Home / Chia Sẻ / CAN ĐẢM

CAN ĐẢM

CAN ĐẢMNgày xưa, ông Giô-suê được Thiên Chúa truyền lệnh đưa dân về Đất Hứa: “Mạnh bạo lên, can đảm lên! Đó chẳng phải là lệnh Ta đã truyền cho ngươi sao? Đừng run khiếp, đừng sợ hãi!” (Gs 1:6 và 9) Ông Giô-suê động viên dân chúng: “Đừng hãi, đừng sợ; mạnh bạo lên, can đảm lên!” (Gs 10:25)

Chính khách Winston Churchill (1874-1965, thủ tướng Anh nhiệm kỳ 1940-1945 và 1951-1955) xác định: “Thành công không phải là cuối cùng, thất bại không phải là chết người: lòng can đảm đi tiếp mới quan trọng.” Đó là dũng khí của người can đảm, trưởng thành qua kinh nghiệm và hình thành tính cách.

Yếu đuối là mối quan ngại của tín nhân chân chính, nhưng đừng quá lo lắng. Thánh Phanxicô Salê khuyên: Đừng bao giờ lo buồn vì sự bất toàn của mình, nhưng phải luôn luôn can đảm đứng dậy sau khi vấp ngã. Quả thật, sự can đảm vô cùng quan yếu. Ngày xưa, vua Sa-un đã nói với ông Đa-vít: “Con hãy tỏ ra là một người can đảm phục vụ ta và hãy chiến đấu những cuộc chiến của Đức Chúa.” (1 Sm 18:17) Mỗi chúng ta cũng phải chứng tỏ “bản lĩnh” như vậy.

Một giờ hết, một ngày qua, một tháng hết, và một năm cũng khép lại. Thời gian tưởng chừng bao la vô tận mà lại cứ ngắn dần, ngắn dần… Năm Phụng Vụ cũng chuẩn bị kết thúc, nhắc chúng ta về sự kết thúc cuộc đời: Chết. Đặc biệt nhất là kết thúc trần gian: Tận Thế. Càng về cuối Năm Phụng Vụ, Giáo Hội cho con cái nghe lại những đoạn Phúc Âm mang màu sắc “lạ” hơn với những lời Chúa Giêsu khiển trách “rát” hơn về lối sống giả tạo, thói giả hình, tính ích kỷ,…

Thật không dễ để có thể sống thật. Phải thực sự can đảm mới có thể dám “sống thật” với một lương tâm chân chính. Trong cuộc sống đời thường, mỗi khi muốn “chứng tỏ” để người khác tin mình, người ta thường có kiểu nói: “Tôi không như người ta đâu, tôi thật lòng lắm, hiền lắm, chịu đựng lắm,…” Kinh tởm thay, vì khi người ta “nói thật” như vậy lại chính là lúc người ta đang giả dối – giả dối với người khác và giả dối với chính mình. Đó là dạng Pharisêu thời @ đấy. Chỉ vì ảo tưởng mà người ta giả dối, ảo tưởng là “lừa gạt chính mình.” (Gl 6:3)

Không bi quan hoặc “đeo kính râm” nhưng ngày nay tràn lan sự xấu xa, bê bối, lén lút,… Thánh Phaolô nói thẳng về những điều đó: “Đừng cộng tác vào những việc vô ích của con cái bóng tối, phải vạch trần những việc ấy ra mới đúng.” (Ep 5:11) Có lẽ đó là một trong các câu Kinh Thánh khiến người ta “dị ứng,” không muốn nghe hoặc đọc. Sợ lắm!

Hàng ngàn năm trước, Thiên Chúa đã tuyên phán rạch ròi: “Chính Ta là Đức Vua cao cả, và danh Ta được kính sợ giữa chư dân.” (Ml 1:14b) Như một phương trình phải có hai vế cân bằng, hoặc như cặp câu đối, Thiên Chúa đưa ra vế thứ hai là một lời cảnh báo: “Nếu các ngươi không nghe và không lưu tâm tôn vinh Danh Ta, Ta sẽ khiến các ngươi mắc tai họa, Ta sẽ biến phúc lành của các ngươi thành tai họa. Phải, Ta biến phúc lành ấy thành tai họa, vì các ngươi chẳng lưu tâm gì cả.” (Ml 2:2) Đây không là lời hù dọa, mà là sự công bằng, sự thật tất yếu, vừa minh nhiên vừa mặc nhiên.

Thiên Chúa thấu suốt mọi sự, tỏ tường mọi điều, biết rõ cái bụng của ai giả dối hay chân thật, nhất là đối với những người có chức tước và quyền hành: “Nhưng các ngươi đã đi trệch đường và làm cho nhiều người lảo đảo trên đường Luật dạy. Các ngươi đã huỷ hoại giao ước với Lêvi. Còn Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi đáng khinh và ra hèn mạt trước mặt toàn dân, vì các ngươi không tuân giữ đường lối Ta, và hay nể vì khi áp dụng Luật. Tất cả chúng ta chẳng có cùng một cha sao? Chẳng phải cùng một Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta sao? Thế mà sao chúng ta lại bội phản nhau mà vi phạm giao ước của cha ông chúng ta?” (Ml 2:8-10) Ba câu hỏi khó trả lời quá!

Đối với cuộc sống, đặc biệt là đời sống tôn giáo, dạng định kiến, thiên vị hoặc phe cánh là “độc tố” nguy hiểm. Đó là “ngôn hành bất nhất” – nói một đàng làm một nẻo, hoặc nói hay mà làm dở, thậm chí nói người khác làm còn mình thì không. Đây không là một hiện tượng, mà là một tình trạng tệ hại vẫn thấy xảy ra nhiều nơi, giáo xứ và dòng tu cũng không loại trừ.

Chính họ là những người kiêu ngạo, ỷ thế cậy quyền, ảo tưởng, và có lẽ cố ý không nhớ lời Chúa Giêsu: “Chẳng ai có thể nhận được gì mà không do Trời ban.” (Ga 3:27) Do đó mà họ vênh vang tự đắc. Thánh Vịnh gia biết mình là ai nên đã khiêm hạ: “Lòng con chẳng dám tự cao, mắt con chẳng dám tự hào, Chúa ơi! Đường cao vọng, chẳng đời nào bước, việc diệu kỳ vượt sức, chẳng cầu. Hồn con, con vẫn trước sau giữ cho thinh lặng, giữ sao thanh bình. Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ, trong con, hồn lặng lẽ an vui.” (Tv 131:1-2) Thanh thản thế thì tốt, thật tuyệt!

Chắc chắn ai cũng biết rằng đó là tinh thần thơ ấu tâm linh mà Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã áp dụng triệt để. Vả lại, Chúa Giêsu rất thích trẻ thơ. (x. Mt 19:13-15; Mc 10:13-16; Lc 18:15-17) Sống đơn sơ là sống khôn ngoan, là cách sống thật sẽ được Thiên Chúa thi ân giáng phúc.

Thánh Phaolô cầu chúc theo tinh thần đó: “Xin Chúa Cha vinh hiển là Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, ban cho anh em thần khí khôn ngoan để mặc khải cho anh em nhận biết Người. Xin Người soi lòng mở trí cho anh em thấy rõ, đâu là niềm hy vọng anh em đã nhận được, nhờ ơn Người kêu gọi, đâu là gia nghiệp vinh quang phong phú anh em được chia sẻ cùng dân thánh.” (Ep 1:17-18) Phân định rạch ròi và chính xác là điều cần thiết, cả trong đời thường và tâm linh.

Thánh Phaolô là một tông đồ, có cả chức và quyền, nhưng ngài không tự cho mình cái quyền được tôn trọng: “Trong khi chúng tôi có thể đòi anh em phải trọng đãi, với tư cách là Tông Đồ Đức Kitô. Chúng tôi đã quý mến anh em, đến nỗi sẵn sàng hiến cho anh em, không những Tin Mừng của Thiên Chúa, mà cả mạng sống của chúng tôi nữa, vì anh em đã trở nên những người thân yêu của chúng tôi. Thưa anh em, hẳn anh em còn nhớ nỗi khó nhọc vất vả của chúng tôi: đêm ngày chúng tôi đã làm việc để khỏi thành gánh nặng cho một người nào trong anh em, suốt thời gian chúng tôi loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa cho anh em.” (1 Tx 2:7-9) Còn những người ngày nay? Dĩ nhiên cũng vẫn có những người biết “vì người khác” nhưng cũng không thiếu những người thích dùng quyền và chỉ tay năm ngón, muốn được phục vụ hơn là phục vụ. Và họ luôn có đủ lý lẽ để tìm tư lợi.

Trước đây, trong bài “Cầu Nguyện với Chúa về Tình Hình Quỷ Dữ Lộng Hành Ngày Nay,” ĐGM G.B. Bùi Tuần đã thẳng thắn nói: “Kinh nghiệm cho tôi thấy những gì Chúa phán đều đã xảy ra nhiều cách khác nhau. Có một số ít người ĐƯỢC lãnh nhận chức thánh, do tranh đấu, do vận động, do mưu lược. Có nghĩa là đã có SỰ LỪA DỐI trong việc trở thành mục tử. Mục tử giả bị Chúa gọi là kẻ trộm, kẻ cướp. Cũng có một số ít người vào chuồng chiên một cách đàng hoàng, nhưng không hy sinh cho đoàn chiên thì bị Chúa gọi là kẻ làm thuê. (x. Ga 10:12) Nghĩa là họ cũng có sự lừa dối trong trách nhiệm, một trách nhiệm đòi nhiều từ bỏ chính mình, vác thánh giá mà theo Chúa.” Một sự thật có lẽ rất ít người dám nhìn thẳng, nói thật. Một cách lừa tinh vi trong tôn giáo!

Thật vậy, có lẽ đã có kinh nghiệm nên Thánh Phaolô cũng nói rõ: “Chính Satan cũng đội lốt thiên thần sáng láng! Vậy có gì là khác thường khi kẻ phục vụ nó đội lốt người phục vụ sự công chính.” (2 Cr 11:14-15) Thật đáng sợ!

Và Thánh Phaolô chia sẻ: “Về phần chúng tôi, chúng tôi không ngừng tạ ơn Thiên Chúa, vì khi chúng tôi nói cho anh em nghe lời Thiên Chúa, anh em đã đón nhận, không phải như lời người phàm, nhưng như lời Thiên Chúa, đúng theo bản tính của lời ấy. Lời đó tác động nơi anh em là những tín hữu.” (1 Tx 2:13) Ước gì điều chia sẻ này là thực tế minh nhiên trong các cộng đoàn Kitô hữu – dù lớn hay nhỏ, giáo xứ hoặc dòng tu. Để được xứng danh là Kitô hữu thì chắc chắn không đơn giản, phải CÓ thật chứ không thể CÓ giả. Rất cần can đảm để chấn chỉnh!

Thiết tưởng, rất có thể trình thuật Mt 23:1-12 là phần khiến nhiều người “ngại” tiếp cận, không chỉ không thích mà còn… “khó chịu” – nhất là những người có quyền “ăn trên, ngồi trước” – kể cả đời và đạo: “Các kinh sư và các người Pharisêu ngồi trên toà ông Môsê mà giảng dạy.” (Mt 23:2) Tại sao thế? Lý do rất đơn giản: Lời Chúa nói thẳng quá, rõ quá, nói “toạc móng heo” luôn, chẳng “úp mở” chi cả. Thầy Giêsu luôn như vậy. Chắc hẳn “thuận ngôn” nào cũng thường gây “nghịch nhĩ,” người bất chính sẽ bị “sốc” vì dị ứng. Đây là một trong những đoạn Phúc Âm mà người ta “ngại” đọc nhất, có đọc thì cũng chỉ “lướt qua,” tìm cách “nói lái” hoặc “né tránh” cách nào đó. Vì lúng túng nên… miễn cưỡng. Khổ!

Lĩnh vực nào cũng vậy, rất dễ nói hay mà khó làm, thậm chí có thể nói trước được mà bước không qua. Theo đạo hoặc theo Chúa cũng đa dạng, một trong các dạng là “nhãn hiệu.” Vâng, chỉ có cái “mác” thôi. Ngày nay, những sản phẩm ghi Made in USA hoặc Made in Japan khiến người ta tin tưởng hơn Made in Vietnam, dù chất lượng chưa chắc hơn, đặc biệt là bất cứ thứ gì ghi Made in China đều khiến người ta “rùng mình” và tẩy chay ngay lập tức. Quỷ đỏ giả dối tinh vi lắm. Tránh voi chẳng xấu mặt nào!

Thông thường, người ta thích nói suông hơn hành động, vì… không khó. Ở đâu cũng thấy xuất hiện các “siêu nhân,” không chỉ nói suông mà còn ra lệnh, đùn đẩy trách nhiệm, hạt muối có thể cắn đôi nhưng hạt đường thì phải giành lấy. Đó là “phong cách” của nhóm Pharisêu mà Chúa Giêsu đã chỉ trích gay gắt: “Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào.” (Mt 23:4) Họ không muốn nhận trách nhiệm nhưng lại đòi nhiều quyền lợi. Chúa Giêsu dạy: “Ai làm lớn phải phục vụ,” (x. Mt 20:24-28; Mc 10:40-45) và “người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em.” (Mt 23:11) Thánh Phaolô nhắc nhở: “Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau.” (Gl 6:2) Đó là những lời khuyên mà người ta không thích chút nào. Đôi khi Chúa cũng bị hàm oan, vì người ta cứ lợi dụng lòng tốt của Ngài, thậm chí còn có người dám nhân danh Ngài mà đàn áp người khác. Cờ đến tay ai thì người đó phất. Lời nhận định của người đời nhưng cũng chẳng sai.

Đối với các chức sắc, họ có quyền nên muốn chứng tỏ mình, Chúa Giêsu cho biết “bí quyết” này: “Tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ NÓI MÀ KHÔNG LÀM.” (Mt 23:3) Rất nhiều khi chúng ta tỏ ra nghiêm túc, nói chuyện đạo đức, đi tới nơi này nơi nọ để làm việc từ thiện bằng vài bao quần áo cũ, vài thùng mì ăn liền, cho người ta ít tiền, dăm ba đồ lặt vặt,… và thế là tưởng mình “tốt lành” lắm, nhưng thực chất chưa chắc, bởi vì thấy Chúa nơi những con người nghèo khổ, những con người sa cơ lỡ vận kia, nhưng có thể cũng chỉ là dạng mà Chúa Giêsu đã vạch trần: “Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. Họ ưa ngồi chỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là Thầy.” (Mt 23:4-7) Sau những “thiên tai” như lũ lụt miền Trung thì dễ nhận ra ai thật, ai giả. Có những hành động nhìn thấy là tốt nhưng chỉ là “diễn” để chụp hình hoặc quay phim mà thôi. Kinh dị thật!

Còn nữa, đồ từ thiện có phải là đồ do chính mình hy sinh hay là đồ thừa? Coi chừng chỉ là phế phẩm, thay vì vứt đi thì chúng ta đem “tặng” cho họ, rồi oang oang nói là “làm từ thiện.” Như vậy có phải là bác ái đúng nghĩa? Còn lâu, may ra thì chỉ ở mức bố thí hoặc công bằng. Mẹ Thánh Teresa Calcutta (28/8/1919 – 5/9/1997), sáng lập Dòng Thừa Sai Bác Ái (Missionaries of Charity), có nguyên tắc sống thật: “Yêu là cho đi đến khi cảm thấy đau.” Yêu như vậy mới là thực sự là bác ái, đúng như Chúa dạy. Khó lắm chứ chẳng đơn giản, hời hợt hoặc nông cạn như chúng ta tưởng. Rất cần can đảm xét lại động thái gọi là bác ái của chính mình.

Sự giả dối liên quan ảo tưởng. Thánh Phaolô đã phân tích: “Lòng bác ái không được giả hình giả bộ. Anh em hãy gớm ghét điều dữ, tha thiết với điều lành; thương mến nhau với tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình; nhiệt thành, không trễ nải; lấy tinh thần sốt sắng mà phục vụ Chúa.” (Rm 12:9-11) Thật độc đáo với châm ngôn của người Pháp: “Đừng vì kính mến Chúa mà chống đối kẻ khác.” Người ta giả hình chỉ vì trọng hình thức và ảo tưởng, đó là điều thực sự nguy hiểm, bởi vì “ai tưởng mình là gì mà kỳ thực không là gì hết thì là lừa gạt chính mình.” (Gl 6:3) Quả thật, “con cái đời này khôn ngoan hơn con cái sự sáng.” (Lc 16:8) Thật đáng quan ngại vì càng ngày càng nhiều thứ giả xuất hiện – mọi nơi và mọi lúc.

Những điều Chúa Giêsu nói đều “khó lọt tai” lắm. Chúng ta chê chế độ phong kiến vì cứ phải “kính, bẩm, thưa, trình,” nhưng ai dám “nói thẳng, nói thật,” không luồn cúi, thì bị ghét và bị xa lánh. Ai dám săm soi “cái ghế quyền lực” của người khác thì có vấn đề ngay. Chuyện xã hội xưa nay vẫn thế, và chuyện nhà đạo cũng chẳng khác gì, tương tự kiểu “buôn có bạn, bán có phường” vậy.

Bất cứ ai không sống thật đều bị Chúa Giêsu “phang” tới bến. Ngài không nể ai và không nói bóng gió chi: “Các người như mồ mả không có gì làm dấu, người ta giẫm lên mà không hay.” (Lc 11:44) Đáng sợ thật, nhưng cũng rất “đã ngứa.” Người ta giết chết Chúa Giêsu chỉ vì Ngài dám nói thẳng, dám bày tỏ ý kiến, dám chỉ trích người khác, dám “chạm” vào những chỗ “nhạy cảm” của những người được coi là ông kia, bà nọ – có chức và có quyền.

Dĩ nhiên rất cần sống thật. Thế nhưng sống thật như thế nào? Đó là mối quan ngại không riêng ai. Tuy nhiên, có thể hiện cách sống thật hay không mới thực sự là vấn đề. Tất nhiên luôn phải can đảm và dứt khoát. Đó cũng là một cách “từ bỏ mình” theo ý Chúa và vác thập giá hằng ngày cùng với Ngài.

Lạy Thiên Chúa công bình và nghiêm minh, xin gia tăng đức can đảm để chúng con đủ sức quyết tâm thi hành trọn Thánh Ý Ngài, dám nói và dám làm chứ không lẻo mép, bép xép. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN