Home / Chia Sẻ / CAO và THẤP

CAO và THẤP

Chúa nhật XXII TN, năm C.

Cao & Thap          Không ai cao tới mức không phải ngước lên, cũng chẳng ai thấp đến nỗi không cần cúi xuống. Cuộc đời đôi khi cần ngước lên và đôi khi lại cần cúi xuống. Dễ ngước lên nhưng lại thật khó cúi xuống! Nhưng “Chúa Giêsu HẠ MÌNH, VÂNG LỜI cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2:8).

Việt ngữ rất hay ở những từ “láy” biến thành từ kép: Đen thui, cao ráo, ẩm thấp, yêu thương, thông cảm, giàu sang, nghèo hèn,… Nghèo thì thường kèm theo những cái “khó”, “khổ”, hoặc “hèn”. Vì thế, người nghèo luôn cần được quan tâm, nâng đỡ, chia sẻ,… vì họ luôn sống “khó khăn”, gặp “khổ đau” và chịu “hèn hạ” – thậm chí còn bị nhục!

Trong ca khúc “Kiếp Nghèo”, cố nhạc sĩ Lam Phương mô tả: “Đường về đêm nay vắng tanh, rạt rào hạt mưa rớt nhanh, lạnh lùng mưa xuyên áo tơi, mưa chẳng yêu kiếp sống mong manh. Lầy lội qua muôn lối quanh, gập gềnh đường đê tối tăm, ngập ngừng dừng bên mái tranh nghe trẻ thơ thức giấc bùi ngùi”. Cảnh nghèo thê thảm quá, người nghèo khổ não quá. Người nghèo khổ thật!

Văn sĩ trào phúng Mark Twain (tên thật là Samuel Langhorne Clemens, người Mỹ, 1835-1910) đã nhận định: “Người nghèo hy vọng được MỘT thứ, người xa xỉ hy vọng được RẤT NHIỀU thứ, người tham lam hy vọng được TẤT CẢ”. Một thực tế xã hội chua chát biết bao!

Đạo Chúa là Đạo Yêu Thương, như Thánh Gioan định nghĩa: “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4: 8 & 16). Vì thế, yêu thương rất cần trong cả cuộc sống đời thường và tâm linh. Chúa Giêsu bảo: “Người nghèo lúc nào anh em cũng có với anh em” (Mt 26:11). Thương người có 14 mối, gồm 7 điều về “thương xác” và 7 điều về “thương hồn”. Thánh Gioan còn phân tích rạch ròi: “Nếu ai nói: ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1 Ga 4:20). Quá đỗi rõ ràng, không thể không hiểu!

Sách Huấn Ca khuyên: “Con ơi, hãy hoàn thành việc của con một cách nhũn nhặn, thì con sẽ được mến yêu hơn người hào phóng. Càng làm lớn, con càng phải tự hạ, như thế, con sẽ được đẹp lòng Đức Chúa” (Hc 3:17-18). Biết vậy mà không dễ thể hiện, nói miệng thôi. Thật vậy, người làm nhỏ (bề dưới) không hạ mình thì cũng chẳng dám vênh váo. Chết liền! Người làm lớn (bề trên) khó mà hạ mình. Sĩ diện to lắm! Kinh Thánh xác định: “Quyền năng Đức Chúa lớn lao: Người được tôn vinh nơi các kẻ khiêm nhường” (Hc 3:20). Khiêm nhường là nhân đức nền tảng của các nhân đức, Thiên Chúa rất thích người khiêm hạ. Đức Maria cũng đã từng cất cao lời: “Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường” (Lc 1:51-52).

Còn sách Huấn Ca nói: “Kẻ kiêu ngạo lâm cảnh khốn cùng thì vô phương cứu chữa, vì sự xấu xa đã ăn sâu mọc rễ trong nó. Người sáng trí để tâm nghiên cứu các ẩn dụ, kẻ khôn ngoan ao ước có tai thính để nghe. Bác ái đối với người nghèo” (Hc 3:28-29). Bác ái với người giàu thì dễ, và người ta thích hơn; còn bác ái với người nghèo ư? Xin miễn! Tại sao? Giúp người nghèo thì chẳng ai biết, vì không được trao “bằng ân nhân”, không được ghi tên vào “sổ vàng”! Thiết tưởng “sổ vàng” cũng tương tự một dạng “tệ nạn” trong tôn giáo. Bác ái rất khó. Thật ra chúng ta chỉ mới ở mức “bố thí” hoặc “công bằng”, vì bác ái là cho chính cái mình vẫn cần, còn chúng ta chỉ cho người khác những gì dư thừa mà thôi. Đừng vội nói: “Tôi bác ái”.

Chúa Giêsu bảo: “Khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm” (Mt 6:3). Chúa cũng chỉ muốn người ta đạt được mức tối thiểu là “bố thí” mà thôi. Nhưng dù vậy thì cũng chán lắm. Không ai biết thì buồn lắm. Chúa chơi ép quá! Không, Chúa không ép, mà chỉ cảnh báo. Đúng là “con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa” (Mt 19:24; Mc 10:25). Nhưng ai bố-thí-thầm-lặng mới xứng đáng nên công chính. Người công chính thật hạnh phúc: “Những người công chính múa nhảy mừng vui trước mặt Chúa Trời, niềm hoan lạc trào dâng” (Tv 68:4).

Tác giả Thánh vịnh mời gọi: “Hãy hát mừng Thiên Chúa, đàn ca kính danh Người, hãy dọn đường cho Đấng ngự giá đằng vân. Danh Người là Đức Chúa; trước Thánh Nhan, hãy vui mừng hớn hở” (Tv 68:5). Ngài không là Chúa của người giàu, người quyền cao chức trọng, người ăn trên ngồi trước, người chỉ tay năm ngón, người được tiền hô hậu ủng, người có vị thế vị vọng,… nhưng Ngài là “Cha nuôi dưỡng cô nhi, Đấng đỡ bênh quả phụ” (Tv 68:6). Thật vậy, “kẻ cô thân, Thiên Chúa cho nhà cửa, hạng tù đày, Người trả lại tự do hạnh phúc, còn quân phản nghịch phải ở nơi khô cằn” (Tv 68:7). Ngài là hiện thân của Công Lý và Hòa Bình.

Có lần một giám mục người Việt Nam nói trong một buổi lễ lớn thế này: “Làm giám mục, tôi có mấy cái sợ: thứ nhất là sợ đi đến đâu cũng được người ta đón rước long trọng, băng-rôn, cờ xí, trống kèn, tôi rất sợ, sợ sau này tôi sẽ nghiện tiếng kèn, đến những nơi người ta đón tiếp đơn giản lại thấy thiếu thiếu. Cái sợ thứ hai là sợ sẽ không còn được nghe sự thật nữa, vì mọi người sẽ không bao giờ dám nói thật với mình, và mình sẽ sống trong ảo tưởng.

Một ý tưởng thông thoáng, đổi mới, mạnh dạn, nhưng thiết tưởng có lẽ vẫn là tiêu cực, vì chưa thực sự “cúi xuống”. Sẽ là tích cực nếu cương quyết NÓI THẲNG: “Đừng đón tiếp tôi long trọng như vậy, hãy bỏ hết cờ xí, băng rôn, trống kèn,…”. Có thể thì “làm thành luật”. Nhưng mà…!!! Và có ai dám nói thẳng nói thật và làm thật như vậy không? Có. ĐGH Phanxicô đang tiên phong nêu gương. Nhưng ai sẽ noi gương giáo hoàng?

Chúng ta hãy chân thành thân thưa với Chúa: “Lạy Thiên Chúa, Ngài đổ mưa ân hậu, gia nghiệp Ngài tiêu hao mòn mỏi, Ngài đã bổ sức cho. Lạy Thiên Chúa, đàn chiên của Ngài đến ở nơi đâu, Ngài cũng luôn nâng đỡ, bởi vì Ngài nhân hậu đối với kẻ khó nghèo” (Tv 68:10-11). Chúa Giêsu luôn “dính liền” với cái nghèo: Sinh nghèo, sống nghèo và chết nghèo.

Thánh giáo hoàng Piô X (1835-1914) đã thực sự nên giống Đức Kitô với quyết tâm khi còn sinh thời: “Tôi sinh ra nghèo hèn, tôi sống nghèo hèn, tôi sẽ chết nghèo hèn”. Còn Chân phước giáo hoàng Gioan XXIII (1881-1963) viết trong chúc thư: “Sinh trưởng trong sự nghèo nàn, ở một gia đình giản dị nhưng được trọng kính, tôi rất sung sướng được chết trong sự nghèo nàn, vì theo sự đòi hỏi và các trường hợp sinh sống của đời giản dị và hèn mọn của tôi, tôi đã phân phát cho người nghèo và Giáo Hội đã nuôi dưỡng tôi, những gì ít ỏi của tôi đã có, trong những năm làm linh mục và giám mục”.

Một trong ba lời khấn của các tu sĩ là “khấn khó nghèo”. Chúa Giêsu và các thánh – đặc biệt Thánh Phanxicô Assisi – đã sống KHÓ NGHÈO thực sự, nhưng chúng ta lại sống KHÓ mà NGHÈO. Cũng “căng” thật đấy!

Miệng nhà giàu có gang, có thép; đồng bạc đâm toạc tờ giấy; lý của người nghèo có đúng cũng bị coi là sai!

Thánh Phaolô nói: “Anh em đã chẳng tới một quả núi sờ thấy được, có lửa đang cháy, mây mù, bóng tối và giông tố, có tiếng kèn vang dậy, và tiếng nói thét gầm, khiến những kẻ nghe phải van xin đừng để lời ấy thốt ra với họ nữa” (Dt 12:18-19). Rất rõ ràng, không mơ hồ!

Có lẽ sợ chúng ta chưa hiểu nên ngài giải thích “toạc móng heo” luôn: “Nhưng anh em đã tới núi Sion, tới thành đô Thiên Chúa hằng sống, là Giêrusalem trên trời, với con số muôn vàn thiên sứ. Anh em đã tới dự hội vui, dự đại hội giữa các con đầu lòng của Thiên Chúa, là những kẻ đã được ghi tên trên trời. Anh em đã tới cùng Thiên Chúa, Đấng xét xử mọi người, đến với linh hồn những người công chính đã được nên hoàn thiện. Anh em đã tới cùng vị Trung Gian giao ước mới là Đức Giêsu và được máu của Người rảy xuống, máu đó kêu thấu trời còn mạnh thế hơn cả máu A-ben” (Dt 12:22-24). Một sự liên đới chặt chẽ, liên đới mọi thứ, không liên quan cái này thì cũng liên quan cái khác, đồng thời đó cũng là mối liên kết trong toàn thể Giáo hội.

Vào một ngày Sa-bát, Đức Giêsu đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pharisêu để dùng bữa. Họ cố dò xét Người. 7 Người nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn cỗ nhất mà ngồi, nên nói với họ dụ ngôn về việc dự tiệc: “Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng: “Xin ông nhường chỗ cho vị này”. Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối. Trái lại, khi anh được mời thì hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói: “Xin mời ông bạn lên trên cho”. Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn. Điều Chúa nói giản dị, dễ hiểu đối với mọi trình độ.

Nhưng đó chỉ là chuyện bình thường, vấn đề Ngài muốn cảnh báo chúng ta điều thực tế mà lại rất quan trọng: “Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 14:11). Hai chiều ngược nhau, hai thái cực khác hẳn!

Rồi Đức Giêsu nói với kẻ đã mời Người rằng: “Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi. Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại” (Lc 14:12-14).

Nghe “sốc” quá! Đãi tiệc tốn kém lắm, vậy mà lại “mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù” sao? Mời những người “tai mắt” mới có phong-bì-dày-cộm, mời người nghèo thì làm gì có lời, có khi lỗ to ấy chứ! Ôi chao, vậy lấy gì mà “trang trải” chứ?

Nhưng Chúa nói thật, không đùa, không bóng bẩy, không mơ hồ,… Dám sống nghèo là thực sự can đảm, mạnh mẽ. Người giàu được người ta tôn trọng, đề cao; còn người nghèo bị người ta coi thường, hạ bệ, ghét bỏ,… Thật may vì Thiên Chúa lại luôn đề cao cái nghèo và thương xót người nghèo! Dĩ nhiên “cái nghèo” có nghĩa đen và nghĩa bóng, về vật chất hoặc tinh thần, nhưng khi nói đến cái nghèo thì người ta thường nghĩ ngay tới nghĩa đen về vật chất.

Hôm nay, Chúa Giêsu giáo huấn hai điều: [1] Sống khiêm nhường thật lòng, [2] Cho đi không mong đáp lại. Chúa Giêsu đã xác định: “CHO thì có phúc hơn là NHẬN” (Cv 20:35). “Cho” cũng là một cách dấn thân, hy sinh, quên mình, từ bỏ mình. CHO và NHẬN có liên quan đức khiêm nhường. Cần biết “cho” đúng cách, cũng cần biết “nhận” đúng cách – biết cách “nhận” hợp lý cũng là cách yêu thương, vì không phụ lòng người khác.

Cả hai bài học KHIÊM NHƯỜNG và CHO–NHẬN đều khó thực hành, khó áp dụng – nhưng “khó” chứ không phải là “không làm được”, nghĩa là sẽ làm được nếu chúng ta thực sự cố gắng và quyết tâm.

Lạy Thiên Chúa, xin giúp chúng con biết thể hiện yêu thương với mọi người, nhất là những người nghèo, và xin cho chúng con biết can đảm sống nghèo để có thể chết nghèo như Đại Sư Giêsu, nhờ vậy mà chúng con có thể thanh thản bước vào Miền Đất Hứa là Nước Trời. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ chúng con. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

mqdefault

Thánh lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót hạt Gia Định, 18/12/2024 tại nhà thờ Thánh Nguyễn Duy Khang

BTT CĐLCTX TGP SG