Hy vọng không được thỏa mãn. Đó là những tên trộm lấy mất hạnh phúc và sự mãn nguyện của chúng ta. Một trong các chứng cớ mạnh mẽ nhất về tính sa ngã và tính hữu hạn của chúng ta là chúng ta rất dễ hy vọng những điều không đúng, hoặc là điều đúng nhưng lại không đúng lúc.
Nhưng tâm điểm của niềm tin Kitô giáo hằng ngày nhắc chúng ta nhớ rằng hy vọng của chúng ta không chủ yếu vạch ra sự vĩ đại, sự tốt lành và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Thập Giá nhắc chúng ta nhớ rằng Thiên Chúa đã gởi Đấng Mêsia mà chúng ta thực sự cần, chứ không phải người mà chúng ta muốn.
ĐỨC VUA ĐƯỢC MONG ĐỢI
Chương 5 của sách Khải Huyền giúp chúng ta thấy điều này rõ ràng bằng cách đặt Can-vê vào viễn cảnh Nước Trời. Chương này bắt đầu bằng một vấn đề, một bí ẩn: Thiên Chúa nắm giữ sổ sách trong tay, kế hoạch tối hậu của Ngài là phán xét kẻ thù và cứu thoát dân Ngài. Vấn đề là sổ sách đó vẫn niêm phong và đóng kín.
Một thiên thần đưa ra vấn đề quan trọng: Ai xứng đáng mở cuốn sổ và mở niêm phong? Vấn đề này nhắc tôi nhớ tới các câu chuyện thần thoại mà tôi thường đọc cho các con tôi nghe: Ai xứng đáng đi đôi giày này và kết hôn với hoàng tử? Ai xứng đáng đánh thức người đẹp đang ngủ? Ai xứng đáng rút chiếc gươm từ tảng đá và trở thành đức vua kế vị?
The army of heaven looks high and low, but their cosmic search identifies no worthy seal-breaker. Then one of the heavenly elders offers a word of hope: “Đừng khóc nữa! Này đây, Sư Tử xuất thân từ chi tộc Giu-đa, Chồi Non của Đa-vít đã chiến thắng, Người sẽ mở cuốn sách và bảy ấn niêm phong” (Kh 5:5).
Vị vua xứng đáng là Sư Tử nhà Giu-đa, Con Vua Đa-vít, chiến thắng tại Can-vê để chiếm giữ cuốn sổ lớn đó — đó là Phúc Âm! Đây là điều mà ngôn sứ I-sai-a đã tiên báo từ lâu: “Từ gốc tổ Gie-sê, sẽ đâm ra một nhánh nhỏ, từ cội rễ ấy, sẽ mọc lên một mầm non. Thần khí Đức Chúa sẽ ngự trên vị này: thần khí khôn ngoan và minh mẫn, thần khí mưu lược và dũng mãnh, thần khí hiểu biết và kính sợ Đức Chúa. Lòng kính sợ Đức Chúa làm cho Người hứng thú, Người sẽ không xét xử theo dáng vẻ bên ngoài, cũng không phán quyết theo lời kẻ khác nói, nhưng xét xử công minh cho người thấp cổ bé miệng, và phán quyết vô tư bênh kẻ nghèo trong xứ sở. Lời Người nói là cây roi đánh vào xứ sở, hơi miệng thở ra giết chết kẻ gian tà” (Is 11:1–4).
ƯỚC MƠ TAN BIẾN, HY VỌNG VỠ NÁT
Đây là Đấng Mê-si-a mà dân Do Thái mong đợi, nhiều người trong số họ cứ tưởng Đức Giêsu sẽ làm trọn cách mô tả công việc trang trang này — là Đấng Mê-si-a đã cho hàng ngàn người ăn uống no nê, mở mắt người mù, chữa lành người què, và phục sinh kẻ chết. Họ chào đón Vị Vua này khi Ngài cưỡi lừa vào thành Giê-ru-sa-lem theo tiếng họ tung hô vang dội: “Hosanna! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa. Lạy Thiên Chúa, xin cứu thoát chúng con!”.
Nhưng rồi ngày Thứ Sáu Tuần Thánh đã làm nghẹt niềm hy vọng và mơ ước của họ và đặt chúng vào huyệt đá. Trên Thập Giá, tổng trấn cho gắn bảng ghi: “Giêsu Nadarét, Vua dân Do Thái” (Ga 19:19). Bảng chữ mỉa mai này chế nhạo sự mong chờ của dân Ít-ra-en về Người Con vĩ đại của Vua Đa-vít.
Các môn đệ của Chúa Giêsu chạy tản mác, bỏ của chạy lấy người. Dân chúng đấm ngực khi họ trên đường về nhà. Những người lãnh đạo tham lam của Do Thái đã xử lý kẻ thù của họ. Các môn đệ chán nản lê bước về Em-mau bộc bạch tâm sự: “Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-en” (Lc 24:21). Thi thể bất động của Chúa Giêsu đã giết chết niềm hy vọng của người Do Thái.
TẶNG PHẨM CHÚNG TA KHÔNG MUỐN NHƯNG CẦN THIẾT
Nhưng đối với bề ngoài mặc vẻ bi kịch đó, Thứ Sáu Tuần Thánh lại thực sự là Ngày Chiến Thắng chứ không hề chiến bại: “Bấy giờ tôi thấy đứng ở giữa ngai và bốn Con Vật, giữa các vị Kỳ Mục, một Con Chiên, trông như thể đã bị giết; Chiên đó có bảy sừng và bảy mắt, tức là bảy thần khí của Thiên Chúa đã được sai đi khắp mặt đất. Con Chiên đến lãnh cuốn sách từ tay hữu Đấng ngự trên ngai” (Kh 5:6–7).
Chúa Giêsu có một con đường bất ngờ dẫn tới ngai báu. Ngài chiến thắng bằng sự chiến bại. Mỉa mai thay, chính bảng chữ trên Thập Giá mỉa mai Chúa Giêsu lại là lời tuyên bố sự thật, và sự thật này làm cho Thứ Sáu Tuần Thánh trở nên “ngày tốt lành”: Chúa Giêsu thực sự là Vua — và Ngài bằng lòng chết vì kẻ thù của Ngài.
Người ta muốn một nhà lãnh đạo can trường, mạnh như sư tử, để thi hành công lý và công chính, điều mà chính Chúa Giêsu sẽ thực hiện — lúc Ngài đến lần thứ hai (Kh 19:11–16). Lần thứ nhất, Chúa Giêsu chiến thắng với tư cách Con Chiên cứu thoát người ta khỏi tội lỗi — vấn đề này còn quan trọng hơn cả việc chiếm giữ Rô-ma.
Chúa Giêsu không theo kịch bản của người ta bởi vì kịch bản của Thiên Chúa đã tiền định một chiến thắng sâu xa hơn đối với loại kẻ thù nguy hiểm hơn.
D.A. Carson cho biết: “Nếu Thiên Chúa biết rằng nhu cầu lớn nhất của chúng ta là kinh tế, Ngài sẽ gởi tới một nhà kinh tế. Nếu đó là sự giải trí, Ngài sẽ gởi tới một diễn viên hài hoặc một nghệ sĩ. Nếu đó là sự ổn định về chính trị, Ngài sẽ gởi tới một chính khách. Nếu đó là y tế, Ngài sẽ gởi tới một bác sĩ. Nhưng Ngài biết rằng nhu cầu lớn nhất của chúng ta liên quan tội lỗi, sự xa cách giữa chúng ta với Ngài, sự nổi loạn từ đáy lòng của chúng ta, sự chết của chúng ta, nên Ngài gởi Đấng Cứu Thế đến với chúng ta”.
THIÊN CHÚA LÀM MƠ ƯỚC CỦA CHÚNG TA NHỎ LẠI
Cõi lòng của tất cả chúng ta đều đầy ắp những mơ ước, có điều tốt và có điều xấu — nghề nghiệp, công việc, tình yêu, hôn nhân, con cái, sức khỏe, tiền tài, danh vọng, chức tước, địa vị,…
Trí óc của chúng ta luôn nghĩ tới ngày mai với đủ kiểu hy vọng về những gì sẽ xảy ra cho mình. Về bản chất, điều này không sai — chúng ta cần hoạch định cho cuộc sống. Nhưng ở mỗi bước ngoặt, sự chiến thắng lạ lùng của Thập Giá nhắc chúng ta nhớ ba điều cơ bản:
- Nhu cầu của chúng ta lớn hơn chúng ta tưởng
Thập Giá phơi bày các tội lỗi mang tính ung thư còn tệ hại hơn những gì chúng ta dám nghĩ, đồng thời nhắc chúng ta nhớ rằng án phạt công bình dành cho những kẻ trộm cướp và những kẻ nổi loạn chống lại Vua Nước Trời chính là sự chết. Khi chúng ta xem xét các hy vọng về cuộc sống và tương lai, chúng ta nên loại bỏ mọi thứ quyền hành từ gốc rễ. Nhu cầu lớn nhất của chúng ta không chỉ là cái gì đó mà chúng ta cung cấp cho chính mình, mà nhu cầu quan trọng nhất của chúng ta phải là Đấng Cứu Độ – Đức Giêsu Kitô.
- Đức vua của chúng ta tốt lành hơn chúng ta tưởng
Thập Giá cho chúng ta thấy rằng Thiên Chúa không gởi loại vua mà người ta mong đợi và hy vọng, mà là vị vua mà họ cần — Đấng sẵn sàng như con chiên bị giết để cứu chuộc dân Ngài khỏi hệ lụy của tội lỗi. Thiên Chúa biết chúng ta cần gì trước khi chúng ta cầu xin và trước khi chúng ta biết đó là điều chúng ta cần (Mt 6:8).
- Miệng lưỡi chúng ta phải chúc tụng Ngài
Thập Giá đòi hỏi chúng ta phải có câu trả lời. Hãy làm điều chúng ta tin. Chúng ta bước theo Chúa Giêsu là Con Chiên chịu sát tế và là Vua của chúng ta, hay là chúng ta đi theo người lãnh đạo của thế gian? Những người lãnh đạo Do Thái nói với ông Philatô: “Chúng tôi không có vua nào cả, ngoài Xê-da” (Ga 19:15). Nhưng chúng ta tuyên xưng: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian!” (Ga 1:29), “Xin kính dâng Đấng ngự trên ngai và Con Chiên lời chúc tụng cùng danh dự, vinh quang và quyền năng đến muôn thuở muôn đời!” (Kh 5:12).
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ DisiringGod.org)
Chiều 12-5-2017