Ngay từ đầu, thánh tiến sĩ Tôma đã là nhân vật gây tranh cãi. Ngài rời bỏ đan viện Biển Đức to lớn phía bên kia thành Aquinô để gia nhập một dòng tu mới mà trong mắt nhiều người, nó chẳng có cơ may sống sót. Ngài du nhập triết gia Aristote, chứ không phải là “rửa tội” như người ta vẫn thường nói, nghĩa là sử dụng kiến thức sinh vật học, nhân học và vật lý học của ông để tạo nên một tổng hợp mới về thần học. Ngài bênh vực nếp sống hành khất và coi việc học (chứ không phải lao động chân tay) là nền tảng của lối sống ấy. Đối với các tu sĩ này, chẳng những việc học tập nghiên cứu không phải là tội, nhưng còn là nhân đức (x. J.P. Torrell, I:85).
Trong các thế kỷ tiếp theo, suy tư của ngài trải qua nhiều thăng trầm. Mặc dù người đương thời đã coi ngài là vĩ nhân, nhưng chỉ ba năm sau khi ngài qua đời, năm 1277, một vài tư tưởng của ngài bị Tổng Giám mục Paris kết án. Năm 1323 ngài được tuyên thánh và tư tưởng của ngài được phục hồi. Nhưng vì tư tưởng của ngài quá độc đáo, tầm nhìn quá rộng lớn, nên chính các anh em của ngài cũng nhiều lần rơi vào cám dỗ phải đóng khung, giảm thiểu ngài lại để họ có thể nắm bắt được tài năng của ngài. Họ “thái mỏng”, “cắt nhỏ” và “đóng gói” ngài lại thành những bản tóm tắt, cẩm nang, sách hướng dẫn. Xuất phát từ chủ ý tốt lành, họ muốn chuyển những công trình vĩ đại của ngài thành những điều có thể nắm bắt được và hữu dụng đối với người khác; dầu vậy những nỗ lực đó thường chỉ làm đóng băng tư tưởng của ngài giống như con côn trùng thời tiền sử nằm bất động trong lớp hổ phách, dễ dàng quan sát nhưng chẳng nắm bắt được.
Đôi khi người ta hoàn toàn bỏ quên thần học của ngài mà chỉ chăm chú vào triết học. Linh đạo và thần học thần bí của ngài cũng từng bị lãng quên qua nhiều thế kỷ. Cách đây ít năm, khi tôi còn đang nghiên cứu về các ơn của Chúa Thánh Thần, một anh em Đa Minh thuộc thế kỷ XX đã gạt bỏ tư tưởng của thế kỷ trước về các ơn của Chúa Thánh Thần, coi đó chỉ là “sự dẫn xuất”, chứ không đơn thuần là một tư tưởng mới trong một trăm năm! Chính Walter Principe, một tu sĩ dòng Basiliô, mới là người mở cánh cửa về linh đạo thánh Tôma trong thế kỷ XX này.
Tom O’Meara cho thấy việc nghiên cứu lịch sử, đặc biệt của M-D. Chenu, đã giải cứu và làm mới lại thánh Tôma như thế nào. Ngay từ năm 1931 Chenu ghi nhận những người theo học thuyết Tôma đã bóp nghẹt thánh Tôma: “Những người này khép kín đời mình trong học thuyết Tôma kinh viện vốn đã bị các thế hệ sách giáo khoa và cẩm nang … làm cho cứng nhắc, buộc mình phải nắm bắt được hết những kết án về các mệnh đề mà họ hầu như chẳng biết chút gì” (lối tiếp cận của Chenu quá mới lạ nên nó bị liệt vào Index–Mục lục sách cấm). Otto Pesch cho rằng thánh Tôma thường bị “quản thúc tại gia”. Ngay cả Thomas Merton, ít được nhìn nhận như là một nhà thần học hệ thống, nói rằng: “Chẳng có ai nỗ lực đọc và hiểu được thánh Tôma mà lại chẳng ngạc nhiên khi thấy có thể tiếp cận được ngài mà chẳng mấy khó khăn”. Điều trước tiên là ‘khi hướng về thế giới’ – thế giới của những con người và những thành phố nghèo đói… thì tinh thần và nhãn quan của thánh Tôma vẫn ‘hiện đại’ theo nghĩa đúng đắn nhất của từ ngữ này… Tất cả mọi khó khăn về thánh Tôma ngày nay nảy sinh không phải từ chính thánh Tôma, nhưng (như người ta vẫn thường nói) từ những người theo học thuyết Tôma (Thomist). Đang khi thánh Tôma mở ra với thế giới, thì họ đóng lại nơi chính ngài trong một vũ trụ nhỏ bé với thái độ tự đắc về sự đúng đắn bất di bất dịch của mình. Họ vô tình cô lập tư tưởng của ngài khi cho rằng để giữ lấy học thuyết Tôma, người ta phải từ bỏ mọi thứ khác”.
Tất cả chúng ta, những người yêu mến thánh Tôma, đều yêu mến ngài ít là vì trật tự suy tư của ngài. Quả là thích thú khi coi điều ấy như là một bức tường thành chống lại sự hỗn độn và lộn xộn của thế giới. Ngày nay có một số người mộ mến thánh Tôma cũng đang nỗ lực xây dựng một bức tường như thế. Nhưng đối với thánh Tôma trật tự, tự nó, không phải là cùng đích; nó chỉ là công cụ giúp ngài xem xét và trả lời cho nhiều vấn nạn bao nhiêu có thể. Lối tiếp cận của ngài từng được so sánh với một phương pháp khoa học thuở ban đầu đó là khởi đi từ Sách Thánh và Mặc Khải, và sau đó những người có liên quan. Ngài thực hiện điều này, không phải để đóng kín cánh cửa mà là để mở rộng nó ra. Tất cả đều được mời gọi tham gia với ngài.
Tại công hội năm vừa qua (của anh em Tỉnh Dòng Đa Minh miền Trung nước Mỹ), Đức Tổng Giám mục Tobin và giáo sư Scott Appleby đã cống hiến cho chúng ta những bài thuyết trình thật tuyệt vời. Hai vị đã trình bày những quan điểm rất khác nhau của Giáo hội, rồi cả hai bài nói chuyện được gắn kết bởi bài diễn thuyết của anh Michael Mascari về sứ vụ của chúng ta tại ‘sân của dân ngoại’, đó chính là nơi mà thánh Tôma đã sống. Cũng như khi ngài từ chối đời sống đan tu để chọn đời sống thành thị giữa tiếng ồn ào, náo động (và mùi hôi thối) của thành phố Paris Trung cổ, thì thánh Tôma cũng thoát ra khỏi lối bình giải khô cứng về các luận đề của Peter Lombard để đi đến một lối tiếp cận mới và những vấn nạn mới. Ulrich Engel, một học giả người Đức, cho rằng “những tu sĩ Đa Minh thời đầu này tìm cách để rút tỉa chân lý Tin mừng từ khả năng sắp xếp của những người am hiểu, tức là tầng lớp giáo sĩ và trí thức; họ nỗ lực giải thoát chân lý từ sự thinh lặng của đan viện, đưa nó đến các quảng trường và phố xá của đô thị, phổ biến cho công chúng, đưa nó trở lại những bàn luận trong xã hội”. Họ thực hiện điều này vì nhận thấy con người đang bị thương tổn và họ muốn giúp con người “dễ dàng tham gia tranh luận trong bối cảnh văn hóa đa nguyên, tức là, tiếp xúc với đa nguyên luận một cách thoải mái kể cả phải chấp nhận những rủi ro kèm theo, và đồng hành hỗ trợ những người đang phải sống trong một xã hội đa nguyên trên con đường thực hiện tự do của họ”.
Tôi nhớ có lần đi thăm các di tích của một tu viện Đa Minh tại Arles ở miền Nam nước Pháp (Nhà thờ anh em Đa Minh hay là Anh em Giảng thuyết; ngôi nhà thờ bị hư hỏng một phần giờ đây được sử dụng để hòa nhạc). Tôi nhận ra là tu viện đó được xây dựng trong khu vực của người Dothái, ngay cạnh “Phố Dothái – Rue des Juifs”. Đối với tôi đây là điều hết sức lạ lùng. Trong tất cả mọi địa điểm, anh em chọn xây dựng ở nơi mà có thể người ta nghĩ là anh em ít được chào đón nhất. Tôi chắc là anh em ở đó một phần là hy vọng sẽ cải hóa được một ít người Dothái láng giềng của mình, nhưng nếu để xây dựng một tu viện rộng lớn, anh em cũng cần phải có khả năng tôn trọng và trò chuyện được với họ. Có vẻ như anh em biết mình có thể sống đúng là mình ngay cả trong lúc “gian nan”, theo lối nói đạo đức. Ngay cả trong thế giới Kitô giáo Trung cổ, họ đã có khả năng “gặp gỡ chủ trương đa nguyên”.
Tổng hội Providence 2001 đã sử dụng từ “lòng thương cảm trí thức” để mô tả về sứ vụ của Dòng. Cha Torell lưu ý rằng anh em hành khất đã định nghĩa lại lòng thương cảm để nó vươn rộng không chỉ đến những công tác thể lý và tâm linh truyền thống, nhưng còn vươn đến những công tác trí thức nữa, tức là giúp người khác hiểu biết. Cha trích dẫn thánh Tôma: “Không có công tác bác ái nào [hiểu theo nghĩa đầy đủ mà thánh Tôma dùng từ này] lại không trở thành tâm điểm của một dòng tu dù rằng cho đến bây giờ nó chưa bao giờ được thực hiện”.
Cha Dominic Holtz gợi ý với tôi rằng ngoài việc có lòng thương xót về mặt trí thức, thánh Tôma còn là một người quảng đại về lãnh vực này nữa. Tư tưởng của ngài hết sức chặt chẽ, nhưng không vì thế mà không đáp ứng được nhu cầu đích thực của những con người cụ thể. Ngài chống lại khuynh hướng thiết lập một hệ thống khép kín nhằm trả lời những vấn nạn mà chẳng ai đặt ra (mặc dù có bức biếm họa gây khó chịu diễn tả một triết gia bận tâm vì các thiên thần đang nhảy múa trên đầu cây đinh). Ngài trả lời cho những vấn nạn của Giáo hội qua tác phẩm Catena Aurea theo yêu cầu của Giáo hoàng Urbano IV. Ngài đáp lại những nhu cầu của giới quý tộc khi trả lời một lời thỉnh cầu từ vua nước Cyprus về những đức tính của một vị vua, và cho nữ công tước xứ Brabant về việc quản trị tài chính và thu thuế. Ngài trả lời cho những vấn nạn của anh em qua các luận văn gửi cho các tu viện trưởng ở Venice (với rất nhiều vấn đề về vũ trụ luận) và ở Besançon (những vấn đề liên quan đến việc giảng thuyết: thánh Tôma khuyên các nhà giảng thuyết đừng để mình bị sao nhãng trước những vấn đề phù phiếm kiểu như có phải đôi bàn tay nhỏ bé của Đức Giêsu đã tạo dựng các tinh tú). Như một vị y sĩ bị đám đông vây quanh trong bữa dạ tiệc, ngài trả lời cho cả những câu hỏi đặc thù do bạn hữu nêu lên liên quan đến bài bạc và cho vay nặng lãi (đáng buồn đây vẫn còn là những vấn nạn của thời nay).
Có thể thánh Tôma cũng đã làm cho một số người cảm thấy khó chịu, qua cách thức cũng như điều ngài suy tư. Như thánh Đaminh, ngài gặp gỡ mọi người tại nơi họ sống, và không ngần ngại chấp nhận nguy cơ khi phải đi tới những nơi chốn mới hay đặt ra những vấn nạn mới. Các anh em này đã đến những nơi chốn, về địa lý cũng như trí thức, mà chưa có ai đi tới. Rõ ràng những nơi chốn này rất khác biệt nhưng lại là những khía cạnh có liên quan đến đặc sủng du thuyết của anh em.
Nếu ngàynay ngài còn viết, thay vì về “bói toán” và “các nguyên tắc lãnh đạo” (‘de sortibus’, ‘de regimine principiorum’), có lẽ ngài sẽ viết về “hôn nhân đồng tính”, “khủng bố”, “cải tổ việc chăm sóc bệnh nhân” hay là “tiện nghi và cách hành xử của vận động viên” (‘de terrorismo’, ‘de reformatione curae aegrotantium’, ‘de commodo et moribus athletorum’). Rõ ràng chúng ta không thể để cho văn hóa ngày nay chi phố toàn bộ hoạt động của mình; nhưng chúng ta phải sẵn lòng tận dụng những vấn nạn đương thời như là cơ hội để nói về các chân lý đức tin và như phương thế dẫn đến ơn cứu độ.
Tôi nghĩ về nhiều anh em trong Tỉnh Dòng đang thực hiện kiểu sáng kiến này: đó là các anh em sinh viên tại Saint Louis (thành phố nơi có tu viện-học viện), họ nói về nền văn hóa đương thời qua trang mạng preachingfriars.org; anh Nick Monco, người dùng tiểu thuyết Harry Potter làm công cụ loan báo Tin mừng; anh Ed Cleary với những khảo sát tỉ mỉ về hiện tượng Kitô giáo đặc sủng tại châu Mỹ Latinh; anh Paul Byrd với các nghiên cứu về nhân đức trong các tác phẩm của Jane Austen; anh Scott Steinkirchner tìm hiểu về Phật giáo Tây Tạng; anh Luke Barder đam mê nghiên cứu Hồi giáo; các anh José Santiago và Chuck Dahm đang tham gia vào công tác đồng hành với các nạn nhân bạo lực gia đình. Cũng như thánh Tôma ngày xưa, mỗi người trong số họ đang trả lời cho những vấn nạn thực tế của thế giới chúng ta.
Năm ngoái, anh Scott Appleby [sử gia tại Đại Học Notre Dame, Indiana, Hoa Kỳ] đề nghị rằng như các anh em Đa Minh trong 800 năm qua đã đáp trả lại biết bao cảnh huống đa dạng khác nhau, thì ngày nay chúng ta cũng được mời gọi trả lời cho một thế giới toàn cầu hóa và cho một thế hệ mới những người trẻ mà anh gọi là “Những người Công giáo Hoa Kỳ toàn cầu hóa – Globalizing American Catholics”. Họ là những người trẻ mà tất cả chúng ta đều quen biết tại giáo xứ, trường học, và ký túc xá của mình. Anh nói:“Lời rao giảng Tin mừng (kerygma) bây giờ phải được nhào nắn sao cho hấp dẫn được trí tưởng tượng mang tính toàn cầu và mới mẻ này”. Anh đề nghị chúng ta thử hình dung điều mà tinh thần Đa Minh có thể gợi hứng cho đoàn ngũ những công dân toàn cầu trẻ trung này sẽ thực hiện để thay đổi thế giới.
Đây chỉ là một thách thức mà việc rao giảng của chúng ta phải nhắm đến. Còn có nhiều điều khác nữa. Có thể một số người sẽ xem nỗ lực của chúng ta khi đối diện với những thách thức này như là chuyện kỳ cục. Nhưng như thánh Tôma cho thấy, đó là một rủi ro đáng chấp nhận.
Cao Luật (chuyển dịch)
Mừng lễ thánh Tôma Aquinô – Học viện Đa Minh 2016
Nguồn: http:daminhvn.net
……………………………………………………..
[1] The scandal of Saint Thomas, tạp chí Religious Life Review, vol. 55, n° 296, January-February, 2016, tr 25-29.