Home / Chia Sẻ / CÂU CHUYỆN THA THỨ

CÂU CHUYỆN THA THỨ

Câu Chuyện Tha ThứTha thứ không phải là ban ơn cho người khác mà là tạo phúc cho chính mình. “The noblest revenge is to forgive – Sự trả thù cao quý nhất chính là tha thứ” (Thomas Fuller).

Cuộc sống phức tạp với những va chạm, mâu thuẫn khiến ta khó tránh khỏi những lúc không hài lòng với nhau, gây tổn thương cho nhau. Tuy nhiên, người xưa vẫn dạy rằng “lùi một bước biển rộng trời trong”. Vậy sức mạnh nào có thể cho ta dũng khí để “lùi một bước” trong những va chạm như thế?

Vào một ngày cuối tuần, hai mẹ con tôi quyết định ra ngoài ăn tối để chào mừng sự kiện con gái tôi tốt nghiệp về nước. Trong một quán ăn nhỏ nhưng vô cùng ấm cúng và thanh lịch giữa Thượng Hải phồn hoa, mỹ lệ, một cô gái trẻ phụ trách mang đồ ăn tới cho chúng tôi.

Cô gái trẻ tập trung bê đĩa thức ăn, cẩn thận len qua lối đi chật hẹp trong quán. Nhưng khi vừa đến chỗ chúng tôi, đĩa cá hấp không may bị nghiêng và nước sốt cá đổ cả lên chiếc cặp da của tôi đặt trên ghế. Vừa tiếc chiếc cặp da đắt tiền, vừa bực mình vì cách làm việc vụng về và không chuyên nghiệp, tôi ngay lập tức nhăn mặt khó chịu và nổi giận, chuẩn bị la mắng cô bé ấy.

Thế nhưng khi tôi chưa kịp hành động gì thì con gái tôi đã nhanh chóng đứng dậy, ngay lập tức nở một nụ cười dịu dàng và tươi tắn nhìn cô gái. Vỗ vai cô phục vụ bàn, con bé nói để cô gái bình tĩnh trở lại và không quá lo lắng: “Chuyện nhỏ thôi, không sao đâu. Chị làm việc tiếp đi”.

Những đường nét trên khuôn mặt cô gái chuyển từ hoảng hốt, lo lắng sang ngỡ ngàng và lúng túng, cô bé nhẹ nhàng và lịch sự nói với chúng tôi: “Tôi thực sự xin lỗi. Tôi sẽ đi lấy khăn để lau”.

Nhưng con gái tôi lập tức đáp lại: “Không có vấn đề gì đâu. Chúng tôi mang về nhà lau sạch là được. Chị cứ tiếp tục công việc của mình đi, không cần phải đặt nặng tâm vào chuyện này đâu”.

Mọi cử chỉ, ngôn hành của con gái khiến tôi không thể lý giải được. Tôi cảm thấy mình như một quả khí cầu chứa đầy sự khó chịu, tức giận, oán trách, một quả khí cầu được bơm căng tới mức muốn phát nổ nhưng lại không thể nổ được. Tôi ngồi ăn tối trong hậm hực, kìm nén và tất cả những món ngon lành và đắt đỏ trên bàn bỗng trở nên đắng ngắt trong miệng tôi.

Rời khỏi quán ăn, con gái đề nghị chúng tôi đi bộ trở về nhà. Con gái một tay cần chiếc túi đã dính bẩn của tôi, một tay nắm tay tôi. Đã từ lâu tôi không cho mình những giây phút thanh thản để nhìn ngắm, để hòa mình vào nét cổ kính yêu kiều của Thượng Hải. Đã từ lâu tôi quẩn quanh trong những bức tường nơi làm việc, trong tính toán sổ sách và những lo toan cho cuộc sống của tôi, cho sự sung túc của cả gia đình. Những nụ cười của tôi cũng héo tàn dần, những cái nhăn mặt, nhíu mày ngày càng nhiều hơn.

Chúng tôi bước đi trên con phố dài rộng và không quá tấp nập. Con gái bắt đầu kể cho tôi nghe về cuộc sống ba năm là du học sinh tại Anh của nó. Từ nhỏ, con gái được cả nhà cưng chiều và bao bọc, chưa từng phải làm một công việc gì, cũng không bao giờ chịu đựng thua thiệt so với bạn bè trang lứa. Tuy vậy, nó lại luôn là một cô bé ngoan ngoãn và rất tự lập, luôn có những mục tiêu phấn đấu cho riêng mình, không muốn dựa dẫm vào tình thương của cha mẹ để hưởng thụ.

Ba năm du học tại London, con gái chỉ về nhà một lần duy nhất, vì con bé dành toàn bộ thời gian trong các kỳ nghỉ đi làm thêm, đi du lịch và khám phá. Lần trở về này, tôi hoàn toàn bất ngờ với vẻ hoạt bát nhanh nhẹn và trưởng thành của con. Nhưng có lẽ những điều con gái chia sẻ vào đêm hôm ấy đã thay đổi tất cả những quan niệm và tính cách bấy lâu nay của tôi, là điều tôi hoàn toàn không thể ngờ tới nhất.

Bước từng bước thong dong, con gái vừa nhìn những bông hoa hồ điệp đang trở màu vàng óng bên đường, vừa bắt đầu kể chuyện:

“Những ngày đầu trải nghiệm cuộc sống ở nước Anh thật sự là một thử thách lớn đối với con mẹ ạ. Con làm thêm tại một nhà hàng sang trọng, nơi luôn có những yêu cầu rất cao và quy định chặt chẽ dành cho nhân viên. Mỗi ngày, con đều phải rửa rất nhiều ly rượu, ly uống nước. Đó không phải loại như ở nhà mình, loại ly ấy rất mỏng và cao, chỉ cần lơ đãng một chút là có thể khiến chúng thành một đống thủy tinh vụn.

Thái độ nghiêm túc và tinh thần tập trung cao độ luôn luôn là yêu cầu và cũng là điều kiện hàng đầu.. Có một lần, con vừa thả lỏng người một chút liền va vào một chiếc ly. Sau đó liên tục những tiếng xoảng, xoảng và cuối cùng, một hàng dài ly xếp trên bàn biến thành một đống vụn thủy tinh trên mặt đất.

Mẹ biết không, thời khắc đó con vô cùng hoảng loạn, sợ hãi và nghĩ mình sẽ chẳng còn cơ hội nào nữa. Nhưng người quản lý ca trực hôm ấy đã ngay lập tức chạy tới chỗ con, cô ấy lo lắng rằng con có thể bị mảnh vụn nào đó làm cho chảy máu. Cô ấy không những không trách móc, không quát mắng mà ngược lại còn nhờ những người khác tới giúp con dọn sạch đống thủy tinh ấy.

Lúc đó con đã bật khóc, nỗi hoảng sợ của con nhanh chóng chuyển sang sự cảm ân sâu sắc.

Hành động ngày hôm đó của các đồng nghiệp đã giúp con có thêm can đảm để đối mặt với sai lầm của mình, một sự việc tồi tệ đã biến thành cơ hội để con nhận ra ý nghĩa to lớn của việc chân thành giúp đỡ và bao dung với sai lầm, với những thiếu sót của người khác.

Một lần khác, con không may đánh đổ cà phê lên chiếc váy trắng của một vị khách. Cô ấy đang ngồi đợi đối tác của mình, và không gì bất tiện hơn việc váy áo dính bẩn trong hoàn cảnh ấy. Nhưng cô ấy đã an ủi con bằng những lời rành rọt, dịu dàng: “Không vấn đề gì, cà phê mà, không khó giặt”. Và cũng giống như những gì ngày hôm nay con đã làm, cô ấy không một chút khó chịu, không một chút phàn nàn, chỉ lặng lẽ vào nhà vệ sinh và gột sạch chiếc váy.

Mẹ à, bởi vì người khác đã bao dung với lỗi lầm của con, cho con cơ hội sửa chữa nên con mới có thể trở thành một người tốt đẹp hơn, trưởng thành hơn, sâu sắc hơn như bây giờ. Vậy nên mẹ hay coi những người khác như con gái của mẹ, HÃY THA THỨ CHO NHỮNG SAI LẦM CỦA HỌ, mẹ nhé”.

Có người vẫn cho rằng tha thứ quả là việc khó khăn trong đời, nhất là khi bản thân đã phải chịu tổn hại, chịu thiệt thòi. Chính vì vậy, bản thân những người không thể tha thứ luôn mang theo rất nhiều oán giận, buồn đau dù sự việc thực sự làm họ tổn thương đã lui vào quá khứ.

Chúng ta cũng luôn có suy nghĩ rằng tha thứ là thái độ, là cách hành xử ta dành cho người khác, nhưng thực chất tha thứ là hành động ta làm cho chính mình, là cách ta đối đãi với bản thân mình.

Tha thứ không đồng nghĩa với việc chúng ta nói lời tha thứ nhưng trong tâm vẫn cất giữ rất nhiều trách móc, oán giận, ôm giữ sự không hài lòng, khó chịu mãi không thôi.

Sự tha thứ thực sự xuất phát từ tấm lòng chúng ta, xuất phát từ sự thông cảm và biết suy nghĩ cho người khác, suy nghĩ vì người khác.

Có thể tha thứ cho những sai lầm của người khác khi chúng ta đặt mình vào vị trí, hoàn cảnh của họ, suy nghĩ theo những quan điểm sống, chuẩn tắc sống của họ.

Ngược lại, không thể tha thứ là một biểu hiện của sự ích kỷ, hẹp hòi, chỉ thuận theo cảm xúc và suy đoán của bản thân mà không cho mình cơ hội hiểu người, lắng nghe người khác.

Tha thứ không phải là nhu nhược, bỏ cuộc, chấp nhận đầu hàng hay buông xuôi. Tha thứ là khi có dũng khí đặt mình vào vị trí người khác để bao dung họ, là lùi một bước để nhìn nhận sự việc một cách thấu đáo và từ những khía cạnh khác nhau.

Hơn nữa, khi ta có thể thật tâm tha thứ cho người khác, có thể vứt bỏ mọi khúc mắc trong tâm và đối diện với tất cả bằng tâm thái an hòa, thuần tịnh, cũng là ta đang chăm sóc và yêu thương chính mình, là tự cởi trói sợi dây vô hình đang thắt chặt trái tim và tâm hồn mình.

Dùng đức hạnh để xoa dịu tức giận, dùng từ bi để cảm hóa kẻ thù, đó mới là hành vi cao thượng nhất trên thế gian này.

Rốt cuộc thì ánh sáng của tâm thuần thiện, của tấm lòng bao dung chính là vũ khí hiệu quả nhất để hóa giải mọi oán hận trên cuộc đời, là phương thuốc hữu hiệu để chữa lành mọi vết thương, là cây cầu ngắn nhất đưa những trái tim đến với trái tim.

 Trầm Thiên Thu sưu tầm

Xem thêm

ST. STEPHEN

SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ KÍNH THÁNH TÊPHANÔ, TỬ ĐẠO TIÊN KHỞI, 26/12, CỦA LM MINH ANH

LỰC HẤP DẪN “Họ nhất tề xông vào ông, lôi ông ra ngoài thành mà …