Home / Chia Sẻ / CÂU CHUYỆN VỀ PHÊRÔ và PHAOLÔ

CÂU CHUYỆN VỀ PHÊRÔ và PHAOLÔ

unnamedTHÁNH PHÊRÔ (+64?)

Nửa đầu Tin Mừng Thánh Máccô kết thúc với cao trào chiến thắng. Ông ghi lại sự nghi ngờ, sự hiểu lầm và sự chống đối của nhiều người đối với Chúa Giêsu. Lúc đó Phêrô tuyên xưng đức tin: “Thầy là Đấng Kitô.” (Mc 8:29b) Đó là một trong nhiều khoảnh khắc huy hoàng trong đời Phêrô, bắt đầu từ ngày ông được gọi ở Biển Galilê để trở thành ngư phủ lưới người cho Chúa Giêsu.

Tân Ước cho thấy rõ Phêrô là thủ lãnh của các tông đồ, được Chúa Giêsu chọn để có mối liên hệ đặc biệt với Ngài. Cùng với Giacôbê và Gioan, ông có đặc ân được chứng kiến sự biến hình của Chúa, sự sống lại của đứa trẻ đã chết, sự hấp hối của Chúa trong Vườn Dầu, nhạc mẫu của ông được chữa lành. Ông được sai đi cùng với Gioan để chuẩn bị cho Lễ Vượt Qua cuối cùng trước khi Chúa Giêsu chịu chết. Tên ông đứng đầu danh sách các tông đồ.

Chúa Giêsu nói với Phêrô: “Này anh Simôn con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.” (Mt 16:17-19)

Nhưng các Phúc Âm chứng minh tính đáng tin cậy bằng những chi tiết không tâng bốc về Phêrô. Rõ ràng ông không có mối quan hệ công chúng. Thật là niềm an ủi lớn lao cho phàm nhân bình thường khi biết rằng Phêrô cũng có sự yếu đuối của con người, ngay cả khi có sự hiện diện của Chúa Giêsu.

Phêrô sẵn sàng từ bỏ mọi thứ, nhưng ông có thể hỏi với lòng tự trọng như con trẻ: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy. Vậy chúng con sẽ được gì?” (Mt 19:27) Ông lãnh trọn cơn giận của Chúa Kitô khi ông phản đối ý tưởng về một Đấng Thiên Sai chịu đau khổ: “Satan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.” (Mt 16:23)

Phêrô sẵn sàng chấp nhận học thuyết về sự tha thứ của Chúa Giêsu, nhưng đề nghị giới hạn bảy lần. (Mt 18:21-22) Ông đi trên mặt nước trong niềm tin, nhưng lại chìm trong sự nghi ngờ. (Mt 14:22-31) Ông không chịu để Chúa Giêsu rửa chân cho mình, rồi lại muốn được tẩy sạch toàn thân. (Ga 13:6-9) Trong Bữa Tiệc Ly ông thề rằng ông không bao giờ chối bỏ Chúa Giêsu, nhưng sau đó thề với người tớ gái rằng ông chưa bao giờ biết “người đàn ông” đó. (Ga 18:17) Ông trung thành chống lại nỗ lực bắt Chúa Giêsu bằng cách cắt tai của Mankhô, nhưng cuối cùng ông bỏ trốn với những người khác. (Ga 18:10) Trong sâu thẳm nỗi buồn của ông, Chúa Giêsu đã nhìn ông và tha thứ cho ông, rồi ông đi ra ngoài và rơi những giọt nước mắt cay đắng. (Lc 22:61-62) Chúa Giêsu Phục Sinh bảo ông hãy chăm sóc chiên của Ngài. (Ga 21:15-17)

THÁNH PHAOLÔ (+64?)

Nếu nhà truyền giáo nổi tiếng nhất ngày nay đột nhiên rao giảng rằng người ta nên áp dụng chủ nghĩa Mác và không dựa vào hiến pháp, thì phản ứng tức giận sẽ giúp chúng ta hiểu cuộc đời của Phaolô khi ông bắt đầu rao giảng rằng chỉ có Đức Kitô mới có thể cứu được chúng ta. Ông đã từng là người nhiệt huyết nhất trong số những người Pharisêu, luật sư theo chủ nghĩa hợp pháp của Môsê. Bây giờ ông đột nhiên xuất hiện trước những người Do Thái khác như một kẻ dị giáo chào đón dân ngoại, như một kẻ phản bội và bội giáo.

Niềm tin trọng tâm của Phaolô rất đơn giản và tuyệt đối: Chỉ có Thiên Chúa mới có thể cứu rỗi nhân loại. Không một nỗ lực nào của con người – ngay cả việc tuân thủ luật pháp một cách cẩn thận nhất – có thể tạo ra một điều tốt lành nào cho con người mà chúng ta có thể đem đến cho Thiên Chúa như là sự đền bù tội lỗi và đền đáp ân sủng. Để được cứu khỏi tội lỗi, khỏi ma quỷ và khỏi sự chết, nhân loại phải hoàn toàn mở lòng đón nhận quyền năng cứu độ của Chúa Giêsu.

Phaolô không bao giờ đánh mất tình yêu thương đối với gia đình Do Thái của ông, mặc dù ông đã tranh luận suốt đời với họ về sự vô dụng của luật pháp nếu không có Đức Kitô. Ông nhắc nhở dân ngoại rằng họ được ghép vào tổ tiên là người Do Thái, những người vẫn là tuyển dân của Thiên Chúa, là con cái của lời hứa.

SUY TƯ

Có lẽ chúng ta sẽ tuyên xưng với Phêrô sớm hơn bất kỳ người nào khác. Ông có lẽ là ví dụ nổi bật về sự thánh thiện đơn giản. Chúa Giêsu cũng nói với chúng ta như đã nói với Phêrô: “Không phải con chọn Thầy, mà chính Thầy đã chọn con. Không phải sự khôn ngoan của loài người khiến con tin, mà là sự mặc khải của Cha Thầy. Thầy xây dựng Giáo hội của Thầy chứ không phải con.”

Kinh nghiệm của Phaolô về Chúa Giêsu phục sinh trên đường Đamát là động lực khiến ông trở thành một trong những sứ giả nhiệt thành, năng động và can đảm nhất của Đức Kitô mà Giáo hội từng có. Nhưng bắt bớ, sỉ nhục và yếu đuối đã trở thành việc vác thập giá từng ngày của ông, là chất liệu để biến đổi thêm. Đức Kitô hấp hối ở trong ông, Đức Kitô hằng sống là cuộc sống của ông.

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ FranciscanMedia.org)

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …