Qua trình thuật Mt 5:38-48, Chúa Giêsu dạy hai điều: [1] CHỚ trả thù (≈ Lc 62:9-30), [2] PHẢI yêu kẻ thù (≈ Lc 6:27-28, 32-36). Một điều CẤM CẢN và một điều BẮT BUỘC. Một điều KHÔNG được làm và một điều PHẢI làm. Và còn liên quan tính kiên trì nữa.
Chúa Giêsu đề cập ĐIỀU CẤM trong phần một: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: ĐỪNG chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. Nếu có người bắt anh đi một dặm thì hãy đi với người ấy hai dặm. Ai XIN thì hãy CHO; ai muốn vay mượn thì ĐỪNG ngoảnh mặt đi.” (Mt 5:38-42) Chúa Giêsu CẤM trả thù, tức là PHẢI tha thứ.
Tấm gương tha thứ sáng chói và vĩ đại nhất là Chúa Giêsu: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.” (Lc 23:34) Ngài đã tha thứ cho những kẻ đã giết Ngài. Có những người noi gương Chúa Giêsu và sẵn sàng tha thứ cho kẻ hại mình: Thánh Stêphanô tha cho những kẻ ném đá ngài, Thánh Maria Goretti tha cho Alessandro – kẻ đã sát hại mình, và Thánh GH Gioan Phaolô II đích thân đến tận nhà tù để tha thứ cho Mehmet Ali Ağca – thành viên của tổ chức Grey Wolves (Sói Xám, nhóm Hồi giáo cực đoan) đã ám sát ngài tại quảng trường Thánh Phêrô ngày 13-5-1981.
Thật không dễ tha thứ chút nào, nhất là khi vấn đề nghiêm trọng, nhưng PHẢI tha thứ cho nhau thì mới có thể nên thánh. William Arthur Ward (1921-1994, nhà giáo dục người Mỹ) nhận định: “Trước khi cầu nguyện, hãy tha thứ – Before you pray, forgive.” Ý tưởng rất phù hợp với ý Chúa, vì có lần Chúa Giêsu cảnh báo: “Nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình.” (Mt 5:23-24)
Chúa Giêsu đề cập ĐIỀU BUỘC trong phần hai: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy YÊU kẻ thù và CẦU NGUYỆN cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. Vì NẾU anh em yêu thương kẻ yêu thương mình thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao? Vậy anh em hãy nên HOÀN THIỆN như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.” (Mt 5:43-48) Rất rõ ràng, rạch ròi, chi tiết.
Tuy nhiên, tha thứ vẫn chưa đủ, còn phải yêu thương và cầu nguyện cho những người đối lập với mình, ghét bỏ mình. Kể cũng “căng” lắm, nhưng các thánh đã làm được, dù các ngài cũng là phàm nhân như chúng ta, thế thì chúng ta cũng làm được – nếu thực sự muốn nên thánh. Đức khiêm nhường giúp đè bẹp “cái tôi” để dễ dàng tha thứ.
Luật Chúa có thể tóm gọn trong một chữ YÊU mà thôi. Chữ YÊU (yêu thương, yêu mến, yêu quý) bắt đầu bằng mẫu tự Y, nhìn giống một người dang đôi tay, hình ảnh Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên Thập Giá. Kinh Thánh đã xác định: “Yêu thương là chu toàn lề luật.” (Rm 13:10) Điều quan trọng này cũng được đề cập trong Rm 13:8, Gl 6:2, Gc 2:8.
Luật Chúa như thế nào? Thánh Vịnh gia nhận định: “Luật pháp Chúa quả là hoàn thiện, bổ sức cho tâm hồn. Thánh ý Chúa thật là vững chắc, cho người dại nên khôn.” (Tv 19:8) Quả thật, trên cả tuyệt vời! Luật Chúa tóm tắt thành Thập Giới (Mười Điều Răn), nhưng cũng có thể tóm gọn trong một chữ YÊU – gọi là Nhất Tự Luật, và cũng là Đệ Nhất Luật.
Thánh Vịnh 119 là Bản Trường Ca đề cao Luật Chúa. Tuân giữ Luật Chúa là một trong các mối phúc: “Hạnh phúc thay ai sống đời hoàn thiện, biết noi theo luật pháp Chúa Trời. Hạnh phúc thay kẻ tuân hành ý Chúa, hết lòng hết dạ kiếm tìm Người.” (Tv 119:1-2) Quốc gia nào cũng có luật pháp, ngay cả một nhóm nhỏ cũng cần có luật pháp – gọi là quy luật, quy ước, nguyên tắc, nội quy,… Người đời có luật riêng, Giáo Hội có giáo luật.
Bản chất của luật pháp phản ánh bản chất của nhà nước đặt ra nó, nhà nước kiểu nào thì luật pháp kiểu đó. Chính vì vậy, luật pháp có tính giai cấp. Luật pháp còn có tính xã hội, vì nó chứa đựng các chuẩn mực chung được đa số ủng hộ, nếu không thì luật pháp sẽ bị chống đối. Luật pháp cũng có tính dân tộc, nghĩa là phù hợp với truyền thống, tập quán, giá trị đạo đức của các dân tộc trong đất nước. Bản chất này cho phép luật pháp gần gũi với dân, được dân ủng hộ, do đó mà có hiệu quả điều chỉnh đối với các quan hệ xã hội. Luật pháp cũng có tính thời đại, nghĩa là phù hợp với trình độ phát triển kinh tế của đất nước, có khả năng hội nhập với luật pháp quốc tế.
Văn hào Victor Hugo (1802-1885, Pháp quốc) nhận định: “Với nhân dân, quyền lực duy nhất là luật pháp; với cá nhân, quyền lực duy nhất là lương tâm.” Luật pháp không hề đơn giản, nhà lãnh đạo Mahatma Gandhi (1869-1948, Ấn Độ) nói: “Luật lệ bất công tự nó đã là một dạng bạo lực.”
Văn sĩ Honoré de Balzac (1799-1850, Pháp quốc) đề cập một thực tế phũ phàng: “Luật pháp là mạng nhện mà ruồi lớn thì bay qua còn ruồi con thì mắc kẹt.” Cuộc đời là thế, như tục ngữ Việt Nam cũng nói: “Miệng nhà giàu có gang, có thép.” Cướp giật vài ổ bánh mì vì đói thì bị kết án tù, cướp hàng tỷ đồng thì chỉ “bị” làm kiểm điểm và rút kinh nghiệm; mua hai thớt gỗ thì bị kết tội “phá rừng,” phá cả khu rừng thì được coi là “đại gia;” hại một người thì bị kết án tù, giết cả triệu người thì cho là “vĩ đại” và nên học tập theo “gương” của họ. Những dạng luật pháp như vậy người ta gọi là “luật rừng.” Thật kinh khiếp vì quá kinh dị!
Đề cập tính bất cập của luật pháp, chính khách Benjamin Franklin (1706-1790, Hoa Kỳ) nhận định: “Luật pháp nghiêm khắc nhất đôi khi là sự bất công trầm trọng nhất.” Luật pháp của con người chỉ là tương đối, còn luật pháp của Thiên Chúa tuyệt đối và bất biến, đúng như Chúa Giêsu nói rõ: “Trước khi trời đất qua đi, một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành.” (Mt 5:18) Bởi vì “Luật pháp Chúa quả là hoàn thiện, bổ sức cho tâm hồn. Thánh ý Chúa thật là vững chắc, cho người dại nên khôn.” (Tv 19:8)
Mọi luật pháp đều có hai dạng chính: CẤM làm và PHẢI làm hoặc KHUYÊN làm – dạng “phải” thì bắt buộc, dạng “khuyên” thì tùy ý, làm thì có lợi, không làm thì bất lợi. Ngày xưa, Thiên Chúa truyền cho ông Môsê: “Hãy nói với toàn thể cộng đồng con cái Israel và bảo chúng: Các ngươi PHẢI thánh thiện, vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh.” (Lv 19:1-2) Rõ ràng “nên thánh” là dạng BẮT BUỘC chứ KHÔNG TÙY Ý, và chắc chắn rằng không làm thánh thì làm quỷ. Chỉ có thể chọn MỘT trong hai, không có cách chọn thứ ba. Santa hoặc Satan. Muốn đặt mẫu tự N ở chỗ nào thì tùy ý.
Ngoài ra, Thiên Chúa còn mạnh mẽ truyền lệnh: “Ngươi KHÔNG ĐƯỢC để lòng ghét người anh em, nhưng PHẢI mạnh dạn quở trách người đồng bào, như thế, ngươi sẽ KHỎI MANG TỘI vì nó. Ngươi KHÔNG ĐƯỢC trả thù, KHÔNG ĐƯỢC oán hận những người thuộc về dân ngươi. Ngươi PHẢI yêu đồng loại như chính mình. Ta là ĐỨC CHÚA.” (Lv 19:17-18) Các mệnh lệnh “không được” (cấm) và “phải” (bắt buộc) rất rõ ràng, rất rạch ròi. Chúng ta không có cách nào để tự biện hộ. Chỉ có cách YÊU thương để nên THÁNH, rút gọn cho dễ nhớ: YÊU – THÁNH.
Tuyệt đối chỉ có một cách, một lối, một hướng, một quyết định, nhưng không có nghĩa là bị triệt buộc, vì Thiên Chúa vẫn cho chúng ta hoàn toàn tự do chọn lựa. Hiểu được như vậy thì không thể không yêu. Thánh Vịnh gia đã yêu nên không thể im lặng, mà phải chia sẻ và mời gọi người khác cùng yêu, cùng tôn vinh Thiên Chúa: “Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi, toàn thân tôi, hãy chúc tụng Thánh Danh! Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi, chớ khá quên mọi ân huệ của Ngài. Chúa tha cho ngươi muôn ngàn tội lỗi, thương chữa lành các bệnh tật ngươi. Cứu ngươi khỏi chôn vùi đáy huyệt, bao bọc ngươi bằng ân nghĩa với lượng hải hà.” (Tv 103:1-4) Vâng, Thiên Chúa quá tốt lành hơn mức chúng ta có thể tưởng tượng. Vô cùng kỳ diệu!
Mặc dù chúng ta luôn nổi loạn và vô ơn bạc nghĩa, nhưng Thiên Chúa vẫn “từ bi nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương.” (Tv 103:8) Chỉ có ý sám hối là Ngài tha thứ ngay, và “Ngài không cứ tội ta mà xét xử, không trả báo ta xứng với lỗi lầm.” (Tv 103:10) Chúng ta có tha cho ai lầm lỗi nào thì nhớ dai lắm, đôi khi còn “nhắc đi nhắc lại” để chứng tỏ mình tốt bụng, nhưng Thiên Chúa không như vậy, Ngài tha rồi quên luôn, không còn biết quá khứ của chúng ta thế nào, Ngài chỉ biết hiện tại của chúng ta là người sám hối và mong tương lai của chúng ta sẽ trong sạch.
Thiên Chúa quên tội lỗi của chúng ta thế này: “Như đông đoài cách xa nhau ngàn dặm, tội ta đã phạm, Chúa cũng ném thật xa ta. Như người cha chạnh lòng thương con cái, Chúa cũng chạnh lòng thương kẻ kính tôn.” (Tv 103:12-13) Tội nhân bỗng trở thành chính nhân, sống đời chính nhân tức là trở nên thánh nhân. Nhưng được như vậy là nhờ hồng ân thương xót của Thiên Chúa, chứ chúng ta chẳng làm được gì “đáng công,” vì thế đừng vội khoe mẽ khi làm được điều gì đó có vẻ “hơn” người khác.
Thánh Phaolô cho biết lý do chúng ta PHẢI nên thánh: “Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao?” (1 Cr 3:16) Cách nói nghi vấn đã ngụ ý câu trả lời, đó là dạng xác định mạnh mẽ. Bảo vệ một cái cây không chỉ là không phá hại mà còn phải chăm sóc, vun xới. Với Đền Thờ bằng vật chất cũng vậy, ngoài việc bảo trì chúng ta còn phải tu sửa. Thánh Phaolô nói rõ: “Vậy ai phá hủy Đền Thờ Thiên Chúa thì Thiên Chúa sẽ huỷ diệt kẻ ấy. Vì Đền Thờ Thiên Chúa là nơi thánh, và Đền Thờ ấy chính là anh em.” (1 Cr 3:17) Câu này cũng có thể hiểu về việc bảo vệ sự sống (phò sinh – prolife). Phá thai, giết người hoặc hành hạ người khác là phạm tội phá hủy Đền Thờ Thiên Chúa, và chắc chắn Thiên Chúa sẽ hủy diệt bất cứ ai dám phá hủy sự sống.
Rất chân thành với lời khuyên của Thánh Phaolô: “Đừng ai tự lừa dối mình. Nếu trong anh em có ai tự cho mình là khôn ngoan theo thói đời thì hãy trở nên như điên rồ, để được khôn ngoan thật. Vì sự khôn ngoan đời này là sự điên rồ trước mặt Thiên Chúa, như có lời chép rằng: Chúa bắt được kẻ khôn ngoan bằng chính mưu gian của chúng. Lại có lời rằng: Tư tưởng kẻ khôn ngoan, Chúa đều biết cả: thật chỉ như cơn gió thoảng ngoài.” (1 Cr 3:18-23) Đừng ảo tưởng là đừng sống trên mây trên gió, đồng thời cũng chớ giả hình, phải thực tế sống đức tin từng giây phút.
Chúa Giêsu đã cảnh báo: “Sẽ có nhiều NGÔN SỨ GIẢ xuất hiện và lừa gạt được nhiều người. Vì TỘI ÁC gia tăng, nên lòng yêu mến của nhiều người sẽ nguội đi. Nhưng kẻ nào BỀN CHÍ ĐẾN CÙNG, kẻ ấy sẽ ĐƯỢC CỨU THOÁT.” (Mt 24:11-13) Lời cảnh báo này thực sự rất cần cho tín nhân trong thời gian này – đặc biệt là những ngày đầu tháng 02-2023. Ma quỷ đã len lỏi vào Giáo Hội Việt Nam. GP Đà Lạt có “nhóm trừ quỷ Bảo Lộc” tung hoành, GP Vinh có vụ thầy bói JB Hồ Hữu Hòa trở thành linh mục. Ai đã “bảo kê” cho một “tội phạm mới ra tù” (vụ án Vũ Nhôm) được chịu chức tại Philippines? ĐGM JB Bùi Tuần có lần đã đề cập vấn đề “mưu mô phe cánh để làm mục tử.” Phải chăng đó là một lời tiên tri đã ứng nghiệm tại Việt Nam ngày nay?
Và chính Đức Mẹ cũng đã cảnh báo nhiều lần. Tại Fatima, lời cảnh báo tập trung vào những điều ác của cộng sản vô thần do nước Nga truyền bá. Tại Amsterdam (Hà Lan), Đức Mẹ các Quốc Gia (the Lady of all Nations) đã cảnh báo về sự thoái hóa của các quốc gia. Còn Đức Mẹ Akita (Nhật) nhấn mạnh “công việc của ma quỷ sẽ xâm nhập Giáo Hội.” Trong khi các sứ điệp của 3 lần hiện ra khác nhau về điều được nhấn mạnh, chủ đề chung xuyên suốt vẫn là “nhân loại tội lỗi quá mức và đáng chịu sự trừng phạt nặng nề của Thiên Chúa.” Đức Mẹ cảnh báo: “Nếu nhân loại không ăn năn sám hối và sống tốt hơn thì Chúa Cha sẽ giáng hình phạt khủng khiếp hơn Đại Hồng Thủy thời ông Nôê mà không hề báo trước nữa.” [*]
Lạy Thiên Chúa nhân lành, xin giúp chúng con biết sống Thánh Luật với lòng yêu mến, không miễn cưỡng. Giữa thời đại tinh vi ngày nay, xin giúp chúng con phân định đúng đắn để có thể theo Thần Khí Thánh của Ngài và tránh xa thần khí xấu của ma quỷ. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU
[*] Xem chi tiết ☛ https://tramthienthu.blogspot.com/2021/12/uc-me-tien-bao-thoi-cuoi-cung.html