Home / Chia Sẻ / CẤP SỐ THƯƠNG XÓT

CẤP SỐ THƯƠNG XÓT

CẤP SỐ THƯƠNG XÓT 1Trong toán học, người ta quy ước có hai dạng cấp số: [1] Cấp số cộng (arithmetic progression hoặc arithmetic sequence), [2] Cấp số nhân (geometric progression, geometric sequence hoặc geometric series).

Cấp số cộng là một dãy số thoả mãn điều kiện về hai phần tử liên tiếp nhau sai khác nhau một hằng số. Chẳng hạn, dãy số 3, 5, 7, 9, 11,… là một cấp số cộng với các phân tử liên tiếp sai khác nhau hằng số 2, hằng số này được gọi là công sai. Cấp số nhân là một dãy số thoả mãn điều kiện về tỷ số của hai phần tử liên tiếp là một hằng số, tỷ số này được gọi là công bội. Các phần tử của cấp số cộng và cấp số nhân đều được gọi là các số hạng.

Tình yêu thương cũng có dạng cấp số đặc trưng của nó, không chỉ là cấp số cộng và cấp số nhân, mà là cấp số vô cực hoặc vô hạn, không thể định mức, bởi vì “mức độ yêu là yêu vô hạn”. Yêu thương là điều quan trọng nhất vì yêu thương chính là đức mến hoặc đức ái, cần thiết và tồn tại cả ở đời này và đời sau: “Đức mến không bao giờ mất được. Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến” (1 Cr 13:8 và 13). Yêu thương là điều có thể cảm nhận nhưng không thể chạm vào, nó vô hình chứ không phải là không có thật. Chúng ta không nhìn thấy điện nhưng ai dám bảo nó không tồn tại? Kết quả của yêu thương là sự tha thứ. Ngược lại, hậu quả của tình trạng không yêu thương là sự thù hận.

Yêu thương đối lập với thù hận, nhưng chúng có mối liên quan riêng. THÙ HẬN liên quan TỘI LỖI, THƯƠNG YÊU liên quan THA THỨ. Những mẫu tự T luôn có cái gì đó kỳ diệu, như một sự an bài của Thiên Chúa vậy. Lòng thù hận rất nguy hiểm và đáng sợ, vì nó tàn phá mọi thứ trong cuộc sống. Sách Huấn Ca nói: “Oán hờn và giận dữ là những điều ghê tởm, về chuyện đó, kẻ tội lỗi có biệt tài” (Hc 27:30). Oán hờn và giận dữ cho biết chúng xuất phát từ một con người tội lỗi. Tài gì chứ “tài phạm tội” thì đáng sợ lắm!

Thiên Chúa là tình yêu (1 Ga 4:8 và 16), thế nên Ngài luôn truyền dạy phải yêu thương, không chấp nhận lòng thù hận: “Kẻ báo thù sẽ chuốc lấy báo thù của Đức Chúa, tội lỗi nó, Người xem xét từng ly” (Hc 28:1).

Sách Huấn Ca vừa khuyên nhủ vừa phân tích và đặt vấn đề: “Hãy bỏ qua điều sai trái cho kẻ khác thì khi bạn cầu khẩn, tội lỗi bạn sẽ được tha. Người với người cứ nuôi lòng hờn giận, thế mà lại xin Đức Chúa chữa lành! Nó chẳng biết thương người đồng loại, mà lại dám xin tha tội cho mình! Nó chỉ là người phàm mà để tâm thù hận thì ai sẽ xin tha tội cho nó?” (Hc 28:2-5). Có lẽ người ta không thích nghe hoặc nhắc tới câu này vì ý tưởng “chạm” vào điểm nhạy cảm của mình. Thật vậy, người ta là chiên khi ở trong nhà thờ nhưng lại có thể hóa cọp ngay khi bước ra khỏi nhà thờ. Khi cầu nguyện, người ta có vẻ thành kính lắm, nhìn rất hiền, thế nhưng có khi người ta chỉ giả vờ trước mặt người khác, tỏ ra thành tâm trước mặt Chúa, và khi gặp điều “phật ý” thì họ nổi xung, không khác ảo thuật gia David Coperfield làm biến mất cả toa xe lửa hoặc đi xuyên qua Vạn Lý Trường Thành. Họ cũng là các “siêu nhân” đấy!

Về việc canh tân đời sống, Thiên Chúa luôn cảnh báo với cấp độ cao, và Đức Mẹ cũng thường nhắc nhở, đặc biệt là ở Fátima, nhưng rồi chúng ta chỉ “lưu ý” và “cố gắng” trong những ngày mùa Vọng, mùa Chay, hoặc tuần tĩnh tâm, xong rồi lại quên, “cái tôi” lại mặc sức tung hoành. Hôm nay, Thiên Chúa lại tiếp tục cảnh báo: “Hãy nhớ đến ngày tận số mà chấm dứt hận thù, nhớ mình sẽ phải hao mòn và phải chết mà trung thành giữ các điều răn. Hãy nhớ đến các điều răn mà đừng oán hờn kẻ khác, nhớ đến giao ước của Đấng Tối Cao mà không chấp nhất điều lầm lỗi” (Hc 28:6-7). Mỗi khi nghe nói “tối ba ngày ba đêm” thì người ta cuống cuồng, lo mua nến và mì gói, xong rồi lại đâu vào đấy. Lời Chúa khuyến cáo dân Ít-ra-en xưa vẫn còn “nóng hổi” và luôn mang tính “thời sự” đối với chúng ta ngày nay: “Các ngươi chớ cứng lòng như tại Mơ-ri-va, như ngày ở Ma-xa trong sa mạc, nơi tổ phụ các ngươi đã từng thách thức và dám thử thách Ta, dù đã thấy những việc Ta làm” (Tv 95:8-9).

Ngày xưa, vì biết mình yếu đuối và hèn mọn, thế nên Thánh Vịnh gia luôn tự nhủ: “Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi, toàn thân tôi, hãy chúc tụng Thánh Danh! Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi, chớ khá quên mọi ân huệ của Người. Chúa tha cho ngươi muôn ngàn tội lỗi, thương chữa lành các bệnh tật ngươi, cứu ngươi khỏi chôn vùi đáy huyệt, bao bọc ngươi bằng ân nghĩa với lượng hải hà” (Tv 103:1-4). Ước gì mỗi chúng ta cũng biết tự nhủ như vậy!

Với kinh nghiệm bản thân, ai cũng khả dĩ nhận biết về ơn tha thứ mà bao lần Thiên Chúa dành cho chúng ta, Ngài không đòi điều kiện gì. Kinh sách đọc nhiều, không khéo thì cũng chỉ như “vẹt” hoặc nhấn play một CD nào đó! Tự nhủ như vậy để có thể tỉnh thức và tự nhắc nhở về đức ái, về lòng tha thứ mà Chúa Giêsu vẫn thường xuyên khuyến cáo.

Phàm nhân chẳng là gì, chỉ là tội nhân thì chẳng có gì mà khoe mẽ, nhưng vì đầu óc phàm nhân vừa nhỏ xíu mà lại như “bã đậu”, nghĩ không tới ngọn cây, thế nên không thể nào hiểu hết tình yêu kỳ diệu và vô biên của Thiên Chúa: “Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương, chẳng trách cứ luôn luôn, không oán hờn mãi mãi. Người không cứ tội ta mà xét xử, không trả báo ta xứng với lỗi lầm. Như trời xanh trổi cao hơn mặt đất, tình Chúa thương kẻ thờ Người cũng trổi cao. Như đông đoài cách xa nhau ngàn dặm, tội ta đã phạm, Chúa cũng ném thật xa ta” (Tv 103:8-12). Tình yêu thương đó vượt ngoài tầm hiểu của chúng ta, lòng thương xót của Thiên Chúa trên cả tuyệt vời, nhiệm mầu quá đỗi! Phàm nhân chúng ta chẳng là gì thế mà vẫn “chảnh”, lúc nào cũng muốn “vùng lên”, chỉ chực nổi loạn mà thôi. Thật là khốn nạn, càng khốn hơn vì cứ tưởng mình “ngon”, thế mới chết chứ!

Rất cần phải tự nhận diện chính mình để có thể cố gắng chấn chỉnh cho phù hợp luật Chúa, đúng ý Chúa. Nỗ lực này phải được thực hiện không ngừng, chứ không chỉ cố gắng theo cảm xúc hoặc theo mùa phụng vụ. Thật là không dễ chút nào, nhưng phải làm, không thể không làm. Đó chính là động thái “từ bỏ mình mà vác thập giá theo Đức Kitô” (Mt 10:37-39; Lc 14:26-27). Thánh Phaolô minh định: “Thật vậy, không ai trong chúng ta sống cho chính mình, cũng như không ai chết cho chính mình. Chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa. Vậy, dù sống, dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa; vì Đức Kitô đã chết và sống lại chính là để làm Chúa kẻ sống cũng như kẻ chết” (Rm 14:7-9). Phó thác hoặc tín thác như vậy thì chẳng còn lo chi, chẳng cần biết chỗ này có “dấu lạ” hoặc chỗ nọ có “sự lạ”. Hai phép lạ lớn lao vẫn xảy ra hằng ngày: Không khí và Thánh Thể. Vậy thì còn tìm “sự lạ” nào nữa?

Thánh sử Mátthêu cho biết rằng, khi Chúa Giêsu nói về việc sửa lỗi cho nhau, ông Phêrô đến gần Đức Giêsu và hỏi: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?” (Mt 18:21). Đức Giêsu đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy” (Mt 18:22). Không dễ, và khó lắm! Một lần thì cũng có thể, hai lần là máu bốc tới chỏm đầu rồi, ba lần là “có chuyện” ngay, nói chi đến 49 lần (7 x 7) hoặc 490 lần (70 x 7). Thế nhưng muốn là môn đệ của Chúa và muốn làm công dân Nước Trời thì phải vậy, không chỉ tha thứ 490 lần mà phải tha thứ mãi mãi, mọi nơi và mọi lúc, tha thứ bất cứ ai, dù họ phạm lỗi nhỏ hay to, và không tính số lần tha thứ nữa.

Chúa Giêsu rất thực tế, vì Ngài luôn chứng minh cụ thể. Và để dẫn chứng về sự tha thứ, Ngài kể ngay dụ ngôn “tên mắc nợ không biết thương xót” (Mt 18:23-35). Đây là ký sự của Thánh Mátthêu:

Nước Trời cũng giống như chuyện một ông vua kia muốn đòi các đầy tớ của mình thanh toán sổ sách. Khi nhà vua vừa bắt đầu thì người ta dẫn đến một kẻ mắc nợ vua mười ngàn yến vàng. Y không có gì để trả, nên tôn chủ ra lệnh bán y cùng tất cả vợ con, tài sản mà trả nợ. Bấy giờ, tên đầy tớ ấy sấp mình xuống bái lạy để xin rộng lòng hoãn nợ và hứa sẽ lo trả hết. Chủ nợ liền chạnh lòng thương, cho vềtha luôn món nợ. Nhưng vừa ra đến ngoài, tên đầy tớ ấy gặp một người đồng bạn, mắc nợ y một trăm quan tiền. Y liền túm lấy, bóp cổ mà đòi nợ. Bấy giờ, người đồng bạn sấp mình xuống năn nỉ xin rộng lòng hoãn nợ và hứa sẽ lo trả hết. Nhưng y không chịu, cứ tống anh ta vào ngục cho đến khi trả xong nợ.

Thấy sự việc xảy ra như vậy, các đồng bạn của y buồn lắm, mới đi trình bày với tôn chủ đầu đuôi câu chuyện. Tôn chủ cho đòi y đến và vặn hỏi: “Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn như chính ta đã thương xót ngươi sao?”. Rồi tôn chủ nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả hết nợ cho ông.

Câu hỏi của tôn chủ khiến tên đầy tớ phải “câm họng”. Số nợ “mười ngàn yến bạc” và số nợ “một trăm quan tiền” chênh lệch nhau quá nhiều. Ác tâm rõ ràng, không thể viện bất cứ lý do gì. Hình phạt là hệ lụy tất yếu đối với những ác nhân – theo dạng “luật nhân quả”. Dụ ngôn này cho thấy tương tự cách “biến hóa” thường xuyên của chúng ta: HIỀN như CHIÊN khi ở trong nhà thờ, DỮ như CỌP khi ở ngoài nhà thờ. Có lẽ con tắc kè đổi màu còn thua chúng ta “biến sắc”. Chúng ta được Thiên Chúa tha thứ tội lỗi quá nhiều, thế mà lại không thể bỏ qua cho người khác một lỗi nhỏ, và rồi tự biện hộ đủ lý lẽ. Chính “tên mắc nợ không biết thương xót” kia cũng có thể là chính chúng ta, nhưng chúng ta vẫn ảo tưởng hoặc cố ý không muốn nhận. Nếu nhận biết để sửa sai thì tốt, cố chấp thì chết chắc!

Vâng, Chúa Giêsu đã kết luận rạch ròi: “Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em KHÔNG hết lòng tha thứ cho anh em mình” (Mt 18:35). Tha thứ HẾT LÒNG chứ không chỉ tha thứ cho có lệ. Mỗi người đó chính là mỗi chúng ta, và Chúa Giêsu nói thẳng với mỗi chúng ta đó. Tương tự, trong Kinh Lạy Cha (Mt 6:9-13; Lc 11:2-4) – lời cầu nguyện được Chúa Giêsu truyền dạy, cũng đề cập vấn đề tha thứ: “Xin tha nợ chúng con NHƯ chúng co n cũng tha kẻ có nợ chúng con”. Chữ “như” này có vẻ đơn giản nhưng lại chứa đựng cả vấn đề quan trọng và cấp bách. Tại sao cấp bách? Vì chẳng ai biết mình “ra đi” lúc nào. Lá vàng hoặc xanh vẫn có thể lìa cành bất cứ lúc nào. Đó chính là “tận thế” riêng của mọi người, dù già hay trẻ, dù khỏe hay yếu.

Nói chung, cuộc sống là chuỗi liên kết của ba mẫu tự T là THƯƠNG – THÙ – THA (tức là Thương yêu, Thù hận và Tha thứ). Thương yêu đối lập với Thù hận nên luôn cần Tha thứ. Có Thương yêu mới Tha thứ, và chính Tình Thương mới khả dĩ hóa giải Thù hận, nhờ vậy con người mới có thể sống hòa bình với nhau.

Lạy Thiên Chúa, xin giúp con biết tỉnh thức mà sửa đổi cách sống chứ không ảo tưởng. Xin giúp con biết thương xót bằng cả con tim, khối óc, đôi tay, ánh mắt, cử chỉ, thái độ,… chứ không chỉ bằng lời nói hoặc thụ động. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng cứu độ nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

VIRGIN MARY

Suy niệm Tin Mừng Lễ Đức Mẹ Dâng Mình, Thứ Năm Tuần XXXIII Thường Niên, của Lm Minh Anh

  TÒNG THUỘC “Chúng sẽ thành dân thánh của Ta, và Ta sẽ cư ngụ …