Home / Giải đáp thắc mắc / Cầu Nguyện cách nào cho được đẹp lòng Chúa

Cầu Nguyện cách nào cho được đẹp lòng Chúa

 

Đây là câu hỏi cần được trả lời dưới ánh sáng của đức tin lành mạnh.

Đúng thế, trước hết phải nói lại rằng cầu nguyện là một nhu cầu tối thiết, không thể thiếu được trong đời sống của người tín hữu nói riêng và của Giáo Hội nói chung, vì chỉ có cầu nguyện mới đem ta lại gần Thiên Chúa, là Cha nhân từ đầy yêu thương và “muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý”  (1Tm 2:4).

Hơn thế nữa, cầu nguyện cũng để nói lên niềm tin có Chúa là Cha nhân từ, luôn lắng nghe mọi lời con cái loài người cầu xin và rộng lòng ban ơn cứu giúp, mặc dù không ai có công trạng hay xứng đáng khiến Chúa phải ban ơn đền bù… Do đó, dù không xem thấy Chúa bằng con mắt trần tục, nhưng càng siêng năng cầu nguyện thì càng gia tăng niềm tin yêu Chúa, yêu tha nhân và dễ xa lánh tội lỗi, do ma quỷ xúi dục và gương xấu dịp tội đầy rẫy trong môi trường xã hội.

Trong cầu nguyện có phần cầu xin (petition) để qua đó chúng ta xin Chúa ban cho những ơn cần thiết hầu giúp cho sự thăng tiến siêu nhiên và cho những nhu cầu chính đáng của thân xác như có công ăn việc làm tốt để nuôi sống bản thân và gia đình, có sức khỏe tốt để sống và làm việc v.v

Chính vì sự cần thiết phải cầu nguyện và cầu xin mà Chúa Giêsu đã dạy các Tông Đồ xưa như sau:

“Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15:5).

“KHÔNG CÓ THẦY ANH EM CHẲNG LÀM GÌ ĐƯỢC” có nghiã là nếu không có ơn Chúa phù giúp thì ta chẳng làm được gì hữu ích cho phần rỗi của mình, cũng như có đủ sức để vượt qua mọi khó khăn, gian nan thử thách để sống vui sống khỏe trong trần thế này.

Như vậy, cầu xin Chúa cho được bình an, có công ăn việc làm tốt, và có sức khỏe để sống và làm việc là điều chính đáng không có gì phải chê trách.

Liên quan đến đến việc chữa lành cho khỏi bệnh tật, chúng ta nhớ ngay đến việc Chúa Giêsu, khi đi rao giảng Tin Mừng cứu độ, cũng đã chữa lành cho biết bao người phong cùi, câm điếc, mù què và bị quỷ ám, cũng như làm phép lạ để hóa bánh và cá ra nhiều cho hàng ngàn người đói ăn no nê. Chúa chữa lành cho các bệnh nhân nan y để nói lên Người là Thiên Chúa và có thể làm những việc con người không thể làm được như chữa lành cho những người đui mù, câm điếc và phong cùi, là những bệnh nan y mà ngày nay y khoa tân tiến cũng phải bó tay, nói chi cách nay trên 2000 năm. Chúa chữa cho họ được lành cũng để nói lên lòng thương xót, cảm thông nỗi đau khổ của những người kém may mắn đó.

 Tuy nhiên, mục đích của Chúa đến trần gian không phải chỉ để chữa lành cho thân xác con người mà chủ yếu là để chữa lành cho tâm hồn của cả nhân loại đang bị vi trùng tội lỗi đục phá và đe dọa cho sự sống của linh hồn. Và đây chính là lý do khiến Chúa Giêsu đã hạ mình từ trời cao xuống trần gian làm Con Người để “hy sinh mạng sống mình làm giá chuộc cho muôn người” (Mt 20:28).

Đó là lý do tại sao Chúa đã không gọi và gom tất cả những ai bị bệnh tật trong thân xác đến để chữa lành hết cho họ mà chỉ chữa tượng trưng cho một số nào mà thôi, trong khi Người dành phần lớn thì giờ trong ba năm công khai rao giảng Tin Mừng Cứu độ để kêu gọi mọi người hãy “sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1:15), và hãy đi “qua cửa hẹp mà vào vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong mà nhiều người lại đi qua đó. Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy” (Mt 7:13-14).

“VÀO QUA CỬA HẸP VÀ ĐƯỜNG CHẬT” có nghĩa là phải khép mình chống lại những khuynh hướng xấu còn tồn tại trong bản năng để yêu mến Chúa trên hết mọi sự và xa tránh tội lỗi vì chỉ có tội mới có thể làm cho con người phải chết đời đời, vì xa cách Thiên Chúa là nguồn an vui, hạnh phúc vĩnh cửu.

Do đó, chúng ta cần ơn Chúa để thực thi những gì Người đã rao giảng hầu được cứu độ như lòng Chúa mong muốn. Như thế, cầu nguyện là nhu cầu tối cần thiết cho mọi người tín hữu muốn thêm lòng yêu mến Chúa và có đủ sức để sống đức tin, đức cậy và đức mến cách nồng nàn bao lâu còn sống trên trần gian này. Và như đã nói ở trên, cầu xin là một phần quan trọng của cầu nguyện. Nhưng khi cầu xin Chúa ban cho bất cứ ơn gì thì chúng ta phải noi gương Chúa Kitô, khi Người cầu xin cùng Chúa Cha trước giờ bị trao nộp và tử nạn như sau: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cho Con khỏi uống chén này. Tuy vậy, đừng làm theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Lc 22:42; Mt 26:39; Mc 14:36).

Mặt khác, Chúa Giêsu cũng dạy các Tông Đồ xưa và tất cả chúng ta ngày nay phải cầu xin Chúa Cha nhân danh Chúa Con như sau:

Thật Thầy bảo thật anh em: anh em mà xin Chúa Cha điều gì, thì Người sẽ ban cho anh em nhân danh Thầy“ (Ga 16:23).

 Như thế, cầu nguyện và cầu xin theo  ý Chúa Cha, nhân danh Chúa Con là cách cầu nguyện đẹp lòng Chúa Cha và chắc chắn được Người ban ơn cho ta. Tuy nhiên, khi cầu xin bất cứ ơn gì, ta phải tránh hai thái cực sau đây:

1. Trông cậy Chúa cách thái quá hay mù quáng

Thí dụ như không thận trọng lái xe mà cứ tin có Chúa che chở để lơ là khiến xẩy ra tai nạn. Xin Chúa gìn giữ che chở khi đi đường là điều tốt, nhưng về phần mình vẫn phải cố gắng lái xe cho cẩn thận, tuân giữ luật lưu thông để tránh tai nạn cho mình và cho người khác. Cũng vậy, không thể trông cậy có Chúa che chở để không đóng cửa nhà hay khóa xe cẩn thận khiến kẻ gian có thể đột nhập ăn trộm và giết hại chủ nhà. Đặc biệt, khi đau ốm thì phải tìm thầy thuốc, và uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ, vì chính qua các phương tiện con người này, mà Chúa ban ơn cho bệnh nhân cầu xin cho được lành khỏe. Như thế, ai đau yếu mà chỉ cầu xin cho được khỏe mà không dùng những phương tiện cần thiết sẵn có như thuốc men theo y khoa thì đó là trông cậy Chúa cách mù quáng chứ không phải là sống đức tin, đức cậy cách trưởng thành và vững chắc…

Đây chính là tội mà tên quỷ đã cám dỗ Chúa Giêsu khi Người ăn chay trong rừng vắng.

Quỷ đã đưa Chúa lên một nơi cao và nói với Chúa: “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì hãy đứng đây mà gieo mình xuống đi, vì có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ gìn giữ bạn, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng cho bạn khỏi vấp chân vào đá”. Bấy giờ Chúa Giêsu đáp lại: Đã có lời chép rằng: ngươi chớ thử thách Đức Chúa, là Thiên Chúa của ngươi” (Mt 4:5-7; Lc 4:12).

Như vậy, rõ ràng cho thấy là không được cầu xin và cậy trông Chúa mà không làm gì về phần mình để cộng tác với ơn Chúa. Nghĩa là không thể khoán trắng cho Chúa làm hết mọi sự cho mình, mặc dù Chúa có thể làm hết, nhưng Chúa vẫn muốn ta phải tỏ thiện chí và làm hết sức mình trong niềm cậy trông ơn Chúa phù giúp thì đó mới là trông cậy Chúa cách đẹp lòng Người để đáng được nhậm lời ta cầu xin… Nói rộng thêm nữa, công nghiệp của Chúa Kitô là quá đủ cho con người được cứu rỗi, nhưng nếu ai ỷ lại vào đây để cứ phạm tội, cứ sống theo thể gian và xác thịt thì chắc chắn Chúa không thể cứu người ấy được, như Chúa đã nói rõ với các môn đệ Người xưa kia như sau:

“Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: Lạy Chúa, lạy Chúa là được vào Nước Trời cả đâu, nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên Trời mới được vào mà thôi” (Mt 7:21).

Sau nữa, cũng cần nói thêm là ta không được trông cậy để cầu xin những ơn không cần thiết, không chính đáng và thiếu bác ái như: xin cho có sức mạnh để hạ đo ván đối thủ trên võ đài, xin cho mình được buôn bán phát đạt, mặc dù hàng hóa của mình có nhiều món làm giả mạo, hay thực phẩm mình bán có pha chế chất độc hại cho sức khỏe của thực khách, hoặc xin cho được trúng số, trúng “cá độ” để có nhiều tiền của danh vọng ở đời. Đây là những nhu cầu bất chính của lòng tham vô đáy, thiếu bác ái và lương tâm ngay chính. Cần nói  lại là đấu võ (boxing) là một trò chơi nguy hiểm mà Giáo Hội lên án vì có phương hại cho sự sống của mình và của người khác. Chúa sẽ không bao giờ ban những ơn không có ích cho phần hồn và phần xác của ai, cho dù người ta có xin và trông cậy đến đâu thì cũng vô ích mà thôi.

2. Thiếu trông cậy khi cầu xin:

Ngược lại, nếu ta cầu xin Chúa điều gì mà không thực sự có lòng trông cậy thì cũng không đẹp lòng Chúa vì thiếu lòng trông cậy có nghĩa là thiếu tin tưởng vào lòng nhân hậu và cảm thông của Chúa cho những nhu cầu chính đáng về phần rỗi của linh hồn và cho một đời sống xứng hợp với nhân phẩm như có của ăn, áo mặc, nhà ở, sức khỏe và bình an để sống và làm việc.

Tóm lại, cầu nguyện và cầu xin là nhu cầu tối cần cho mọi người tín hữu chúng ta, vì ta rất cần ơn Chúa để sống đức tin và sống xứng đáng thân phận con người trong trần thế này. Nhưng khi cầu xin bất cứ ơn gì, – mà phải là ơn thực sự cần thiết cho hồn xác của mình hay cho người khác – ta phải tránh hai thái cực nói trên. Nghĩa là không được cầu xin và trông cậy cách mù quáng như ốm đau mà không cần y khoa chữa trị dù sẵn có tiền bạc, mà chỉ cầu xin Chúa “làm phép lạ” cho khỏi bệnh. Hoặc chỉ trông cậy Chúa che chở mà không chú ý lái xe khiến gây tai nạn cho mình và cho người khác… Hay không chịu khó học hành mà chỉ cầu xin cho được điểm cao và thi đậu. Chúa không bao giờ “làm phép lạ” cho những ai trông cậy cách mù quáng như vậy.

Ước mong giải đáp trên thỏa mãn câu hỏi được đặt ra.

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …