Home / Chia Sẻ / Cấp bách phải nên một trong Chúa Kitô

Cấp bách phải nên một trong Chúa Kitô

Cấp bách phải nên một trong Chúa Kitô

Ronald Rolheiser, 01-19-2014

Hơn một ngàn năm qua, các Kitô hữu đã không có được niềm vui là có được một gia đình quanh Chúa Kitô. Dù trước đó, đã có những căng thẳng trong các cộng đoàn Kitô giáo, nhưng đến năm 1054 mới xảy ra sự chia rẽ chính thức, tạo nên hai cộng đoàn Kitô giáo chính thức, là Giáo hội Chính thống Đông phương và Giáo hội Công giáo Tây phương. Rồi, cuộc Kháng cách vào thế kỷ XVI đã tăng thêm chia rẽ bên trong Giáo hội Tây phương, và thế giới Kitô giáo càng phân mảnh hơn nữa. Ngày nay, có hơn trăm phái Kitô giáo, và đáng buồn thay, nhiều phái chẳng thân thiện gì với nhau.

Sự chia rẽ và hiểu lầm, là những chuyện có thể hiểu được, và thế nào cũng có, làm người thì phải chấp nhận như vậy. Không có cộng đồng nào không có căng thẳng vì thế đôi khi các Kitô hữu không hòa hợp với nhau không phải là chuyện tai tiếng gì to tát lắm. Nhưng điều xấu là chúng ta đã trở nên thoải mái, thậm chí là tự mãn thiển cận về việc mình không hòa hợp với người khác. Điều xấu chính là chúng ta không còn khao khát muốn được nên một và chúng ta chỉ ở trong cộng đồng riêng của mình, không còn nhớ đến nhau nữa. Thực tế thì tất cả các giáo hội thời nay không còn bận tâm đến những ai không có cùng phụng vụ chung với mình, dù người anh chị em tách biệt đó thuộc về một phái khác hay có khi cùng phái với mình. Một điển hình là, khi giảng dạy cho các chủng sinh Công giáo La Mã thời nay, tôi thấy họ dửng dưng với vấn đề đại kết. Đối với nhiều chủng sinh ngày nay, đây không phải là một vấn đề đáng quan tâm đặc biệt. Đáng buồn thay, điều này cũng đúng đối với hầu hết mọi Kitô hữu trong mọi phái.

Nhưng tính dửng dưng này về bản chất là đi ngược với tinh thần Kitô. Hợp nhất nên một là điều Chúa Giêsu canh cánh trong lòng. Ngài muốn tất cả con cái của Ngài ngồi cùng một bàn, như trong dụ ngôn này:

Một người đàn bà có mười đồng xu và đánh mất một đồng. Bà quá đỗi lo lắng và bồn chồn, bà đi tìm ráo riết đồng xu bị mất, bà thắp đèn, tìm dưới bàn, rồi quét nhà, moi móc tìm cho kỳ được. Cuối cùng bà tìm thấy đồng xu đó. Bà vui như phát cuồng, gọi tất cả hàng xóm đến và tổ chức một bữa tiệc để ăn mừng, tốn kém hơn rất nhiều giá trị đồng xu bà mất. (Lc 15, 8-9)

Tại sao lại quá đỗi lo lắng khi mất đi, và quá đỗi vui mừng khi tìm được một đồng xu vốn chẳng có giá trị bao nhiêu? Câu trả lời nằm ở tính biểu tượng của nó: Trong văn hóa Do Thái, số 9 không phải là số toàn vẹn, số 10 mới là con số toàn vẹn. Nỗi bồn chồn khi đánh mất và niềm vui khi tìm thấy, không quan trọng ở giá trị của đồng xu, nhưng ở giá trị của sự toàn vẹn, một sự toàn vẹn quan trọng trong đời của bà đã bị rạn vỡ, một tập hợp quý báu đã không còn toàn vẹn. Từ đó, có thể kể lại dụ ngôn trên như thế này:

Một phụ nữ có mười người con. Mối quan hệ của bà với chín trong mười đứa con thật tốt đẹp, nhưng lại có một đứa con bị xa lánh. Chín đứa con này của bà đều đặn ngồi chung bàn ăn gia đình, nhưng đứa con kia thì không. Bà không thể để tình trạng này tiếp diễn, bà cần đứa con bị xa lánh đó ngồi chung bàn với chín người con kia. Bà cố gắng tìm đủ mọi cách để hòa hợp với con mình, và rồi một ngày, phép lạ xảy ra, điều bà muốn đã thành sự thật. Đứa con đó trở về lại với gia đình. Bây giờ, gia đình của bà đã được nên trọn vẹn, tất cả mọi người đều ngồi cùng bàn với nhau. Người phụ nữ quá đỗi vui mừng, đi rút hết tiền tiết kiệm, và tổ chức một bữa tiệc xa hoa để mừng sự toàn vẹn này.

Đức tin Kitô giáo đòi hỏi chúng ta, phải như người phụ nữ đó, nghĩa là cần phải biết bồn chồn lo lắng, phải thắp đèn tìm kiếm, cho đến khi Giáo hội lại được nên một. Chín không phải là con số toàn vẹn. Và con số những người trong giáo hội riêng của chúng ta cũng như vậy. Công giáo La Mã không phải là một con số toàn vẹn. Tin Lành không phải là một con số toàn vẹn. Các Giáo hội phái Phúc âm không phải là một con số toàn vẹn. Các Giáo hội Chính thống không phải là một con số toàn vẹn. Không một phái Kitô giáo nào là một con số toàn vẹn. Phải hợp cùng với nhau, chúng ta mới làm nên một con số toàn vẹn.

Do đó, chúng ta phải tự chất vấn những câu hỏi không mấy dễ chịu: Ai không cùng đi lễ với chúng ta? Ai cảm thấy khó chịu khi phụng vụ chung với chúng ta? Chúng ta có thoải mái khi có quá nhiều người không đến dự lễ trong nhà thờ của chúng ta nữa hay không?

Đáng buồn thay, ngày nay, có quá nhiều người trong chúng ta cảm thấy thoải mái với những giáo hội, vốn rất, cực kỳ rất, không toàn vẹn. Đôi khi, trong những lúc thiếu suy nghĩ hơn, chúng ta lại vui vì sự bất toàn vẹn này: “Dù sao, họ không phải là Kitô hữu thật! Chúng ta sẽ tốt hơn khi không có họ! Cứ như thế này sẽ bình yên hơn! Giáo hội của chúng ta sẽ nguyên tuyền hơn, thành tín hơn khi không có họ! Chúng ta là thành phần chân chính nhất của đạo!”

Nhưng nếu không có niềm khát khao tốt lành hướng đến sự toàn vẹn này thì chúng ta sẽ bị tha hóa, tha hóa cả lòng chân thành lẫn tư cách môn đệ Chúa Giêsu của chúng ta. Chúng ta là những người biết yêu thương cách chính chắn, và là môn đệ thật của Chúa Giêsu, khi, và chỉ khi chúng ta, học như Chúa Giêsu, luôn luôn khóc thương vì những “con chiên khác không ở trong ràn này”, và khi chúng ta như người phụ nữ mất đồng xu, không thể chợp mắt cho đến khi lục tung hết mọi ngóc ngách trong nhà, miệt mài tìm kiếm cho bằng được những gì đã mất. Cả chúng ta nữa, chúng ta phải khát khao tìm kiếm sự toàn vẹn đã mất của mình.

J.B.Thái Hòa dịch

Nguồn: phanxicovn

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN