Home / Suy Niệm Lời Chúa / Các bài Suy niệm Tin mừng Chúa nhật II Phục Sinh, năm B, của LM Giuse Đỗ Văn Thụy

Các bài Suy niệm Tin mừng Chúa nhật II Phục Sinh, năm B, của LM Giuse Đỗ Văn Thụy

CN 2B PS

Lòng thương xót của Chúa đối với Tôma

(Ga 20,19-31)

CN2PSTừ lâu, gương mặt của Tôma đã cuốn hút nhiều người. Người ta thường đã nhìn thấy nơi ông, một con người hoài nghi và Gioan đã giải thích thái độ và cử chỉ của Tôma ra sao.

Ông đã không có mặt khi Đức Giêsu hiện ra với các môn đệ, chiều ngày Phục Sinh và khi Ngài đã thổi hơi trên họ. Mặc dù các môn đệ kể lại cho ông điều họ đã nhìn thấy, ông vẫn không tin. Ông đáp: “nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Ngài, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin” (Gn 20,25).

Trong thực tế, Tôma không phải là người hoài nghi, mà là người muốn tự mình cảm nhận tất cả. Ông không bằng lòng với những gì người khác kể lại. Ông còn phải thấy và tự mình sờ chạm và chỉ tin với điều kiện ấy mà thôi.

Gioan mời gọi chúng ta theo gót Tôma để tin vào sự Phục Sinh. Điều kiện mà Tôma đưa ra để tin, chất vấn mỗi người chúng ta. Tại sao ông lại đặt nặng vấn đề các thương tích của Đức Giêsu, những dấu đinh trên bàn tay và vết đâm nơi cạnh sườn?

Có lẽ ông cần đến bằng chứng rằng Đấng Bị Đóng Đinh và Đấng Phục Sinh là một, vì thật lòng mà nói quả là rất khó tin rằng người chết trong những đớn đau khủng khiếp như thế, lại có thể sống lại một hai ngày sau đó. Ông khó lòng chấp nhận rằng Đấng Messia đã chết trên Thập Giá, một cách bất ngờ, khủng khiếp như vậy, cho nên ông cần một bằng chứng rõ ràng để tin vào một Đấng Phục Sinh. Chính vì vậy học giả Merrill Tenney đã nói như sau: “bất chấp việc các môn đệ khác nói đi nói lại rằng Đức Giêsu đã sống lại, Tôma vẫn không tin. Ông biết rõ cái chết của Đức Giêsu, nên ông không dễ tin vào những lời tường thuật về việc Đức Giêsu hiện ra, và khẳng định ông chỉ tin khi nào ông đụng chạm đến thân thể Người. Điều Tôma cần không gì khác hơn là những chứng cứ vật chất. Sự cứng tin của ông là bằng chứng cho thấy sự kiện hiện ra sau Phục Sinh không phải là ảo tưởng vì quá mong nhớ Thầy.”

Tuy bị coi là cứng lòng tin, nhưng Tôma lại đạt tới đỉnh cao của niềm tin Kitô giáo vì không những Tôma tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Mêsia, mà còn ý thức được rằng Đức Giêsu chính là “Ngôi Lời” của Thiên Chúa, do đó ông đã tuyên xưng Đức Giêsu là Thiên Chúa: “Lạy Thiên Chúa của con”. Không chỗ nào trong Tân Ước có được lời chứng mạnh mẽ về Đức Giêsu như ở đây. Qui nạp hai tước hiệu đó vào Đức Giêsu Kitô là điều cốt lõi của niềm tin Kitô Giáo.

Bác sĩ C. Scott Harrison đã đồng cảm với Tôma trong niềm tin này khi thi hành nhiệm vụ của một bác sĩ chuyên khoa giải phẫu bàn tay. Trong một bài báo được phát hành trên toàn quốc, ông viết rằng trong mọi cuộc giải phẫu, ở một điểm nào đó, ông đã phải kêu lên, “Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con!

Câu chuyện xảy ra trong thời gian ông ở Việt Nam. Một tối kia, sau khi mới tốt nghiệp y khoa, ông được gọi đến để lấy một viên đạn từ tay một người lính. Đã vậy, ông phải thi hành điều đó dưới ánh sáng của đèn pin. Cuộc giải phẫu ấy đã làm ông cảm động đến nỗi, sau cuộc chiến, ông quyết định chuyên ngành giải phẫu bàn tay. Vì sự chuyên môn này, nhà phẫu thuật rất thấu hiểu sự đau đớn khủng khiếp gây nên bởi vật gì đó, tỉ như viên đạn, xuyên xé qua xương, bắp thịt, và các thần kinh của bàn tay. Ông nói cứ mỗi lần ông nghĩ về sự đau đớn khủng khiếp mà Chúa Giêsu phải chịu khi bị đóng đinh trên Thập Giá thì ông lại phải nhăn mặt.

Nói về bài Tin Mừng hôm nay, bác sĩ cho biết ông nghĩ rằng lời kêu than của Tôma,

“Lạy Chúa,  lạy Thiên Chúa của con,” không chỉ là một lời tuyên xưng đức tin, mà đó còn là lời sửng sốt bàng hoàng khi thấy các bàn tay của Chúa Giêsu bị xé nát và sứt sẹo biết chừng nào. Chỉ lúc bấy giờ Tôma mới thực sự nhận thức được sự đau đớn mà Chúa Giêsu đã chịu trên Thập Giá. Với khám phá này, bác sĩ nói, “vượt quá mức chịu đựng của thánh Tôma.”

Bác sĩ C. Scott Harrison đã kết thúc bài viết với lời lẽ xúc động như sau: “mỗi lần tôi giải phẫu và nhìn vào bên dưới lớp da… của bàn tay con người, tôi được nhắc nhở rằng Đức Kitô đã hy sinh bàn tay lành lặn của Người vì tôi. Và, cùng với Tôma, tôi thân thưa, ‘Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con.’”[1] 

Tóm lại, chúng ta thấy nơi Tôma: ông nhất định không chịu nói là tin khi ông không tin,

không bao giớ nói mình hiểu khi chưa hiểu. Ông không hề đè nén sự nghi ngờ. Tôma không thuộc loại người chịu thông qua điều chưa hiểu. Ông muốn biết chắc mọi sự.

Một người đòi hỏi chắc chắn thì có đức tin vững vàng hơn kẻ chỉ biết lặp đi lặp lại như con vẹt những điều mình chẳng bao giờ suy nghĩ đến. Chính khi hoài nghi như thế cuối cùng đã đạt đến một đức tin chắc chắn và khi biết chắc, ông sẽ đi đến cùng. Ông nói: “lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con.” Với Tôma không có chuyện nửa vời. Ông nghi ngờ vì muốn trở thành người biết chắc và khi biết chắc rồi, ông hoàn toàn vâng phục. Đây chính là điều chúng ta phải học nơi Tôma. Amen.

 [1] Dr. C. Scott Harrison, Guideposts (April 1985)

 Lòng Thương Xót của Chúa đối với Tôma (2)

(Ga,20-19-31)

CN2PSBTrong bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe các môn đệ nói với Tôma: Chúng tôi đã thấy Chúa. Nhưng Tôma nói với các môn đệ kia rằng:”Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người thì tôi không tin”.

Rồi tám ngày sau, các môn đệ họp nhau trong nhà, có Tôma ở đó, Chúa đã hiện ra với các ông. Chúa Giêsu lặp lại lời của Tôma và mời ông thực hiện điều ông đòi hỏi.

Bấy giờ, Tôma chỉ biết thốt lên: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!”

Chúa Giêsu nói với ông:

“Tôma, vì con đã xem thấy Thầy nên con đã tin, phúc cho ai không thấy mà tin.”

Câu chuyện của Tôma cho chúng ta thấy

con người của Tôma được bộc lộ thật rõ ràng, rất bộc trực và chân thành.

Tôma đã phạm một lỗi lầm

Ông đã vắng mặt trong buổi họp của anh em và vì không có mặt với các bạn nên ông mất cơ hội gặp Chúa Giêsu lúc Ngài hiện ra lần thứ nhất.

Khi gặp cảnh đau buồn thất vọng, chúng ta thường có khuynh hướng muốn đóng cửa lại, nhốt mình riêng một nơi, không muốn gặp ai cả.

Nhưng chính những lúc như thế, lại là lúc chúng ta cần đến sự chia sẻ cảm thông của anh chị em sống chung quanh chúng ta.

Nhưng Tôma có hai đức tính lớn

Ông nhất định không chịu nói là tin khi ông không tin,

không bao giờ nói mình hiểu trong khi không hiểu.

Ông không hề đè nén sự nghi ngờ.

Tôma không thuộc loại người chịu thông qua điều chưa hiểu.

Ông muốn biết chắc mọi sự, và thái độ này của ông hoàn toàn đúng.

Một người đòi hỏi chắc chắn thì có đức tin vững vàng hơn kẻ chỉ lặp đi lặp lại như con vẹt những điều mình chẳng bao giờ suy nghĩ đến.

Chính hoài nghi như thế cuối cùng sẽ đạt đến một niềm tin chắc chắn.

Và khi biết chắc, ông sẽ đi đến cùng

Ông nói: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!”

Với Tôma không có chuyện nửa vời.

Ông nghi ngờ vì muốn trở thành người biết chắc,

và khi đã chắc rồi, ông hoàn toàn vâng phục.

Khi một con người chiến đấu với nỗi hoài nghi để đi đến chỗ tin Đức Giêsu là Chúa, người ấy đạt được sự chắc chắn mà những người dễ dàng chấp nhận không suy nghĩ sẽ chẳng bao giờ đạt tới được.

Hôm nay cũng là ngày kính nhớ Lòng Thương Xót của Chúa Giêsu.

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã thiết lập lễ này đáp lại ý Chúa muốn qua thánh nữ Maria Faustina: “Ta muốn ngày lễ kính lòng thương xót là một trợ giúp và là nơi trú ẩn cho mọi linh hồn và nhất là cho những người tội lỗi đáng thương.

      Trong ngày ấy, lòng thương xót của Ta sẽ rộng mở, Ta sẽ tuôn đổ một đại dương hồng ân xuống các linh hồn đến gần nguồn mạch lòng thương xót của Ta” (Tiểu nhật ký, số 699). Dù mới thiết lập năm 2000, nhưng phong trào phổ biến lòng thương xót Chúa thật lạ lùng.
Lòng thương xót của Chúa được diễn tả qua cuộc thương khó và cái chết của Ngài trên thập giá.

Lòng thương xót ấy vẫn còn để lại dấu vết trên thân thể Chúa,

kể cả sau khi Chúa đã sống lại sáng láng vinh hiển.

Vì thế, việc đầu tiên khi hiện ra với các môn đệ, sau khi trao ban bình an, là cho các ông xem các vết thương ở tay và cạnh sườn, khiến các ông vui mừng và tin tưởng.
Lòng thương xót Chúa đối với con người trước và sau phục sinh không thay đổi,

vì Chúa Giêsu vẫn là một để cho người ta nhận ra Ngài.

Vết thương diễn tả lòng thương yêu của Chúa với con người không thay đổi.

Đặc biệt với Tôma,

Chúa Giêsu rất thương mến Tôma và sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu của Tôma, để Tôma tiến tới một xác tín mạnh mẽ vào sự Phục Sinh của Chúa.

Nhà thần học Paul Tillich nói: “sự hoài nghi chín chắn là sự khẳng định của đức tin.

Nó chứng tỏ một sự quan tâm rất nghiêm chỉnh”.

Còn Thomas Merton bảo: “người có niềm tin mà chưa từng trải qua sự nghi ngờ thì không phải là người có niềm tin đích thực”.

Thực tế, trên đời có biết bao điều chúng ta không thấy mà vẫn tin,

không kiểm tra được mà vẫn phải chấp nhận và sống điều ấy.

Như tin vào cha mẹ, thầy cô, những người có thế giá;

tin vào tình yêu và lòng tốt của người khác dù họ chưa làm gì cho ta.

Tin vào lời hứa trong tương lai dù chưa thấy kết quả trước mắt.

Phải chăng đấy là những dấu hiệu của đức tin và niềm hy vọng.

Phải chăng vì thế mà cuộc sống của ta được bình an và phấn khởi.
Chính vì vậy, hằng ngày chúng ta vẫn được hưởng sự bình an và lòng thương xót của Chúa qua Giáo Hội khi chúng ta nghe Chúa dạy, lãnh nhận các bí tích nhất là Thánh Lễ.

Nghĩa là Chúa đã trao cho chúng ta trách nhiệm như Tôma và các môn đệ xưa: hãy đi loan báo và làm chứng về sự bình an và lòng thương xót Chúa cho người khác.
Thế giới, xã hội còn đầy bất công và bạo hành,

chúng ta hãy đem sự bình an của Chúa Phục Sinh cho họ.

Thế giới, xã hội còn đầy vết thương do sự tranh chấp, hận thù và ghen ghét,

húng ta hãy đem lòng thương xót Chúa đến cho họ để chữa lành nỗi đau thể xác và tinh thần, giúp họ tiếp tục bước theo Chúa trên con đường khổ giá để được chung hưởng niềm vui Phục Sinh với Chúa. Amen.

 Tôma cứng lòng

(Ga 20,19-31)

CN2PSB2Từ lâu, gương mặt của Tôma đã cuốn hút nhiều người. Người ta thường nhìn thấy nơi ông, một con người hoài nghi.

Chúng ta có thể nhận ra chính mình nơi ông, khi đức tin chúng ta bị lung lay bởi hoài nghi.

Ông là anh em sinh đôi của chúng ta và tỏ ra rất đáng yêu.

Nhưng chúng ta hãy nhìn kỹ hơn, Gioan giải thích thái độ và cử chỉ của Tôma làm sao.

Ông đã không có mặt khi Đức Giêsu hiện ra với các môn đệ, chiều ngày Phục Sinh và khi Ngài đã thổi hơi trên họ.

Mặc dù các môn đệ kể lại cho ông điều họ đã nhìn thấy, ông vẫn không tin.

Ông đáp: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Ngài, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin” (Ga 20,25).

Trong thực tế, Tôma không phải là người hoài nghi, mà là người muốn tự mình cảm nhận tất cả. Ông không bằng lòng với những gì người khác kể lại.

Ông còn phải thấy và tự mình sờ chạm và chỉ tin với điều kiện ấy mà thôi.

Gioan mời gọi chúng ta theo gót Tôma để tin vào sự Phục Sinh.

Điều kiện mà Tôma đưa ra để tin, chất vấn mỗi người chúng ta.

Tại sao ông lại đặt nặng vấn đề các thương tích của Đức Giêsu, những dấu đinh trên bàn tay và vết đâm nơi cạnh sườn Ngài?

Có lẽ ông cần đến bằng chứng rằng Đấng bị đóng đinh và Đấng Phục Sinh là một, vì thật lòng mà nói quả là rất khó tin rằng người chết trong những đớn đau khủng khiếp như thế, lại có thể sống lại một hai ngày sau đó.

Ông khó lòng chấp nhận rằng Đấng Messia đã chết trên Thập Giá, một cách bất ngờ, khủng khiếp như vậy. Cho nên ông cần một bằng chứng rõ ràng để tin vào một Đấng Phục Sinh.

Tám ngày sau, các môn đệ lại tề tựu, các cửa đều đóng kín vì sợ người Do Thái.

Bấy giờ Chúa Giêsu hiện đến và nói với Tôma:

“Hãy đặt ngón tay vào đây, hãy đưa bàn tay ra và đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin”[1] 

Tóm lại, chúng ta thấy nơi Tôma:

Ông nhất định không chịu nói là tin khi ông không tin,

không bao giờ nói mình hiểu trong khi không hiểu.

Ông không hề đè nén sự nghi ngờ.                       

Tôma không thuộc loại người chịu thông qua điều chưa hiểu.                          

Ông muốn biết chắc mọi sự. Một người đòi hỏi chắc chắn thì có đức tin vững vàng hơn kẻ chỉ lặp đi lặp lại như con vẹt những điều mình chẳng bao giờ suy nghĩ đến.

Chính hoài nghi như thế cuối cùng sẽ đạt đến một đức tin chắc chắn.

Và khi biết chắc, ông sẽ đi đến cùng.

Ông nói: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!”

Với Tôma không có chuyện nửa vời.    

Ông nghi ngờ vì muốn trở thành người biết chắc,

và khi đã biết chắc rồi, ông hoàn toàn vâng phục.                                                                                     

Khi một con người chiến đấu với nỗi hoài nghi để đi đến chỗ tin Đức Giêsu là Chúa,

người ấy đạt được sự chắc chắn mà những người dễ dàng chấp nhận không suy nghĩ sẽ chẳng bao giờ đạt tới được.

Hôm nay cũng là ngày kính Lòng Chúa Thương Xót.

Khi xin Chị Thánh Faustina người Balan vận động để xin Tòa Thánh thiết lập Lễ Kính Chúa Tình Thương vào Ngày Chúa Nhật Thứ Hai Phục Sinh, Chúa Giêsu không nói lý do tại sao Người chọn ngày này.

Tuy nhiên, căn cứ vào những gì Chúa hướng dẫn chị liên quan đến bức ảnh Chúa Giêsu có hai luồng sáng phát ra từ trái tim Chúa, và hàng chữ “con tín thác nơi Chúa” ở phía chân bức ảnh, chúng ta thấy rất thích hợp với bài Phúc Âm của Chúa Nhật Thứ Hai Phục Sinh hôm nay. Bởi vì, trong bài Phúc Âm hôm nay, phần đầu liên quan đến lòng thương xót Chúa (Divine Mercy), khi nói với Tôma:

Hãy đặt tay vào cạnh sườn Thầy. Cạnh sườn nhắc chúng ta đến hình ảnh quân lính cầm đòng đâm vào cạnh sườn Chúa thì máu cùng nước chảy ra. Những giọt máu cuối cùng Chúa Giêsu cũng hiến dâng hết không còn giữ lại một chút nào.

Điều này nói lên lòng thương xót vô biên của Chúa.

Khi cảm nghiệm về nỗi đau của Chúa Giê-su,

Tôma đã được biến đổi. Ông quỳ xuống tôn thờ Chúa.

Ông mong muốn dành cuộc đời để loan truyền tình thương Chúa cho nhân loại.

Ông hiểu hơn về lòng thương xót của Chúa dành cho nhân loại.

Chính vì yêu.

Chính vì muốn biểu lộ lòng thương xót cho nhân loại mà Chúa đã can tâm tình nguyện chịu chết trên thập giá.

Chính Chúa đã bày tỏ lòng thương xót của mình khi tự nguyện gánh lấy những cực hình, những đau đớn để cứu độ chúng sinh.

Chính Chúa không chỉ nhìn thấy những khổ đau của con người để xót xa, chạnh lòng thương mà ngài còn dấn thân phục vụ để xoa dịu nỗi đau của chúng ta.

Chúa xót thương khi sống nghèo khó để đồng cảm với những người nghèo.

Chúa xót thương khi sống phục vụ để xoa dịu nỗi đau cho những kẻ bất hạnh.

Chúa xót thương nhân loại đang chết trong tội lỗi nên đã gánh lấy cực hình để đền thay tội lỗi nhân gian.

Lòng thương xót của Chúa mãi mãi chịu hiến tế để cứu nhân loại.

Lạy Chúa con tín thác nơi Chúa.

Lạy Chúa xin thương xót chúng con. Amen

 

Tôma cứng lòng (2)

CN2PSB3Trong bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe các môn đệ nói với Tôma: Chúng tôi đã thấy Chúa. Nhưng Tôma nói với các ông kia rằng:”Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người thì tôi không tin”.

Rồi tám ngày sau, các môn đệ họp nhau trong nhà, có Tôma ở đó, Chúa đã hiện ra với các ông. Chúa Giêsu biết rõ tấm lòng của Tôma, Ngài lặp lại lời ông và mời ông tự làm cuộc trắc nghiệm mà ông đòi hỏi. Bấy giờ, lòng Tôma tuôn trào tình yêu và thờ kính, ông chỉ có thể thốt lên: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” Chúa Giêsu nói với ông: “Tôma ơi, ngươi muốn thấy tận mắt rồi mới chịu tin, nhưng sẽ có lúc người ta chỉ thấy bằng con mắt đức tin và tin nhận. Trong câu chuyện này tâm tính Tôma đã bộc lộ rõ ràng trước mắt chúng ta:

Tôma đã phạm một lỗi lầm. Ông đã vắng mặt trong buổi họp của anh em. Ông tìm sự cô đơn hơn là xum họp. Và vì không có mặt với các bạn nên ông mất cơ hội gặp Chúa Giêsu lúc Ngài hiện ra lần thứ nhất. Chúng ta sẽ bị mất mát nhiều nếu tự tách mình ra khỏi cộng đoàn để tìm cách sống một mình. Nhiều điều có thể xảy ra khi chúng ta cùng ở với nhau trong Hội Thánh Chúa, nhưng sẽ không xảy ra khi chúng ta sống một mình. Khi gặp cảnh đau buồn, chúng ta thường có khuynh hướng muốn đóng cửa lại, nhốt mình riêng một nơi, không muốn gặp ai cả. Nhưng chính những lúc như thế, mặc dù đau buồn, chúng ta nên tìm cách thông hảo với anh em, vì trong sự thông hiệp đó chúng ta có cơ may gặp Chúa.

Nhưng Tôma có hai đức tính lớn.

Ông nhất định không chịu nói là tin khi ông không tin, không bao giờ nói mình hiểu trong khi không hiểu. Ông không hề đè nén sự nghi ngờ. Tôma không thuộc loại người chịu thông qua điều chưa hiểu. Ông muốn biết chắc mọi sự, và thái độ này của ông hoàn toàn đúng. Một người đòi hỏi chắc chắn thì có đức tin vững vàng hơn kẻ chỉ lặp đi lặp lại như con vẹt những điều mình chẳng bao giờ suy nghĩ đến. Chính hoài nghi như thế cuối cùng sẽ đạt đến chỗ tin chắc.

Và khi biết chắc, ông sẽ đi đến cùng

Ông nói: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” Với Tôma không có chuyện nửa vời. Ông nghi ngờ vì muốn trở thành người biết chắc, và khi đã chắc rồi, ông hoàn toàn vâng phục. Khi một con người chiến đấu với nỗi hoài nghi để đi đến chỗ tin Đức Giêsu là Chúa, người ấy đạt được sự chắc chắn mà những người dễ dàng chấp nhận không suy nghĩ sẽ chẳng bao giờ đạt tới được.

Vậy thì cuộc đời còn lại của Tôma (Ga 20,24-29)

Chúng ta không rõ những ngày sau đó điều gì xảy đến cho Tôma. Nhưng có một sách ngoại kinh nhan đề: “Các công việc của Tôma” dựng lại tiểu sử của ông. Dĩ nhiên đây chỉ là truyền thuyết nhưng cũng có phần nào là lịch sử, và trong sách đó, Tôma được mô tả trung thực với tính tình của ông. Sau đây là một phần trong câu chuyện đã được kể lại về ông.

       Sau khi Chúa Giêsu sống lại, các môn đệ phân bổ khu vực rao giảng Phúc Âm, mỗi người đến một nơi nào đó để truyền bá Phúc Âm cho mọi người khắp thế gian đều được nghe. Tôma bắt thăm nhằm xứ Ấn Độ (Giáo Hội thánh Tôma ở miền Nam Ấn truy lai lịch của họ từ Tôma). Thoạt đầu Tôma không chịu đi, ông bảo ông không đủ sức thực hiện một chuyến đi xa đến thế. Ông nói: “Tôi là một nguời Do Thái, làm sao lại có thể đến sống giữa những người Ấn Độ mà rao giảng chân lý cho họ được?”.

Tối đến, Chúa Giêsu hiện đến với ông và phán: “Hỡi Tôma đừng sợ, hãy đến Ấn Độ và giảng ở đó, vì ân sủng Ta ở với ngươi?. Thế nhưng Tôma vẫn ngoan cố từ chối. Ông nói: “Nếu Ngài muốn sai con đi thì sai, nhưng đi nơi nào khác chứ không đến với dân Ấn, con sẽ không đi đâu!”. Bấy giờ có một thương nhân tên Abbanes từ Ấn đến Giêrusalem, ông được nhà vua Gundaphorus sai đi tìm một thợ mộc giỏi đem về Ấn Độ, và Tôma vốn là thợ mộc. Chúa Giêsu đến cùng Abbanes ngồi chơi và hỏi: “Ông có muốn mua một thợ mộc không?” Abbanes đáp “Muốn” Chúa Giêsu nói: “Tôi có một tên nô lệ làm thợ mộc và tôi muốn bán”. Rồi Ngài chỉ Tôma đứng ở đàng xa, họ thuận giá và Tôma bị bán. Tờ bán viết như sau: “Tôi tên là Giêsu, con trai Giuse làm thợ mộc, nhìn nhận có bán tên nô lệ của tôi là Tôma cho ông Abbanes, thương gia của Gundaphorus, vua dân Ấn”.

Sau khi biết xong giấy bán, Chúa Giêsu đi tìm Tôma, đưa ông đến với Abbanes. Abbanes hỏi: “Có phải người đó là chủ của anh không?” Tôma đáp: “Phải!” Abbanes nói: “Tôi đã mua anh từ tay ông ta”. Tôma yên lặng.

Sáng hôm sau, Tôma dậy sớm cầu nguyện, sau đó ông thưa với Chúa Giêsu: “Lạy Chúa Giêsu con xin đi bất cứ nơi nào Ngài muốn, nguyện ý Ngài được nên trọn”. Đó chính là Tôma một người chậm tin, nhưng khi đã tuân phục thì tuân phục hoàn toàn.

Rồi câu chuyện tiếp tục kể rằng vua Gundaphorus ra lệnh cho Tôma xây một cung điện, Tôma tâu rằng ông có đủ khả năng để làm việc ấy. Nhà vua cấp tiền đầy đủ cho ông mua vật liệu và thuê nhân công, nhưng ông đem phân phát hết cho người nghèo. Ông luôn tâu với vua rằng ngôi nhà đang được xây cất, sau đó nhà vua sinh nghi, cho gọi Tôma đến và hỏi: “Ngươi xây cung điện cho ta xong chưa?” Tôma đáp: “Xong rồi!” Nhà vua hỏi: “Vậy bây giờ ta đến xem được chăng?” Ông đáp: “Bây giờ hoàng thượng chưa thể đến xem được, nhưng sau khi lìa bỏ cõi đời này thì hoàng thượng sẽ thấy”. Thoạt đầu nhà vua nổi cơn thịnh nộ và tính mạng Tôma bị đe dọa, nhưng cuối cùng nhà vua lại tin Chúa. Như thế, Tôma đã đem Kitô giáo đến Ấn Độ.

Nơi Tôma có cái gì rất đáng yêu, đáng ngưỡng mộ. Với Tôma, có đức tin không phải là chuyện dễ. Ông không bao giờ sẵn sàng vâng lời ngay. Ông là người muốn biết chắc chắn, ông tính thật kỹ giá phải trả. Một khi đã biết chắc, ông nhất quyết tin và vâng phục cho đến cuối cùng. Đức tin như ông tốt hơn loại đức tin bằng đầu môi chót lưỡi, vâng lời như ông tốt hơn cái gật đầu dễ dãi đồng ý nhận làm một việc gì đó mà không cân nhắc, để rồi sau đó lại rút lại điều mình đã hứa. Đó là một đức tin chúng ta cần học hỏi nơi Tôma.

[1] Anselm Grun, Phục Sinh, thần dược chữa lành nội tâm 93

LM Giuse Đỗ Văn Thụy

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …