gian, nhưng đến cuối cùng, chúng ta đều được kêu gọi hướng đến chiêm niệm.  Như quyển Đám mây Vô thức đã nói: “Chắc chắn, ai tìm kiếm để có trọn Thiên Chúa sẽ không nghỉ lại nơi việc nhận thức về bất kỳ thiên thần hay các các thánh trên trời nào.”

 

Karl Rahner cũng đồng ý rằng: “Ta đã cố gắng để yêu mến Thiên Chúa trong những lúc không cuốn theo ngọn sóng xuất thần trào dâng, những lúc không thể nhầm lẫn bản thân mình với xung lực sự sống hướng đến Thiên Chúa, những lúc chấp nhận chết đi vì một tình yêu có vẻ như cái chết và hoàn toàn tiêu cực, khi chúng ta kêu lên từ sự trống rỗng và vô thức tột cùng?”

 

Nói tóm lại, đấy chính là cầu nguyện chiêm niệm, cầu nguyện thật sự hướng về Thiên Chúa.

 

Rev. Ron Rolheiser, OMI – J.B. Thái Hòa chuyển dịch

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …