LỄ GIÁNG SINH – LỄ ĐÊM, NĂM B
ĐÊM THÁNH – ĐÊM CHAN HÒA ÁNH SÁNG
(Is 9, 2-4. 6-7 (Hr 1-3. 5-6); Tt 2, 11-14; Lc 2, 1-14)
Có rất nhiều người thuộc các tôn giáo bạn thường hay thắc mắc: “Tại sao lễ Giáng Sinh lại được cử hành vào ban đêm?” Khi mừng lễ như vậy liệu có tính lịch sử không?”.
Thực ra thời khắc Con Thiên Chúa hạ sinh không đề cao ý nghĩa và giá trị lịch sử cho bằng ý nghĩa thần học, thiêng liêng của ngày lễ.
Vì thế, khi cử hành lễ Giáng Sinh vào đêm ngày 24, rạng sáng ngày 25, Giáo Hội muốn làm nổi bật lên vai trò và sứ mạng của Đấng Thiên Sai, vì Ngài là: “Ánh Sáng đến để chiếu soi nhân loại”.
- Ánh sáng tách lìa bóng tối
Khi nói đến ánh sáng trong lịch sử cứu chuộc, chúng ta thấy nó xuất hiện ngay từ thủa nguyên sơ bình minh của nhân loại. Sách Sáng Thế đã cho thấy rõ vai trò của ánh sáng khi ánh sáng xuất hiện trong công cuộc tạo dựng.
Lúc ban đầu, mọi sự còn trong tình trạng hỗn mang, nhưng khi ánh sáng hiện hữu, tức thì một lằn ranh giữa ánh sáng và bóng tối xuất hiện. Nhờ vào ánh sáng, mọi vật được quang hợp và nhờ đó mà có sự sống.
Sau khi sáng tạo trời đất và con người, Thiên Chúa đã dùng ánh sáng để phân biệt ngày và đêm cũng như để cho con người được sống trong ánh sáng.
Như vậy, tác giả sách Sáng Thế cho thấy: ánh sáng được biểu trưng cho sự sống. Còn bóng tối là hình ảnh của sự chết.
Tuy nhiên, vì bóng tối là hình ảnh của sự chết, nên nó đối lập với ánh sáng là biểu tượng của sự sống! Vì vậy, nó đã không ngừng len lỏi vào trong tâm khảm của con người, khiến con người hướng chiều về nó và muốn thoát ra khỏi ánh sáng để mong ước đạt được một cái gì đó tốt đẹp hơn hiện tại!
Chính vì sự yếu đuối và ngộ nhận này mà Nguyên Tổ của chúng ta là Ađam và Evà đã đi theo bóng tối và có một sự khát khao cuồng tín rằng: khi đã thoát ra khỏi ánh sáng thì sẽ được ngang hàng với Đấng Tạo Hóa là nguồn Ánh Sáng.
Nhưng sự hoang tưởng này đã không đem lại cho ông bà như ý muốn, mà cả hai đã nhận một cái kết đầy đắng cay, đó là: bị Thiên Chúa trừng phạt và đẩy lùi về với bóng tối khi Người đập tan ý định kiêu ngạo, phá ta niềm hy vọng hão huyền, và đã đuổi ông bà ra khỏi Vườn Địa Đàng là nơi đầy ánh sáng và bình an. Cũng kể từ đó, ông bà không được hưởng hạnh phúc thủa ban đầu, không còn tình nghĩa với Đấng dựng nên mình và cũng kể từ đó, Thiên Chúa đã đặt các thần hộ giá với lưỡi gươm sáng loé, để canh giữ đường đến cây trường sinh (x. St 3,24).
Cứ thế, trong suốt giai đoạn Cựu Ước, dân chúng đã lầm lũi bước đi trong bóng tối của sự chết.
Đây chính là thảm họa buồn mà nhân loại phải lãnh nhận do Nguyên Tổ loài người gây ra.
Trước thực trạng ấy, dân mong chờ ánh sáng biết chừng nào! Họ mong chờ một nguồn ánh sáng đến để giải cứu họ thoát khỏi bóng tối tử thần, thoát khỏi sự đau khổ, chết chóc và thân phận nô lệ đắng cay.
- Đức Giêsu là Ánh Sáng chiếu soi thế gian
Niền hy vọng của họ đã thấu tới trời cao và đã được Thiên Chúa xót thương khi sai Con của Người xuống thế là Đức Giêsu Kitô. Khi Đức Giêsu đến, Ngài đã thực thi sứ vụ Thiên Sai trong vai trò giải thoát và chiếu giãi Ánh Sáng vào trong bóng đêm tội lỗi.
Đây là niềm vui mừng khôn xiết, vì: “Dân tộc bước đi trong u tối, đã nhìn thấy sự sáng chứa chan. Sự sáng đã bừng lên trên những người cư ngụ miền thâm u sự chết”; “Họ sẽ vui mừng trước nhan Chúa, như thiên hạ mừng vui trong mùa gặt lúa, như những người thắng trận hân hoan vì chiến lợi phẩm, khi đem của chiếm được về phân chia. Vì cái ách nặng nề trên người, cái gông nằm trên vai, cái vương trượng quyền của kẻ áp bức. Chúa sẽ nghiền nát ra, như trong ngày chiến thắng Mađian” (x. Is 9, 1-3).
Như vậy, khi mừng sinh nhật của Đức Giêsu vào lúc nửa đêm, lúc mà ngày cũ đã chấm dứt và nhường chỗ cho một ngày mới bắt đầu, Giáo Hội muốn làm toát lên ý nghĩa cũng như giới thiệu cho mọi người biết rằng: Đức Giêsu chính là Ngày Mới của Thiên Chúa. Ngày Mới này tràn ngập ánh sáng như thủa ban đầu.
Cuộc hạ sinh của Đức Giêsu cũng được ví như một cuộc tạo dựng mới. Một cuộc tạo dựng hoàn toàn tinh tuyền không vướng nhơ tội lỗi bởi một người Mẹ là Đức Maria đồng trinh, bởi một vị cha nuôi là thánh Giuse – Đấng Công Chính, và trên hết, Đức Giêsu xuất phát từ “Ánh sáng bởi Ánh sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật” (Kinh Tin Kính).
Chính vì lẽ đó mà Đức Giêsu đã khẳng định: “Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống” (Ga 8,12).
- Đón nhận và bước đi trong Ánh Sáng
Đi theo ánh sáng hay sống trong bóng tối? Đây là câu hỏi muôn thủa được đặt ra cho chúng ta. Đây cũng là thách đố đầy cam go và kịch tính mà ai ai cũng phải đối diện trong đời sống thường ngày.
Chính vì thấu hiểu sự giằng co này mà thánh Gioan đã phải thốt lên: “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1,11).
Đây là câu chuyện buồn của hơn 2000 năm qua. Đây cũng là sự giằng co nội tâm của mỗi người chúng ta. Một cuộc nội chiến không ngừng diễn ra ngay trong nội tại của mỗi người.
Chính vì vậy, đã biết bao lần, chúng ta không ngừng chiến đấu để mình thuộc về Ánh Sáng và đẩy lui bóng tối ra khỏi cuộc đời mình. Tuy nhiên, bóng tối bao giờ cũng hấp dẫn và ánh sáng bao giờ cũng là kẻ thù của bóng tối, vì thế, lằn ranh giữa ánh sáng và bóng tối rất mong manh, khiến cho biết bao người đã ngã quỵ trước ma lực của bóng tối.
Đứng trước thách thức đó, thánh Phaolô đã mời gọi chúng ta: “… phải từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này. Sở dĩ như vậy, là vì chúng ta trông chờ ngày hồng phúc vẫn hằng mong đợi, ngày Đức Kitô Giêsu là Thiên Chúa vĩ đại và là Đấng cứu độ chúng ta, xuất hiện vinh quang” (Tt 2, 12- 13). Thi hành điều đó, ấy là chúng ta đang đi trong ánh sáng của đường lối cứu chuộc mà Đức Giêsu đã đem lại cho nhân loại. Đồng thời cũng trở thành con người xứng đáng với tước vị làm Con Thiên Chúa (x. Ga 1,12).
Tuy nhiên, tin và bước theo Ánh Sáng không thôi thì chưa đủ, mà phải trở thành ánh sáng soi đường cho người khác để họ cũng được hưởng niềm vui do ánh sáng đem lại như lời Đức Giêsu đã nói: “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian”; và: “Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Ðấng ngự trên trời” (Mt 5, 14.16).
Vậy ánh sáng của chúng ta là gì? Thưa! Ánh sáng của chúng ta chính là một đời sống đạo chân thành; một mối tương quan thật thà thẳng thắn; lương thiện trong công việc; khiêm nhường trong cuộc sống; bác ái, yêu thương, liên đới với người nghèo…. Những đức tính này giúp ta và anh chị em của mình vượt ra khỏi bóng tối là sự ích kỷ, kiêu ngạo, bảo thủ, ghét ghen, dửng dưng, vô cảm, gian dối, thất tín….
Mong sao mỗi khi mừng lễ Giáng Sinh, chúng ta hãy khao khát cho mình được thuộc về Ánh Sáng để được cứu độ. Đồng thời cũng không ngừng khát khao loan truyền Ánh Sáng sự sống ấy cho mọi người chung quanh bằng chính cuộc sống gương mẫu của mình. Amen.
LỄ GIÁNG SINH – LỄ RẠNG ĐÔNG, NĂM B
ĐÓN CHÚA GIÁNG SINH VỚI TÂM TÌNH NÀO?
(Is 62, 11-12; Tt 3, 4-7; Lc 2, 15-20)
Có lẽ sự nhộn nhịp của thánh lễ đêm hôm qua đã làm cho nhiều người cảm thấy rộn ràng, vui tươi và hạnh phúc. Nhưng bên cạnh đó cũng không thiếu những người cảm thấy mệt mỏi sau một đêm dài với biết bao nhiêu calo phải bỏ ra nơi những cuộc vui chơi, ăn nhậu và nhiều khi trụy lạc nơi những quán bar, nhà nghỉ…
Còn thánh lễ Giáng Sinh vào rạng sáng hôm nay, vẫn quen gọi là thánh lễ Rạng Đông thì lại là một thánh lễ rất êm đềm, không ồn ào, không náo nhiệt, không ca nhạc, kịch nghệ, chẳng có chương trình vui chơi giải trí gì…!
Đối tượng dự lễ cũng chỉ còn lại đa số là những cụ già, hay những người lớn tuổi hoặc một số bạn trẻ đạo đức mà thôi… còn lại, mọi người đang chìm trong giấc ngủ sâu!
Tuy nhiên, trong bầu không khí tưởng chừng như tĩnh lặng này, Giáo Hội lại cho chúng ta nghe bài Tin Mừng do thánh Luca trình thuật nói về việc các mục đồng hối hả đi tìm, thờ lạy và loan truyền về Hài Nhi Giêsu cho người khác. Điều này gợi cho chúng ta rất nhiều suy nghĩ?
- Các mục đồng đi tìm Chúa như thế nào?
“Nào chúng ta sang Bêlem, để xem sự việc đã xảy ra, như Chúa đã tỏ cho ta biết” (Lc 2, 15).
Đây là lời của các mục đồng nói với nhau sau khi đã được các thiên sứ báo tin cho biết Đấng Cứu Thế đã giáng sinh trong thành Belem.
Thánh sử Luca cho biết thêm: “Họ liền hối hả ra đi. Đến nơi, họ gặp bà Maria, ông Giuse, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ” (Lc 2, 16).
Như vậy, thánh lễ Rạng Đông của ngày Giáng Sinh giờ này có thể được gọi là lễ Chúa tỏ mình ra cho các mục đồng.
Tại sao Chúa lại không tỏ ra cho những người quyền cao chức trọng, giàu có hay những nhà lãnh đạo tôn giáo, mà lại tỏ ra cho các mục đồng là những người nghèo, đơn sơ chất phát, thấp cổ bé họng…
Thưa đơn giản, bởi vì nơi các mục đồng có điểm tương giao với Hài Nhi Giêsu.
Thật vậy, khi Con Thiên Chúa hạ sinh nơi cánh đồng Belem chốn bò lừa thanh vắng, quạnh hưu và nghèo khó như vậy, phải chăng Đức Giêsu đã phá cách để làm toát lên bản chất của Thiên Chúa là tình yêu khi không cần đến sự giàu sang của con người, nhưng Ngài muốn một sự gần gũi. Không cần đến cái bề ngoài, mà là sự thiêng thánh, chân thành và đơn sơ.
Đây chính là câu trả lời cho chúng ta biết tại sao các mục đồng và Hài Nhi Giêsu lại “Đồng thanh tương ứng”, và họ lại là người đầu tiên được diễm phúc chứng kiến Mầu Nhiệm Con Thiên Chúa Giáng Sinh.
Sự đồng cảm này đã làm cho tâm hồn các mục đồng có một ngọn lửa yêu mến đến tha thiết, nên họ đã tỏ ra rất nhạy bén và tinh tế với những gì đã được các thiên sứ loan báo cho họ. Vì thế, giữa đêm tối âm u lạnh lẽo, họ đã đốt đuốc và hối hả ra đi để mong cho được sớm gặp thấy Hài Nhi mới sinh. Khi gặp thấy “Em Bé sơ sinh bọc tả nằm trong máng cỏ”, họ đã tin và nhận ra đó chính là: “Đấng Cứu Độ, là Đấng Kitô, là Đức Chúa” như thiên sứ đã báo.
Cũng trong tâm tình ấy, họ đã nghiệm được ra tình thương bao la của Thiên Chúa dành cho mình và nhân loại mà chính họ là những người đầu tiên được tận hưởng ân lộc lớn lao đó, vì thế, sau khi đã ra về, họ luôn kể về những gì đã thấy cho anh em mình.
- Con người hôm nay mừng lễ Giáng Sinh như thế nào?
Trên đây là tâm tình mừng Chúa Giáng Sinh của các mục đồng Belem, còn nhân loại và con người hôm nay mỗi khi lễ Giáng Sinh về, chúng ta đi tìm gì và đến với Chúa bằng tấm lòng nào?
Thực trạng thật cho thấy một sự trái ngược đến rõ nét giữa tâm tình và thái độ của các mục đồng thời xưa và con người ngày nay. Vì thế, chúng ta không lạ gì khi những ngày trước lễ Giáng Sinh, nhiều người ưu tiên lo lắng cho những chuyện như: Giáng Sinh sắp đến rồi, chúng ta đã có tiền để mua đèn hoa trang trí chưa? Giáng Sinh năm nay chúng ta ăn gì, nhậu gì? Liệu có kiếm được món nào “độc” để đãi khách không?
Rồi đến chính đêm Giáng Sinh, nhiều người chủ yếu đi xem ca nhạc kịch, hay đèn hoa rực rỡ nơi các nhà thờ, khu phố…
Lựa chọn ưu tiên và hành động như thế, người ta đã biến lễ Giáng Sinh trở thành thời điểm mua sắm, ăn chơi hay như một lễ hội thuần túy!
Tuy nhiên, điều mà con người tưởng chừng như đem lại cho mình hạnh phúc, thì trên thực tế, hạnh phúc, niềm vui và bình an đích thực lại quá xa vời đối với họ, bởi lẽ những thứ họ tìm chính là những điều hoang tưởng hoặc chỉ là điều phụ thuộc bên ngoài.
Thật vậy, vui mừng sao được khi trong tâm không có sự chân thành. Hạnh phúc sao được khi sâu thẳm tâm hồn vẫn còn đó sự giận hơn chia rẽ. Bình an sao được khi trong tâm không có sự thánh thiện và đơn sơ!
Thiết nghĩ, khi mừng lễ Giáng Sinh với những thứ hình thức bề ngoài như vậy, chắc chắn họ sẽ không thể nào cảm nghiệm được tình thương của Thiên Chúa dành cho mình và nhân loại. Và lẽ đương nhiên, họ không thể nào tin Chúa với một đức tin sống động như các mục đồng khi xưa, và lẽ tất yếu, không thể loan báo về Ngài cho người khác trong khi tâm hồn trống rỗng và hoang vu như vậy được.
- Lời mời gọi của Giáo Hội
Mỗi lần lễ Giáng Sinh về, Giáo Hội không ngừng mời gọi con cái mình hãy noi gương các mục đồng khi xưa để tìm gặp, yêu mến, tôn thờ và loan báo về Chúa cho người khác.
Nếu xưa kia, các mục đồng đã khao khát, hối hả lên đường, tới nơi họ gặp Hài Nhi Giêsu và đã sấp mình thờ lạy, đồng thời khi ra về, họ kể lại cho những người khác được biết về những gì đã thấy trong niềm tin sâu sắc.
Thì sứ điệp ngày lễ hôm nay cũng gửi đến cho mỗi người chúng ta là: hãy để mầu nhiệm tình yêu Giáng Sinh của Chúa đụng chạm đến tận sâu thẳm tâm hồn. Hãy biết yêu mến, khát khao và tin thờ Chúa, vì chỉ có Ngài là đường, là sự thật, là sự sống, nguồn cội của niềm vui, bình an và hạnh phúc. Đồng thời, hãy cảm nghiệm và ra đi loan báo về tình thương của Mầu Nhiệm Nhập Thể và Giáng Sinh cho anh chị em chưa biết Chúa.
Thứ đến, cần phải có một tâm hồn đơn sơ, chân thành, khó nghèo. Ngôi Hai Thiên Chúa đã chấp nhận trở nên nghèo hèn để cho chúng ta được nên giàu có. Ngài cũng chấp nhận cúi xuống để tôn vinh con người bằng sự nhập thể của Ngài. Vì thế, Thiên Chúa đã coi trọng đến tuyệt đối nhân phẩm và nhân vị của từng người, nhất là người nghèo. Thế nên, dù trong hoàn cảnh, môi trường nào, đời sống và cung cách của những Kitô hữu không thể trở thành người xa lạ, vô cảm, dửng dưng với một trái tim hóa đá đối với những anh chị em kém may mắn hơn mình.
Chỉ khi nào chúng ta có được tâm tình liên đới, yêu thương và huynh đệ với nhau, chúng ta mới thực sự hạnh phúc và bình an để cảm nghiệm và hát lên bài ca mà các sứ thần đã cất lên trong đêm Con Thiên Chúa Giáng Sinh: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm”.
Vẫn một tâm hồn đơn sơ, thánh thiện, nghèo khó và xác tín mạnh mẽ như các mục đồng khi xưa, giờ đây, chúng ta tiếp tục dâng thánh lễ, để chỉ lát nữa thôi, mỗi người cũng sẽ được đón nhận chính Chúa Hài Nhi Giêsu trong Bí tích Thánh Thể vào trong tâm hồn của mình, để Ngài trở thành nguồn suối bình an, vui tươi và hạnh phúc cho chúng ta.
Lạy Chúa Giêsu Hài Đồng, xin Chúa ban cho chúng con biết sống đơn sơ, trong trắng như các mục đồng khi xưa, để tâm hồn chúng con được diễm phúc đón Chúa đến viếng thăm và ở lại với chúng con. Amen.
LỄ GIÁNG SINH – BAN NGÀY, NĂM B
NGÔI LỜI TỰ HỦY ĐỂ NÊN NGƯỜI PHÀM
(Is 52, 7-10; Dt 1, 1-6; Ga 1, 1-5.9-14)
Nếu lễ Đêm Giáng Sinh, Phụng Vụ Giáo Hội tập trung để giới thiệu Đức Giêsu là Ánh Sáng của Thiên Chúa. Ngài đến để chiếu soi nhân loại và giải thoát con người khỏi bóng đêm tội lỗi. Thánh lễ Rạng Đông thì nhấn mạnh đến tình yêu của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi các mục đồng là đại diện cho những người bé mọn, nghèo khổ và bị loại ra bên lề. Còn thánh lễ này, Phụng Vụ Lời Chúa muốn nhấn mạnh đến sự tự hạ của Đức Giêsu khi giới thiệu Ngài chính là Ngôi Lời của Thiên Chúa, nhưng đã chấp nhận trở nên người phàm và cư ngụ giữa nhân loại để cứu chuộc con người.
- Vì yêu, nên Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể
Khởi đầu Tin Mừng thánh Gioan đã viết: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm
và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1, 14). Đây là một mầu nhiệm. Mầu nhiệm này vượt quá sự hiểu biết, suy tư của con người! Bởi vì theo lẽ thường thì hiểu sao được khi một vị Thiên Chúa toàn năng vô biên, trí tuệ khôn lường; Ngài là Đấng hằng hữu, trường cửu; Đấng tạo dựng đất trời và biển khơi; Đấng làm chủ không gian và thời gian; Đấng là nguồn mạch sự sống và mọi điều thiện hảo…. (x. Dt 1, 3; Cl 1,15). Thế mà hôm nay, Ngài lại trở nên một con người hữu hạn và chịu sự chi phối như một loài thụ tạo bình thường với những truyền thống và văn hóa của một dân tộc nhỏ bé.
Đây quả là điều rất khó hiểu đối với chúng ta!
Nhưng, theo thánh Gioan, chìa khóa để mở ra cho chúng ta hiểu được mầu nhiệm cao cả này, chính là hai chữ “tình yêu”.
Vì thế, ngài viết: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một để những ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16 ). Lúc khác ngài khẳng định: “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4, 16).
Chính vì yêu, Thiên Chúa Cha đã trao ban cho nhân loại món quà quý giá nhất là Con Một của Người. Cũng chính vì yêu, nên khi đến lượt mình, Đức Giêsu, Ngôi Lời của Thiên Chúa đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta (x. Ga 1, 14 ). Khi trở nên một Đức Giêsu – người, Ngài cũng trở thành Đấng Cứu Chuộc, Hoàng Tử Hòa Bình, Vua muôn thủa và Ánh Sáng chiếu soi mọi người để dẫn đưa nhân loại về với nguồn sự thật và sự sống để được hạnh phúc viên mãn.
Đây là điều mà chính Đức Giêsu, Ngôi Lời của Thiên Chúa đã mạc khải cho chúng ta. “Không ai thấy Thiên Chúa bao giờ; nhưng Con Một là Thiên Chúa, và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết” ( Ga 1, 18 ), Nhờ sự mạc khải đó mà: “Toàn cõi đất này được xem thấy: Ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta” (Tv 97, 3 ).
Tuy nhiên, hơn hai ngàn năm đã trôi qua kể từ khi Ngôi Lời đặt chân trên trái đất. Ngài đã thắp lên ánh sáng trong bóng đêm. Ngài chính là Ánh Sáng chiếu soi mọi người (x. Ga 1,9). Tiếc thay, nhiều người đã chọn bóng tối, vì bóng tối dễ chịu hơn, dễ đồng lõa hơn (x. Ga 3,19). Vì thế, chúng ta không lạ gì khi Ngôi Lời đã đến nhà của Ngài, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận (x. Ga 1,11).
- Đón nhận Ngôi Lời như thế nào?
Đây là một nỗi buồn cho nhân loại. Là tấm màn đen của thế giới con người. Là cảnh buồn và ảm đạm trong một thước phim vui. Vì thế, mỗi lần Giáng Sinh về, Giáo Hội không ngừng mời gọi con cái của mình không chỉ mừng lễ với những đèn sao nhấp nháy, tiệc tùng linh đình và những thứ bề ngoài khác. Ngược lại, Giáo Hội không ngớt lên tiếng thúc dục mọi thành phần hãy chuẩn bị tâm hồn cho thật xứng đáng, để đón nhận mầu nhiệm vĩ đại của Thiên Chúa ngang qua Đức Giêsu vào trong tâm hồn của mình.
Một trong những cách thiết thực nhất thể hiện việc sẵn sàng đón nhận Chúa đến với mình, đó là mặc lấy tâm tình của Đức Mẹ Maria để suy đi nghĩ lại trong lòng những gì mắt thấy, tai nghe, ngõ hầu mọi sự diễn ra trước mắt lại được ngấm thật sâu trong tâm hồn mỗi người và toát ra nơi cuộc sống. .
- Hãy làm cho Ngôi Lời của Thiên Chúa được hiện hữu nơi chúng ta
Như vậy, việc mừng Lễ Giáng Sinh đối với người Công Giáo chắc chắn không phải là mừng một biến cố hay kỷ niệm hoặc lễ hội thuần túy, nhưng ngang qua đó, làm toát lên một mầu nhiệm vĩ đại, mầu nhiệm cứu chuộc.
Chính vì vậy mà ơn cứu độ của Đức Giêsu đem đến không phải chỉ một lần vào đêm Ngài giáng trần, cũng không chỉ là lời hứa hẹn cho cuộc sống mai sau, mà ơn cứu độ, sức sống mới của Đức Giêsu đã được trao ban cho chúng ta ngay ngày hôm nay và lúc này.
Vì thế, nếu Con Thiên Chúa đã nhập thể, đã chấp nhận từ chỗ vị trí là Ngôi Lời, là Thiên Chúa đến chỗ Ngôi Lời hóa thành nhục để làm người và để cứu độ con người đang lầm than tội lỗi. Thì đến lượt chúng ta, chúng ta cũng phải làm cho Ngôi Lời trở nên sống động và thiết thực trong cung cách sống của mỗi người.
Nói cách khác, chúng ta cũng hãy noi gương Ngôi Lời là Đức Giêsu để làm một cuộc nhập thế ngay trong môi trường, khung cảnh sống của mỗi người.
Sự nhập thế ấy ta hiểu như một sự hóa thân để từ chỗ là một người giàu sang, quyền quý trở nên người cận thân cận lân của những người ốm đau, bệnh tật, cô thế, cô thân, nghèo khổ, bị áp bức, bóc lột, bỏ rơi. Trở nên những người cha, người mẹ đầy yêu thương của các trẻ em mồ côi nơi góc chợ, vỉa hè, trên đường phố hay gầm cầu, công viên. Trở nên người thầy – cô giáo tận tâm, hướng dẫn, dạy dỗ để chắp cánh cho tương lai đầy xán lạn nơi các học sinh thân yêu. Trở thành người có trách nhiệm với người khác như: bảo vệ môi trường, bênh vực công lý, xây dựng công bình và loan báo sự thật trong tin yêu và hy vọng.
Ngoài ra, chúng ta cũng cần phải làm một cuộc nhập thể khác nữa, cần thiết hơn và cấp bách hơn, đó là một cuộc nhập thể ngay trong gia đình của mình.
Nếu là người cha/ chồng nơi gia đình, thì sự nhập thể chính là trở nên người chồng, người cha mẫu mực, biết yêu thương, lo lắng, dạy dỗ con cái nên người; biết quan tâm và sống có trách nhiệm cũng như chung thủy với vợ….
Nếu là người vợ / mẹ, thì sự nhập thể chính là biết sống hiền lành, nhã nhặn, vui vẻ, vun quén cho gia đình; biết giữ hòa khí yêu thương và biết chu toàn trách nhiệm làm vợ và làm mẹ….
Nếu là người con, thì sự nhập thể chính là biết ngoan ngoãn, hiếu thảo với cha mẹ và thầy cô giáo; chú tâm đến việc học văn hóa, giáo lý nơi nhà trường và nhà thờ; chu toàn bổn phận hằng ngày trong gia đình….
Đây chính là kết quả của việc lắng nghe, suy đi nghĩ lại và tuân giữ Lời Chúa trong lòng như Mẹ Maria. Đây cũng chính là sống tinh thần Mầu Nhiệm Giáng Sinh của Đức Giêsu. Và, đây cũng chính là một hành trình nhập cuộc theo gương Ngôi Lời Thiên Chúa.
Giờ đây, chúng ta tiếp tục dâng thánh lễ để cùng nhau đi sâu hơn khi cảm nghiệm và sống mầu nhiệm tự hủy của Ngôi Lời Thiên Chúa ngay trong Bí tích Thánh Thể sắp tới.
Đây chính là quà tặng vô giá mà Đức Giêsu không ngừng ban tặng cho nhân loại, để ai tin và đón rước thì được bảo đảm cho hạnh phúc và sự sống đời đời mai sau.
Lạy Ngôi Lời của Thiên Chúa, Ngài là Đấng Emmanuel, xin cho chúng con biết cảm nghiệm sâu xa tình yêu tự hủy của Chúa, để đến lượt chúng con, mỗi người cũng biết sống mầu nhiệm ấy trong cuộc đời của mình, ngõ hầu mang lại cho nhân loại niềm hy vọng, bình an và ơn cứu độ qua mầu nhiệm nhập thể làm người của Chúa. Amen.
Tu sĩ: Jos. Vinc. Ngọc Biển, S.S.P.