Home / Suy Niệm Lời Chúa / Các bài suy niệm Tin mừng Lễ Chúa Giáng Sinh, năm A, của LM Giuse Đỗ Văn Thụy

Các bài suy niệm Tin mừng Lễ Chúa Giáng Sinh, năm A, của LM Giuse Đỗ Văn Thụy

GIANG SINH 2019

LỄ ĐÊM GIÁNG SINH

Không tìm được chỗ trong quán trọ

(Lc 2,1-14)

12-23-2019 10-04-13 PMNgày xưa, có một chú bé Phi Châu tên là Emmanuel. Chú ta luôn luôn tò mò thắc mắc. Một ngày nọ chú hỏi thầy giáo: “Thiên Chúa nói bằng thứ tiếng nào?”
Thầy giáo chỉ biết gãi đầu và nói: “thú thực là thầy cũng không biết”. Sau đó Emmanuel đi hỏi các nhà trí thức trong làng nhưng họ cũng chẳng biết. Thế là chú ta càng ngày càng thắc mắc hơn. Chú dạo quanh khắp vùng dọ hỏi các bậc thức giả ở những làng khác: “Thiên Chúa nói bằng thứ tiếng nào?” Nhưng họ cũng chỉ biết lắc đầu mà thôi. Tuy nhiên, Emmanuel vẫn tin chắc rằng có một ai đó biết được điều này, vì thế chú lên đường đến những quốc gia và cả những đại lục khác để tìm hỏi, nhưng chú cũng chẳng nhận được một câu trả lời nào.
Rồi một đêm kia, sau khi kiệt sức vì phải đi quá nhiều nơi, Emmanuel đến được một ngôi làng nọ, tên là Belem. Chú cố tìm chỗ nghỉ đêm trong quán trọ, nhưng tất cả các quán đều đã đầy người. Vì thế chú quyết định tìm một cái hang ngoài thành để trú đêm.
Cuối cùng, đến quá nửa đêm, chú mới tìm được một cái hang. Nhưng khi bước vào hang, chú nhận ra chiếc hang đá có một đôi vợ chồng và một hài nhi đang trú ngụ.
Nhìn thấy chú, bà mẹ trẻ liền nói: “hân hạnh đón chào Emmanuel, chúng ta đang mong chờ con”.
Chú bé quá sửng sốt, làm sao bà này biết được tên của mình chứ? Và chú càng ngạc nhiên hơn nữa khi nghe bà ấy nói: “đã từ lâu, con đi khắp thế gian để hỏi xem Thiên Chúa nói bằng thứ tiếng nào. Giờ đây, cuộc hành trình của con kể như đã kết thúc. Đêm nay, chính mắt con sẽ thấy Thiên Chúa nói bằng thứ tiếng nào. Ngài nói bằng ngôn ngữ của tình yêu: “Thiên Chúa quá yêu thương thế gian đến nỗi đã ban cho thế gian Con Một của Ngài” (Ga 3,16).
Trái tim Emmanuel trào dâng niềm xúc động, chú vội quì gối xuống trước hài nhi và mừng rỡ bật khóc. Giờ đây chú đã biết rằng Thiên Chúa nói bằng thứ tiếng của tình yêu, thứ tiếng mà mọi người thuộc bất kỳ dân tộc hay thời đại nào cũng đều có thể hiểu được.
Quả thật Thiên Chúa nói bằng thứ tiếng của tình yêu. Thiên Chúa không chỉ nói nhưng còn thể hiện bằng chính con tim của Thiên Chúa. Thiên Chúa Cha đã yêu thương chúng ta. Ngài đã hy sinh chính Con Một Ngài để nói lên tình thương của Ngài đối với chúng ta, nên đã sai Con Một xuống thế để cứu chuộc chúng ta. Chính vì thế Chúa Giêsu đã rời bỏ thiên cung để đến với con người chúng ta, mặc lấy thân phận yếu đuối của con người để có thể đồng cảm với thân phận hèn yếu của chúng sinh, nhưng đồng thời Người cũng là Thiên Chúa, nên với quyền năng của một Thiên Chúa, Người luôn ở bên cạnh chúng ta để từng giây từng phút nâng đỡ chúng ta.
Quả thật không có một tôn giáo nào lại có một Đấng Thần Minh đến ở với con người, chấp nhận mang lấy hình hài yếu đuối của con người. Chỉ có Thiên Chúa chúng ta mới dám đến với con người như thế vì danh hiệu của Người là Emmanuel, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.
Nhưng chúng ta đón tiếp Người như thế nào?
Có thể chúng ta trách móc dân thành Bêlem đã từ chối Chúa, nên Người đã phải sinh ra nơi hang bò lừa. Coi chừng chúng ta cũng lại tiếp tục thái độ hững hờ của dân thành Bêlem ngày xưa!
Có thể lắm chứ! Bởi vì nếu chúng ta mở cửa đón Chúa vào tâm hồn chúng ta, chắc chắn Chúa đã biến đổi toàn bộ con người của chúng ta, làm cho cuộc đời của chúng ta luôn an bình hạnh phúc.
Nhưng thực tế như thế nào? Chúng ta vẫn còn băn khoăn lo lắng và có khi kêu trách Chúa, tại sao Chúa để con khổ cực như thế này, tại sao Chúa cứ gởi đến cho con những thánh giá quá nặng nề như thế, tại sao con cứ gặp phải những tai ương khốn khó và còn nhiều và rất nhiều những câu tại sao khác nữa… Tại Chúa hay tại ta?
Chúa đã xuống thế làm người để nhắn nhủ chúng ta: “hỡi những ai gồng gánh nặng nề hãy đến với Ta, Ta sẽ bổ sức cho, vì ách của Ta thì êm ái và gánh của Ta thì nhẹ nhàng”
Chúng ta có đến với Chúa không?
Như vậy đủ tố cáo rằng chúng ta chưa cho phép Chúa vào cõi lòng chúng ta. Đây là một xúc phạm vô cùng lớn, bởi vì chúng ta là tạo vật mà lại dám ngăn cản không cho Thiên Chúa, Đấng tạo dựng nên chúng ta, thực hiện tình thương của Ngài trên chúng ta. Một sự xúc phạm vô cùng lớn!
Chúa còn phải chờ đợi đến bao giờ?
Có câu chuyện kể rằng: trong một cuộc triển lãm tranh của những họa sĩ nổi tiếng, khách thưởng ngoạn đặc biệt chú ý tới một bức tranh về hình Chúa Giêsu đứng trước cửa một căn nhà tồi tàn.
Người ta rất thích thú khi khám phá ra rằng trên cửa lại không có nắm cửa để mở.
Chẳng lẽ họa sĩ lại quên đi một chi tiết tầm thường nhưng lại rất quan trọng như vậy sao? Chỉ khi mọi người xì xầm thắc mắc, tiếp tục ngắm nghía cẩn thận và ngẫm nghĩ một hồi lâu, họ mới “ngộ” ra được cái dụng ý tuyệt diệu của bức họa, đó là: Thiên Chúa luôn luôn kiên nhẫn chờ đợi bên ngoài cánh cửa lòng chúng ta, dù tuyết rơi, mưa đổ, gió bão, phong ba thi nhau ập tới, Ngài cũng không nề hà. Nhưng Ngài không thể vào nhà được vì nắm cửa nằm ở bên trong. Điều đó có nghĩa là: Quyền quyết định ở trong tay chúng ta, Ngài chỉ có thể bước vào và ngự trị trong tâm hồn chúng ta nếu chúng ta mở cửa cho Ngài.
Vậy hãy mở cửa cho Ngài.
Vào năm 1994, hai nhà giáo Mỹ được bộ giáo dục Nga mời sang dạy. Nhân mùa Giáng Sinh họ đến thăm một trại mồ côi, và kể chuyện Chúa Sinh Ra cho các em. Các em mồ côi cũng như ban quản đốc sung sướng ngồi nghe họ kể chuyện Giáng Sinh. Sau đó, họ phát cho các em vật dụng thủ công để làm Máng Cỏ.
Trong khi đi tới đi lui trông các em làm Máng Cỏ, họ ngạc nhiên khi thấy Máng Cỏ của bé Misha, chừng 6 tuổi, có đến hai bé sơ sinh nằm trong máng cỏ.
Phải chăng Đức Mẹ lại sinh đôi? Không, không thể được!
Bỡ ngỡ, nhưng bình thản, họ mời Misha kể lại đầu đuôi câu chuyện Chúa Sinh Ra. Misha kể rất thông suốt, rành mạch, đúng với Tin Mừng, từ lúc Truyền Tin cho đến khi hai ông bà không tìm được chỗ trong quán trọ. Nhưng khi đến phần Đức Mẹ sinh Chúa Giêsu và đặt trong Máng Cỏ, thì em bắt đầu thêm mắm thêm muối.
Misha kể tiếp: Khi Đức Mẹ đặt Bé Giêsu vào trong Máng Cỏ, thì Giêsu nhìn em và hỏi: em có chỗ ở chưa?
– Em thưa: con đâu có cha, con đâu có mẹ, con đâu có nhà!
– Vậy thì em ở với ta nhé!
– Em ngập ngừng nói: con đâu có quà gì để tặng Chúa! Nhưng em rất mong được ở với Giêsu. Em nghĩ em có thể tặng Chúa tất cả những gì em có: hay là con ôm Chúa cho Chúa bớt lạnh được không?
– Tuyệt, thật là tuyệt, món quà quý giá đó chưa có ai cho Ta cả.
Thế là em nhảy ngay vào trong Máng Cỏ và nằm ôm Chúa cho Chúa bớt lạnh.
Chúa Giêsu cũng giang tay ôm lấy em và bảo: em có thể ở với Ta luôn mãi.
Vừa nói Misha vừa lấy tay lau nước mắt. Đôi giòng lệ tuôn rơi trên gò má hốc hác của em bé mồ côi. Ôi những giòng lệ thật hạnh phúc. Những giòng lệ thật tuyệt vời. Những giòng lệ của một đêm Giáng Sinh.Amen.

LỄ RẠNG ĐÔNG

Các mục đồng tới Belem

(Lc 2,15-20)

12-23-2019 10-06-40 PMTrong đêm đen, các mục đồng đang canh giữ đòan vật, thì bất thình lình chúng ta được kể cho biết, họ được báo tin Chúa Giêsu đã sinh ra. Họ đã vội vã lên đường và tìm thấy Đức Maria, thánh Giuse và Con Trẻ nằm trong máng cỏ.
Trong xứ Palestina, những mục đồng bị mang tiếng xấu, bị coi là những thành phần bất hảo và trộm cắp. Sách Talmud của Babylone xếp họ vào lọai thu thuế và biệt phái: là những người khó lòng sám hối ăn năn. Ấy thế mà chính những người bị khinh khi, bị liệt vào giai cấp hạ đẳng trong xã hội lại là những người đầu tiên nhận được Tin Mừng Giáng Sinh. Thiên Chúa luôn xuất hiện như thế trong sự khiêm nhường, giữa những biến cố đời thường và sự tỏ hiện của Người không có ồn ào, nhưng âm thầm kín đáo.
Các mục đồng đã lên đường tới Belem và đã găp Đức Maria, thánh Giuse và Hài Nhi nằm trong máng cỏ.
Một Hài Nhi nằm trong máng cỏ – Một Thiên Chúa đã trở thành một con người trong nhân lọai.
1. Một Hài Nhi nằm trong máng cỏ hôm nay muốn nói với chúng ta rằng: sự sống con người là một cái gì thiêng thánh, đã được Thiên Chúa tạo dựng và cứu chuộc.
2. Một Hài Nhi nằm trong máng cỏ hôm nay muốn nói với chúng ta rằng: mỗi người chúng ta được sinh ra, dù có nhỏ bé đến đâu, dù có thấp hèn đến mấy, cũng đều là hình ảnh của Thiên Chúa, cũng đều là con cái Thiên Chúa và đã được đóng ấn tình yêu của Thiên Chúa.
3. Một Hài Nhi nằm trong máng cỏ hôm nay muốn nói với chúng ta rằng: bất cứ cuộc sống nào, dù tầm thường đến đâu, dù vô danh tiểu tốt đến mấy, thì cuộc sống ấy luôn vẫn có một ý nghĩa.
4. Một Hài Nhi nằm trong máng cỏ hôm nay muốn nói lên rằng: dù chúng ta thuộc bất cứ thành phần nào trong xã hội, chúng ta vẫn có thể sống trọn vẹn cuộc sống của Người. Một cuộc sống âm thầm, sinh ra trong hang Belem bé nhỏ.
5. Một Hài Nhi nằm trong máng cỏ hôm nay muốn nói với chúng ta rằng: dấu chứng vĩ đại của Thiên Chúa chính là sự bé nhỏ của Ngài, dấu chứng quyền lực của Thiên Chúa lại chính là sự yếu đuối của Ngài.
Trong mùa Giáng Sinh này tôi muốn gởi đến quí ông bà anh chị em nỗi niềm tâm sự của một cây nến. Vào một buổi tối cúp điện nọ, một ngọn nến được đem ra đặt giữa phòng. Người ta châm lửa và nó bắt đầu lập lòe cháy sáng. Nó hân hoan nhận ra rằng nó giúp ích cho mọi người. Ai cũng phải trầm trồ: “chao ôi, ngọn nến sáng quá, đẹp quá, dễ thương quá…” nghe như thế, ngọn nến lại càng nhiệt thành dùng hết sức mình để ánh lửa nhỏ bé của nó đẩy lui được bóng tối chung quanh.
Thế nhưng, những giòng sáp nóng đã bắt đầu chảy ra, lăn dài dọc theo thân ngọn nến. Nó cảm thấy càng lúc càng bị lùn xuống, ngắn đi, ngắn thêm một chút, rồi lại một chút nữa…cho đến khi còn lại một nửa, ngọn nến giật mình tự nhủ: “chết mất, ta mà cứ cháy sáng mãi thế này thì chẳng mấy chốc, ta sẽ tàn lụi mất thôi! Tại sao? Tại sao ta lại phải hy sinh một cách thiệt thòi, oan uổng và ngu ngốc như vậy chứ?”
Một thóang ngần ngừ, ngọn nến đã quyết định nương theo cơn gió thỏang qua để tự mình tắt phụt đi. Tất cả còn lại chỉ một sợi khói mỏng manh nghi ngút như một nụ cười mãn nguyện… mọi người trong phòng chợt nhốn nháo bảo nhau: “thôi chết! tắt mất ngọn nến rồi, tối quá, làm sao bây giờ?” Ngọn nến chưa kịp tự mãn vì sự hiện diện quan trọng của mình thì một người lên tiếng: “nến dễ bị gió thổi tắt, để tôi đi kiếm một cái đèn dầu.” Chỉ sau ít phút người ta đã tìm được một chiếc đèn dầu và chiếc đèn dầu cũ kỹ được thắp lên, còn cây nến thì bị quăng vào một góc tủ…ngọn nến buồn thiu, thế là từ nay khó mà còn có dịp để được cháy sáng nữa. Cây nến chợt hiểu ra tất cả: “đời tôi là để cháy sáng, cháy sáng đến tiêu tan đi cho mọi người, cho dù tôi chỉ có thể cháy sáng với một ánh lửa nhỏ nhoi, bởi vì tôi là một ngọn nến…”
Nguyện chúc quí ông bà anh chị em, luôn là một cây nến cháy sáng để giới thiệu cho những người chung quanh, một Hài Nhi, một Hài Nhi nằm trong máng cỏ, nhưng Hài Nhi này lại chính là một vị Thiên Chúa, hôm nay đã giáng trần.

25/12: LỄ BAN NGÀY

NGÔI LỜI NHẬP THỂ

(Ga 1, 1-18)

12-23-2019 10-09-09 PMLễ ban ngày: “Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta” (Ga 1,1-18). Từ Nhập Thể, không phải là một từ được sử dụng trong ngôn ngữ thường ngày và cũng không có trong tòan bộ Kinh Thánh. Người ta gọi từ này là một thứ “tốc ký” để chỉ một quan niệm được triển khai dần dần trong Tân Ước. Lần đầu tiên Thánh Kinh đề cập đến quan niệm Đức-Giêsu-là-Thiên-Chúa là trong Phúc Âm thánh Gioan “Ngôi Lời (Verbum) đã hoá thành nhục thể và Người đã cư ngụ giữa chúng tôi và chúng tôi đã nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang Người nhận được bởi Chúa Cha, như của Người Con Một đầy ân sủng và chân lý”(Ga 1,14).
Sự hiểu biết về sự kiện Nhập Thể thực ra đã phát triển dần dần. Mãi đến gần cuối của Tân Ước mới thấy đề cập đến Đức Giêsu, trong thân xác của Người, có đầy đủ bản tính của Thiên Chúa (Col 2,9) và cho đến khi có kinh Tin Kính, các Kitô hữu mới tuyên xưng Đức Giêsu “đồng bản tính với Đức Chúa Cha”.
Tưởng cũng nên ghi nhận sự kiện này là Thiên Chúa, trong Đức Giêsu đã bước vào thế gian này để trở thành con người giống như chúng ta ngọai trừ tội lỗi và cũng sống giống như chúng ta. Vì Người đã nhập thể và nhập thế, nên Đức Giêsu cũng đã cảm nhận được những nỗi thống khổ trên trần thế:
– Người đã phải chịu đau khổ như nhiều người trong chúng ta cũng đã từng nếm biết bao đắng cay.
– Người đã cảm thấy đau đớn, cảm thấy bị ruồng bỏ.
– Cuối cùng Người cũng đã có cảm nghiệm về cái chết, một kinh nghiệm mà sớm hay muộn cũng sẽ xảy đến cho bất cứ một người nào trong chúng ta.
“Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể” muốn nói lên rằng bất cứ cuộc sống nào, cho dù bé nhỏ, vô nghĩa đến đâu, thì cuộc sống ấy vẫn có một ý nghĩa.
“Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể” muốn nói lên rằng cho dù chúng ta thuộc về hạng người nào, chúng ta vẫn có thể sống trọn vẹn lời Người đã dạy và theo gương các việc Người đã làm.
Người ta có kể rằng ở một thành phố bên Tiệp Khắc, trong các di tích trưng bày có một chiếc cày từ thế kỷ 18. Người ta thuật lại câu chuyện như sau: một hôm hòang đế Joseph II cùng đòan tùy tùng đến thăm một ngôi làng. Thấy anh nông dân đang ngồi nghỉ mệt bên chiếc cày, ông đến trò truyện cvà xin cày thử. Anh nông dân rất ngạc nhiên khi thấy một người sang trọng lại xin tra tay vào cày, một cái cày lấm bùn dơ bẩn. Rồi lại thấy ông ta cày một cách vụng về, anh bật cười và nói: xin lỗi ông, hạng người như ông làm sao cày mà kiếm sống được.
Nghe nói thế, một người trong đòan tùy tùng ghé vào tai anh nông dân mách nhỏ: người đó chính là hòang đế. Anh nông dân như muốn độn thổ. Anh không thể tưởng tượng một vị hòang đế mà tra tay cầm cày như anh …anh cảm phục đến nỗi từ đó anh không dám sử dụng chiếc cày đó nữa. Anh chùi rửa sạch sẽ, rồi cất giữ như một báu vật. Về sau, chiếc cày đó được trưng bày tại một cuộc triển lãm tại Vienne, nước Áo.
Quả thật, vua Joseph là một vị hòang đế nhưng cũng là người như chúng ta, ấy thế mà anh nông dân đã cảm phục trước hành động của nhà vua đến nỗi không dám sử dụng chiếc cày đó nữa. Còn đối với chúng ta, Đức Giêsu là một vị Thiên Chúa, đã xuống thế làm người, mặc lấy xác phàm như chúng ta, để ở với chúng ta, chúng ta phải đối xử với Người như thế nào ?

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN