Home / Suy Niệm Lời Chúa / Các bài suy niệm Tin mừng Lễ Giao thừa, Lễ mồng 1, 2, 3 tết Mậu Tuất, của Trầm Thiên Thu

Các bài suy niệm Tin mừng Lễ Giao thừa, Lễ mồng 1, 2, 3 tết Mậu Tuất, của Trầm Thiên Thu

KHOẢNG LẶNG THÁNH

(Lễ GIAO THỪA – Tết Nguyên Đán Việt Nam)

ĐÊM BA MƯƠI CẦU BÌNH AN HẠNH PHÚC

SÁNG MỒNG MỘT KHẤN THÁNH THIỆN TIN YÊU

Giao thừa là khoảnh khắc chuyển giao lại năm cũ để đón nhận năm mới – còn gọi là Đêm Trừ Tịch. Đó là thời khắc linh thiêng, là “khoảng lặng thánh” đối với người có niềm tin Kitô tôn giáo. Trong đêm giao thừa, người ta có các tục lệ khác nhau như cúng tổ tiên, bói Kiều,…

Riêng người Công giáo có thói quen tốt lành là tham dự Thánh lễ Giao thừa để tôn thờ Thiên Chúa Ba Ngôi và tôn kính Đức Mẹ.

Đối với người đời, người ta cũng cầu mong nhiều điều tốt đẹp cho năm mới, thể hiện qua mâm ngũ quả. Mỗi vùng miền có thể dùng những loại trái khác nhau. Nhưng kiêng kỵ đối với các loại trái cây có tên gọi “na ná” với từ có nghĩa xấu như cam (cam chịu), chuối (chúi đầu, chúi mũi – tức là vất vả). Một số trái cây ở Nam bộ được ưa thích như trái thơm (dứa – ý nói thơm tho, danh thơm tiếng tốt), trái sung (sung túc). Đủ cho một câu thể hiện sự mong ước khiêm tốn gồm 4 trái: mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài (cầu vừa đủ xài); hơn mức đầy đủ thì gồm 5 trái: mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung (cầu vừa đủ xài sung).

Đối với các Kitô hữu, cách riêng đối với Công giáo, Thiên Chúa mới chính là Chúa Xuân đích thực, chứ còn bao nhiêu loại trái cũng không thành vấn đề. (Nói vui: Kiểu tin nhắn không dấu ngày nay là Ngu Qua, người ta không đọc là Ngũ Quả mà lại đọc là “ngu quá” thì tai hại quá!). Ngay từ đầu Thánh lễ, Giáo hội dùng lời Kinh thánh để cầu chúc mọi người trong giây phút giao thừa: “Cúi xin Đấng tạo thành trời đất xuống cho bạn muôn vàn phúc cả từ Núi Thánh Sion” (Tv 134:3).

Luật vị nhân sinh. Nghi thức nhằm phục vụ con người. Đừng câu nệ hình thức mà “bắt” con người phải phục vụ nghi thức hoặc luật lệ! Đức Chúa truyền cho ông Môsê phải nói với A-ha-ron và các con về “công thức” chúc lành cho con cái Ít-ra-en: “Nguyện Đức Chúa chúc lành và gìn giữ anh em! Nguyện Đức Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh em và dủ lòng thương anh em! Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh em!” (Ds 6:24-26). Sao lại phải chúc như vậy? Chính Thiên Chúa giải thích: “Chúc như thế là đặt con cái Ít-ra-en dưới quyền bảo trợ của danh Ta, và Ta, Ta sẽ chúc lành cho chúng” (Ds 6:24-27).

Cả cuộc đời chúng ta luôn được Thiên Chúa quan tâm, chăm sóc, nâng đỡ, bảo vệ, chúc lành,… Thật tuyệt vời biết bao! Thánh vịnh gia đã từng thắc mắc: “Tôi ngước mắt nhìn lên rặng núi, ơn phù hộ tôi đến tự nơi nao?” (Tv 121:1), nhưng tác giả lại có thể xác định ngay: “Ơn phù hộ tôi đến từ Đức Chúa, là Đấng dựng nên cả đất trời” (Tv 121:2). Chắc chắn là như thế thôi!

Trong “khoảng lặng thánh” của đêm giao thừa, khi năm cũ giã từ để năm mới sang, chúng ta hãy thành tâm cầu chúc nhau những điều tốt lành nhất: “Xin Đấng gìn giữ bạn đừng để bạn lỡ chân trật bước, xin Người chớ ngủ quên. Đấng gìn giữ Ít-ra-en, lẽ nào chợp mắt ngủ quên cho đành! Chính Chúa là Đấng canh giữ bạn, chính Chúa là Đấng vẫn chở che, Người luôn luôn ở gần kề. Ngày sáu khắc, vầng ô không tác họa, đêm năm canh, vành nguyệt chẳng hại chi. Chúa giữ gìn bạn khỏi mọi điều bất hạnh, giữ gìn cho sinh mệnh an toàn. Chúa giữ gìn bạn lúc ra vào lui tới, từ giờ đây cho đến mãi muôn đời” (Tv 121:3-8). Cầu xin cho cả năm được bình an trong sự quan phòng của Thiên Chúa.

Khoảnh khắc giao thừa nhắc nhở chúng ta xin lỗi Chúa và tha nhân về những lỗi lầm trong năm cũ, đồng thời cũng phải biết tạ ơn về bao ơn lành mà Thiên Chúa đã trao ban suốt năm qua và xin thêm ơn lành cho năm mới. Thánh Phaolô mời gọi: “Anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Kitô Giêsu” (1 Tx 5:16-18).

Và rồi thánh nhân cũng nhắc nhở thêm điều cần thiết: “Anh em ĐỪNG dập tắt Thần Khí. CHỚ khinh thường ơn nói tiên tri. HÃY cân nhắc mọi sự: điều gì tốt thì giữ; còn điều xấu dưới bất cứ hình thức nào thì lánh cho xa” (1 Tx 5:19-22). Một câu có ba mệnh lệnh, mà mệnh lệnh nào cũng quan trọng.

Còn nữa, tiếp theo là lời chúc thánh đức: “Nguyện chính Thiên Chúa là nguồn mạch bình an, thánh hoá toàn diện con người anh em, để thần trí, tâm hồn và thân xác anh em được gìn giữ vẹn toàn, không gì đáng trách, trong ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, quang lâm. Đấng kêu gọi anh em là Đấng trung thành: Người sẽ thực hiện điều đó. Chúc anh em được đầy ân sủng của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (1 Tx 5:23-24 & 28). Ôi, được như vậy là có niềm tín thác vào Thiên Chúa, và như thế thì thật phúc thay!

Là con người sống trên trần gian, bất cứ ai cũng không ngừng khao khát được tận hưởng niềm hạnh phúc viên mãn. Tất nhiên có nhiều dạng hạnh phúc theo quan niệm của mỗi người, mỗi vùng, mỗi miền, mỗi dân tộc. Tuy nhiên, có một điều phúc đích thực mà đôi khi chúng ta hay quên hoặc chưa thực sự lưu tâm, đó chính là điều mà Chúa Giêsu đã mặc khải cho mọi người: “Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa” (Lc 11:28).

Thật tuyệt vời khi Tin Mừng đêm Giao thừa đề cập Bát Phúc (Mt 5:1-10 – cũng gọi là Tám Mối Phúc Thật, Hiến Chương Nước Trời, Bài Giảng Trên Núi), và là “bản tuyên ngôn độc lập” đầu tiên đã được chính Chúa Giêsu công bố:

  1. Phúc thay ai có tâm hồn NGHÈO KHÓ, vì Nước Trời là của họ.
  2. Phúc thay ai HIỀN LÀNH, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.
  3. Phúc thay ai SẦU KHỔ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.
  4. Phúc thay ai KHÁT KHAO nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng.
  5. Phúc thay ai XÓT THƯƠNG người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.
  6. Phúc thay ai có tâm hồn TRONG SẠCH, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.
  7. Phúc thay ai XÂY DỰNG HOÀ BÌNH, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.
  8. Phúc thay ai BỊ BÁCH HẠI vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ.

Chỉ với 8 điều khoản ngắn gọn mà súc tích, Bát Phúc còn được coi là Đệ Nhất Tuyên Ngôn đối với nhân loại. Chắc hẳn người không có niềm tin vào Thiên Chúa thì không thể nào “chịu nổi” với 8 điều mà Chúa Giêsu cho là PHÚC như vậy, bởi vì tất cả đều “nghịch nhĩ”. Sao mà “ngược đời” quá! Để có thể sống theo kiểu “ngược đời” của Chúa Giêsu thì phải cần đến ĐỨC TIN. Và chính ĐỨC TIN chắc chắn sẽ cứu thoát chúng ta nhờ Danh Đức Giêsu Kitô.

Với đức tin vả cảm nghiệm cuộc sống, chúng ta có thể nhận thấy rằng được trở thành Kitô hữu là một ơn gọi, là vào đời làm NHÂN CHỨNG về Tin Mừng của Đức Kitô. Tất nhiên chúng ta có thể bị ghen ghét và bị hại – đa dạng, lắm kiểu, nhiều mức. Thật vậy, Chúa Giêsu đã biết trước nên Ngài căn dặn: “Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói. Hãy KHÔN như rắn và ĐƠN SƠ như bồ câu” (Mt 10:16). Con Rắn là loài vừa khôn ngoan vừa xảo quyệt nhất trong các loài động vật. Chính nó đã lừa được Bà Eva bằng lời đường mật, và rồi Ông Adam lại “chết” vì mỹ nhân kế của một phụ nữ “yếu đuối” là chính vợ mình. Chúa Giêsu muốn chúng ta học cái khôn ngoan của con Rắn chứ đừng nham hiểm như nó!

Xuân về, Tết đến, ai cũng có cái “khác” từ tinh thần đến thể lý, cả trong lẫn ngoài. “Khác” không phải là quần là áo lượt, mà là đổi mới, là canh tân tích cực để tốt hơn chứ không bị “biến chất”, và phải mãi mãi như Chúa Xuân bất diệt: “Đức Giêsu Kitô vẫn là MỘT, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời” (Dt 13:8).

Và trong năm mới này, Thiên Chúa nhắn nhủ điều gì với mỗi chúng ta?

  1. “Mạnh bạo lên, can đảm lên! Đừng sợ, đừng run khiếp trước mặt chúng, vì chính Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, đi với anh em; Người sẽ không để mặc, không bỏ rơi anh em” (Đnl 31:6).
  2. “Đừng sợ, vì Ta đã chuộc ngươi về, đã gọi ngươi bằng chính tên ngươi: ngươi là của riêng Ta! Ngươi có băng qua nước, Ta sẽ ở cùng ngươi, ngươi có vượt qua sông, cũng không bị nước cuốn; ngươi có đi trong lửa, cũng chẳng hề hấn gì, ngọn lửa không thiêu rụi ngươi đâu” (Is 43:1-2).

Lạy Thiên Chúa, xin chúc tụng Cha là Chúa Tể càn khôn. Chúng con xin lỗi Chúa về mọi lỗi lầm năm cũ, xin ban Thánh Linh để chúng con biến đổi nên giống Ngài hơn. Xin chúc tụng Thiên Chúa Ba Ngôi, xin hướng chúng con tới Mùa Xuân Vĩnh Hằng trên Thiên quốc. Xin Chúa lì xì nhiều Hồng Ân để chúng con sống trọn vẹn năm mới, và chúng con cũng xin lì xì cả cuộc đời của chúng con cho Chúa, xin Ngài thương thánh hóa và hướng dẫn chúng con đi đúng Đường Ngay Nẻo Chính của Ngài. Nguyện xin Thiên Chúa chúc lành và ban cho mọi người đều có được niềm vui Xuân trọn vẹn.

Nguyện xin Đức Mẹ Maria, Đức Thánh Giuse, chư Thần và chư Thánh nguyện giúp cầu thay cho chúng con không chỉ suốt năm nay mà suốt cuộc đời của chúng con. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng cứu độ nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

+ Thánh ca GIAO THỪA: https://www.youtube.com/watch?v=O_k6fi1FnOA

+ Thánh ca TÁM MỐI PHÚC: https://www.youtube.com/watch?v=OGSTHS4ayzg

THÀNH TÂM TÍN THÁC

(Mồng Một Tết Nguyên Đán – Cầu Bình An)

XUÂN SANG CẢM TẠ CHÚA TRỜI THƯƠNG XÓT

TẾT ĐẾN TRI ÂN ĐỨC MẸ CHỞ CHE

Khởi đầu luôn là “mốc” quan trọng trong các lĩnh vực, cũng gọi là khởi điểm. Thiên Chúa là người khởi sự đầu tiên: “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất” (St 1:1). Một năm cũ kết thúc và đã qua, một năm mới khởi đầu và vừa tới. Đó là quy luật tự nhiên bất biết muôn thuở, vì cái gì cũng có hai “điểm” – khởi sự và kết thúc. Cả hai “điểm” đó đều là Thiên Chúa: “Ta là An-pha và Ô-mê-ga, là Đầu và Cuối, là Khởi Nguyên và Tận Cùng” (Kh 22:13).

Ngày đầu năm là Mồng Một Tết và là ngày cầu bình an cho năm mới. Đời người có nhiều khởi điểm: Khởi đầu cuộc đời, khởi đầu công việc, khởi đầu hôn nhân, khởi đầu sự nghiệp,… đặc biệt là khởi đầu năm mới, đặc biệt là lúc từ bỏ lối sống cũ để sống lối sống mới, đó là “đổi đời” – tâm linh gọi là hoán cải. Tất cả những cái khởi đầu đều làm người ta cảm thấy quan ngại – lo đủ thứ, e đủ kiểu, sợ đủ mức. Lẽ tất nhiên, vì chúng ta không thể chủ động, không biết tương lai ra sao – vì “thời gian là của Chúa”. Vì thế, người ta rất cần và phải tín thác vào Chúa. Đó là sống khôn ngoan!

Trên chiếc đồng hồ lớn tại giáo xứ Thánh Gioan Chrysostom ở Inglewood (California, Hoa Kỳ), người ta thấy có khắc chữ “Tempus Fugit” – La ngữ nghĩa là “thời giờ trôi qua”. Điều dĩ nhiên nhưng rất chí lý! Tục ngự Việt Nam cũng nói tương tự: “Thời giờ thấm thoắt thoi đưa, nó đi đi mãi có chờ đợi ai”. Và hôm nay, mồng Một Tết, cũng sẽ qua đi theo dòng chảy thời gian, kể cả Mùa Xuân cũng sẽ chấm dứt, nhưng chính Thiên Chúa đã động viên mỗi chúng ta: “ĐỪNG LO!” (Mt 6:34).

Một năm có bốn mùa, Mùa Xuân chỉ là một phần của thời gian. Chờ Xuân thì háo hức, cảm thấy vui, đón Xuân thì lại kém vui. Xuân đến rồi Xuân lại đi, chẳng có gì vĩnh viễn, và mọi thứ đều hữu hạn: “Chính Ngài vạch biên cương cho cõi đất, thời hạ, tiết đông, cũng chính Ngài thiết lập” (Tv 74:17).

Mùa Xuân ấm áp sau khi tan giá lạnh Mùa Đông. Có lạnh mới biết quý hơi ấm. Mùa Xuân đến, mọi vật đều biến đổi, khác lạ, y như được hồi sinh từ cõi chết vậy. Lạ lắm, đúng như tác giả sách Diễm Ca (2:11-12) mô tả, đơn giản mà tinh tế, khéo léo và thú vị:

Tiết Đông giá lạnh đã qua

Mùa mưa đã dứt, đã xa lắm rồi

Sơn hà nở rộ hoa tươi

Và mùa ca hát vang trời về đây

Tiếng chim gáy hót mê say

Văng vẳng cả ngày trên khắp đồng quê

Khởi đầu một năm mới được đánh dấu bằng Mùa Xuân. Với cái vẻ “mới lạ” của mùa Xuân, chúng ta được gợi nhớ tới việc sáng tạo của Thiên Chúa từ thuở hồng hoang. Khoảng thời gian đó được Kinh Thánh cụ thể hóa là sáu ngày, và thêm một ngày nghỉ nữa là thành một tuần.

Con số 7 là con số “lạ” lắm: 7 ngày là khoảng thời gian Thiên Chúa sáng tạo trời đất, 7 ngày trong tuần, 7 bí tích, 7 nhân đức đối lập với 7 mối tội đầu, 7 mối thương xác và 7 mối thương hồn (14 mối thương người), 7 quỷ bị Chúa Giêsu đuổi ra khỏi cô Maria Mađalêna (Mc 16:9; Lc 8:2), 7 lời cuối Chúa Giêsu nói trên Thập Giá, riêng sách Khải Huyền đề cập số 7 nhiều nhất: 7 ấn (5:1 & 5; 6:1), 7 đầu của Con Mãng Xà (12:3), 7 đầu của Con Thú từ biển đi lên (13:1; 17:3, 7 & 9), 7 chén (15:7; 16:1; 17:1; 21:9), 7 chiếc kèn (8:2 & 6), 7 đặc tính của Con Chiên (5:12), 7 đặc tính của Thiên Chúa (7:12), 7 hạng người (6:12), 7 hồi sấm (10:3-4), 7 Hội Thánh (1:4, 11 & 20), 7 mắt (5:6), 7 ngôi sao (1:16 & 20; 2:1; 3:1), 7 ngọn đồi (17:9), 7 ngọn đuốc (4:5), 7 sừng (5:6), 7 tai ương (15:1, 6 & 8; 21:9), 7 thần khí (1:4; 3:1; 4:5; 5:6), 7 thiên sứ (8:2 & 6; 15:1, 6-8; 16:1; 17:1; 21:9), 7 trụ đèn bằng vàng (1:12 & 20; 2:1), 7 vua (17:9 & 11), 7 vương miện trên 7 đầu của Con Mãng Xà (12:3).

Còn nữa, 7 loại hình nghệ thuật, 7 nốt trong âm nhạc, 7 sắc cầu vồng, 7 màu cơ bản cho việc phối màu trong hội họa, 7 kỳ quan thế giới. Thật thú vị!

Con số 7 lạ lùng đầu tiên là khi Thiên Chúa tạo thiên lập địa: 7 ngày. Vào ngày thứ tư trong công cuộc sáng tạo, Thiên Chúa phán: “Phải có những vầng sáng trên vòm trời, để phân rẽ ngày với đêm, để làm dấu chỉ xác định các đại lễ, ngày và năm. Đó sẽ là những vầng sáng trên vòm trời để chiếu soi mặt đất” (St 1:14-15). Tức thì đã xảy ra y như vậy!

Tường thuật chi tiết hơn, Kinh Thánh cho biết: “Thiên Chúa làm ra hai vầng sáng lớn: vầng sáng lớn hơn để điều khiển ngày, vầng sáng nhỏ hơn để điều khiển đêm; Người cũng làm ra các ngôi sao. Thiên Chúa đặt các vầng sáng trên vòm trời để chiếu soi mặt đất, để điều khiển ngày và đêm, và để phân rẽ ánh sáng với bóng tối. Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp” (St 1:16-18). Ngày để làm việc, đêm để nghỉ ngơi. Thiên Chúa đã tạo cơ hội thuận lợi để chúng ta có thể cân bằng cuộc sống, nhờ đó mà làm việc có hiệu quả cao nhất. Xin tạ ơn Chúa Tể càn khôn!

Đời là bể khổ. Thế nên cuộc sống luôn có những nỗi lo, không nhiều thì ít, không to thì nhỏ, chẳng ai có thể vô tư. Ngay cả người điên cũng có nỗi lo riêng của họ, thậm chí người sống thực vật cũng lo – vì họ não và tim của họ vẫn hoạt động, tức là vẫn sống. Thật vậy, cứ mở mắt ra là thấy lo rồi. Tuy nhiên, lo là lẽ thường tình của nhân sinh, nhưng đừng lo quá, vì chúng ta “không thể làm cho một sợi tóc hóa trắng hay đen” (Mt 5:36). Việc nhỏ như vậy còn chưa làm nổi kia mà! Do đó, tác giả Thánh Vịnh nhắc nhở chúng ta “thoát” ra khỏi cái “vỏ ốc yếu đuối” của mình: “Cứ tin tưởng vào Chúa và làm điều thiện thì sẽ được ở trong đất nước và sống yên hàn. Hãy lấy Chúa làm niềm vui của bạn, Người sẽ cho được phỉ chí toại lòng. Hãy ký thác đường đời cho Chúa, chính Người sẽ ra tay” (Tv 37:4-5).

Nhưng không chỉ có vậy, Thiên Chúa còn làm cho chúng ta nhiều hơn nữa: “Chính nghĩa bạn, Chúa sẽ làm rực rỡ tựa bình minh, công lý bạn, Người sẽ cho huy hoàng như chính ngọ” (Tv 37:6). Tuy nhiên, chúng ta phải chú ý đến “chính nghĩa” (lẽ phải, sự thật) và “công lý” (công minh, chính trực) – tức là chúng ta phải nghiêm túc, rạch ròi, thẳng thắn, chứ đừng “bẻ cong” hoặc “bóp méo” bất cứ điều gì. Không dễ đâu đấy, thế nên phải thực sự can đảm mới khả dĩ thực hiện.

Thánh Vịnh gia cho biết: “Chúa giúp con người bước đi vững chãi, ưa chuộng đường lối họ dõi theo. Dầu họ có vấp cũng không ngã gục, bởi vì đã có Chúa cầm tay. Từ nhỏ dại tới nay tôi già cả, chưa thấy người công chính bị bỏ rơi, hoặc dòng giống phải ăn mày thiên hạ. Ngày ngày họ thông cảm và cho mượn cho vay, dòng giống mai sau hưởng phúc lành” (Tv 37:23-26). Mấy câu này làm sáng tỏ mấy câu trên. Lô-gích lắm!

Cái gì cũng có hệ lụy nhất định. Sống tốt thì người ta an lòng, hy vọng cũng làm người ta vui sống, và càng an tâm hơn nếu người ta biết phó thác tất cả cho Chúa. Thánh Phaolô kêu gọi: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em! Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hoà rộng rãi, Chúa đã gần đến. Anh em đừng lo lắng gì cả. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện” (Pl 4:4-6). Sống tín thác cũng là sống “con đường thơ ấu” của Thánh Hoa Hồng Nhỏ Tê-rê-xa Hài Đồng.

Và đây là hệ quả tất yếu đối với những ai biết sống tín thác: “Bình an của Thiên Chúa, bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Đức Kitô Giêsu” (Pl 4:7). Thánh Phaolô nhắn nhủ thêm về các đức tính cần thiết để sống tốt lành và đạo đức: “Ngoài ra, thưa anh em, những gì là chân thật, cao quý, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh, đáng khen, xin anh em hãy để ý” (Pl 4:8).

Chắc chắn điều chính xác và rõ ràng nhất là lời khuyên của Đại Sư Giêsu: “ĐỪNG LO cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng ĐỪNG LO cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao?” (Mt 6:25). Một câu nghi-vấn-xác-định thật độc đáo quá chừng. Tuyệt vời biết bao!

Dĩ nhiên Chúa Giêsu biết chúng ta còn yếu đuối, chưa đủ tin, nên Ngài phải “dài hơi” giải thích và đưa ra chứng cớ minh nhiên: “Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao? Hỏi có ai trong anh em, nhờ lo lắng, mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang tay? Còn về áo mặc cũng thế, lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học: chúng không làm lụng, không kéo sợi; thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Sa-lô-môn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy” (Mt 6:26-29). Như vậy, liệu chúng ta có thực sự tâm phục khẩu phục chưa?

Và rồi Ngài nhấn mạnh bằng cách đặt vấn đề: “Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém tin! Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây? Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó. Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6:30-33). Với sức con người thì khó lắm, nhưng với niềm tín thác, chúng ta sẽ làm được nhờ Đức Giêsu Kitô. Chắc chắn như thế!

Cuối cùng, Chúa Giêsu đưa ra lời xác định, vừa động viên vừa khuyến cáo: “Anh em ĐỪNG LO LẮNG về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy!” (Mt 6:34). Biết thế thì sẽ thoát khổ, cứ thanh thản mà sống. Lo bạc râu, sầu bạc tóc. Đi xuyên qua đau khổ là cách tốt nhất để thoát khổ. Vả lại, lo lắng lắm cũng chẳng thay đổi được gì, thế thì lo chi để tự chuốc khổ vào mình?

Giờ đã điểm, ngay giây phút đầu tiên của mùa Xuân, khi hòa chung niềm vui mừng của muôn loài và cùng nhau ăn Tết, mỗi người chúng ta hãy ghi nhớ và chân thành thề hứa với Chúa: “Ngày lại ngày, con xin chúc tụng Chúa và ca ngợi Thánh Danh muôn thuở muôn đời” (Tv 145:2). Có Chúa là có tất cả, mất Chúa là mất tất cả. Thế thôi!

Lạy Thiên Chúa là Khởi Đầu và Kết Thúc – Anpha và Ômêga, chúng con tin kính và yêu mến Ngài, xin giúp chúng con thể hiện niềm tin yêu đó qua động thái yêu thương tha nhân, hôm nay và mãi mãi. Đó là Tình Xuân của chúng con, và chúng con muốn chia sẻ với tha nhân, nhất là những người chưa có thể tận hưởng ngày Xuân trọn vẹn vì bất cứ lý do nào – có thể họ là tội nhân, bệnh nhân, tù nhân, người mồ côi, người năng ưu sầu, người chia ly, người nghèo khó, người bị ruồng bỏ, người bị phản bội,… Xin Chúa thương họ cách đặc biệt, và xin ban an bình cho mọi người. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng cứu độ nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

+ Thánh ca CHỚ LO NGÀY MAI: https://www.youtube.com/watch?v=EZ_2o3xvy4s

ĐẠO LÀM CON

(Mồng Hai Tết – cầu cho Tiên Nhân)

Ngày xưa, giáo dục chú trọng lễ nghĩa: “Tiên học lễ, hậu học văn”. Môn giáo dục công dân dạy học sinh những điều cốt lõi để làm người, để khi lớn lên sẽ thành nhân – mặc dù có thể không thành tài: Thành nhân hơn thành công. Vì thế, chắc hẳn không mấy ai lại không thuộc lòng câu ca dao này:

CÔNG CHA NHƯ NÚI THÁI SƠN

NGHĨA MẸ NHƯ NƯỚC TRONG NGUỒN CHẢY RA

MỘT LÒNG THỜ MẸ, KÍNH CHA

CHO TRÒN CHỮ HIẾU MỚI LÀ ĐẠO CON

Câu ca dao bình dị mà chứa đựng đạo lý thâm sâu. Ai cũng có một gia đình, dù là “ông kia, bà nọ” thì cũng vẫn xuất thân từ một gia đình. Mặc dù người ta có thể tự chọn nhiều thứ, nhưng không ai có thể tự chọn cha mẹ – tất nhiên kể cả ông bà, tổ tiên. Chắc hẳn không ngẫu nhiên mà người ta gọi gia đình là Tổ Ấm hoặc Mái Ấm, bởi vì trong đó có hơi ấm của tình yêu thương. Dấu hiệu đầu tiên của hạnh phúc gia đình là tình yêu gia đình, chính “ngọn lửa” tình yêu giữ cho gia đình luôn ấm áp trong mọi hoàn cảnh.

Mặc dù là Thiên Chúa, nhưng khi Đức Giêsu giáng sinh làm người, Ngài cũng sinh trưởng trong một gia đình và giữ trọn đạo làm con. Điều đó chứng tỏ gia đình rất quan trọng. Hai tiếng “gia đình” đơn giản lắm, nhưng cũng có nhiều phức tạp lắm. Louisa May Alcott (1832-1888, Hoa Kỳ) nhận xét: “Khả năng tìm được cái đẹp trong những điều nhỏ bé nhất khiến gia đình trở nên hạnh phúc và cuộc đời trở nên đáng yêu” (The power of finding beauty in the humblest things makes home happy and life lovely). Thomas Fuller (1608-1661, Anh quốc) đề nghị: “Lòng nhân đức bắt đầu từ gia đình nhưng không nên kết thúc ở đó” (Charity begins at home but should not end there). Bộ ba Cha-Mẹ-Con là chiếc kiềng ba chân yêu thương để chống đỡ gia đình: “Yêu nhau trăm sự chẳng nề, một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng” (Ca dao). Tất nhiên phải cần nỗ lực của mọi thành viên.

Vào những dịp lễ, tết, và những dịp đặc biệt khác, việc nhớ tới công sinh thành dưỡng dục của cha mẹ và tiền nhân là điều cần thiết. Trên đời này, không có công ơn nào to lớn bằng công ơn cha mẹ, đặc biệt là người mẹ. Chữ Hiếu được mệnh danh là Đạo Hiếu, nhưng vẫn không thể nào bù đắp chín Đức Cù Lao (*). Cứ tính đơn giản theo nghĩa đen thì cũng thấy không cân xứng: Một chữ không thể so với chín chữ. Con cái chỉ có một chữ Hiếu mà vẫn không bao giờ giữ cho vuông tròn!

Tác phẩm Kinh Thi có đề cập đức cù lao của cha mẹ qua cách nói ngắn gọn mà súc tích: “Cù lao vu dã” – nhọc nhằn vất vả nơi đồng nội; và “bi ai phụ mẫu, sinh ngã cù lao” – thương thay cha mẹ nhọc nhằn sinh ta.

Nhân dịp đầu Xuân và năm mới, thời gian đẹp nhất trong năm – cả nghĩa đen và nghĩa bóng, sách Huấn Ca mời gọi: “Giờ đây, chúng ta hãy ca ngợi những vị danh nhân, cũng là cha ông của chúng ta qua các thế hệ” (Hc 44:1). Tại sao vậy? Lý do minh nhiên: “Họ là những người đạo hạnh, công đức của các ngài không chìm vào quên lãng. Dòng dõi các ngài luôn được hưởng một gia tài quý báu đó là lũ cháu đàn con. Dòng dõi các ngài giữ vững các điều giao ước; nhờ các ngài, con cháu cũng một mực trung thành. Dòng dõi các ngài sẽ muôn đời tồn tại, vinh quang các ngài sẽ chẳng phai mờ. Các ngài được mồ yên mả đẹp và danh thơm mãi lưu truyền hậu thế. Dân dân sẽ kể lại đức khôn ngoan của các ngài và cộng đoàn vang tiếng ngợi khen” (Hc 44:10-15).

Về Đạo Hiếu, chính Chúa Giêsu đã nêu gương để chúng ta noi theo: Sau ba ngày lo việc của Chúa Cha, Cậu Hai Giêsu ở lại Đền Thờ khiến Cô Maria và Chú Giuse lo sốt vó, tìm kiếm xuôi ngược suốt ba ngày. Khi gặp cha mẹ, Cậu Hai Giêsu mau mắn “đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài” (Lc 2:51). Rõ ràng Chúa Giêsu rất quý tình gia đình, được Ngài thể hiện qua việc kính yêu và tôn trọng cha mẹ.

Được hiện diện trên cõi đời này thì chắc chắn ai cũng có cha mẹ, dù cha mẹ có thế nào thì cũng vẫn là người sinh thành dưỡng dục mình, không thể coi nhẹ chữ Hiếu. Ai sống có hiếu thì được Thiên Chúa chúc lành, như Thánh Vịnh gia cho biết: “Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ Chúa, ăn ở theo đường lối của Người. Công khó tay bạn làm, bạn được an hưởng, bạn quả là lắm phúc nhiều may” (Tv 128:1-2).

Cha mẹ nào cũng vậy, thấy con cái có hiếu thì mới an tâm, và gia đình mới thực sự hạnh phúc: “Hiền thê bạn trong cửa trong nhà khác nào cây nho đầy hoa trái; và bầy con tựa những cây ô-liu mơn mởn, xúm xít tại bàn ăn. Đó chính là phúc lộc Chúa dành cho kẻ kính sợ Người” (Tv 128:3-4). Chắc hẳn không ai lại không mong ước như vậy, nhưng vấn đề là phải thể hiện cụ thể, chứ đừng nói suông. Thánh Vịnh gia tha thiết cầu chúc: “Xin Chúa từ Sion xuống cho bạn muôn vàn ơn phúc. Ước chi trong suốt cả cuộc đời bạn được thấy Giêrusalem phồn thịnh, được sống lâu bên đàn con cháu” (Tv 128:5-6). Nguyện chúc mọi gia đình vui hưởng thái bình như Thánh Gia – hôm nay và mãi mãi, đặc biệt trong những ngày Xuân đoàn tụ ấm cúng như thế này.

Đề cập Đạo Hiếu, Thánh Phaolô nhắc nhở những người con: “Kẻ làm con, hãy VÂNG LỜI cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy TÔN KÍNH cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này” (Ep 6:1-3). Đồng thời thánh nhân cũng nhắc nhở các phụ huynh: “Những bậc làm cha mẹ, ĐỪNG làm cho con cái tức giận, nhưng HÃY giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy” (Ep 6:4). Bổn phận và trách nhiệm với nhau là điều thực sự cần thiết: Con cái đối với cha mẹ, và cha mẹ đối với con cái. Đó là dạng bổn phận song song và trách nhiệm hai chiều.

Cố HY F.X. Nguyễn Văn Thuận xác định: “Thứ nhất là cầu nguyện, thứ nhì là hành động”. Thánh Phaolô nhắn nhủ: “Theo Thần Khí hướng dẫn, anh em hãy dùng mọi lời kinh và mọi tiếng van nài mà cầu nguyện luôn mãi. Để được như vậy, anh em hãy chuyên cần tỉnh thức và cầu xin cho toàn thể dân thánh” (Ep 6:18-19). Cầu nguyện là việc làm không ngừng, bất kể thời gian hoặc địa điểm. Thật vậy, cầu nguyện có thể thực hiện ngay tại bàn tiệc, khi đang nói chuyện với người khác, khi chạy xe, khi nấu ăn, rửa chén,… thậm chí ngay khi chúng ta ở giữa một đám đông ồn ào náo nhiệt. Đừng chỉ cầu nguyện khi vào nhà thờ hoặc ở nơi tĩnh lặng, vì cầu nguyện rất dễ: Hướng tâm hồn lên với Chúa, gặp gỡ Chúa, có khi không cần nói gì cả. Cầu nguyện liên lỉ là “thói quen” của người sống tâm linh theo tinh thần Kitô giáo: “Không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu” (Rm 8:39).

Gia đình có người cha, người mẹ và người con đều sống tâm linh như vậy thì chắc chắn có hạnh phúc, là Tổ Ấm thực sự, ấm trong tình yêu của Thiên Chúa, nóng hổi ngọn lửa thương xót của Thiên Chúa: “Hạnh phúc thay, người kính sợ Chúa, những ưa cùng thích mệnh lệnh Chúa truyền ban. Trên mặt đất, con cháu của họ sẽ hùng cường, dòng dõi kẻ ngay lành được Chúa thương giáng phúc” (Tv 112:1-2). Niềm hạnh phúc thánh đức thật tuyệt vời!

THIÊN CHÚA PHÙ TRÌ LIÊN VẠN ĐẠI

THÁNH GIA BẢO GIÁM MÃI THIÊN THU

Nhà có gia phong, nước có quốc pháp. Truyền thống là điều nên duy trì – nếu đó là truyền thống tốt đẹp và hợp lòng người. Còn truyền thống không hay thì cứ mạnh dạn bỏ, vì đó có thể chỉ là hủ tục. Đừng bao giờ câu nệ hoặc lệ thuộc vào những gì không cần thiết!

Đề cập vấn đề “nghi thức”, trình thuật Mt 15:1-6 cho biết: Bấy giờ có mấy người Pharisêu và mấy kinh sư từ Giêrusalem đến gặp Đức Giêsu và hỏi Ngài: “Sao môn đệ ông vi phạm truyền thống của tiền nhân, không chịu rửa tay khi dùng bữa?”. Ngài trả lời bằng một câu hỏi: “Còn các ông, tại sao các ông dựa vào truyền thống của các ông mà vi phạm điều răn của Thiên Chúa?”. Ngài biết chẳng ai trả lời được nên Ngài lý luận: “Thiên Chúa dạy: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ thì phải bị xử tử. Còn các ông, các ông lại bảo: ‘Ai nói với cha với mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi thì người ấy không phải thờ cha kính mẹ nữa’. Như thế, các ông dựa vào truyền thống của các ông mà huỷ bỏ lời Thiên Chúa”. Họ chỉ có nước “ngậm tăm”, im như thóc thối, câm như hến.

Rất có thể chúng ta cũng y như nhóm Pharisêu đấy. Đúng như tên gọi là “biệt phái”, đầu toàn là “đậu hũ” mà bày đặt lý luận để bắt bẻ người khác. Dốt mà chảnh là thế đấy! Không chỉ vậy, chúng ta lấy cớ với nhiều lý do “vì, bởi, tại, nếu,…” mà biện hộ cho mình. Thật là nguy hiểm! Thiết tưởng đôi khi chúng ta phải tự xét lại về các động thái của mình, đừng tưởng những gì chúng ta đưa ra đều là vì Chúa, có thể chính chúng ta “chơi ép” Chúa, “điều khiển” Chúa, rồi lại tự tôn bằng các biện hộ đó là Ý Chúa. Ôi, lạy Thiên Chúa!

Ngày Xuân, dịp Tết, nếu còn cha mẹ thì thật là niềm hạnh phúc cho bạn, nhưng hãy “động não” một chút: Khi bạn đang uống ly nước giải khát, hãy nghĩ xem cha mẹ thường uống gì. Khi bạn mặc những bộ quần áo đắt tiền hàng hiệu, xin hãy nghĩ xem cha mẹ bạn thường mặc ra sao. Khi bạn thoải mái chi tiêu, hãy nghĩ đến những thứ cha mẹ bạn thường dùng thế nào. Cha mẹ đã vì chúng ta mà bỏ bao công sức, đổ bao hạt mồ hôi, đều chỉ vì mong cho bạn có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Những thứ bạn đang dùng đều là do công sức cha mẹ tạo ra. Xin hãy yêu quý cha mẹ và cố gắng giữ trọn chữ hiếu cho xứng đáng là người con. Hãy hành động ngay khi cha mẹ còn sống, cụ thể là ngay trong dịp Tết này, biết đâu bạn không còn kịp nữa đâu. Không phải nói chuyện xui xẻo trong ngày Tết, mà đó là sự thật thôi!

TẾT ĐẾN BÌNH AN NHỜ THIÊN CHÚA

XUÂN VỀ HẠNH PHÚC VỚI THÁNH GIA

Lạy Thiên Chúa đại lượng, xin cảm tạ Ngài đã ban cho chúng con có ông bà và cha mẹ, xin thương chúc lành cho họ; xin giúp chúng con luôn biết giữ trọn Đạo Hiếu – với Chúa và với ông bà, cha mẹ của chúng con. Xin tình yêu Thánh Gia luôn chan hòa trong mọi gia đình, suốt năm và suốt đời. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

(*) Cù Lao là siêng năng, cần mẫn, nhọc nhằn. Chín đức cù lao: [1] Sinh: Cha mẹ đẻ ra, [2] Cúc: Nâng đỡ, [3] Phủ: Vỗ về, vuốt ve, [4] Súc: Cho ăn, bú mớm; [5] Trưởng: Nuôi dưỡng thể xác; [6] Dục: Giáo dưỡng tinh thần; [7] Cố: Trông nom, nhìn ngắm; [8] Phục: Quấn quít, săn sóc không ngơi; [9] Phúc: Bồng ẵm, gìn giữ, lo cho con đầy đủ, bảo vệ con khỏi bị ăn hiếp.

+ Thánh ca NHỚ ƠN: https://www.youtube.com/watch?v=z7mv90f5q6Q

+ Ca khúc GIA ĐÌNH: https://www.youtube.com/watch?v=vrJRpLHsoJM

NỖ LỰC LÀM NGƯỜI

(Mồng 3 Tết – Thánh Hóa Công Việc)

Trong bài thơ “Năm Mới Chúc Nhau”, sau khi chúc điều này điều nọ, thi sĩ Tú Xương (Trần Tế Xương, 1870-1907) có lời chúc đặc biệt:

Bắt chước ai, ta chúc mấy lời

Chúc cho khắp hết cả trên đời

Vua, quan, sĩ, thứ, người muôn nước

Sao được cho ra CÁI GIỐNG NGƯỜI

Tuy là thi phẩm trào phúng nhưng lại đậm chất nhân bản, tình người. Cái cười của ông là lời than trách khi nhìn thấy xã hội suy đồi về nhân nghĩa, có lẽ như một lời tiên tri bởi vì phù hợp với xã hội Việt Nam ngày nay!

Thuở xưa tại Vườn Địa Đàng, sau khi để cho “cái tôi” nổi dậy, Ông Bà Nguyên Tổ đã bất tuân Thiên Chúa chỉ vì nghe lời đường mật của loài quỷ dữ. Họ tự thấy xấu hổ nên lẩn tránh Đức Chúa. Và rồi Ngài ra nghiêm luật, đồng thời cũnh nhắc nhở về “thân phận” của họ: “Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn, cho đến khi trở về với đất, vì từ đất, ngươi đã được lấy ra. Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất” (St 3:19).

Và kể từ giây phút “định mệnh” đó, con người không còn được “ngồi mát ăn bát vàng” nữa, mà phải làm lụng vất vả, đổ mồ hôi trán, dán mồ hôi lưng mới có miếng ăn, đôi khi cũng chẳng đủ ăn. Tuy nhiên, cái khổ xổ cái khôn, nhờ đó mà con người có kinh nghiệm lao động, biết quý trọng công sức, và dần dần người ta có những luật lao động khác nhau – tùy hoàn cảnh cụ thể. Người ta nói “cái khó ló cái khôn” là thế!

Đời cha ăn mặn, đời con khát nước. Cũng chính vì loài người kiêu căng và phạm tội, Thiên Chúa đã “hối hận vì đã làm ra con người trên mặt đất, và Ngài buồn rầu trong lòng” (St 6:6). Do đó, Ngài quyết định “tẩy rửa” địa cầu bằng lụt đại hồng thủy để “làm mới” loài người.

Nói về sự lao động, đại văn hào Victor Hugo (1802-1885, Pháp quốc) lý luận: “Người ta không lười biếng chỉ vì người ta chăm chú. Có lao động vô hình và lao động hữu hình. Suy tưởng là cần cù, nghĩ ngợi là thực hiện. Khoanh tay vẫn là làm việc và siết chặt tay vẫn là hành động. Đôi mắt ngước lên Thiên đường là sáng tạo”. Còn nữ tiểu thuyết gia Louisa May Alcott (1832-1888, Hoa Kỳ) xác định: “Công việc luôn là sự cứu rỗi của tôi, và tôi tạ ơn Chúa về điều đó”. Tuyệt vời quá! Quả thật, người khôn là người “làm hay hơn nói giỏi – well done is better than well said” (Benjamin Franklin, 1706-1790, Tổng thống và là một trong những người khai sinh Hoa Kỳ).

Đối với Việt Nam, ngày mồng ba Tết là ngày thánh hóa công ăn việc làm. Phụng Vụ sử dụng trình thuật St 2:4-9 để cho chúng ta biết gốc tích trời đất khi được sáng tạo. Khởi đầu từ Vườn Địa Đàng, nơi hạnh phúc chan chứa, nhưng có lẽ vì “sướng quá hóa rồ” nên con người tự chuốc khổ vào thạn, để rồi phải lận đận vì thử thách suốt cuộc đời trần thế. Ham thích một chút để khổ dài dài, thật khốn thay!

Sách Sáng Thế cho biết: “Ngày Đức Chúa là Thiên Chúa làm ra đất và trời, chưa có bụi cây ngoài đồng nào trên mặt đất, chưa có đám cỏ ngoài đồng nào mọc lên, vì Đức Chúa là Thiên Chúa chưa cho mưa xuống đất và không có người để canh tác đất đai. Nhưng có một dòng nước từ đất trào lên và tưới khắp mặt đất”. Hoang vu. Không sinh vật nào. Vì thế chúng ta gọi đó là “thuở hồng hoang”.

Sau đó, “Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật. Rồi Đức Chúa là Thiên Chúa trồng một vườn cây ở Ê-đen, về phía đông, và đặt vào đó con người do chính mình nặn ra. Đức Chúa là Thiên Chúa khiến từ đất mọc lên đủ mọi thứ cây trông thì đẹp, ăn thì ngon, với cây trường sinh ở giữa vườn, và cây cho biết điều thiện điều ác”. Cũng chính vì cây-thiện-và-ác này mà con người hóa ảo tưởng và kiêu ngạo. Vì nông nổi mới nên nông nỗi mà thôi! Không phải Thiên Chúa “gài độ” để con người “sập bẫy” và rơi vào “hố tội lỗi”, mà chỉ vì con người kiêu ngạo, muốn bằng Thiên Chúa. Đúng là loại ảo mộng đáng sợ hơn cả ác mộng!

Sách Sáng Thế cho biết thêm: “Đức Chúa là Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Ê-đen để cày cấy và canh giữ đất đai” (St 2:15). Từ đó, con người được làm chủ mọi loài khác, nghĩa là bắt đầu có quyền sở hữu hoặc quyền tư hữu. Tuy nhiên, trong cái rủi vẫn có cái may. Vì thế mà Giáo Hội gọi Tội Tổ Tông là “Tội Hồng Phúc” (Exultet, công bố Tin Mừng Phục Sinh). Kể cũng lạ, “tội” mà lại là “hồng phúc”. Kỳ diệu lắm!

Chắc chắn trí óc phàm nhân chúng ta không đủ mức hiểu thấu, chỉ còn biết cảm tạ và cầu xin Thiên Chúa đại lượng và xót thương. Với tâm tình đó, Thánh Vịnh gia tự nhủ: “Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi! Lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ, Chúa muôn trùng cao cả!” (Tv 104:1). Đó cũng là lời để chúng ta áp dụng khi cầu nguyện.

Thiên Chúa là Đấng hằng hữu và toàn năng, Ngài tạo dựng mọi sự từ hư vô, biến không thành có. Chính công cuộc tạo dựng đó là công sức lao động của Ngài. Thật vậy, Ngài lao động sáu ngày và chỉ nghỉ một ngày (x. St 1:3 – 2:3). Điều đó cho thấy sự lao động là cần thiết hơn nhàn rỗi, như người ta nói: “Nhàn cư vi bất thiện”. Rảnh rỗi quá hóa cuồng nên hư thân mất nết, kiểu như người ta nói: “Ăn lắm rửng mỡ”.

Từ xa xưa, Thánh Vịnh gia đã nhận định: “Ngài khiến mọc cỏ xanh nuôi sống đàn gia súc, làm tốt tươi thảo mộc cho người thế hưởng dùng. Từ ruộng đất, họ kiếm ra cơm bánh, chế rượu ngon cho phấn khởi lòng người, xức dầu thơm cho gương mặt sáng tươi, nhờ cơm bánh mà no lòng chắc dạ” (Tv 104:14-15). Có ngày thì cũng có đêm. Ngày để lao động, đêm để nghỉ ngơi. Ai “ngủ ngày, cày đêm” là người “không bình thường” rồi, chắc hẳn là “có vấn đề” rồi. Quy luật “tự nhiên” rất rạch ròi: “Đêm trở lại khi Chúa buông màn tối, chốn rừng sâu, muông thú tung hoành. Tiếng sư tử gầm lên vang dội, chúng săn mồi, gào xin Chúa cho ăn. Ánh dương lên, chúng bảo nhau về, tìm hang hốc, chui vào nằm nghỉ. Đến lượt con người ra đi làm lụng, những mải mê tới lúc chiều tà” (Tv 104:20-23). Phàm cái gì trái với quy luật tự nhiên đều bất thường, cần chấn chỉnh.

Thật ra cái mà người ta gọi là “luật tự nhiên” chính là Thiên Luật, là quy luật của Thiên Chúa, chứ chẳng có gì gọi là tự nhiên hoặc ngẫu nhiên cả. Khi nhìn ngắm thiên nhiên, Thánh Vịnh gia đã phải thốt lên: “Công trình Ngài, lạy Chúa, quả thiên hình vạn trạng! Chúa hoàn thành tất cả thật khôn ngoan, những loài Chúa dựng nên lan tràn mặt đất” (Tv 104:24). Càng tìm hiểu thì người ta càng dễ chân nhận Đấng sáng tạo đất trời là Thiên Chúa, người đời gọi là Tạo Hóa.

Tục ngữ nói: “Tay làm, hàm nhai; tay quai, miệng trễ”. Tất nhiên là vậy. Còn nhỏ thì nhờ cậy cha mẹ, lớn lên thì phải tự mưu sinh. Lao động để có thể sinh tồn, nhưng đó mới chỉ là duy trì sự sống thể lý. Con người có hai phần là xác và hồn, cần duy trì sự sống thể lý và cũng không thể không duy trì sự sống tinh thần, với người có niềm tin tôn giáo thì đó là sự sống tâm linh. Chúa Giêsu đã minh định rạch ròi: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4:4; Lc 4:4). Lời Chúa cũng là “đèn sáng soi đường chúng ta đi” (Tv 119:105).

Thật vất vả trên đường mưu sinh, không hề đơn giản – trừ một số người “đẻ bọc điều”, sướng từ trong trứng nước. Lo thì lo, nhưng lo cũng chẳng thay đổi được theo ý mình. Thánh Phaolô cho biết: “Giờ đây, tôi xin phó thác anh em cho Thiên Chúa và cho lời ân sủng của Người, là lời có sức xây dựng và ban cho anh em được hưởng phần gia tài cùng với tất cả những người đã được thánh hiến. Vàng bạc hay quần áo của bất cứ ai, tôi đã chẳng ham. Chính anh em biết rõ: những gì cần thiết cho tôi và cho những người sống với tôi, đôi tay này đã tự cung cấp. Tôi luôn tỏ cho anh em thấy rằng phải giúp đỡ những người đau yếu bằng cách làm lụng vất vả như thế, và phải nhớ lại lời Chúa Giêsu đã dạy: cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20:32-35). Muốn CHO thì phải CÓ, muốn CÓ thì phải LÀM. Hoàn toàn hợp lý. Chắc chắn Thiên Chúa muốn chúng ta lao động hết SỨC (lực) để xứng đáng có CÔNG (trạng).

Người ta nói: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”. Mình muốn không bằng trời muốn. Người vô thần bị “đuối lý” ở điểm này. Họ bảo không có Tạo Hóa mà vẫn kêu trời khi gặp “sự cố”. Họ tự mâu thuẫn! Còn đối với các Kitô hữu, không gì hơn là tín thác vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Chính Chúa Giêsu cũng đã nhắn nhủ: “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy thì sinh nhiều hoa trái” (Ga 15:4-5). Thật vậy, không có Thiên Chúa thì chúng ta chẳng làm gì được ráo trọi (x. Ga 15:5). Vậy thì dại gì mà không tín thác? Tín thác là trao phó trọn cuộc đời mình cho Thiên Chúa, hoàn toàn để Ngài quan phòng và định liệu theo đúng Ý Ngài.

Ngày mồng Ba, trình thuật Mt 25:14-30 là dụ ngôn Những Yến Bạc (tương tự Lc 19:12-27), nói về Công Sức của mỗi người trong quá trình lao động cả đời. Lao động là một dạng hoàn thiện chính mình, nhờ đó mà tích lũy thêm kinh nghiệm sống, và đó cũng là cách nỗ lực làm người. Nên nhớ: “Thành nhân hơn thành công”.

Thánh Mátthêu cho biết: Khi ông chủ sắp đi xa, ông liền gọi đầy tớ đến mà giao phó của cải mình cho họ. Ông cho người này năm yến, người kia hai yến, người khác nữa một yến, tuỳ khả năng riêng mỗi người. Rồi ông ra đi. Lập tức, người đã lãnh năm yến lấy số tiền ấy đi làm ăn buôn bán, và sinh lời được thêm năm yến. Cũng vậy, người đã lãnh hai yến sinh lời được hai yến khác. Còn người đã lãnh một yến thì đi đào lỗ chôn giấu số bạc của chủ. Lười biếng hết nước nói!

Một thời gian qua đi, ông chủ trở về tính sổ và thanh toán với họ. Người đã lãnh năm yến đưa năm yến khác. Ông chủ khen là đầy tớ tài giỏi và trung thành, được giao ít mà anh đã trung thành thì ông hứa sẽ giao nhiều hơn. Người đã lãnh hai yến cũng đưa hai yến khác. Ông chủ cũng khen là đầy tớ tài giỏi và trung thành và hứa sẽ giao thêm. Cuối cùng, người đã lãnh một yến cũng tiến lại và nói: “Thưa ông chủ, tôi biết ông là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi. Vì thế, tôi đâm sợ, mới đem chôn giấu yến bạc của ông dưới đất. Của ông đây, ông cầm lấy!”. Ông chủ lắc đầu rồi giải thích: “Hỡi đầy tớ tồi tệ và biếng nhác! Anh đã biết tôi gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi, thì đáng lý anh phải gởi số bạc của tôi vào ngân hàng, để khi tôi đến, tôi thu được cả vốn lẫn lời chứ! Vậy các ngươi hãy lấy yến bạc khỏi tay nó mà đưa cho người đã có mười yến. Vì phàm ai đã có thì được cho thêm và sẽ có dư thừa; còn ai không có thì ngay cái đang có cũng sẽ bị lấy đi”. Đó là sự công bằng hợp lý!

Tất cả mọi người đều bình đẳng, ai cũng có quỹ thời gian hoàn toàn bằng nhau: 24 giờ/ngày, 7 ngày/tuần, 12 tháng/năm. Không hơn cũng chẳng kém một tích tắc nào. Vấn đề là chúng ta dùng khoảng thời gian đó làm gì. Chúa biết rõ ai như thế nào nên Ngài giao cho “phần việc” tương xứng. Vấn đề không phải là ít hay nhiều, giỏi hay dốt, tốt hay xấu, mà là chúng ta có nỗ lực hết sức để sinh lời hay không. Được nhiều thì PHẢI sinh lời nhiều, đừng tưởng được nhiều mà sung sướng, cứ ngồi rung đùi mà hưởng thụ. Nghĩ cho cùng, được giao nhiều mà lại thấy “nhột gáy” đấy. Đừng tưởng bở mà “chảnh”. Chẳng vậy mà người ta vẫn nói: “Ngu si hưởng thái bình”.

Đầu năm, đầu tháng, vui mừng đón Xuân, ăn Tết, nhưng đừng quên xem lại “phần việc” và “số nén” của mình để có thể kịp chấn chỉnh trước khi quá muộn. Thật đáng sợ nếu phải nghe câu này của Chủ Nhân Giêsu khi Ngài trở lại tính sổ với chúng ta: “Tên đầy tớ vô dụng kia, hãy quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài: ở đó, sẽ phải khóc lóc nghiến răng” (Mt 25:30). Ôi, thật là khủng khiếp, vì như thế là “chấm hết”. Thật là khốn nạn!

Lạy Thiên Chúa, Đấng tạo tác muôn loài, xin giúp chúng con biết nỗ lực hết sức với “phần việc” và “số nén” mà Ngài đã giao cho chúng con. Có thể chúng con không sinh lời gấp đôi, dù chúng con rất muốn, nhưng phần lời đó là do chính Ngài cho phép. Nhưng chúng con hứa sẽ cố gắng làm để sinh lời hết khả năng của chúng con, bắt đầu từ hôm nay, từ mùa Xuân này. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …