Home / Chia Sẻ / Cách ứng xử khi đứng trước Mất mát, Đau buồn và Ám ảnh

Cách ứng xử khi đứng trước Mất mát, Đau buồn và Ám ảnh

Ronald Rolheiser, 2010-11-21

Chúng ta có thể nói gì khi đứng trước các mất mát sâu đậm, đau buồn không thể an ủi hay nỗi ám ảnh không thể nguôi ngoai?

Hồi còn là sinh viên sau đại học ở Louvain, một lần nọ tôi đặt câu hỏi đó với nhà tâm lý học nổi tiếng Antoine Vergote: “Khi ông mất một người thân yêu, vì họ chết hay vì người đó đối với ông đang chết dần chết mòn theo một cách nào đó, thì ông có thể làm gì? Ông có thể nói gì để giúp họ trong tình cảnh đó?”

Câu trả lời của ông là những lời thận trọng: “Khi một người đang đau buồn trước một mất mát sâu đậm, có một khoảng thời gian mà tâm lý học thấy mình khá vô dụng. Nỗi đau trước cái chết hay nỗi đau của việc mất người thân sâu đậm có thể gây ra tình trạng tê liệt mà người khác không dễ dàng chạm tới và giải tỏa được. Ở đây tâm lý học chấp nhận các giới hạn của nó. Đôi khi tôi nghĩ rằng lúc đó các thi sĩ và tiểu thuyết gia có ích hơn tâm lý học. Nhưng, kể cả khi đó, các nhà thơ và tiểu thuyết gia có thể đưa ra tri kiến sâu sắc nào đó, nhưng tôi không dám chắc là có ai có thể làm được gì nhiều để xoa dịu nỗi đau. Trong đời có một vài chuyện mà đứng trước nó, chúng ta đơn thuần là bất lực.”

Tôi tin đó là một câu trả lời thông thái và thực tế. Cái chết của một người thân yêu, hay thậm chí nỗi đau đớn của ám ảnh không thể nguôi ngoai, có thể khiến chúng ta ngã quỵ, thật sự là như vậy, và như tác giả của sách Than Khóc nói, nó khiến chúng ta không còn lựa chọn nào khác ngoài “úp miệng vào bụi đất, và chờ đợi!” Đôi khi, trong một thời gian, nỗi đau mất mát quá sâu đậm và ám ảnh tới nỗi không một cách chữa bệnh nào, không một liệu pháp nào, không một từ ngữ tôn giáo an ủi nào có thể giúp gì được cho chúng ta.

Tôi nhớ, cách đây hai mươi lăm năm, tôi ngồi bên cạnh một người bạn bị thất tình. Anh ngỏ lời cầu hôn và bị từ chối một cách dứt khoát. Anh suy sụp hoàn toàn. Mấy ngày sau đó, anh thật khó khăn để làm các công việc của cuộc sống bình thường, phải gắng gỗ ăn, gắng gỗ ngủ, gắng gỗ làm việc. Một số các bạn bè chúng tôi thay nhau ngồi với anh, nghe nỗi sầu thảm của anh, cố gắng làm anh khuây khỏa bằng cách đưa anh đi coi phim, nhưng cũng chẳng hiệu quả gì trong việc kéo anh ra khỏi cơn trầm cảm và ám ảnh của anh. Cuối cùng, dĩ nhiên, anh bắt đầu từ từ ra khỏi vòng kềm tỏa của sự chú tâm quá mức đó, và, dù vẫn còn lúc lên lúc xuống, anh có thể lấy lại tự do và nghị lực của mình. Nhưng đã có một khoảng thời gian mà chúng tôi, những người bạn của anh, không thể làm bất kỳ điều gì cho anh ngoài việc ở bên cạnh.

Mình có thể nói gì đối với người đang vật lộn với nỗi đớn đau sâu đậm hay đang ở trong vòng thao túng của cơn ám ảnh tình cảm không được đáp đền? Chúng ta có những câu châm ngôn không phải không giá trị: Cuộc sống phải tiếp tục. Mỗi buổi sáng sẽ mở ra một ngày mới và cuối cùng thời gian sẽ chữa lành mọi chuyện. Hãy cũng nhớ rằng bạn, anh, chị, em… không đơn độc; bạn, anh, chị, em… có gia đình và bạn bè làm chỗ dựa. Vượt lên trên tất cả, bạn còn có đức tin. Chúa sẽ giúp bạn vượt qua chặng đường này.

Tất cả điều đó đều đúng và quan trọng, nhưng không đặc biệt có tác dụng an ủi hay giúp ích trong giai đoạn quá sức đau buồn. Tôi nhớ đã viết một loạt nhiều lá thư liên tiếp cho một phụ nữ có chồng tự tử, bà hoàn toàn suy sụp trước cái chết đó, nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ có hạnh phúc nữa. Lúc nào tôi cũng nhắc đi nhắc lại những lời này với bà: “Rồi tình hình sẽ tốt đẹp hơn – nhưng không phải ngay bây giờ! Thời gian sẽ chữa lành, nhưng không thể vội vàng đẩy nhanh nhịp độ. Chị sẽ thấy tốt đẹp hơn, nhưng sẽ mất thời gian!”

Ngoài điều đó ra, liệu có cái gì thực tế mà chúng ta có thể đem lại cho người đang đau buồn vô hạn hay đang trong vòng thao túng của cơn ám ảnh tình cảm cay đắng không?

Năm 1936, khi em gái Marguerite-Marie mất, trong một bức thư, Pierre Teilhard de Chardin viết những dòng sau đây: “Tôi cảm thấy từ đây có một khoảng trống lớn lao trong cuộc đời tôi – hay đúng hơn là trong thế giới xung quanh tôi – một khoảng trống lớn mà tôi sẽ ngày càng cảm nhận rõ hơn… Cách duy nhất để khiến cuộc sống trở lại mức có thể chịu đựng được là thương yêu và tôn thờ tha thiết cái điều mà, nằm bên dưới mọi thứ, chỉ đạo và dẫn dắt cuộc sống

Antoine Vergote cho rằng đôi khi thời gian, chỉ duy nhất thời gian, mới có thể chữa lành, và trong khi chưa lành được thì lựa chọn thực sự duy nhất là gắng chịu đựng cái không thể chịu đựng, gắng nhấc bàn chân này lên trước bàn chân kia, một cách vững mạnh, một cách nhẫn nại, cắn răng chịu đựng nỗi đau một cách đúng đắn tới thềm chúng ta có thể cắn răng chịu được, trong khi chờ thời gian rốt cuộc làm được phép màu của nó, với tâm thế rằng không gì có thể rút ngắn được quy trình này.

Nhưng Teilhard cho rằng có đôi điều có thể giúp khiến cái không thể chịu đựng thành có thể chịu đựng được, đó là nỗ lực cố ý, có ý thức để thương yêu và tôn thờ tha thiết.

Chúng ta làm vậy bằng cách nào? Không dễ dàng gì. Nhưng chúng ta làm vậy khi mà, bất chấp nỗi ám ảnh đang làm chúng ta què quặt, bất an, hụt hẫng, cay đắng, lo lắng, chúng ta để khía cạnh cao quý và rộng lượng của mình làm tiếng nói sâu thẳm bên trong nỗi cảm thông và hành động của chúng ta. Khi chúng ta bị ngã quỵ vì mất mát và hụt hẫng, thì điều tốt nhất, điều duy nhất có ích mà chúng ta có thể làm là quỳ gối trong tâm thế xuôi tay bất lực trước một vị Chúa có thể giúp chúng ta, và thổ lộ nỗi lòng mình với bất kỳ ai có thể nâng đỡ chúng ta.

J.B. Thái Hòa dịch

Nguồn: phanxicovn

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …