1. Đặt vấn đề:
- Phải chăng tình yêu của chúng ta đang có vấn đề, đang trải qua khủng hoảng, sóng gió?
- Phải chăng tương quan vợ chồng của chúng ta trở nên đơn điệu, lạnh nhạt, và nhàm chán?
- Phải chăng giữa chúng ta chỉ có cái gì đó như thể là tình yêu nhưng không phải là tình yêu? Hay tình yêu của chúng ta đã nhạt phai, cạn dần vì chúng ta đang sống với nhau bằng một thứ tình yêu nào đó không hẳn xuất phát từ Thiên Chúa?
Trên đời này, không có ngôi nhà nào được xây đẹp đẽ, hiện đại, vững chắc đến độ không cần gia cố, phục hồi, ngôi nhà tình yêu, tổ ấm gia đình của mỗi người chúng ta cũng vậy. Không có cuộc hôn nhân nào dầu đẹp đẽ, hoàn hảo đến mức không cần canh tân, nhất là chúng ta sống trong một thế giới mà theo ngôn ngữ của thánh GH Gioan Phaolô II, bị ô nhiểm nặng nề bởi nền văn mình sự chết mà đặc trưng chủ yếu của nó là sự chối bỏ Thiên Chúa, chủ nghĩa duy vật vô thần, chủ nghĩa tục hóa, chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa hưởng thụ, sự tháo thứ tính dục thể hiện qua phương tiện truyền thông đại chúng (mass media) mà hệ quả của nó liên quan đến đời sống tình yêu và hôn nhân là việc sống thử, sống chung ngoài hôn nhân, du lịch, mua bán tình dục, ngoại tình, phá thai, ly dị, hôn nhân đồng tính…
Thảm trạng tình yêu, hôn nhân hiện nay có thể được diễn tả qua những vần thơ sau:
Những con tim khô héo,
Những bước chân mệt nhoài,
Những con tim cằn cổi,
Những bước chân lạc loài,
Hành trình dài thăm thẳm
Trên đôi chân mỏi mòn,
Trước bờ vực mịt mờ,
Bao gia đình tan vỡ…
Người ta vẫn ở bên nhau nhưng chỉ còn là những cái xác không hồn, hoàn toàn như những người xa lạ:
Ở bên nhau như cái xác không hồn,
Ở bên nhau như những người xa lạ,
Ở bên nhau nhưng không cùng chí hướng,
Ở bên nhau nhưng xa cách tâm hồn.
Ở bên nhau nhưng chẳng còn đối thoại,
Ở bên nhau nhưng chẳng còn sẻ chia,
Ở bên nhau nhưng chưa từng gặp gỡ,
Ở bên nhau như chẳng hề thân quen.
Tình yêu hời hợt vụ lợi!
Đường ai nấy đi, bận tâm chi,
Tình nghĩa đôi ta chẳng còn gì,
Níu kéo nhau thêm, rồi cũng bí,
Tình đến rồi đi, có hề chi!
Anh còn gì đâu để tôi yêu?
Tiền tiêu, sức cạn có bấy nhiêu,
Đại gia theo tôi nào có thiếu,
Chỉ cần OK, mấy cũng chiều
Ta có thể so sánh tình trạng hôn nhân hiện nay của thế giới chúng ta đang sống với tình trạng của tiệc cưới Ca-na năm nào (Ga 2,1-12): Rượu nồng đã cạn, hết rồi còn đâu!
2. Tìm hiểu nguyên nhân
Vậy chúng ta thử hỏi vì đâu mà đời sống hôn nhân của chúng ta trở nên như vậy. Phải chăng vì những ngộ nhận về tình yêu?
“I love you”, nói rất hay
Thật ra, cũng chỉ là yêu chính mình.
Chỉ yêu khoái cảm không à,
Chứ nào có phải yêu người ta đâu.
Phải chăng ta chỉ yêu cái khoái cảm mà người ấy mang lại cho mình, yêu cái hình ảnh mà mình tạo nên, tự hình dung về con ngựời ấy, chứ chưa bao giờ thực sự yêu ngựời ấy như họ là?
Ta đã lầm tưởng cái khoái cảm mà người ấy mang cho ta với chính người ấy, đồng hóa khoái cảm với người mang lại khoái cảm, chính vì thế mà:
Thật anh nói với em rằng:
Trước đây mới gặp, anh yêu em liền.
Anh không còn nhớ cô nào
Chỉ yêu duy nhất một mình em thôi.
Nhưng giờ anh cũng thật tâm
Nói cho em biết: Hết yêu em rồi.
Người anh vốn dĩ thật thà
Có sao nói vậy, không hề dối gian.
Có gì lạ đâu vì còn đâu khoái cảm mà còn tình yêu!
Phải chăng vì ta đã quá thần thánh hóa bạn đời của mình? Chính vì ta thần thánh hóa bạn đời mình, kỳ vọng, đặt hạnh phúc của mình vào người ấy cho đến lúc nhận ra rằng thực sự chỉ là ảo tưởng, và rồi hụt hẫng, căng thẳng, xung đột, dẫn đến rạn nứt, xa cách và kết thúc bằng chia tay.
Sao em (anh) thay đổi quá vầy
Trước đây, em (anh) có bao giờ thế đâu.
Em (Anh) không còn giống như xưa
Làm sao tôi có thể yêu em (anh) nào.
Phải chăng vì chung đủ thứ, quá quen, hóa nhàm? Vì sự đơn điệu của cuộc sống, và những gánh nặng, áp lực của công việc, cuộc sống gia đình, và xã hội làm cho khoái cảm tan biến dần, nhường chỗ cho sự đơn điệu và nhàm chán để rồi từ đó người ta chẳng còn mong muốn gặp nhau, hoặc gặp nhau chỉ vì bổn phận và trách nhiệm của cuộc sống chung mà thôi?
Chưa gần thì nhớ thì thương,
Ở gần riết cũng thấy thường mà thôi.
Ngày nào cũng chỉ thế thôi,
Vẫn y như cũ, làm sao không nhàm.
Phải chăng vì chúng ta không thỏa mãn trong tình yêu nên xung đột dài dài? Vì hụt hẫng không được thỏa mãn trong đời sống tình cảm, tình dục, người ta xử sự với nhau chẳng ra làm sao trong lời ăn tiếng nói, cũng như cử chỉ và hành động, từ đó tương quan xấu đi, hay rạn nứt?
Trông chờ căng thẳng biết bao
Bạn đời thỏa mãn như lòng ước mong
Nhưng nào có thỏa ước mong,
Thế nên hụt hẫng, phát sinh đủ điều.
Phải chăng chúng ta mãi ngộ nhận về điều mình yêu? Vì chúng ta chưa nhận ra rằng điều mà mình yêu và theo đuổi luôn mãi là chính Tình yêu, là chính Thiên Chúa, chứ không phải một con ngựời dù cho đáng yêu đến đâu đi nữa vì nó chỉ là phản ánh mờ nhạt của Tình yêu Thiên Chúa mà thôi?
Con người tìm kiếm không ngơi
Tình yêu tuyệt mỹ, Tình yêu Chúa Trời
Nhưng lầm bởi nghĩ bạn đời
Chính là Thiên Chúa, nên hoài khổ đau.
Phải chăng vì do ảo tưởng mà chúng ta không còn để tâm đến vợ (chồng) của mình, tiếc nuối người trong quá khứ hay nuôi ảo tưởng về một mối quan hệ trong hiện tại? Vì chúng ta ảo tưởng nghĩ mình không hạnh phúc vì sống với vợ (chồng) mình nhưng có lẽ mình sẽ hạnh phúc hơn nếu sống với một ngựời mình đã từng gặp gỡ trong qúa khứ hay hiện tại với ít nhiều cảm tình và từ đó bước vào một cuộc phiêu lưu và từ cuộc phiêu lưu này đến cuộc phiêu lưu khác, có khi không có chỗ dừng?
Mình không hạnh phúc bởi vì
Sống chung với mụ vợ (gã chồng) mình hiện nay.
Cuộc đời mình sẽ đổi thay
Nếu như sống với cô em (chàng trai) hiện thời.
hay
Nếu như sống với cô nàng (anh chàng) trước đây.
Phải chăng vì tình đời chỉ có thế mà thôi? Vì cuộc tình của con ngựời trên thế gian này có nhiều thứ xem ra đảm bảo như tiền bạc, nhà cao cửa rộng, tiện nghi đầy đủ, ăn chơi suốt sáng thâu đêm nhưng lại thiếu điều quan trọng nhất đó là tình yêu đích thực? Hay nói cách khác vì người ta quan tâm đến rất nhiều thứ trên đời mà lại thờ ơ với điều quan trọng nhất làm nên ý nghĩa của tương quan vợ chồng là tình yêu, là niềm vui thực sự, là hạnh phúc, được tượng trưng bằng rượu ngon được ban bởi trời?
Cuộc tình trên cõi thế gian,
Thấy thì hấp dẫn, chết mau vô cùng
Mới vui chưa trọn một ngày,
Nảy sinh đủ chuyện buồn lo, âu sầu.
Đúng là tình tính tình tang,
Thật là non yếu, mong manh vô cùng.
Bởi chưng nó chỉ dựa vào
Những gì lôi cuốn nhất thời mà thôi,
Với thời gian sẽ chết mau,
Lửa tình lịm tắt, mộng mơ tan tành.
Hoặc là ly dị đôi đàng
Hoặc tình rạn nức, héo tàn, nhạt phai.
Cái tình nhân loại nhìn qua thì hấp dẫn, nồng cháy, dữ dội lắm nhưng lại sớm tàn cuộc, chóng kết thúc như thể việc nhà đám hết rượu tuy rằng đã chuẩn bị.
Cái tình đời, cái tình nhân loại đó coi hấp dẫn vậy nhưng cũng nhạt nhẽo thôi như thể loại rượu xoàng được đem ra đãi khách trước đó.
Cuộc tình trên trần gian này tự thân nó không thể bền lâu, người ta có thể đãi tiệc cưới ở nhà hàng năm sao, thuê M.C nổi tiếng với dàn nhạc ca sĩ nổi tiếng với những khách mời sang trọng thuộc hạng VIP, ăn chơi nhậu nhẹt suốt sáng thâu đêm… nhưng tất cả mọi điều đó không bao giờ bảo đảm cho cuộc tình mau chóng héo tàn của mình, theo nghĩa tình đời có thế mà thôi.
3. Tìm một hướng đi
Nếu ta nhìn chỉ chiều ngang,
Thì ta chỉ thấy rối ren tối mù.
Bởi chưng có lắm vấn đề
Làm sao giải quyết hoàn toàn được đây?
Điều quan trọng nhất: Ngước lên,
Ngước lên nhìn Đấng chết trên thập hình.
Chỉ khi ngươc mắt nhìn Người
Mới mong có thể tìm lời giải thôi.
Phải chăng chỉ nghĩ đến chuyện thay đổi làm mới lại tương quan giữa hai người?
Thường khi nói đến việc canh tân tình yêu là cùng nhau tự kiểm lương tâm mình xem mình có hoàn thành tốt bổn phận và trách nhiệm của mình với tư cách là vợ chồng, có làm tổn hại gì đến vợ chồng mình, có xúc phạm đến nhau, có thiếu sót gì trong tương quan với nhau không… Đương nhiên ta phải khởi đầu từ đây nhưng phải chăng chỉ có thế?
Phải chăng cần phải có nghệ thuật yêu?
Tất nhiên điều này cũng cần, và có lẽ có cả khối sách đề cập đến nghệ thuật làm mới lại tình yêu. Nhưng rất tiếc nhiều khi người ta có còn tình yêu với nhau đâu, hay thậm chí chưa bao giờ yêu nhau thực sự thì làm sao có chuyện mong học nghệ thuật làm mới lại tình yêu bây giờ.
Chúng ta thử đặt vấn đề điều gì mới thực sự quan trọng làm nên khác biệt giữa hôn nhân thế tục và hôn nhân Kitô giáo, điều gì làm cho tình yêu của chúng ta có thể được luôn mãi thăng hoa, luôn mãi sắt son và bền vững? Phải chăng là chuyện bất khả phân ly, là việc “Sự gì Thiên Chúa kết hợp con ngựời không được phân ly”? hay là vì đó là một Bí tích, theo nghĩa là một thứ bùa phù trợ? Nếu thế thì sao có biết bao nhiêu cặp hôn nhân Kitô giáo vẫn ly dị?
Như Đức Tổng giám mục Fulton Sheen khẳng định, cần phải có ba mới đủ để nên vợ chồng: người yêu (chồng/vợ), người được yêu (vợ/chồng) và Tình yêu (Thiên Chúa) (Three to get married-Đức giám mục Fulton Sheen)!
Thông thường các cuộc hôn nhân trên thế gian này dù khởi đi từ tình yêu, từ một tình yêu thật lãng mạn, đậm đà vẫn tiềm ẩn nguy cơ rạn nứt, chia tay chính là vì người ta không hề nghĩ đến điều này, chính vì khởi đầu bằng sự phải lòng, thu hút dẫn đến việc thần thánh hóa nhau, quấn quít bên nhau cho đến lúc nhận ra rằng thực sự chỉ là ảo tưởng, và rồi hụt hẫng, căng thẳng, xung đột, dẫn đến rạn nứt, xa cách và kết thúc bằng chia tay.
Cần phải có ba mới đủ để nên vợ chồng chính là điều khác biệt chính yếu giữa hôn nhân đời và hôn nhân Ki-tô giáo, là chiếc đũa thần hóa giải những vấn đề của đời sống vợ chồng.
Chính vì người ta bám quyện vào nhau, thần thánh hóa nhau, đặt quá nhiều kỳ vọng vào nhau, thâm chí gởi gắm cả hạnh phúc của mình, cho nên người ta mới căng thẳng, hụt hặt, xung đột với nhau, và từ đó hụt hẫng, tức giận, căm hờn nhau…
Chỉ khi nào người ta nhận ra mình ngộ nhận và ảo tưởng, nhận rằng điều mà mình say mê tìm kiếm và đeo đuổi luôn mãi là Tình yêu, là Thiên Chúa, chứ không phải là người yêu, bạn đời, hay một con ngựời nào đó dù cho đáng yêu đến đâu đi nữa vì thật ra họ chỉ là một phản ánh mờ nhạt của Tình yêu Thiên Chúa mà thôi. Như kinh nghiệm của thánh Augustine “Tâm hồn con luôn mãi khắc khoải cho đến khi nghỉ yên trong Chúa”
Để từ đó nghiệm ra rằng “Yêu nhau không phải là nhìn nhau mà là cùng nhìn về một hướng” (St Exupéry). Hay như Đức Tổng giám mục Fulton Sheen là “Yêu là cùng nhau hiến mình cho Thiên Chúa”. Vì nhìn nhau trước sau rồi cũng hụt hẫng, thất vọng, nhưng khi chia sẻ cùng một chí hướng, khi cùng nhau hướng đến với Thiên Chúa, người ta mới thực sự gặp nhau, mới tìm lại được tình yêu, hay nói đúng hơn mới thực sự yêu nhau vì chỉ có Người mới là nguồn của Tình yêu, Niềm vui và Hạnh phúc.
Hay nói cách khác, điều quan trọng nhất cần phải làm đó là làm theo lời khuyên bảo của Đức Maria trong tiệc cưới Ca-na (Ga 2, 5):
Bất kỳ Người bảo điều chi,
Các anh hãy nhớ làm ngay tức thì.
Điều quan trọng không phải dựa trên những kiến thức, khôn ngoan giới hạn của nhân loại, mà là dựa vào Lời Chúa, sống bằng Lời Chúa, và theo Lời Chúa, bởi vì chính việc học hỏi, lắng nghe, chiêm niệm và sống Lời Chúa là tác nhân chính yếu giúp ta hoán cải, đổi đời, và từ đó giúp ta canh tân tình yêu, đời sống hôn nhân và gia đình của mình.
Cuộc tình của ta chỉ có thể kéo dài, hay nói đúng ra chỉ thực sự bắt đầu khi ta chia sẻ với nhau không phải thứ rượu xoàng, là thứ tình đời mong manh chóng tàn, thứ tình nhân loại vị kỷ, phát sinh bởi sự thu hút và khoái cảm mà là Rượu Trời, rượu tuyệt hảo, tình siêu nhiên, phát sinh từ Tình yêu Thiên Chúa, và được nuôi dưỡng bằng nguồn Tình yêu vô tận ấy, tình yêu cảm thông, bao dung, tha thứ và thương xót.
Cần phải kín múc từ nguồn Tình yêu!
Muốn làm mới lại tình yêu,
Phải cần múc lấy Tình yêu Chúa Trời,
Là nguồn tình chẳng hề vơi,
Nguồn vui đích thực, thiên thu trường tồn.
Bởi Người mới là biển Tình,
Tình Yêu chung thủy, chẳng hề phôi pha.
Tình ta sẽ hóa Rượu ngon
Khi nghe Lời Chúa, đem ra thực hành.
Với lòng thiện chí chân thành
Thì tình mới đẹp, mới bền mà thôi.
Sẽ không nhạt nhòa, nổi trôi,
Mới mong sâu sắc, bền lâu, đậm đà.
Bằng không sẽ sớm nhạt nhòa,
Sẽ mau phai nhạt với dòng thời gian.
Rượu ngon là rượu Chúa ban,
Làm bằng dâng hiến, quên mình, hy sinh.
Lời nguyện:
Lạy Cha, xin hãy đoái thương
Thực thi dấu lạ Ca-na hôm nào
Trên cuộc tình của con đây
Hiện đang heo hắt, tàn phai, nhạt nhòa
Để con học biết bỏ mình
Bao dung, tha thứ cho người mình yêu,
Để con học biết hy sinh,
Cảm thông, tha thứ như Người nêu gương,
Để con cảm nếm tình thương,
Tình thương đích thực khi yêu như Người.
Gioakim Trương Đình Giai